VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng

Thứ Sáu 17:27 04-11-2022

Kính gửi:  Bộ Tài chính

Trả lời Công văn số 9095/BTC-QLBH ngày 12/9/2022 của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp và chuyên gia, có ý kiến ban đầu như sau:

  1. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy

Bảo hiểm bắt buộc là sự can thiệp bằng quyền lực hành chính của Nhà nước vào quyền tự do thoả thuận của người dân và doanh nghiệp – một trong những quyền dân sự được bảo vệ. Điều 14.2 của Hiến pháp và Điều 2.2 của Bộ luật Dân sự quy định rằng quyền này chỉ có thể bị hạn chế “trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng”. Như vậy, để hạn chế quyền này, cơ quan nhà nước phải chứng minh được rằng lợi ích công cộng thu được từ việc hạn chế quyền vượt xa chi phí phải bỏ ra.

Trong thời gian qua, việc thực hiện các loại bảo hiểm bắt buộc đã được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích xã hội, trừ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy. Theo báo cáo, sau hơn 10 năm triển khai Nghị định 103/2008/NĐ-CP, tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy vẫn ở mức rất thấp, gần 6% năm 2019 (45 tỷ đồng chi trả trên 765 tỷ đồng phí bảo hiểm)[1]. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều các loại bảo hiểm bắt buộc khác, cụ thể tỷ lệ chi trả của bảo hiểm TNDS của xe ô tô là khoảng 33%, bảo hiểm cháy nổ là 31%[2].

So với biện pháp bồi đòi bồi thường khác, bảo hiểm có ưu điểm là chi trả nhanh hơn đối với người bị tai nạn và giảm áp lực tài chính đối với người phải bồi thường, từ đó tạo ra giá trị thặng dư cao hơn cho cùng một số tiền bồi thường. Tuy nhiên, với số tiền chi trả ít ỏi 45 tỷ đồng thì rất khó có thể thuyết phục rằng lợi ích mang lại từ khoản tiền bồi thường này lớn hơn chi phí xã hội phải bỏ ra là 765 tỷ đồng. Như vậy, nhìn về mặt tổng lợi ích cho xã hội, bảo hiểm bắt buộc với xe máy hiện nay không bảo đảm nguyên tắc lợi ích lớn hơn chi phí.

Có ý kiến cho rằng tỷ lệ chi trả thấp của bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy là do các quy định cụ thể và quá trình thực thi yếu kém, chứ không phải do loại bảo hiểm này không mang lại lợi ích xã hội. Tuy nhiên, chính sách này đã tồn tại được hơn ba thập kỷ, từ Nghị định 30-HĐBT ngày 10/03/1988, trải qua bốn lần sửa đổi vào các năm 1997, 2008, 2013 và 2021, cùng với đó là tám lượt văn bản quy định chi tiết. Như vậy, nếu cho rằng các quy định chi tiết hay quá trình thực thi có vấn đề thì vì sao thực trạng này vẫn chưa được khắc phục?

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một số phương án sau đây đối với các quy định về bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới:

  • Phương án 1:

Bãi bỏ quy định bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với chủ xe máy. Theo đó, việc mua bảo hiểm xe máy, bao gồm cả bảo hiểm trách nhiệm dân sự và các loại bảo hiểm khác, sẽ dựa trên sự tự nguyện thoả thuận của các bên. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí xã hội như trên đã trình bày mà còn giúp các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có động lực thiết kế và cung cấp những sản phẩm bảo hiểm tốt hơn, phù hợp với nhu cầu của khách hàng và mang lại lợi ích thực sự cho xã hội. Quy định này cũng không trái với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật do Điều 8 của Luật Kinh doanh bảo hiểm chỉ quy định tên loại hình bảo hiểm còn Nghị định được phép quy định chi tiết các nội dung liên quan, trong đó bao gồm cả phạm vi áp dụng.

