Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam góp ý Nghị định về chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc

Thứ Ba 09:31 20-06-2006
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam được tham gia khảo sát các doanh nghiệp bảo hiểm và một số đối tượng cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao tại Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai với Vụ Bảo hiểm (Bộ Tài chính), Cục Cảnh sát PCCC và Vụ Pháp chế (Bộ Công an) đồng thời tổ chức nhiều cuộc hội thảo, đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định. Dự thảo 21 có nhiều vấn đề mới so với trước đây và cơ bản đã khắc phục được tồn tại của Điều 9 Luật PCCC về “thành lập doanh nghiệp nhà nước kinh doanh bảo hiểm cháy nổ” chưa phù hợp với quá trình cổ phần hoá, hội nhập quốc tế.

Đóng góp cho Dự thảo 21, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam xin có ý kiến như sau:


1.  Việc ban hành Nghị định là cần thiết thực hiện vấn đề đã được quy định tại 2 Luật là Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật PCCC, cần có sự  quản lý nhà nước của Chính phủ, các Bộ liên quan trong đó chủ yếu là Bộ Tài chính, Bộ Công an. Các cơ sở có nguy hiểm cháy nổ cao không những đe doạ đến tính mạng của con người, tài sản tại cơ sở đó mà còn có thể gây thiệt hại ra khu vực lân cận khi cháy nổ lây lan, ảnh hưởng đến lợi ích công cộng và an toàn xã hội.

2.   Chúng tôi chưa nhất trí ý kiến cho rằng “Bảo hiểm con người khi xảy ra cháy nổ thuộc loại bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm cá nhân…” như tờ trình của Bộ Công an đã nêu. Những loại bảo hiểm này là tự nguyện mà đa số là cá nhân mua bảo hiểm cho bản thân mình hoặc người thân của mình. Một số cơ sở kinh doanh dịch vụ hoặc cơ sở sản xuất có nhiều người là khách hàng, là nhân viên luôn bị nguy cơ cháy nổ đe doạ như vũ trường, khách sạn, nhà hàng, rạp chiếu bóng biểu diễn, hội chợ… chủ cơ sở phải chịu trách nhiệm về tính mạng con người có mặt tại đó nếu xảy ra thiệt hại do cháy nổ gây ra. Vì vậy họ phải có nghĩa vụ mua bảo hiểm, ví dụ như vụ cháy Trung tâm Thương mại Sài Gòn là điển hình. Nếu Luật PCCC chưa nêu vấn đề này thì có thể trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung để đưa vào Nghị định này.

3.  Chúng tôi không nhất trí với tờ trình Chính phủ của Bộ Công an về việc DNBH có trách nhiệm trích 10% từ số tiền bán bảo hiểm để đóng góp kinh phí cho các hoạt động phòng cháy và chữa cháy bởi các lý do sau:

-         DNBH cũng như các DN khác và người dân có nghĩa vụ tài chính duy nhất với nhà nước là đóng đủ thuế, nguồn thu ngân sách chủ yếu để nhà nước duy trì hoạt động của Bộ máy nhà nước, các hoạt động công ích (trong đó có PCCC) và đầu tư phát triển xã hội.

-         Hoạt động PCCC trong đó có hoạt động của hệ thống cảnh sát PCCC đã được Ngân sách Nhà nước phân bổ kinh phí hàng năm, tất nhiên là không thể đáp ứng nhu cầu hiện đại hoá lực lượng cảnh sát PCCC ngay lập tức được khi mà đất nước còn nghèo, Ngân sách chưa đủ mạnh, nhưng không phải vì nóng vội cần hiện đại hoá ngay mà phân bổ số thiếu hụt này bằng nguồn thu bổ sung (kinh phí PCCC)

-         Hoạt động PCCC ngoài chi phí cho lực lượng cảnh sát PCCC từ Ngân sách Nhà nước ra hiện nay còn huy động nguồn lực từ dân rất nhiều. Đó là các cơ sở phải tự trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy đảm bảo theo yêu cầu của cảnh sát PCCC với số tiền có thể lên tới 5% - 10% trị giá công trình xây dựng, duy trì trợ cấp đào tạo cho đội ngũ PCCC, diễn tập, kiểm tra PCCC hàng năm,

-         Luật Kinh doanh Bảo hiểm (NĐ 42, 43, Thông tư 98,99) quy định doanh nghiệp bảo hiểm  chỉ được trình lập quỹ chi phí đề phòng hạn chế tổn thất 2% trên tổng phí bảo hiểm, nếu nộp 10% chắc chắn DNBH phải lấy thêm 8% từ lợi nhuận sau thuế để đóng góp chi kinh phí PCCC.

