VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Phòng, chống rửa tiền và Dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2023
Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Trả lời Công văn số 9196/BKHĐT-QLKTTW ngày 16/12/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc lấy ý kiến Dự thảo Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2023 (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như sau:
Nghị quyết số 02/NQ-CP có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng trong hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh thường niên mà Chính phủ đang thực hiện trong mấy năm gần đây. Hằng năm, cộng đồng doanh nghiệp chờ đợi Nghị quyết này để gỡ vướng các chính sách, thúc đẩy các cơ quan quản lý có hành động mạnh mẽ để cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Về cơ bản, Dự thảo đã nhận diện được tình hình và đặt ra các mục tiêu cụ thể của năm 2023 là phù hợp. Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tại Dự thảo là có trọng tâm và hợp lý, sẽ góp phần tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trên phương diện chính sách và vấn đề thực thi. Tuy nhiên, để hoàn thiện, đề nghị cân nhắc một số vấn đề sau:
I. Các quy định về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu (Mục III Dự thảo)
- Về nhiệm vụ và giải pháp “Nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh” (Mục III.2)
- Mục III.2.a Dự thảo có nêu “Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, rà soát danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và kiến nghị các phương án liên quan”. Nội dung này là chưa đủ rõ về định hướng rà soát danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện: để bãi bỏ, cắt giảm, thu hẹp phạm vi hay là bổ sung các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nếu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ “kiến nghị các phương án liên quan” của các Bộ sẽ có khả năng là bổ sung thêm thay vì cắt bỏ, đơn giản hóa ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hơn nữa, nội dung này cũng chưa thể hiện được vai trò kiểm soát việc thêm, bớt ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đề nghị sửa đổi quy định trên theo hướng: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, rà soát để đưa ra khỏi hoặc thu hẹp phạm vi các ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”.
- Hiện nay, các Bộ, ngành đang xây dựng Phương án cắt giảm đơn giản hóa quy định kinh doanh và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để hiện thực hóa các đề xuất trong các Phương án này. Đề nghị bổ sung nội dung về việc lồng ghép hoạt động rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh tại Mục III.2.b Dự thảo với hoạt động xây dựng Phương án và các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện các Phương án mà các Bộ đang thực hiện.
- Về lĩnh vực phòng cháy chữa cháy: Nội dung tại Mục III.2.d Dự thảo là hợp lý. Thời gian qua VCCI nhận được kiến nghị của các doanh nghiệp về các bất cập, vướng mắc của quy định liên quan đến pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Những điểm vướng này đã gây khó khăn lớn, nhất là gia tăng chi phí cho các doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư kinh doanh. Vì vậy, việc đề xuất tháo gỡ ngay các bất cập trong quy định về phòng cháy chữa cháy là rất cần thiết. Bên cạnh những nội dung tại Mục III.2.d Dự thảo, đề nghị rà soát những quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN 06/2021/BXD, để đảm bảo phù hợp với thực tế hoạt động của nước ta.
- Bên cạnh nâng cao chất lượng của Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, cần thiết phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan tới cấp phép kinh doanh có điều kiện, trong đó thúc đẩy việc thực hiện thủ tục hành chính bằng phương thức điện tử.
- Về nhiệm vụ và giải pháp “Chú trọng thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa” (Mục III.3)
Dự thảo đã xác định nhiều nhiệm vụ đối với các Bộ, ngành, tuy nhiên dường như mới dừng lại ở việc đưa ra định hướng thực hiện, ví dụ như tiếp tục rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu tuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành; nghiên cứu, sửa đổi bổ sung quy định theo hướng…; nâng cấp, hoàn thiện và triển khai hiệu quả thực chất thủ tục điện tử trên Cổng Thông tin Một cửa quốc gia; đơn giản hóa hồ sơ, quy trình, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành… Những định hướng cải cách trên là quan trọng, song cần có mục tiêu mang tính định lượng hơn để các bộ ngành triển khai, cũng như thuận lợi cho việc đánh giá kết quả đạt được sau này.
Theo kết quả khảo sát của VCCI về mức độ hài lòng của doanh nghiệp khi tiến hành thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia và các thủ tục quản lý kiểm tra chuyên ngành được công bố vào ngày 03/11/2022, chưa tới 70% doanh nghiệp đánh giá các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành là thuận lợi khi thực hiện.
Do vậy, đề nghị bổ sung mục tiêu cụ thể đối với các bộ ngành, đó là “Nâng cao mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với việc thực hiện các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành đạt từ 70% trở lên”. Việc nêu nội dung này cũng sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện được mục tiêu chung về cải cách thủ tục hành chính đến năm 2025 mà Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 về việc ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030 đã nêu, cụ thể :“Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%. Trong đó, mức độ hài lòng về giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt tối thiểu 85%.”
- Về nhiệm vụ và giải pháp “Nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” (Mục III.6)
Mục III.6.b Dự thảo có nêu “Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan: tuyên truyền và nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do”. Tuy nhiên, Dự thảo mới chỉ giới hạn phạm vi liên quan tới việc khai thác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, trong khi VCCI hiện triển khai công tác hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm đáp ứng với các yêu cầu ngày càng cao trong các lĩnh vực chuyển đổi số, phát triển bền vững, phát triển nguồn nhân lực….
Do vậy. đề nghị bổ sung nội dung tại Mục III.6.b Dự thảo theo hướng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan:
- Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tuyên truyền và nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do;
- Thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số, mở rộng thị trường, phát triển nguồn nhân lực… tương ứng với các nhiệm vụ được giao trong các văn bản pháp luật có liên quan.
- Triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững. Thực hiện các giải pháp nhằm phát triển nhanh cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững.
- Về nhiệm vụ và giải pháp “Thường xuyên tổ chức các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp” (Mục III.8)
Mục III.8 Dự thảo có nêu “Các Bộ, ngành, địa phương: Coi trọng và thường xuyên tổ chức các hoạt động đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách và giải quyết các khó khăn, vướng mắc; đảm bảo đối thoại thực chất, giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp”. Tuy nhiên, nhiệm vụ trên mới được giao cho các Bộ, ngành và địa phương, trong khi VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp đóng vai trò cầu nối rất quan trọng giữa cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan Đảng, Nhà nước trong đề xuất các giải pháp xử lý vướng mắc, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.
Do vậy, đề nghị bổ sung vai trò, nhiệm vụ của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các Hiệp hội doanh nghiệp trong việc tổ chức các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, cụ thể điều chỉnh lại nội dung trên như sau: “Các Bộ, ngành, địa phương: Coi trọng và thường xuyên chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp tổ chức các hoạt động đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách và giải quyết các khó khăn, vướng mắc; đảm bảo đối thoại thực chất, giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp”.
II. Các quy định về tổ chức thực hiện (Mục IV.4 Dự thảo):
Mục IV.4 Dự thảo có nêu “Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiến hành điều tra và công bố các chỉ số về cảm nhận của doanh nghiệp đối với các vấn đề, lĩnh vực môi trường kinh doanh; kết hợp, lồng ghép đánh giá kết quả và tác động của Nghị quyết”.
Để hoàn thiện, củng cố thêm các nội dung đề xuất về nhiệm vụ của VCCI trong Dự thảo, đề nghị bổ sung nội dung: Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiến hành điều tra và công bố các chỉ số về cảm nhận của doanh nghiệp đối với các vấn đề, lĩnh vực môi trường kinh doanh; kết hợp, lồng ghép đánh giá kết quả tác động của Nghị quyết và thực hiện các nhiệm vụ giải pháp được giao tại Nghị quyết.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2023. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.