Trích ý kiến ĐBQH Trần Đình Long – Tỉnh Đăk Nông

Thứ Ba 15:26 15-08-2006

Kính thưa Quốc hội,
Về cơ bản, tôi nhất trí với nhiều ý kiến của các vị đại biểu đã phát biểu, những nội dung ở dự thảo, cũng như Báo cáo giải trình. Tôi xin tham gia vào 2 vấn đề. Đó là vấn đề xóa nợ và vấn đề điều tra.
Về xóa nợ, tôi thấy những trường hợp đặt ra được xóa nợ ở trong dự thảo luật này, tôi nhất trí. Trong những trường hợp đó không có cách nào khác là phải xóa nợ thôi, nếu không xóa thì treo mãi trên sổ thuế thì nó cũng chỉ làm khó thôi. Nhưng tôi cũng đề nghị phải xem lại thẩm quyền xóa nợ. Vì ở đây, thứ nhất chỉ có hai người có thẩm quyền đó là Tổng cục trưởng và Bộ trưởng, tôi nghĩ rằng việc xóa nợ này cũng nên phân cấp ở mức 5, 10 triệu, vài chục triệu, cũng nên giao cho cấp tỉnh, bởi nó cũng tương ứng với Luật Ngân sách vì nó là một cấp ngân sách. Tôi nghĩ nó giảm bớt những thủ tục phiền hà, mức tối đa cũng phải khống chế, còn lớn hơn nữa phải trình với cơ quan có thẩm quyền. Bởi tôi nghĩ 500 triệu không phải nhỏ đối với một cá nhân, một hộ sản xuất kinh doanh. Nếu họ đã có mức thuế như vậy thì cũng phải là một hộ kinh doanh nhỏ bình thường. Cho nên cũng cần phải xem lại 500 triệu hay trên 500 triệu.
Tôi đề nghị theo cá nhân tôi, tôi nghĩ rằng ở mức làm Tổng cục trưởng cũng nên ở mức là 100 đến vài trăm triệu thôi, Bộ trưởng cũng đến mức là đến 500 triệu thôi, trên nữa thì phải là Chính phủ và Thủ tướng quyết định. Nếu không, tôi nghĩ mức miễn giảm thuế như thế này nó lớn quá, đó là ý kiến thứ nhất.
Ý thứ hai, điều tra vấn đề thuế và gian lận thuế, tôi thấy đây là một vấn đề hết sức cần thiết, tôi hiểu việc điều tra này không phải là điều tra hình sự. Bởi vì những biện pháp trong quản lý thuế như kiểm tra, thanh tra chưa đủ mạnh để phát hiện hết những gian lận và hành vi trốn thuế. Cho nên, tôi nghĩ việc điều tra là cần thiết.
Như các đại biểu đã nêu, việc bán hàng giá cao, viết hoá đơn thấp, việc bán hàng không có hoá đơn, việc lập sổ sách, chứng từ để khớp với mức thuế mình nộp, vấn đề thông đồng với cán bộ thuế hạ mức doanh thu, mức thuế thấp xuống, những vấn đề móc nối với nhiều tổ chức kinh doanh trong và ngoài nước để trốn thuế.v.v....tất cả những hành vi này tôi nghĩ rằng chỉ dừng lại ở các biện pháp thanh tra, đặc biệt là giới hạn về hoạt động thanh tra thì không đủ để phát hiện được các hành vi trốn thuế và gian lận thuế. Vì vậy tôi nghĩ rằng cần có biện pháp điều tra, do đó điều tra thuế về gian lận thuế là một biện pháp quản lý chứ không phải là điều tra hình sự. Vấn đề đặt ra là đối tượng và phạm vi điều tra như thế nào, căn cứ để điều tra, biện pháp điều tra, trình tự thủ tục điều tra, quyền và nghĩa vụ của cán bộ và cơ quan điều tra, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân về điều tra, cuối cùng là hậu quả pháp lý và xử lý kết quả điều tra. Những vấn đề đó tôi nghĩ trong Mục 4, Chương X đã ghi, nhưng tôi thấy chưa đủ, chưa đủ ở đây là chưa đủ về cơ sở pháp lý để khi thực hiện việc điều tra một cách chặt chẽ, đầy đủ, không vi phạm đến các quyền cơ bản của công dân như là quyền về kinh doanh, quyền về tài sản và những quyền khác, đời riêng, đời tư của người ta.
