Trích ý kiến ĐBQH Tào Hữu Phùng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Ngân sách

Thứ Ba 15:27 15-08-2006

Kính thưa Hội nghị,
Tôi xin phát biểu thêm một số ý kiến ngoài ý kiến các đồng chí phát biểu tôi đồng tình, tôi xin có thêm một số ý kiến:
Về phạm vi điều chỉnh, tôi nhất trí với dự thảo về một số băn khoăn của chị Hoài Thu, tôi xin thay mặt Ban soạn thảo để trình thêm:
Thứ nhất, chị có nói tất cả các khoản lệ phí không thấy hết, nhưng theo tôi chỉ có phí và lệ phí mang tính chất thuế mà do ngành thuế thu thì nó thuộc phạm vị điều chỉnh này. Còn các khoản khác không do ngành thuế, ví dụ lệ phí visa, lệ phí cầu đường thì không ở đây.
Thực ra chị Thu băn khoăn thuế có phải là nguồn thu chủ yếu hay không? Tôi xin khẳng định với chị là hiện nay, lâu dài và trong tương lai dứt khoát lúc nào thuế cũng là nguồn thu chủ yếu. Thuế là nguồn thu chủ yếu từ sản xuất kinh doanh, dịch vụ, đấy là nguồn thu lành mạnh, bất cứ quốc gia nào thuế cũng là nguồn thu chủ yếu, còn các nguồn thu do bán tài nguyên khoáng sản là nguồn thu bất đắc dĩ, không khuyến khích, không lâu dài, lâu dài là phải khai thác tài nguyên rồi chế biến thì đánh thuế vào khâu chế biến. Còn theo chị Thu phải định nghĩa thuế khác đi một chút, thêm một câu nữa đó là khoản thu bắt buộc theo luật định mà người dân phải nộp có thể định nghĩa nó là nguồn thu chủ yếu. Đó là ý thứ hai.
Các đồng chí băn khoăn về Điều 18 đại lý về thuế, báo cáo với các đại biểu Quốc hội chuyên trách, tôi thấy sự cần thiết phải có đại lý này, trong thời buổi cải cách hành chính, tăng cường khuyến khích cho doanh nghiệp tự kê khai, tự nộp thuế và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thì người ta làm đại lý thuế này. Đây tôi sẽ khẳng định là không đồng ý với anh Trân nói là "cò thuế" thì không phải là "cò thuế", đây nó là một doanh nghiệp kinh doanh trong dịch vụ mà gọi là kinh doanh có điều kiện theo Luật Doanh nghiệp, tức là rất chặt chẽ chứ không phải là anh cò thuế.
Thứ hai, nó không thể giúp thông đồng với ngành thuế trốn thuế được vì nó nộp thuế thay người nộp thuế và nó căn cứ theo Hợp đồng dân sự giữa hai bên.
Anh Hồng có nói giả sử nó ôm thuế người ta về nó trốn chạy, người ta hỏi ngân hàng thu của dân bao nhiêu tiền thì ông trốn chạy thế nào, ngân hàng phải hoạt động theo Luật Tín dụng, không tin tưởng thì bao nhiêu người nộp vào kho bạc người ta cũng trốn hết thì làm sao làm được. Nó phải nộp theo Hội đồng dân sự và người nộp thuế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, anh hợp đồng với tôi thì anh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật chứ. Vấn đề kinh doanh thì phải có tư cách pháp nhân, đại lý tôi nghĩ là quyền và trách nhiệm của nó rất đầy đủ. Còn các đồng chí băn khoăn sợ đại lý thuế này làm lộ bí mật của anh doanh nghiệp này thì không phải. Anh là đối tượng nộp thuế thì nó chỉ cung cấp cho đại lý thuế những cái gì không bí mật của nó, còn công khai doanh thu tính thuế, các hàng hóa tính thuế cụ thể thì nó nộp, nộp cái gì bí mật thì nó không đưa ra. Người ta nghĩ phải bảo vệ bí mật cho người nộp thuế theo pháp luật.
