Trích ý kiến của ĐBQH Trần Hữu Hậu – Tỉnh Tây Ninh

Thứ Tư 15:14 01-11-2006

Kính thưa Quốc hội.

Luật Quản lý thuế thời gian qua nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp cũng như các cán bộ công chức, ngành thuế, hải quan cả nước, nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau đã được chuyển tải trên các phương tiện thông tin đại chúng trong các cuộc hội thảo và tại các cuộc thảo luận khác nhau của Quốc hội. Tôi không có ý kiến nào mới hay hơn nhưng cũng xin được trình bày đôi điều suy nghĩ trên góc nhìn hạn hẹp của một doanh nghiệp, người trực tiếp chịu sự điều chỉnh của luật này.

Trước hết ai trong chúng ta cũng thấy rất rõ tình trạng gian lận trốn thuế, chây ì, không nộp thuế và phương pháp quản lý thuế hiện nay không chỉ làm thất thu rất lớn cho ngân sách, làm méo mó một công cụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế, mà còn làm vẩn đục môi trường kinh doanh. Người nào, doanh nghiệp nào càng nộp thuế nghiêm túc, càng thiệt thòi, không trốn thuế, không lách thuế thì giá thành cao, mất khả năng cạnh tranh. Dự thảo luật trình ra Quốc hội lần này đã đưa ra được nhiều biện pháp đồng bộ và khá chặt chẽ trong việc chống thất thu thuế, cải cách thủ tục hành chính thuế. Tuy nhiên tôi rất lo ở 3 điều mà tôi cảm thấy luật chưa giải quyết triệt để được đó là:

Thứ nhất, kẽ hở cho việc gian lận thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp nằm ngay trong phương pháp hành thu của chúng tôi. Tôi đã từng chứng minh trước Quốc hội là nếu chúng ta còn để tồn tại song song 3 phương pháp thu thuế là: Thuế khoán, thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp và thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thì Tổng Cục thuế dù có nối mạng toàn quốc vẫn khó mà phát hiện được gian lận. Bởi mọi hoá đơn, chứng từ đều rõ ràng, minh bạch, nhưng hàng hoá thì không đi cùng lộ trình với chúng, mà đi theo cách có thể trốn thuế cao nhất. Không có thời gian để tôi trình bày lại, nhưng có thể nói rằng: mánh khoé này vẫn đang hàng ngày diễn ra ở quanh chúng ta, nhưng tôi chưa hề thấy ai bị phát hiện, xử lý.

Thứ hai, gian lận thuế không chỉ trực tiếp thông qua mua, bán hàng hoá mà còn có những mánh khoé gián tiếp. Ví dụ, doanh nghiệp nâng cao hơn thực tế giá máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ nhập khẩu để đầu tư. Do vậy, giá trị khấu hao cao hơn và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp thấp hơn. Việc đánh giá giá trị thiết bị, dây chuyền công nghệ nhập về đầu tư phục vụ cho việc thu thuế, thu đúng thuế thu nhập doanh nghiệp dường như chưa có ai làm và luật này cũng không hề đề cập đến. Sau khi nước ta gia nhập Tổ chức thương mại thế giới, nếu làn sóng đầu tư trong nước và nước ngoài mạnh mẽ hơn trong dự báo, nếu việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo Luật Đầu tư bị bãi bỏ thì kẽ hở này thực sự đáng lưu tâm.

Xin nói thêm mánh khoé này của một số đối tác nước ngoài khi liên doanh với chúng ta đã giúp cho họ nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư và phần thiệt thòi lớn thuộc về đối tác Việt Nam.
Thứ ba, chuyển giá quốc tế là một mánh khoé gian lận thuế tinh vi mà nhiều lần chúng ta đã đặt ra Quốc hội. Cùng với việc giảm thuế nhập khẩu các vật tư nguyên liệu theo các cam kết quốc tế, mánh khoé này sẽ có thể phát triển mạnh. Dường như chúng ta đang còn rất lúng túng và dự thảo luật dường như chưa có biện pháp đủ mạnh và khả thi để xác định và ngăn chặn mánh khóe này.

Kính thưa Quốc hội, trái với đại biểu Trần Văn Nam đã phát biểu trước tôi, tôi ủng hộ một cách tuyệt đối việc trao chức năng điều tra trốn thuế, gian lận thuế cho cơ quan thuế. Bởi lẽ, ngoài những lý do xác đáng mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu trong bản giải trình, tôi xin nói thêm, điều tra của cơ quan thuế là điều tra hành chính, phù hợp được với doanh nghiệp, tránh được việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Nếu mới chỉ thấy dấu hiệu vi phạm, các cơ quan pháp luật đã can thiệp, sẽ rất có hại cho uy tín của doanh nghiệp và môi trường kinh doanh, nhất là khi thực sự họ không trốn thuế hay gian lận thuế.

Tôi cảm thấy tiếc khi dự thảo lần này bỏ bớt một số biện pháp điều tra thuế, trong đó có những biện pháp theo tôi là cần thiết phải có. Tất nhiên, tôi rất hiểu các ý kiến không đồng tình việc giao chức năng này cho ngành thuế không phải là không có lý. Bởi lẽ không ít công chức thuế và hải quan đã tìm mọi cách để hành doanh nghiệp, để thu lợi bất chính. Ngành thuế và hải quan đã để lại trong doanh nghiệp và cho người dân nhiều hình ảnh xấu, đó là một thực tế đau lòng. Bản thân công ty của chúng tôi đã không ít lần bị hải quan hành, tức điên lên nhưng không làm gì được.

