Trích ý kiến ĐBQH Nguyễn Thị Hoài Thu – Chủ nhiệm Ủy ban về các Vấn đề xã hội

Thứ Ba 15:24 15-08-2006

Kính thưa các đồng chí, tôi nhất trí nhiều ý kiến của các đồng chí đã phát biểu trước tôi, đặc biệt là ý kiến của đồng chí Nguyễn Ngọc Trân.
Trước hết, tôi xin nói hộ ý kiến của đồng chí Tráng A Pao, đồng chí Tráng A Pao cũng không đồng ý Điều 18 về đại lý thuế. Nếu cần thiết thì tổ chức một cơ quan dịch vụ như ý kiến của đồng chí Nguyễn Ngọc Trân, xin đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Điều 18, cả tôi và đồng chí Pao đều thống nhất ý kiến của đồng chí Trân.
Thứ hai, tôi tán thành Quốc hội ban hành Luật quản lý thuế với tên là Luật quản lý thuế, nhưng tôi có một băn khoăn là đọc hết các điều trong này thì cũng chưa thấy được tương lai, tức là người có nghĩa vụ nộp thuế phải nộp đầy đủ thuế cũng như người có trách nhiệm thu thuế phải thu đủ, thu đúng và có nộp đủ vào ngân sách Nhà nước hay không. Đây là điều tôi băn khoăn, khi luật có hiệu lực thi hành. Tôi tán thành điều cuối, điều hiệu lực thi hành là bãi bỏ các quy định về quản lý thuế tại các Luật thuế, Pháp lệnh thuế, Luật hải quan hiện hành. Vấn đề đó tôi đồng ý nhưng cũng đề nghị Chính phủ rà soát tất cả các luật đó để những gì liên quan đến luật này thì bãi bỏ.
Ý thứ ba, trước tiên khi nói về vấn đề này tôi xin báo cáo với Thường vụ và các đồng chí, qua đơn khiếu nại của dân ở một xã tôi ghi được, người ta gửi bản người ta phải đóng trong hồ sơ khiếu nại thì thông báo về việc thu đóng nghĩa vụ ủng hộ năm 2006 như sau:
Một là Pháp lệnh thu đóng góp nghĩa vụ lao động công ích, an ninh quốc phòng.
Hai là theo Quyết định số 48 của Uỷ ban nhân dân tỉnh để đóng góp xây dựng giao thông nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị trên đầu phương tiện xe cơ giới, xe xúc vật trên địa bàn tỉnh.
Ba là thực hiện cuộc vận động xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ bảo trợ trẻ em, vì người nghèo, khuyến học, ủng hộ người cao tuổi, dân phòng, đặc biệt có điều là ủng hộ cán bộ không lương. Đấy là thông báo của xã cho dân trong xã đóng những khoản đó. Trong này có 2 cái có pháp lệnh, tức là lao động công ích và quốc phòng an ninh.
Tôi xin báo cáo với đại biểu Quốc hội để biết là dân mình phải đóng như thế, mà đây là ít, có những cái tôi thu được là đóng nhiều chục khoản khác nữa. Bây giờ nói thuế là gì? Theo tôi Pháp lệnh phí và lệ phí ít ra cũng phải định nghĩa phí là gì? Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ được quy định trong danh mục ban hành kèm theo pháp lệnh này. Đây là Luật quản lý thuế thì phải nói thuế là gì? Không phải thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách là Nhà nước. Nếu nói thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách Nhà nước thì nãy giờ tôi hỏi anh Pao, anh học trường Đảng có nhớ thuế có phải là nguồn thu chủ yếu không? Hay dần dần thuế phải giảm xuống và thu quốc dân phải tăng lên có phải vậy không? Anh Pao nói đúng, tôi cũng nhớ là đúng và ngay bây giờ so với bán tài nguyên dầu thì có phải thuế nó ít hơn nguồn thu về bán tài nguyên hay không? Cho nên, nếu nói thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách Nhà nước thì mục đích của chúng ta hướng tới 5, 10 năm, 20 năm nữa thuế phải càng ngày càng tăng lên. Như thế có đúng nguyên lý không, đúng bây giờ thuế là nguồn thu chủ yếu, tôi cũng thấy rất nhiều tấm bảng nói thuế là nguồn thu chủ yếu. Tôi xin mở đầu Điều 1 là thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách Nhà nước, tôi thấy băn khoăn. Do đó, tôi tán thành vẫn giữ Điều 1 như thế, tất nhiên ý kiến của đồng chí nói rằng không có luật nào người ta nói mục đích của Luật. Ví dụ, nay mai Luật bình đẳng giới nhằm mục đích gì, để nhằm mục đích bình đẳng nam, nữ thì rõ rồi nhưng không ghi trong Luật. Nhưng tôi tán thành ở đây, để được nhưng xin được sửa là thuế và mục đích quản lý thuế, chứ không phải mục đích của quản lý thuế mà thuế và mục đích quản lý thuế. Do đó, phải định nghĩa thuế là gì, giống như định nghĩa phí là gì trong Pháp lệnh này.
