VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08/2021/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với đối tượng thanh tra, giám sát ngân hàng
Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Trả lời Công văn số 4139/NHNN-TTGSNH ngày 30/5/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với đối tượng thanh tra, giám sát ngân hàng (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
- Mối quan hệ giữa kiểm tra và thanh tra
Dự thảo quy định về hoạt động kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước với các đối tượng thanh tra, giám sát ngân hàng. Tuy nhiên, ngoài hoạt động này, các doanh nghiệp là đối tượng thanh tra, giám sát ngân hàng còn có thể bị kiểm tra của cơ quan nhà nước khác hoặc thanh tra. Để đảm bảo hoạt động thanh kiểm tra không gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nguyên tắc hoạt động kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước cần đảm bảo không chồng chéo, trùng lặp với hoạt động kiểm tra của cơ quan nhà nước khác và hoạt động thanh tra tại Điều 5 Dự thảo.
- Hình thức kiểm tra
Điều 6 Dự thảo quy định về hình thức kiểm tra. Quy định này cần được xem xét ở một số điểm sau:
– Điều 6.1 Dự thảo quy định về các nội dung của văn bản yêu cầu kiểm tra theo hình thức báo cáo. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung hình thức gửi báo cáo để doanh nghiệp nắm bắt và thực hiện rõ ràng, chính xác.
– Điều 6.2 Dự thảo quy định về nội dung văn bản yêu cầu làm việc với đối tượng kiểm tra. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung mục đích kiểm tra, phạm vi kiểm tra để doanh nghiệp có thể chuẩn bị phù hợp cho cuộc kiểm tra.
– Điều 6.2 Dự thảo quy định về việc đơn vị kiểm tra có thể yêu cầu cung cấp trước thông tin, tài liệu. Để đảm bảo tính rõ ràng, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thời gian thông báo tối thiểu của việc yêu cầu cung cấp trước thông tin, tài liệu.
- Kế hoạch kiểm tra hàng năm
Điều 8.4 Dự thảo quy định thời điểm gửi kế hoạch kiểm tra. Để đảm bảo tính công khai, minh bạch của kế hoạch kiểm tra hàng năm, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định (i) đăng tải công khai Kế hoạch kiểm tra hàng năm trên website của Ngân hàng Nhà nước; (ii) gửi cho đối tượng kiểm tra và đăng công khai nếu được sửa đổi, bổ sung.
Ngoài ra, Điều 8.3 Dự thảo quy định về các nội dung tối thiểu của kế hoạch kiểm tra hàng năm. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung về hình thức kiểm tra để phù hợp với cách thiết kế nhiều hình thức kiểm tra tại Điều 6 Dự thảo.
- Kiểm tra đột xuất
Điều 9 Dự thảo quy định về căn cứ kiểm tra đột xuất là cơ sở yêu cầu quản lý và tình hình thực tế. Đề nghị cơ quan soạn thảo sửa lại quy định theo hướng chỉ khi nào thông tin phát hiện thông qua quản lý, giám sát cho thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì mới là căn cứ để kiểm tra đột xuất.
- Quyết định kiểm tra
Điều 10 Dự thảo quy định về quyết định kiểm tra và kế hoạch kiểm tra. Quy định này cần được xem xét ở một số nội dung sau:
Thứ nhất, Điều 10.2 Dự thảo quy định thời hạn tối thiểu gửi quyết định kiểm tra theo kế hoạch kiểm tra hàng năm cho đối tượng kiểm tra là 01 ngày. Theo phản ánh doanh nghiệp, thời hạn thông báo này là quá ngắn, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc chuẩn bị làm việc với đoàn kiểm tra. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ phải sắp xếp lịch tiếp đón và chuẩn bị nội dung kiểm tra khi nhận được quyết định kiểm tra. Nếu thời gian từ khi nhận được quyết định kiểm tra quá ngắn, doanh nghiệp sẽ phải huỷ các kế hoạch công tác, gặp gỡ đối tác khác, đồng thời phải bố trí lại các công việc khác. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng thời hạn tối thiểu gửi quyết định kiểm tra theo kế hoạch kiểm tra hàng năm cho đối tượng kiểm tra là 05 ngày.