Tuy vậy, tôi cho rằng khi xây dựng luật này cũng như các luật khác, nếu chúng ta lo lắng cho những yếu kém tệ nạn hiện tại, không dám mạnh dạn đưa ra những phương thức quản lý mới đúng đắn hơn, tốt hơn thì khó mà cải tổ và phát triển được. Phương thức quản lý mới của chúng ta phải được xây dựng trên cơ sở sự tin tưởng và tôn trọng cái tốt của số đông và mọi người, mọi tổ chức liên quan phải nâng tầm của mình lên, đáp ứng yêu cầu của khách quan, của công việc. Dĩ nhiên, khi trao quyền lớn như vậy, đòi hỏi Ngành Thuế phải tự nâng mình lên cho ngang tầm về trình độ nghiệp vụ và cơ sở vật chất, kỹ thuật, đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp và tác phong công chức. Bởi lẽ, công việc của Ngành này rất nhạy cảm, rất dễ phát sinh tiêu cực. Đặc biệt, Luật Quản lý thuế của chúng ta phải đưa ra được những biện pháp hữu hiệu, quản lý hoạt động của cơ quan thuế phải có biện pháp, chế tài đủ mạnh dể xử lý nghiêm khắc những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật dưới các dạng khác nhau của công chức thuế và hải quản. Điều này, dường như Dự thảo chưa đạt được trọn vẹn.

Tôi không tìm thấy một điều, khoản nào quy định rằng cơ quan nào, biện pháp nào để kiểm soát hoạt động của cơ quan và công chức quản lý thuế. Phải chăng, các quy định của các văn bản khác đã đủ và phù hợp, không cần phải quy định thêm. Dự thảo Luật dùng tới 9 điều, từ Điều 104 đến Điều 112 để quy định cụ thể, chi tiết về xử lý vi phạm đối với người nộp thuế, nhưng chỉ dùng 2 điều quy định về xử lý vi phạm đối với cơ quan quản lý thuế và công chức thuế. Trong 2 điều này, chỉ thấy nêu cách xử lý với những vi phạm mang tính đơn lẻ của công chức thuế, không thấy nêu xử lý đối với hành vi vi phạm có tổ chức, có sự phối hợp chặt chẽ và mang tính hệ thống của các công chức thuế và hải quan.

Điều 17 về xây dựng lực lượng quản lý thuế cũng không nêu rõ được nội dung này, đây là loại vi phạm đưa đến tác động, tác hại rất lớn về nhiều mặt mà chúng ta đã phát hiện không ít trong thời gian vừa qua. Theo tôi nội dung này cần phải được nghiên cứu và bổ sung.

Kính thưa Quốc hội. Mục d, Khoản 3, Điều 100 về những tài sản không được kê biên ghi rằng "tài sản phục vụ an ninh quốc phòng" đúng là tài sản phục vụ an ninh quốc phòng không thể kê biên, nhưng tài sản phục vụ an ninh quốc phòng là tài sản nào? Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp thuộc lực lượng vũ trang tham gia làm kinh tế , đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta đối với đơn vị này, nhằm khai thác nguồn lực quý báu, phục vụ cho phát triển đất nước, đồng thời các đơn vị này cũng lớn mạnh hơn lên, đáp ứng tốt hơn lực lượng của mình. Chúng ta cũng xác định rõ những đơn vị này phải tuân thủ Nhà nước và Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu không quy định rõ ràng thì sẽ tạo ra mảnh đất tiêu cực phát sinh mà các cơ quan chức năng khó lòng thực thi nhiệm vụ.

Ví dụ việc điều tra trốn thuế, gian lận thuế đối với các doanh nghiệp này thế nào? liệu cơ quan quản lý thuế có bị chặn lại bởi lý do bảo vệ quốc phòng không? liệu cơ quan thuế có bị chặn lại và khi phát hiện trốn thuế, gian lận thuế thì các cơ quan quản lý thuế có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế, kể cả kê biên không, khi mà xét ở góc độ nào đó tài sản của các doanh nghiệp này đang hoặc sẽ phục vụ cho an ninh quốc phòng khi cần thiết.

Cuối cùng, xin đề nghị Ban Soạn thảo rà soát kỹ văn bản vì có thể còn rất nhiều lỗi, có những lỗi đơn giản như: Điều 95, 96, 100, 101,102, 103 đã dẫn chiếu Điều tự học. Trong khi đáng lẽ phải là Điều 94, có những lỗi có thể dẫn đến hiểu sai như: Khoản 3, Điều 9 về quyền hạn của cơ quan thuế ghi: "kiểm tra, thanh tra thuế, điều tra trốn thuế, gian lận thuế" khi đọc lên chúng ta có thể hiểu là: cơ quan quản lý thuế có quyền gian lận thuế. Vì vậy đề nghị thay hai dấu phẩy đầu bằng dấu chấm phẩy, câu này viết thành: "kiểm tra thuế; thanh tra thuế; điều tra trốn thuế, gian lận thuế".

Các văn bản liên quan