Về báo cáo rà soát Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp – ThS Trần Vũ Hải

Thứ Sáu 01:59 16-09-2011


Về báo cáo rà soát Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp

1. Về vấn đề chuyển lỗ (tr.4, tr. 17)


Tôi đồng ý với ban soạn thảo báo cáo rà soát là các văn bản cần có giải thích thống nhất về phương thức chuyển lỗ, nhưng tôi cho rằng các quy định hiện hành không thể dẫn đến hai cách hiểu như trong báo cáo. Báo cáo chỉ căn cứ vào Điều 7 của Luật Thuế TNDN mà không căn cứ vào Điều 16 nên mới có cách hiểu như vậy. Điều 16 Luật Thuế TNDN năm 2008 quy định: doanh nghiệp có lỗ được chuyển số lỗ sang năm sau; số lỗ này được trừ vào thu nhập tính thuế. Thời gian được chuyển lỗ không quá năm năm, kể từ năm tiếp theo năm phát sinh lỗ. Như vậy, ngay năm sau năm phát sinh lỗ thì cần phải chuyển lỗ, và nếu chuyển chưa hết tức là vẫn còn lỗ, thì được quyền tiếp tục vào năm tiếp theo và không quá 5 năm. Theo cá nhân tôi thì các nghị định và thông tư đã thể hiện đúng tinh thần của Luật.


Ý kiến cá nhân tôi cho rằng, việc chuyển lỗ thuần túy là sự ưu đãi của nhà nước đối với doanh nghiệp. Vì về nguyên tắc, thuế TNDN có kỳ tính thuế theo năm, nên hết từng năm tài chính thì nếu xác định được lãi (thì phải nộp thuế) hoặc lỗ (thì không phải nộp thuế). Chuyển lỗ về bản chất là việc khấu trừ chi phí của thuộc kỳ tính thuế trước sang kỳ tính thuế sau, cho nên đây chính là cơ chế ưu đãi của nhà nước để giảm bớt thiệt hại cho doanh nghiệp bằng cách kéo dài thời gian khấu trừ chi phí vượt quá kỳ tính thuế , vì vậy không nên hiểu là quyền mà doanh nghiệp đương nhiên có. Chính vì thế, chính sách chuyển lỗ cần cân nhắc hài hòa lợi ích của nhà nước và của doanh nghiệp, chứ không thể chỉ nhìn nhận từ góc độ lợi ích doanh nghiệp. Sẽ là không hợp lý như trong ví dụ của báo cáo đã nêu: một là, doanh nghiệp “để dành” khoản lỗ, trong khi vẫn tuyên bố có lãi làm sai lệch cách đánh giá của nhà đầu tư; hai là, doanh nghiệp được hưởng song song hai ưu đãi riêng biệt: ưu đãi miễn thuế TNDN (khi DN thực sự không có lãi vì vẫn còn lỗ) và ưu đãi chuyển lỗ.


2. Một số đóng góp thêm cho báo cáo rà soát thuế TNDN


Qua thực tiễn nghiên cứu và giảng dạy cho các doanh nghiệp, tôi thấy có một số vấn đề sau đây, nên được ban soạn thảo nghiên cứu xem xét đưa vào báo cáo một số nội dung sau:


Một là, cần có cách tiếp cận thống nhất về khái niệm doanh thu cũng như chi phí giữa Luật Thuế TNDN với các chuẩn mực kế toán hiện hành để đảm bảo xác định đúng về bản chất đâu là doanh thu của hoạt động kinh doanh, đâu là thu nhập khác (chuẩn mực kế toán số 14). Theo tôi, vấn đề này doanh nghiệp vẫn còn có những cách hiểu khác nhau và pháp luật về thuế TNDN tỏ ra chưa rõ ràng như các chuẩn mực kế toán về nội hàm các khái niệm.Hai là, theo quy định tại Điều 9 Luật Thuế TNDN thì phần chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, khánh tiết, hội nghị... vượt quá 10% tổng số chi được trừ thì không được khấu trừ phần vượt trên này. Tôi đồng ý với quan điểm của ban soạn thảo báo cáo rà soát là cần xem xét một cách nghiêm túc việc bỏ tỷ lệ khống chế này hoặc ít nhất cũng không áp dụng một cách phổ biến như hiện nay. Có một vấn đề cần cân nhắc đưa vào báo cáo, đó là hiện nay cách xác định chi phí theo mức khống chế đang có sự bất hợp lý. Theo hướng dẫn tại TT 130 thì tổng số chi được trừ không bao gồm các khoản chi khống chế quy định tại điểm này; đối với hoạt động thương mại, tổng số chi được trừ không bao gồm giá mua của hàng hoá bán ra. Cách giải thích này là không thỏa đáng so với tinh thần của Luật ở 2 điểm: thứ nhất, nếu gọi là tổng số chi được trừ thì phải bao gồm cả phần chi quảng cáo, tiếp thị… được trừ, không thể loại thẳng thừng ra ngoài được; thứ hai, nếu loại ra như vậy, sau khi tính được số chi quảng cáo được trừ theo giới hạn tối đa 10% , cộng vào với tổng chi được trừ trước đó sẽ đem lại một tỷ lệ khác với 10% so với tổng số chi, mà thực chất là thấp hơn, nên vô hình chung Thông tư lại giới hạn chặt hơn so với Luật. (có thể xem ví dụ này ngay trong TT 130)

 

Các văn bản liên quan