VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp
Kính gửi: Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 5594/BTC-CST của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có một số ý kiến ban đầu như sau:
Cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh việc tiếp tục giảm mức thu của một số khoản phí, lệ phí. Điều này sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Tuy vậy, để chính sách này có tính thực chất và thực sự hỗ trợ doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc một số vấn đề sau:
- Đối với các loại phí liên quan đến cấp giấy phép kinh doanh
Dự thảo đã giảm nhiều loại phí liên quan đến hoạt động thẩm định các điều kiện và cấp giấy phép kinh doanh với mức giảm là 50% so với quy định hiện hành. Tuy nhiên, cũng có một số loại phí tại Dự thảo có cùng tính chất này nhưng mức giảm lại khá thấp, ví dụ: “Phí thẩm định điều kiện kinh doanh trong hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động” giảm 30%; “phí thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản” giảm 10%; “phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm mật mã dân sự, giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm mật mã dân sự” giảm 20% … Điều này có thể khiến chính sách giảm phí trở nên thiếu rõ ràng, tại sao thủ tục cùng tính chất mức giảm lại khác nhau.
Đề nghị Ban soạn thảo rà soát Dự thảo và nâng mức giảm của các loại phí trên lên bằng các loại phí có tính chất tương tự.
Hiện nay có khoảng hơn 220 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, rất nhiều ngành nghề đầu tư kinh doanh trong số này đang được quản lý theo cơ chế thẩm định điều kiện kinh doanh và cấp giấy phép kinh doanh. Trong khi đó, Dự thảo mới chỉ giảm các mức phí liên quan đến hoạt động thẩm định điều kiện kinh doanh và cấp phép của một số ít ngành nghề kinh doanh có điều kiện (khoảng 9-10 ngành nghề). Điều này khiến cho mức độ tác động của chính sách giảm phí bị hạn chế đáng kể. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc rà soát các loại phí liên quan đến cấp phép kinh doanh của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện để giảm thêm các loại phí.
- Vấn đề về kỹ thuật soạn thảo văn bản
Dự thảo quy định phí “thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản” sẽ bằng 90% mức thu phí quy định tại Thông tư 284/2016/TT-BTC. Tuy nhiên, Thông tư 284/2016/TT-BTC đã hết hiệu lực. Đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại để trích dẫn chính xác về văn bản.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.