  • Phương án 2:

Đồng thời sửa đổi nhiều quy định để giúp tăng tỷ lệ chi trả đối với sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy, gồm có: (1) giảm mức phí bảo hiểm; (2) tăng mức bồi thường bảo hiểm; (3) giảm bớt các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm; (4) đơn giản hoá hồ sơ bồi thường bảo hiểm. Các quy định này cần được điều chỉnh sao cho tỷ lệ chi trả bảo hiểm đối với xe máy cũng vào khoảng hơn 30% như các loại bảo hiểm khác.  

  1. Công khai thông tin về bảo hiểm bắt buộc

Bảo hiểm bắt buộc là một biện pháp can thiệp hành chính của Nhà nước vào thị trường thay vì dựa trên cơ sở tự nguyện. Đây không còn là quan hệ dân sự thuần tuý mà đã có sử dụng quyền lực Nhà nước để hạn chế quyền của người dân và doanh nghiệp. Do đó, việc công khai các thông tin, dữ liệu liên quan đến bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới là rất cần thiết để người dân, doanh nghiệp – đối tượng phải thực hiện nghĩa vụ – biết và giám sát.

Hiện nay, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã công khai một số số liệu như doanh thu phí bảo hiểm, tỷ trọng trong tổng doanh thu, số tiền bảo hiểm gốc[3]. Tuy nhiên, các số liệu này còn tương đối ít và tương đối chung chung nên xã hội thiếu thông tin giám sát tính hiệu quả của chính sách này. Điều 32 Thông tư 50/2017/TT-BTC quy định các doanh nghiệp bảo hiểm báo cáo các thông tin về bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới, gồm (i) số lượng xe, (ii) số tiền bảo hiểm gốc, (iii) tổng doanh thu phí bảo hiểm, (iv) tổng số vụ bồi thường, (v) số tiền bồi thường bảo hiểm; và các dữ liệu này được phân loại theo loại phương tiện (ô tô, xe máy, xe chở hàng, xe chở người,…). Do đối tượng mua bảo hiểm rất đa dạng (doanh nghiệp kinh doanh, người đi xe ô tô, người đi xe máy), tương ứng với nhu cầu khác nhau trong việc mua và sử dụng bảo hiểm. Việc công khai các số liệu được phân loại theo từng nhóm đối tượng là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, một vấn đề lớn trong hoạt động của bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới là chất lượng giải quyết bồi thường, giải quyết quyền lợi bảo hiểm. Các thông tin, dữ liệu này bao gồm: (i) số liệu hồ sơ yêu cầu trong kỳ; (ii) số lượng hồ sơ còn tồn đọng; (iii) thời gian trung bình giải quyết hồ sơ; (iv) số tiền đã thanh toán (trên tổng số tiền chấp thuận chi trả); (v) số lượng hồ sơ từ chối bồi thường (và tỷ lệ trên số lượng hồ sơ đã giải quyết); (vi) số lượng hồ sơ chấp nhận chi trả (và tỷ lệ trên tổng yêu cầu). Các số liệu này đã được thu thập theo quy định tại Thông tư 195/2014/TT-BTC nhưng chưa được công khai, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong việc lựa chọn bên cung cấp dịch vụ bảo hiểm phù hợp cho mình.

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc công khai thông tin, dữ liệu về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm xe cơ giới (có thể bổ sung vào Điều 65 Dự thảo hoặc xây dựng điều khoản riêng). Các dữ liệu được công khai bao gồm: các số liệu về doanh thu bảo hiểm và số liệu về chất lượng giải quyết bồi thường, bao gồm số liệu tổng hợp và số loại đã phân theo loại phương tiện và theo doanh nghiệp. Nếu được công khai, các thông tin này sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cạnh tranh theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng tốt hơn, từ đó mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho toàn xã hội.

Trên đây là ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.

[1]https://nld.com.vn/kinh-te/thu-bao-hiem-xe-may-765-ti-dong-doanh-nghiep-boi-thuong-45-ti-dong-20200522212842969.htm

[2] Số liệu được tính toán từ thông tin tại Niên giám thị trường bảo hiểm 2019.

[3] Các số liệu này được thể hiện trong Niên giám thị trường bảo hiểm hàng năm.