Thứ hai, Điều 10 Dự thảo không có quy định về quyết định kiểm tra trong trường hợp kiểm tra đột xuất. Quy định như vậy có nguy cơ tạo ra sự tuỳ tiện và lạm dụng quyền lực với các trường hợp kiểm tra đột xuất. Xem xét quy định với hoạt động thanh tra, Điều 60 Luật Thanh tra yêu cầu việc thanh tra đột xuất cũng phải có quyết định thanh tra, và phải được gửi và công bố trước khi tiến hành tranh tra. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về quyết định kiểm tra trong trường hợp kiểm tra đột xuất.
Trong trường hợp này, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định phải ghi rõ nội dung làm căn cứ kiểm tra trong quyết định kiểm tra. Theo phản ánh của doanh nghiệp với các hoạt động thanh kiểm tra, quyết định chỉ ghi căn cứ rất chung chung là “có dấu hiệu vi phạm pháp luật” hoặc “phản ánh, kiến nghị” nhưng không rõ là dấu hiệu gì, nội dung phản ánh, kiến nghị là gì. Điều này chưa thực sự minh bạch cho đối tượng kiểm tra vì họ không được biết mình đã làm sai ở đâu.
Thứ ba, Điều 10.2 Dự thảo quy định về nội dung quyết định kiểm tra. Để thuận tiện cho doanh nghiệp trong việc bố trí lịch làm việc, phù hợp với quy định về thời hạn kiểm tra tại Điều 7 Dự thảo, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung thời hạn của cuộc kiểm tra.
- Kết luận kiểm tra
Điều 13.1 Dự thảo quy định việc ban hành kết luận kiểm tra được ban hành tuỳ theo tính chất, mức độ của kết quả kiểm tra đã được phê duyệt tại báo cáo kết quả kiểm tra. Tuy nhiên, quy định này là không rõ ràng ở điểm mức độ, tính chất ảnh hưởng như thế nào đến việc ban hành kết luận kiểm tra? Trường hợp nào ban hành, trường hợp nào không? Quy định như vậy có thể tạo ra sự tuỳ tiện cho cơ quan kiểm tra, trong khi đó tình huống báo cáo kết quả kiểm tra không phải gửi cho đối tượng kiểm tra. Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ nội dung này.
- Theo dõi, khắc phục sau kiểm tra
Điều 15 Dự thảo quy định về việc theo dõi việc thực hiện các biện pháp xử lý sau kiểm tra. Tuy nhiên, Dự thảo chưa có quy định về việc xác nhận sau khi đối tượng kiểm tra đã khắc phục xong. Do vậy, để có căn cứ xác nhận hoàn thành việc khắc phục và đảm bảo cho doanh nghiệp khi kinh doanh, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về việc ra văn bản chấp thuận việc kết thúc theo dõi, khắc phục và gửi đối tượng kiểm tra.
- Quyền của đối tượng kiểm tra
Điều 17.2 Dự thảo quy định về quyền và trách nhiệm của đối tượng kiểm tra. Để đảm bảo quyền của các đối tượng kiểm tra, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung một số các quyền sau: (i) quyền khiếu nại về quyết định, hành vi của người tiến hành kiểm tra trong quá trình kiểm tra; (ii) quyền có ý kiến với các nội dung liên quan đến biện pháp kiến nghị và thời gian thực hiện trong kết luận kiểm tra.
- Các vấn đề khác liên quan đến cuộc kiểm tra
Dự thảo đã có các quy định tương đối đầy đủ để điều chỉnh hoạt động kiểm tra. Tuy nhiên, thực tế, một số hoạt động có thể chưa được quy định hoặc chưa được dự liệu mà có thể phát sinh trong thực tế, chẳng hạn, thu thập thông tin tài liệu liên quan; kiểm tra xác minh thông tin, tài liệu; niêm phong tài liệu; kiểm kê tài sản; trưng cầu giám định; đình chỉ hành vi vi phạm; tạm giữ tài sản, giấy tờ; yêu cầu phong toả tài khoản… Mặt khác, việc quy định các nội dung này có thể khiến Dự thảo trở nên quá dài và không cần thiết. Trong khi đó, Luật Thanh tra đã có đầy đủ các quy định điều chỉnh các vấn đề trên. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng trong trường hợp nội dung nào chưa được quy định trong văn bản này thì áp dụng theo các quy định tương tự của Luật Thanh tra.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với đối tượng thanh tra, giám sát ngân hàng. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.