Chỉ Khoản 2 của điều này cho phép được thu thuế định kỳ thôi, tôi nghĩ đại lý thuế không thể nào làm lộ bí mật doanh nghiệp được, bí mật kinh doanh, nghiệp vụ kinh doanh, về chi phí, các loại khác, bí mật nhà nghề, thương hiệu của nó nó phải giữ bí mật. Tôi đề nghị trách nhiệm dân sự trước pháp luật của đại lý thuế rất đầy đủ. Tôi có nhiều ý kiến tham gia thêm về Điều 62 trường hợp xóa nợ tiền thuế, tiền phạt. Báo cáo với đại biểu Quốc hội các Luật thuế khác của chúng ta là luật về chính sách, luật này là luật xử lý về những vấn đề cụ thể. Trong quá trình thực thi Luật thuế nảy sinh một vấn đề trong thực tế là những trường hợp bất khả kháng mà không xử lý không được, nhưng nếu chờ Quốc hội chúng ta một năm họp hai lần xử lý thì hơi chậm, những trường hợp bất khả kháng nếu đưa ra Quốc hội thì Quốc hội cũng phải xử lý thôi.
Ví dụ những trường hợp người ta bị phá sản thì xử lý theo Luật phá sản, trường hợp thứ hai người ta chết mất hành vi dân sự, giả sử người ta nợ thuế thì Quốc hội cũng phải xóa thôi, chờ Quốc hội thì lâu không giải quyết được vấn đề. Tôi nghĩ trong trường hợp này thiên tai, hỏa hoạn bất thường mà mình không xử lý cho người ta thì cũng không được. Những trường hợp này tôi nghĩ là bất khả kháng thì miễn giảm thuế thôi, còn quyền của Quốc hội về quyết định chính sách thuế thì đúng rồi, nhưng quyền xử lý những vấn đề cụ thể này thì tùy Quốc hội, Quốc hội giao cho Chính phủ trong 3 trường hợp bất khả kháng này tôi nghĩ không có mâu thuẫn gì cả. Ở đây tôi chỉ có băn khoăn hồi xưa ở Ban soạn thảo tôi thẩm định thì không có ý này, bây giờ các đồng chí thêm Khoản 1 là doanh nghiệp phá sản thì nhất trí rồi, nhưng lại là doanh nghiệp Nhà nước chuyển đổi sở hữu có kết quả kinh doanh thua lỗ. Tôi đề nghị nên bỏ đi hay tách hẳn riêng ra, làm thế này thì cứ khuyến khích kinh doanh thua lỗ cổ phần hóa, khuyến khích những anh làm ăn thua lỗ chuyển đổi sở hữu. Theo tôi không nên đưa trường hợp này vào, tôi đồng ý với anh Minh, lại khuyến khích các doanh nghiệp Nhà nước chuyển đổi sở hữu khi có kết quả lỗ là không được. Có thể nói cách khác là những doanh nghiệp Nhà nước khi thực hiện cổ phẩn hóa đã thực hiện hết mọi nghĩa vụ để nộp thuế nhưng không có nguồn nào nộp thuế cả thì mới rõ. Cứ doanh nghiệp Nhà nước chuyển đổi sở hữu khi có thua lỗ được xóa nợ về thuế thì rất nguy hiểm. Theo tôi chỉ có công nhận doanh nghiệp phá sản sau khi thực hiện Luật phá sản rồi, không còn nguồn nào để nộp thuế nữa thì được xoá. Nợ thuế thì theo tôi nên bỏ, nó sẽ tạo cơ hội khuyến khích người ta nợ khi thua lỗ thì không được.
Về thẩm quyền, tôi đề nghị Quốc hội giao cho Bộ trưởng Bộ Tài chính và Tổng Cục trưởng Tổng cục thuế quy định, không rộng rãi gì được, các vấn đề này Quốc hội giám sát rồi. Điều 64 quy định Bộ trưởng Bộ Tài chính hàng năm phải báo cáo với Quốc hội tổng số tiền xử lý xoá nợ, tiền phạt, tiền thuế trước Quốc hội, có thể thêm như ý kiến của anh Trân là sau khi đã được kiểm toán. Tôi nghĩ là kiểm soát rất chặt rồi, tức là tôi sợ Quốc hội không nên băn khoăn chuyện này mà nên xử lý. Còn anh Đường băn khoăn các luật khác quy định thì như thế nào? Trong Điều 122 về hiệu lực thi hành đã nói rõ bãi bỏ các quy định về quản lý thuế trong các luật khác. Khoản 2, Điều 122 nói rõ bãi bỏ các quy định về quản lý thuế tại các luật thuế, Pháp lệnh thuế, Luật hải quan. Tôi nghĩ cái này sẽ bãi bỏ tất cả những gì quy định về quản lý thuế của luật khác thì nó sẽ không dùng.