Thứ hai, trong đây có bổ sung phạm vi điều chỉnh các khoản thu có tính chất thuế gồm lệ phí trước bạ, phí xăng dầu, lệ phí trước bạ nó nằm ở trong danh mục về lệ phí. Lệ phí quản lý Nhà nước liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản. Số 1 là lệ phí trước bạ, tôi đồng ý rồi bởi vì trong đây có định nghĩa lệ phí là gì. Nhưng trong Điều 19 của pháp lệnh này nói mọi khoản lệ phí thu được đều thuộc ngân sách Nhà nước, vậy tại sao ở đây ta chỉ lấy có lệ phí trước bạ thôi và ta đưa vào đây thì tôi cũng không rõ. Nhưng phí xăng dầu thì không nằm trong này, trong này danh mục phí đầy đủ hết, nhưng không có phí xăng dầu thì mình lại đưa vào đây phí xăng dầu. Tôi muốn hỏi hai việc, một là tại sao trong pháp lệnh này nói rằng tất cả các khoản lệ phí đều thuộc ngân sách Nhà nước, vậy thì mình không đưa hết các thứ lệ phí có tính chất thuế vào trong phần điều chỉnh trong luật này mà mình chỉ đưa lệ phí trước bạ, còn phí xăng dầu được quy định ở đâu và bây giờ thì đưa vào trong phạm vi điều chỉnh của luật này. Đây tôi xin hỏi thôi.
Một ý nữa, tôi thấy trong này rải rác có một vài chỗ cấm, nhưng cấm này thì cấm chữ đậm có nghĩa là mới, ví dụ nghiêm cấm công chức quản lý thuế ở Khoản 3 và vài chỗ nữa có cấm. Tôi xin đề nghị thiết kế riêng một điều cấm ở trong luật này, vì trong luật này dứt khoát phải có điều cấm. Cấm người đóng thuế, cấm người thu thuế, những hành vi nào bị cấm, có cấm thì mới có chế tài xử phạt được, hướng là tôi xin đề nghị thiết kế riêng một điều cấm trong luật này.
Một ý nữa tôi cũng tán thành ý kiến đồng chí Trân là luật này chế định nhiều cho người nộp thuế hơn là người thu thuế và quản lý thuế. Bây giờ quản lý thì phải có công cụ quản lý, không biết công cụ quản lý thuế trong này là gì, tôi đọc chưa kỹ hay tôi không rõ. Bây giờ xin nói chung quanh Điều 16, tôi tán thành ý kiến các đồng chí là bây giờ thuế và hải quan đang thực hiện khoán thu và được quản lý phí, do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định rồi gia hạn. Nhưng ngân hàng, kho bạc bảo hiểm xã hội do Chính phủ quy định về mức đó. Vừa qua, đại biểu Quốc hội quá rành rẽ về vấn đề này rồi. Ý chúng tôi tán thành là nên làm, muốn đảm bảo sự trong sạch cho người trực tiếp cầm tiền thì cũng phải có một khoản bồi dưỡng, ví dụ phụ cấp, ví dụ làm những công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kiểm sát, toà án thì đó gọi là dưỡng liêm, chữ này tôi không thông thạo, nhưng đại khái là để gìn giữ sự trong sạch, vì dính đến tiền bạc, dính đến pháp luật thì đồng ý.
Bây giờ tôi cũng muốn đề nghị là đối với những người trực tiếp thu thuế, cán bộ thuế, những người quản lý thuế thì luật ấn định cho người ta một khoản là bao nhiêu hơn hành chính và sự nghiệp, cán bộ công chức bình thường. Cho nên, ở đây để xây dựng lực lượng quản lý thuế, cần có tiêu chuẩn công chức quản lý thuế, nhưng không nói rõ cái đó thì tôi thấy rằng nên để luật làm hơn là Chính phủ quy định, hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng càng không nên. Cho nên, tôi đề nghị như vậy ở điều nói về cán bộ, công chức thuế. Đó là một số ý kiến tôi chuẩn bị để phát biểu. Xin cám ơn.