Do đó tôi nghĩ nếu viết được trong luật này một cách đầy đủ theo yêu cầu bảo đảm các yêu cầu phát hiện kịp thời các đối tượng gian lận thuế và trốn thuế là cơ sở pháp lý bảo đảm cho việc điều tra được thì tốt. Tôi nghĩ thời gian từ nay đến đó chắc có lẽ cũng khó, tôi đề nghị có thể là một cách giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về tổ chức bộ máy, trình tự thủ tục điều tra thuế, tôi nghĩ như thế mới có thể làm được. Nếu viết ngay vào đây chắc cũng phải mất thời gian dài, có khi bố cục của luật thuế này không khéo phần điều tra này chiếm quá nhiều số điều, nội dung trong luật thuế này thì tôi thấy nó không phù hợp. Tôi đồng tình ủng hộ nhưng phải bảo đảm chặt chẽ và nó có hiệu quả thiết thực, cách thể hiện chắc có lẽ cũng phải giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định còn quy định vào đây thì rất khó.
Đi vào cụ thể những vấn đề này tôi xin tham gia mấy ý trong dự thảo có ghi đó là Điều 84. Điều 84 quy định trường hợp điều tra, tôi nghĩ rằng trường hợp điều tra hay đối tượng điều tra. Đối tượng điều tra là những cá nhân, tổ chức có dấu hiệu hành vi là trốn thuế, gian lận thuế là bị điều tra. Hai là những trường hợp điều tra tôi nghĩ là có dấu hiệu chứ chưa khẳng định là đã trốn thuế và dấu hiệu đó như thế nào. Tôi đề nghị thể hiện lại Điều 84 mới xác định được thứ nhất là đối tượng và đối tượng là bất kỳ ai có nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước mà có hành vi trốn thuế, gian lận thuế thì sẽ bị điều tra. Và trường hợp hay nói cách khác là căn cứ để điều tra, đó là dấu hiệu.
Điều 85, Khoản 2 là áp dụng các biện pháp ngăn chặn, ngăn chặn ở đây tôi nghĩ là ngăn chặn hành vi trốn thuế và gian lận thuế chứ không phải ngăn chặn vi phạm hành chính. Ở đây chúng ta chưa làm gì phát sinh hành vi hành chính mà họ lại vi phạm cho nên theo tôi cũng phải nghiên cứu việc đó. Và các biện pháp này tôi thấy chưa đủ mạnh, biện pháp điều tra để bảo đảm điều tra tôi đề nghị cần nghiên cứu đến việc, ví dụ như có kê biên là hàng hóa hay không? Có kê biên tài khoản hay không? có kiểm kê hàng hóa hay không? Có niêm phong tài liệu hay không? Và có tiến hành một số biện pháp khác có biện pháp ngăn chặn để tránh việc tẩu tán tài liệu, che dấu hàng hóa v.v... Tôi nghĩ những biện pháp thì phải có những biện pháp điều tra. Ở đây nói rõ là biện pháp ngăn chặn hành vi trốn thuế và bảo đảm cho việc điều tra thì nó mới phù hợp.
Điều 87, tôi thấy việc điều tra phải được thực hiện chậm nhất 15 ngày, tôi nghĩ đã chuẩn bị mà có quy định điều tra thì chậm nhất 24 đến 48 tiếng là lâu, tiến hành điều tra ngay chứ bây giờ tiến hành điều tra mà chậm nhất 15 ngày tôi nghĩ quá chậm thì không được. Việc đó là việc chuẩn bị kỹ khi đã có quyết định phải tiến hành điều tra ngay và cần thiết phải áp dụng ngay các biện pháp thì mới có thể điều tra được. Còn để 15 ngày sau thì thôi còn gì nữa mà điều tra. Theo tôi nghĩ cũng phải tính.
Điều 89, như tôi đã nói ở trên, ở đây Điểm d, Khoản 1, tức là ban hành quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn để bảo đảm được xử lý về hành chính. Theo tôi nghĩ ở đây, đã xử lý về hành chính là phải vi phạm hành vi hành chính, còn vi phạm về thuế và gian lận thuế thì phải có biện pháp xử lý như thế nào ở đây. Có thể được quy định trong vấn đề về xử lý hành chính đối với vấn đề liên quan này. Điều 93, tôi thấy cần phải phân chia ra các mục, thứ nhất là nói rõ hậu quả xử lý này, một là về trường hợp mà dưới mức xử lý hình sự thì các cơ quan thuế mới tiến hành thu thuế và mức thứ hai là khi đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ, chứ không phải là quyết định truy thu thuế và gian lận thuế cho đến cùng.

Các văn bản liên quan