Riêng về chương điều tra về thuế, tôi ủng hộ Ban soạn thảo, tôi nghĩ so với trình ra Quốc hội kỳ họp thứ 9 thì ta phải thừa nhận Ban soạn thảo đã cố gắng rất nhiều. Mục 4 các đồng chí thấy đã khẳng định rất rõ, điều tra ở đây là điều tra trốn thuế và gian lận thuế không thể nào nhầm lẫn sang điều tra tố tụng hình sự được, nó khẳng định đây là điều tra hành chính. Và khẳng định rất rõ cả Mục 4 là điều tra trốn thuế, gian lận thuế và quy định trường hợp nào điều tra. Chỉ có một trường hợp thôi là cơ quan quản lý thuế thực hiện điều tra đối với trường hợp trốn thuế, gian lận thuế có tổ chức, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, chỉ thế thôi chứ nó không đụng chạm đến quyền công dân, dân sự, sắp xếp nhà ở, phương tiện gì đâu. Tôi nghĩ trong này các đồng chí đọc kỹ thì tôi thấy là cái này nó phân biệt rất rõ với điều tra tố tụng dân sự, hình sự rồi không thể nào nhầm lẫn được, nói rất rõ phạm vi điều chỉnh như vậy. Riêng mục điều tra tôi thấy rất rõ ràng. Nhưng ở đây tôi thấy có một điều tôi chưa nhất trí với Ban soạn thảo ở Điều 93, Khoản 2 về xử lý kết quả điều tra trốn thuế, gian lận thuế, Khoản 1 tôi nhất trí rồi, Khoản 2 nếu đối tượng điều tra không chấp hành quyết định theo quy định tại Khoản 1 điều này thì cơ quan quản lý thuế thực hiện cưỡng chế thu thuế hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, điều tra gì thì đó là chuyển sang cơ quan điều tra hình sự và theo pháp luật, pháp luật là pháp luật nào? Phải theo pháp luật Tố tụng hình sự, ở đây các đồng chí nói không rõ ràng, chuyển sang cơ quan điều tra, tôi thấy hỏi là điều tra gì, điều tra nào, lại điều tra thuế à? không phải.
Thứ ba, trong trường hợp này nữa là phải có một Khoản 3 nữa là trong khi điều tra thuế, nếu phát hiện có vi phạm hình sự thì chuyển sang cơ quan điều tra hình sự xử lý nó mới kín kẽ, anh phát hiện điều tra nó nghiêm trọng, quá trình điều tra trốn lậu thuế nó có dấu hiệu vi phạm hình sự. Theo tôi nên thêm vào Khoản 3 là trong trường hợp điều tra mà phát hiện ra có sự vi phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về tố tụng dân sự thì chuyển sang cơ quan điều tra tố tụng dân sự thì nó kín kẽ hơn. Còn tất cả về các hiệu lực thi hành tôi rất tán thành và nhiều ý kiến các đồng chí tiếp thu rất nghiêm chỉnh. Còn cái này tôi cũng tán thành với một số đại biểu Quốc hội là Ban soạn thảo đã cố gắng sửa chữa sự bình đẳng giữa cơ quan thu thuế và người nộp thuế ở đây thì chưa bình đẳng. Bởi vì, theo tôi nên bổ sung thêm một số việc xử lý vi phạm của cán bộ thuế vi phạm, xử lý cán bộ thuế thông đồng với người nộp thuế phải mạnh hơn và tách một số điều nói rõ cái đó cho công bằng. Đây các đồng chí có cảm giác là những người đi nộp thuế thì xử lý nghiêm, nhiều quyền và nghĩa vụ hơn, còn anh thu thuế thì nhẹ nhàng hơn. Tôi thấy có điều chỉnh trong 5-6 điều rồi, nhưng nên thêm điều này vào, nhất là xử lý vi phạm.

Các văn bản liên quan