Trích ý kiến ĐBQH Nguyễn Ngọc Trân – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại

Thứ Ba 15:21 15-08-2006

Kính thưa Hội nghị.
Tôi xin phát biểu một số ý kiến sau đây:
Trước hết tôi ghi nhận Ban soạn thảo cùng với Ủy ban kinh tế ngân sách đã tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã phát biểu trong kỳ họp. Tuy nhiên tôi thấy còn một số nội dung mà Quốc hội đã thảo luận rất nhiều, nhưng xử lý tiếp thu còn có mức độ.
Trước nhất, tôi nhớ rất rõ đại biểu Quốc hội đã phát biểu Luật này nó liên quan vừa tới người nộp thuế mà vừa tới người quản lý thuế, người thu thuế. Nhưng nó có một sự mất cân đối giữa những gì đòi hỏi ở người nộp thuế thì nhiều, nhưng đòi hỏi ở cơ quan quản lý thuế thì lại chưa tương xứng. Ví dụ: Ở Chương XII, xử lý vi phạm, tôi sẽ trở lại.
Thứ hai, khác với những luật khác, thì luật này không có nguyên tắc về quản lý thuế. Tôi đề nghị nên có một điều nói về nguyên tắc quản lý thuế, mà ít nhất có hai nội dung. Một là công khai minh bạch và bình đẳng. Không công khai, không minh bạch thì chúng ta còn thất thu thuế, còn móc ngoặc và còn trốn thuế.
Hai nữa là bình đẳng thì bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và bình đẳng giữa người nộp thuế và người quản lý thuế. Nếu mà tôi có trách nhiệm nộp thuế như thế này, không có trách nhiệm, không nộp thuế thì tôi bị xử lý như thế này, thì người quản lý thuế, tôi nghĩ cũng phải có trách nhiệm như vậy bình đẳng.
Thứ hai nữa là công tác thu thuế và nộp thuế là một công việc cần trực tiếp giữa công dân và cơ quan quản lý thuế, không qua trung gian. Điều này là một điều, một nguyên tắc trong ngân sách Nhà nước. Nguyên tắc là trực tiếp giữa người nộp thuế và cơ quan thu thuế, quản lý thuế. Tất nhiên còn có nguyên tắc khác mà tôi đề nghị đại biểu Quốc hội tiếp tục bổ sung thêm, nhưng ít nhất có hai nguyên tắc cơ bản này.
Vấn đề thứ hai, vừa là câu hỏi mà vừa là đề nghị. Sau khi có Luật này ra đời, việc mà khoán quỹ lương theo khoán thu của Ngành Thuế và Hải quan có chấm dứt hay không? Hiện nay chắc đại biểu Quốc hội còn nhớ, Ngành Thuế và Ngành Hải quan được xin thí điểm khoán lương theo khoán thu, Thuế và Hải quan cũng vậy. Và điều này đã dẫn tới một điều mà tôi xin chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng, cho thấy là theo báo cáo của đồng chí Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng là lương của công chức hải quan và công chức thuế bằng gần 1,3 lương của viên chức Nhà nước bình thường, trên khoản tiền tăng thêm này là lấy từ ngân sách Nhà nước. Phần thu được từ thuế và thu được từ hải quan là không ghi chi và không ghi thu trong kiểm toán Nhà nước như kiểm toán Nhà nước đã nói.
Tôi đề nghị khi có luật này rồi, thì chúng ta chấm dứt chuyện khoán lương của hải quan và thuế theo khoán thu của thuế và hải quan. Tôi xin mở dấu ngoặc, chính từ ở chỗ này mà đại biểu Quốc hội đã hỏi Điều 16 về vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ thuế và hải quan có cái gì đặc biệt hay không, nếu không có gì đặc biệt thì hưởng lương như viên chức Nhà nước bình thường. Cũng xin nói với các đồng chí là khi Hà Nội sụt hạng trong khả năng cạnh tranh, kết quả điều tra của dự án nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam cùng với phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam điều tra, tôi xin đọc một kết quả như thế này: một kết quả khá bất ngờ là 74,73% doanh nghiệp được hỏi đã xác định có thương lượng và chấp nhận ăn chia với cán bộ thuế để giảm bớt nghĩa vụ thuế, sự gian lận này được coi là phần thiết yếu trong hoạt động kinh doanh, cả cán bộ thuế và doanh nghiệp đều có lợi từ việc làm này, đấy là kết quả của điều tra tại Hà Nội về vấn đề thu thuế. Tôi nghĩ mình có tiền lương thêm rồi cho cán bộ thuế theo thí điểm, nhưng vẫn không chấm dứt tiêu cực, ăn lương, ăn trên ngân sách Nhà nước. Tôi nghĩ đề nghị chấm dứt khi có luật này ban hành rồi thì chấm dứt việc thí điểm đó.