4. Khi đã thu kinh phí hoạt động PCCC thì phải có nghĩa vụ của cơ quan cảnh sát PCCC gắn liền với kết quả thực tế tương xứng. Xong rất tiếc trong dự thảo NĐ chưa nói rõ vấn đề này. Vậy chúng tôi đề nghị bổ sung vào Nghị định như sau:

-         Đối tượng áp dụng (Điều 2) có cả cơ sở Cảnh sát PCCC từ trung ương tới địa phương,

-         Quyền lợi của bên mua bảo hiểm (Điều 13) được yêu cầu cơ quan cảnh sát PCCC làm việc mẫn cán (với đây đủ trang thiết bị hiện có, số người có nghiệp vụ tổ chức, có tinh thần trách nhiệm cao) ngay sau khi nhận được thông báo cháy xảy ra,

-         Được quyền khởi kiện nếu lực lượng cảnh sát PCCC không làm việc mẫn cán khi chữa cháy làm tăng tổn thất do cháy nổ gây ra,

-         Nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm (Điều 14) thông báo kịp thời khi có cơ sở xảy ra cháy nổ tới cơ quan cảnh sát PCCC gần nhất,

-         Quyền của doanh nghiệp bảo hiểm (Điều 15) được yêu cầu lực lượng cảnh sát PCCC bồi thường những thiệt hại do sự thiếu mẫn cán trong khi chữa cháy gây ra,

-         Bổ sung thêm quyền và nghĩa vụ của cảnh sát PCCC.

5.  Bảo hiểm cháy nổ là một trong những sản phẩm bảo hiểm nên quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm có tính chất linh hoạt.

-         Giảm bớt điều khoản bảo hiểm hoặc tăng thêm điều khoản loại trừ hoặc tăng mức khấu trừ bồi thường đều dẫn đến hạ phí  bảo hiểm

-         Tăng thêm điều khoản bảo hiểm hoặc giảm bớt điều khoản loại trừ hoặc giảm mức khấu trừ bồi thường đều dẫn đến tăng phí bảo hiểm

-         Nhiều cơ sở tham gia bảo hiểm muốn được bảo hiểm với điều kiện bảo hiểm mọi rủi ro (bao gồm cháy nổ + thiên tai + trộm cắp…).

Vì vậy việc đưa một số nội dung quy tắc điều khoản biểu phí bảo hiểm vào dự thảo nghị định sẽ làm cho nghị định luôn phải được sửa đổi bổ sung phù hợp với thị trường bảo hiểm trong nước và quốc tế.

Một số công trình được bảo hiểm với giá trị lớn trong khi đó doanh nghiệp bảo hiểm có tiềm năng kinh tế mạnh chỉ giám giữ lại giá trị bảo hiểm ở mức 500000 USD còn lại phải tái bảo hiểm cho các doanh nghiệp bảo hiểm trong và ngoài nước. Điều này còn nói nên rằng quy tắc, điều khoản, điều kiện và phí bảo hiểm cháy nổ của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam tương đối đồng nhất với các DNBH nhận tái bảo hiểm trong nước và quốc tế (có như vậy hợp đồng bảo hiểm gốc mới có nội dung cơ bản giống như hợp đồng tái bảo hiểm vể quy tắc, điều khoản, điều kiện biểu phí bảo hiểm theo mẫu đơn bảo hiểm quốc tế).