Trần Ngọc Đường - Phó Ban công tác lập pháp
Kính thưa các đồng chí Phó Chủ tịch chủ trì Hội nghị.
Thưa các vị đại biểu Quốc hội.
Đối với tôi Dự án Luật này rất mới, bởi vì trong kỳ họp vừa rồi thảo luận ở bên Ba Đình, không có điều kiện để tham gia Luật này. Tuy nhiên từ sáng đến giờ nghiên cứu tôi cũng xin có 3 ý kiến đóng góp, để tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật này.
Ý kiến thứ nhất, tôi rất băn khoăn về tên gọi của Dự án Luật này, tôi nghĩ nếu xét về phương diện khoa học, thì quản lý thuế ở đây, tức là quản lý Nhà nước về thuế. Mà quản lý Nhà nước về thuế thì rất nhiều luật, đặc biệt là Luật về các sắc thuế. Đấy là Luật Quản lý Nhà nước về thuế, một loạt các sắc thuế. Có thể nói gọi đó là Luật về nội dung về thuế. Quản lý Nhà nước bằng pháp luật thì mảng đó rất quan trọng chứ, đấy cũng là pháp luật quản lý Nhà nước về thuế chứ.
Thứ hai là xét về chủ thể quản lý Nhà nước về thuế thì bao gồm từ Bộ Tài chính trở xuống đến Tổng Cục thuế và các Cục, Chi cục thuế ở địa phương, Sở Tài chính các địa phương. Luật này cắt khúc chỉ có một loại chủ thể đó là chủ thể trực tiếp đi thu thuế thì lại đưa vào quản lý thuế. Luật này chủ yếu là điều chỉnh chủ thể đó, chứ còn chủ thể bên trên hoặc những chủ thể quản lý thẩm quyền chung là không có ở đây.
Do vậy, theo tôi thực chất của Luật này đó là Luật Thu và Nộp thuế, chứ không phải là quản lý Nhà nước về thuế mà là thu và nộp thuế. Thu và nộp thuế sẽ có quyền của người thu, người trực tiếp thu, có nghĩa vụ của người trực tiếp thu, có quyền của người nộp, nghĩa vụ người nộp, thủ tục nộp, thủ tục thu, anh nào không thu, không nộp và có biện pháp thanh tra, kiểm tra xử lý hành chính. Đấy là Luật về thu và nộp thuế chứ đâu phải là quản lý thuế, quản lý thuế nhiều thứ lắm chứ không chỉ có quản lý cái này. Thực chất của tất cả các điều luật trong này đó là thu và nộp thuế. Do đó, tôi cho rằng đây là Luật Thu và nộp thuế là rất chính xác, phản ảnh hoàn toàn đầy đủ nội dung của vấn đề, của quan hệ thu và nộp thuế. Đó là ý thứ nhất.
Ý thứ hai, mục đích của dự án luật này không những tạo ra một khuôn khổ pháp lý thống nhất cho việc thu và nộp thuế, thông qua cái này theo tôi còn phải làm cho việc thu và nộp thuế có hiệu lực, hiệu quả, những điều mà mục đích nói, thu và nộp thuế phải có hiệu quả hơn. Muốn thu và nộp thuế có hiệu quả hơn thì luật này phải đề cao trách nhiệm của người thu thuế, mảng trách nhiệm của người thu thuế trong này rất mờ nhạt. Một trong những vấn đề mà các đồng chí phát biểu tôi cho là đúng đó là tình trạng thất thu thuế, không những từ phía người nộp mà còn có biểu hiện tiêu cực từ phía thu. Phải làm sao có những quy định pháp lý đề cao trách nhiệm của người thu chứ không chỉ một phía đề cao trách nhiệm của người nộp. Tôi nói trong điều kiện Nhà nước pháp quyền thì mảng này càng phải quy định chặt chẽ cụ thể hơn, phải tìm ra những lỗ hổng mà lâu nay tạo điều kiện cho người thu thuế lợi dụng sơ hở, pháp luật chưa chặt, phải tìm ra những lỗ hổng đó để mà bịt thì tôi thấy chưa có. Do đó có thể nói những quy định pháp lý nhằm chống tiêu cực, tham ô, tham nhũng, nhũng nhiễu gây khó khăn trong này không có. Nguyên tắc thu thuế như thế nào, nộp thuế như thế nào là những quy định pháp lý rất quan trọng không có. Liên quan đến điều này đồng chí Trân nói rất đúng, tôi đã chuẩn bị phát biểu không có đại lý thu nộp thuế. Nếu có dịch vụ pháp lý về thu nộp thuế thì nó thuộc luật khác quy định, nó thuộc loại hình làm dịch vụ pháp lý. Ví dụ, tôi là người nước ngoài tôi đến tôi hỏi anh Trân là một công ty luật mà làm tư vấn là tôi đầu tư vào lĩnh vực này thì tôi nộp thuế bao nhiêu? Thì ông kia ông ấy bày cho tôi. Đấy là thuộc các công ty luật mà làm nhiệm vụ dịch vụ pháp lý. Không thể có một đại lý thuế đi nộp thay cho người khác để tạo ra môi giới làm cho vấn đề thuế lại càng thêm tiêu cực. Theo tôi không có cái đó.