Vấn đề thứ ba, Điều 18 đại lý thuế, tôi chưa thoả mãn với giải trình của Ban soạn thảo và của Uỷ ban Kinh tế ngân sách. Tôi nghĩ nếu có cần giữ lại thì gọi nó là kinh doanh dịch vụ tư vấn về thuế, chứ không thể gọi là đại lý thuế. Đại lý thuế là anh có tham gia vào vấn đề tiền, không đóng thì cũng thu cũng nộp, hay nói một cách dân gian đây là cò thuế mà đã cò thuế rồi thì sẽ ăn chia mà ăn chia trên đâu, nguồn thu của họ từ đâu, chắc chắn nguồn thu của họ một phần từ người nhờ dịch vụ đó, nhưng thứ hai ăn chia từ chuyện giảm thuế, miễn thuế. Có nghĩa là họ chạy để được miễn thuế và chia ra một là giữa cán bộ thuế, hai là giữa họ và ba là giữa người nộp thuế, nghĩa là trên lưng của ngân sách Nhà nước. Tôi cho đây là một sự tiêu cực mà tiêu cực này ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước thay vì làm giàu cho ngân sách Nhà nước.
Thứ hai, trái với nguyên tắc là thêm một tầng lớp trung gian giữa cơ quan thu thuế và người nộp thuế. Nó trái với nguyên tắc bí mật thông tin của người nộp thuế như đã nói bên trên, Điều 8 trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế giữ bí mật thông tin về người nộp thuế theo quy định của luật này. Nhưng trong nghĩa vụ của Điều 18 điểm 3 là được lưu giữ hồ sơ liên quan đến khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế, miễn giảm thuế và hoãn thuế. Tôi không biết ở Điểm b và Điểm c của Khoản 3, Điều 18 là của ai khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế của người nộp thuế mà đòi hỏi dịch vụ đó, ký hợp đồng để được dịch vụ đó hay là của ai. Nếu họ tham gia vào chuyện này thì bí mật về thông tin của người nộp thuế hoàn toàn là vô hiệu hóa. Cơ quan đại lý thuế này được chiếm giữ một phần kho tư liệu về người nộp thuế của Nhà nước và cái này nó chạy đi đâu, họ bán thông tin này đi đâu, ai mà biết được. Có nghĩa là vô hiệu hóa nguyên tắc giữ bí mật thông tin về người nộp thuế.
Tôi đã nói khi nãy đại lý thuế này sống bằng gì, chắc chắn họ sống từ dịch vụ khai thuế giúp cho những người nộp thuế. Tôi nghĩ chỗ này chính là chỗ dẫn tới tiêu cực trong cơ quan thuế, cho nên ý kiến của riêng tôi là tôi đề nghị không có cơ quan đại lý thuế theo nội dung của Điều 18. Nếu cần có để giúp cho người nộp thuế thì có cơ quan, có một kinh doanh hay có doanh nghiệp về dịch vụ tư vấn về thuế, chứ không phải là đại lý thuế.
Điều 64 là thẩm quyền xóa nợ, tôi đồng ý trên nguyên tắc có những gì đồng chí Hoàng Văn Minh đã phát biểu, nếu Ban soạn thảo và Ủy ban kinh tế ngân sách mà quyết định giữ cái này, tôi đề nghị ở Khoản 2 của Điều 64 có tiếp thu: hàng năm Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội số tiền thuế, tiền phạt đã được xóa, sau khi đã được kiểm toán, chứ không phải Bộ Tài chính quyết định rồi chỉ thông báo cho Quốc hội. Chuyện số tiền thuế mà tiền phạt đã được xóa phải được kiểm toán để tránh chủ quan của Bộ trưởng Bộ Tài chính nếu có. Ý kiến cuối cùng là Chương XII, Chương XII rõ ràng có mức cân đối rất rõ khi người nộp thuế mà vi phạm thì có rất nhiều chế tài, nhưng khi cơ quan quản lý thuế hay công chức ngành thuế vi phạm thì rõ ràng những chế tài không tương xứng chút nào trong Chương XII này. Tôi đề nghị nên thiết kế lại để thể hiện được sự đối xứng, không phải đối xứng toán học 50:50, nhưng cũng phải rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế và cán bộ thuế trong vấn đề để thất thoát, ăn chia trên lưng của ngân sách Nhà nước

Các văn bản liên quan