Phỏng vấn Ông Phạm Mạnh Dũng – Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thành viên Ban Soạn thảo

Thứ Hai 16:14 24-07-2006


Phạm Mạnh Dũng - Vụ trưởng vụ Pháp chế, bộ KH&ĐT:
 
“Nghị định hướng dẫn luật Đầu tư phải đảm bảo tinh thần của luật và các cam kết hội nhập...”
 
Thực hiện các cam kết hội nhập, luật Đầu tư (ĐT) đã được Quốc hội ban hành áp dụng chung cho đầu tư trong nước (ĐTTN) và đầu tư trực tiếp nước ngoài (ĐTNN) đã có hiệu lực từ 1/7/2006. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành luật ĐT vẫn đang trong quá trình soạn thảo và theo Ban soạn thảo, rất nhiều vấn đề liên quan đến các cam kết hội nhập cần phải cân nhắc trong bối cảnh Việt Nam vẫn chưa kết thúc đàm phán gia nhập WTO. Xung quanh vấn đề này, PV báo PLVN đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Mạnh Dũng - vụ trưởng vụ Pháp chế, bộ KH&ĐT, thành viên ban soạn thảo

Thưa ông, những vấn đề nào “đụng  chạm” đến cam kết hội nhập?

Trong quá trình xây dựng luật này, các cơ quan soạn thảo dựa trên cơ sở các cam kết để đảm bảo nội dung của luật tương thích, phù hợp với các quy định của WTO, không chỉ phù hợp với các quy định của WTO mà nội dung của Luật cũng phải phù hợp với các hiệp định khác mà Việt Nam đã ký kết hoặc sẽ ký kết, đặc biệt Hiệp định thương mại với Mỹ, Hiệp định bảo hộ đầu tư với Nhật bản... Thực ra, bản thân các quy định của WTO không đề cập gì đến ĐT mà chỉ là những biện pháp thương mại liên quan đến ĐT (TRIM), được mô tả là tất cả rào cản thương mại liên quan đến ĐT phải được xoá bỏ (như ưu đãi về xuất khẩu, về nội địa hoá, phát triển vùng nguyên liệu trong nước, chuyển giao công nghệ, các vấn đề về cân đối ngoại tệ...). Nói tóm lại, những gì là khuyến khích hay rào cản đối với hoạt động ĐT đều phải bãi bỏ, đây là mảng lớn nhất.

Cụ thể, so với luật Khuyến khích ĐTTN và luật ĐTNN tại Việt Nam trước đây, những nội dung nào trong luật ĐT được coi là mới, đã “theo kịp” với các cam kết hội nhập?

Quan trọng nhất trong luật ĐT đã thống nhất về ĐT cho cả ĐTTN và ĐTNN. Thứ hai, các quy định được coi là rào cản cũng đã được xoá bỏ. Ví dụ, trước đây quy định một số lĩnh vực nhà ĐTNN phải xuất khẩu (như sành sứ, vệ sinh, dệt may...), hay trước kia quy định nhà ĐTNN phải xác định một tỷ lệ vốn nhất định mới được ĐT ở một số lĩnh vực nhất định... thì nay luật ĐT đã bãi bỏ. Hay trước đây nhà ĐTNN đầu tư vào Việt Nam chỉ được thành lập Cty TNHH, hợp đồng hợp tác kinh doanh thì theo luật ĐT, nhà ĐTNN có thể hoạt động dưới hình thức Cty cổ phần (được huy động vốn), Cty hợp danh mua lại cổ phần trong DN Việt Nam. Trong luật ĐT cũng đã thừa nhận và xác nhận vốn của nhà ĐTNN được đưa vào Việt Nam dưới nhiều hình thức như tài sản, vốn trí tuệ, bằng giấy phép, tô nhượng, bằng các quyền lợi khác.... Thứ ba, trong luật ĐT đã khẳng định những cơ chế liên quan đến bảo hộ ĐT, đảm bảo quyền lợi của nhà ĐT, thể hiện bằng những quy định, những thủ tục cụ thể. Ví dụ, trong trường hợp Nhà nước trưng thu, trưng dụng, quốc hữu hoá,.... dù bằng biện pháp QLNN, biện pháp hành chính thì Nhà nước phải bồi hoàn tài sản, thiệt hại cho nhà ĐT bằng giá thị trường, nhà ĐT được đảm bảo chuyển lợi nhuận ra nước ngoài bằng đồng tiền tự do chuyển đổi... Thứ tư, về cơ chế giải quyết tranh chấp (với Nhà nước, với đối tác...) luật ĐT cũng cho phép nhà ĐT được quyền mang tranh chấp ra trọng tài quốc tế cũng như áp dụng luật nước ngoài để giải quyết.... Thứ năm, về vấn đề trợ cấp. Nhiều hiệp định trong WTO (như hiệp định  về trợ cấp và tự vệ...) quy định tất cả những trợ cấp của nhà nước tạo sự không minh bạch đều phải xoá bỏ. Luật ĐT cũng đã khẳng định vấn đề này, những trợ cấp liên quan đến xuất khẩu (tín dụng xuất khẩu, thưởng xuất khẩu...) đều phải xoá bỏ, hay những vấn đề liên quan đến ưu đãi trong khu chế xuất, khu công nghiệp cũng đang phải cơ cấu lại để đảm bảo các quy định của WTO.... Tinh thần của luật ĐT là vậy và Nghị định sẽ phải cụ thể những vấn đề đó. Có khoảng 15-16 điều liên quan đến WTO sẽ được hướng dẫn trong Nghị định.

Như vậy sẽ có những vấn đề “để lại” sau này mới quy định, thưa ông? Và như vậy việc thực hiện sẽ như thế nào khi chưa có quy định cụ thể?

Chính phủ giao Bộ Tư pháp và Bộ Tư pháp đã có một chương trình xây dựng pháp luật cho hội nhập. Bộ Tư pháp sẽ liệt kê lại tất cả những nội dung mà Việt Nam đã cam kết và công bố bằng văn bản và đồng thời có hiệu lực ngay. Tuy nhiên, nói như vậy không phải tất cả đều “chờ”, mà có những vấn đề chúng ta đã có hướng dẫn ngay kể cả khi chưa là thành viên của WTO. Ví dụ, năm ngoái, một số vấn đề liên quan đến hàng hải sau khi kết thúc đàm phán với EU, chúng ta đã “thu hoạch sớm” và đã cho phép một số Cty nước ngoài ĐT vào lĩnh vực này (trừ lĩnh vực 100% vốn nhà nước).... Hiện Bộ KH&ĐT đang tiếp tục chỉnh lý dự thảo Nghị định để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 8, trong lúc Nghị định chưa ban hành, Chính phủ cũng đã giao bộ KH&ĐT ban hành một quy định tạm thời để thực hiện..
Xin cảm ơn ông!

Thanh Lan (thực hiện)

Các văn bản liên quan