Thứ hai, mục đích của việc đặt ra dự án luật này không chỉ tạo ra khung pháp lý cho đôi bên là người thu, người nộp làm tốt mà còn phải tạo ra khung pháp lý để bịt những lỗ hổng, chống lại những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, nhũng nhiễu trong việc thu thuế từ phía cơ quan và cá nhân có thẩm quyền trong việc thu thuế. Ý chung thứ ba, đây là một đạo luật mà có thể nói liên quan đến rất nhiều đạo luật. Liên quan trước hết là liên quan về các sắc thuế, thưa các đồng chí liên quan đến các sắc thuế thì các sắc thuế quy định rất cụ thể. Tôi ví dụ Luật thuế tiêu thụ đặc biệt cuối năm 2003 vừa mới thông qua về các quy định nộp thuế tiêu thụ đặc biệt còn cụ thể hơn trong này. Ví dụ người ta nói đến thời hạn nộp thuế, rồi người ta ghi rõ quyết toán nộp thuế như thế nào, hoàn thuế như thế nào còn cụ thể hơn trong này. Vậy thì giải quyết mối quan hệ giữa các quy định của sắc thuế với những quy định trong này như thế nào để khỏi mâu thuẫn, khỏi thừa và khỏi trùng lắp. Tôi thấy có những cái cụ thể hơn mà trong này không có, trong này có quy định 5 ngày nếu cơ sở phá sản thì phải đến báo và nộp thuế v.v... Trong thuế tiêu thụ đặc biệt thì hoàn thuế thế nào? Nộp thuế ở đâu? Nộp như thế nào? Trong này đã quy định rõ rồi. Bây giờ trong này cũng quy định những cái đó thì quy định như thế nào là vừa.
Luật này lại liên quan đến Luật hành chính, rồi xử phạt hành chính và những thủ tục hành chính về việc khám xét tại chỗ như thế nào. Trong này quy định nếu như không nộp thuế, có dấu hiệu vi phạm pháp luật làm thế nào phải phù hợp với những quy định pháp lý về Luật hành chính. Liên quan đến Luật tố tụng hình sự, ở đây có chương về điều tra, theo tôi chủ trương của Đảng ta, nghị quyết của Đảng ta đã nói rằng phải thu gọn đầu mối điều tra. Bởi vì điều tra bây giờ nó nằm ở nhiều cơ quan quá. Tuy nhiên, vẫn cho phép một số cơ quan như kiểm lâm, hải quan, cảnh sát biển và bây giờ thuế có chức năng điều tra, theo tôi chỉ điều tra ban đầu, rồi sau đó phát hiện có dấu hiệu thì chuyển cho cơ quan điều tra có thẩm quyền tố tụng, đến cơ quan công an chứ không làm sâu về một vụ án. Trong này quy định quá sâu chỉ như kiểm lâm, điều tra ban đầu phát hiện có dấu hiệu tội phạm chuyển cho cơ quan điều tra chỉ dừng đến đó chứ không đi sâu. Như thế phù hợp với đường lối của Đảng, chủ trương của Đảng thu gọn đầu mối chứ không làm điều tra từ đầu đến cuối như trong này quy định. Đấy là tôi có một vài ý kiến đóng góp thêm.

Các văn bản liên quan