Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2022”
Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2022 là ấn phẩm do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện nhằm ghi lại những vấn đề đáng chú ý trong quá trình xây dựng các quy định pháp luật về kinh doanh trong năm 2022. Đây là năm thứ sáu liên tiếp VCCI công bố Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh.
Chúng tôi thực hiện Báo cáo này với hai mục đích chính. Thứ nhất là điểm lại các quy định pháp luật đáng chú ý, có tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2022 và những vấn đề pháp lý còn tồn tại cần tiếp tục được điều chỉnh, tháo gỡ trong thời gian tới. Thứ hai, chúng tôi lựa chọn và thảo luận một số vấn đề về tư duy lập pháp mang tính xu hướng chung, không chỉ xuất hiện ở các quy định đơn lẻ mà mang tính khái quát, từ đó rút ra bài học cho những người làm việc trong quy trình làm luật tại Việt Nam. Báo cáo cố gắng cung cấp góc nhìn của doanh nghiệp đối với những vấn đề quy định pháp luật, qua đó gửi gắm mong muốn, kỳ vọng của cộng đồng tới các nhà hoạch định chính sách.
Đối tượng độc giả mà Báo cáo này hướng đến là bất kỳ ai quan tâm đến vấn đề chính sách và pháp luật về kinh doanh của Việt Nam. Đó có thể là một vị đại biểu quốc hội, một chính trị gia hoạch định chính sách, một cán bộ tham mưu giúp việc trong các cơ quan quản lý nhà nước, hoặc lãnh đạo của một hiệp hội doanh nghiệp, người điều hành các doanh nghiệp, hoặc có thể là một nhà báo, nhà nghiên cứu chuyên về chủ đề chính sách công.
Xuất phát từ mục đích và đối tượng đó, Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2022 được chia thành ba chương. Chương I điểm lại các quy định pháp luật đáng chú ý trong năm. Chúng tôi lựa chọn các quy định đưa vào báo cáo này trên hai tiêu chí chính: (1) các quy định có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng doanh nghiệp; và (2) các quy định có nhiều tranh luận thú vị trong quá trình soạn thảo. Chương II của Báo cáo phản ánh Góc nhìn của doanh nghiệp đối với việc sửa đổi các luật lớn tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh đang được tiến hành. Chương III sẽ thảo luận chủ đề về Tính ổn định của pháp luật với việc thu hút các dự án lớn từ nguồn vốn tư nhân.
Năm 2022 là một năm mà bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều biến động bất thường. Trên thế giới, cuộc xung đột vũ trang Nga – Ukraine và biến động kinh tế vĩ mô tại các nền kinh tế lớn đặt ra nhiều vấn đề. Ở trong nước, chúng ta vừa mới bước ra khỏi Đại dịch Covid với những tác động to lớn không chỉ đối với cuộc sống con người mà còn làm thay đổi cả nền kinh tế. Thêm vào đó, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay cũng có tác động nhất định đến việc xây dựng thể chế kinh tế.
Công tác xây dựng thể chế kinh tế luôn được lãnh đạo Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm và coi là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Tại Hội nghị toàn quốc về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, ngày 16/09/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói: “Xây dựng và hoàn thiện thể chế để bảo đảm thực sự là đòn bẩy kiến tạo phát triển” và “Đầu tư cho xây dựng thể chế chính là đầu tư cho sự phát triển bền vững”. Trong năm 2022, các cơ quan Nhà nước cũng đã dành nhiều nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là các quy định pháp luật về đầu tư kinh doanh.
Toàn văn báo cáo: Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2022”