Có một số rủi ro thông thường trong bảo hiểm hoả hoạn trên thế giới như binh biến, hoả hoạn, nổi loạn, đảo chính… Thực tế ở Việt Nam không thể có rủi ro này nhưng nếu không đưa vào quy tắc điều khoản bảo hiểm (phần loại trừ) thì các nhà nhận tái bảo hiểm sẽ coi là chúng được bảo hiểm, sẽ tăng phí bảo hiểm.
Chính vì vậy không nên đưa một số nội dung về quy tắc điều khoản biểu phí bảo hiểm vào trong NĐCP. Tuân thủ theo Luật Kinh doanh Bảo hiểm - Điều 121 khoản 2 “Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm” và NĐ 42/2001/NĐ_CP điều 18 khoản 1 “Bộ Tài chính ban hành các quy tắc điều khoản bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với từng loại bảo hiểm bắt buộc”. Chúng tôi đề nghị những nội dung này nên để Bộ Tài chính ban hành Quyết định về Ban hành quy tắc điều khoản biểu phí bảo hiểm bắt buộc cháy nổ.

6.  Chúng tôi đề nghị không nên đưa các vấn đề sau đây vào Nghị đinh.

-         Hợp đồng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc (Điều 9) vì toàn bộ nội dung này đã được quy định tại luật kinh doanh bảo hiểm chương II hợp đồng bảo hiểm và NĐ 42 Hướng dẫn Luật Kinh doanh Bảo hiểm, mục 3 hợp đồng bảo hiểm tài sản, thậm chí những quy định này còn đầy đủ chi tiết hơn dự thảo nghị định.

-         Loại trừ bảo hiểm (Điều 10) vì đây là sự sao chụp đơn bảo hiểm (hợp đồng bảo hiểm) về điều khoản bảo hiểm. Vấn đề này chỉ nên đưa ra khi ban hành quyết định về Quy tắc điều khoản, biểu phí bảo hiểm như đã trình bày ở trên.

7.  Thu kinh phí cho các hoạt động PCCC (Điều 17), không nên coi nguồn thu này là nguồn thu bổ sung ngoài ngân sách cho hoạt động PCCC. Nếu được thu thì phải coi đây là một khoản phí, lệ phí phải được công khai về thu chi trước những người đóng góp kinh phí. Việc liệt kê các khoản mục chi từ nguồn kinh phí trên (khoản 2 từ a đến e) chúng tôi cho rằng quá tham và khó có thể kiểm soát nổi. Theo  chúng tôi chỉ nên tập trung chi vào tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát PCCC nhất là thiết bị chuyên dùng hiện đại, không chi vào tuyên truyền, hội thảo, hội thi, đào tạo nghiên cứu, khen thưởng vì khó có định mức và khó kiểm soát.

Nếu nguồn kinh phí thu từ DNBH thì chỉ có thể trích từ quỹ đề phòng hạn chế tổn thất cho phép là 2% doanh thu phí bảo hiểm, trong đó cho lực lượng cảnh sát PCCC là 1%, cho cơ sở tham gia bảo hiểm để PCCC là 1%.

Nếu thu từ các cơ sở tham gia bảo hiểm (ngoài phí bảo hiểm) thì DNBH sẽ là người thu hộ và tỉ lệ này tối đa là 3% đến 5% phù hợp với thông lệ quốc tế, không gây cản trở cho mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài và hội nhập quốc tế.

8.  Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện PCCC (Điều 19 khoản 2) gần đây được coi là một giấy phép con và cơ sở phải chịu sự kiểm tra liên tục của lực lượng cảnh sát PCCC vì trang thiết bị PCCC bị xuống cấp hoặc giảm chất lượng (bình C02) theo thời gian là đương nhiên. Nhiều cơ sở trang bị tốt nhưng báo động thử cháy nổ tìm mãi không có người mở khoá phòng đặt máy bơm chữa cháy. Vấn đề ở đây là làm thế nào giảm được thủ tục “cấp giấy chứng nhận” và giảm được tần suất kiểm tra của lực lượng cảnh sát PCCC mà cơ sở vẫn chấp hành nghiêm quy định của nhà nước.

Với góc độ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với DNBH với người tham gia bảo hiểm, với tư cách là cơ quan tư vấn phản biện sản phẩm bảo hiểm chúng tôi xin trình bày một số kiến nghị trên cho các nhà dự thảo văn bản và đề nghị Chính phủ xem xét trước khi ban hành Nghị định.

Các văn bản liên quan