Bình luận về báo cáo “rà soát văn bản pháp luật – Luật kế toán 2003” – Ths. Đào Nam Giang, Khoa Kế toán – kiểm toán, Học viện Ngân hàng

Thứ Tư 09:59 28-09-2011

BÌNH LUẬN VỀ BÁO CÁO “RÀ SOÁT VĂN BẢN PHÁP LUẬT – LUẬT KẾ TOÁN 2003”

Ths. Đào Nam Giang

Khoa Kế toán – kiểm toán

Học viện Ngân hàng

Sau khi đọc báo cáo rà soát về Luật kế toán 2003 từ VCCI, theo tôi thấy báo cáo đã đánh giá một cách tương đối toàn diện về Luật kế toán 2003, những tác động tích cực của Luật cũng như những vấn đề bất cập đã bộc lộ. Tuy nhiên từ giác độ học thuật về kế toán, tôi có môt số vấn đề sau muốn trao đổi cùng các tác giả:

Phần 1: Bình luận về các khuyến nghị trong báo cáo

- Về khuyến nghị trong việc phân biệt giữa KTTC và KTQT (mục 3)

Việc phân biệt giữa KTTC và KTQT từ giác độ học thuật chỉ căn cứ vào đối tượng phục vụ, KTTC cung cấp thông tin cho các đối tượng bên ngoài DN, còn KTQT cung cấp thông tin cho các đối tượng bên trong doanh nghiệp; không nhất thiết phải quy đinh về việc cung cấp thông tin bằng loại báo cáo gì. Thứ 2, cần xem xét lại về kiến nghị “báo cáo kế toán quản trị do chủ sở hữu quy định”. Mục đích của KTQT là phục vụ cho việc điều hành các hoạt động kinh doanh của DN và người điều hành trực tiếp là các nhà quản trị không phải các chủ sở hữu. Chủ sở hữu thuộc nhóm đối tượng bên ngoài doanh nghiệp. Do đó, người quy định về các mẫu biểu kế toán quản trị phải là chính các nhà quản trị điều hành doanh nghiệp. (ví dụ GD, GD tài chính, KT trưởng).

- Về các khuyến nghị liên quan đến tính thống nhất giữa Luật Kế toán và chuẩn mực kế toán (mục 6. Về yêu cầu kế toán và 7. Về nguyên tắc kế toán):

Phạm vị áp dụng của Luật Kế toán rộng hơn của chuẩn mực kế toán, do đó không nhất thiết phải có sự nhất quán tuyệt đối. Cụ thể Luật Kế toán áp dụng cho mọi loại hình tổ chức có hoạt động kế toán, bao gồm cả doanh nghiệp, cơ quan nhà nước đơn vị sự nghiệp,… Trong khi đó, Chuẩn mực kế toán hiện nay là chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp. Theo thông lệ quốc tế, các đơn vị hành chính sự nghiệp, cơ quan nhà nước phải tuân theo Chuẩn mực kế toán công. Và các nguyên tắc kế toán cơ bản áp dụng theo 2 hệ thống chuẩn mực này cũng không hoàn toàn giống nhau. Nên chăng, chúng ta cần phân biệt rõ, chuẩn mực kế toán là những quy tắc xử lý về mặt chuyên môn nghiệp vụ. Luật chỉ dừng lại quy định/yêu cầu các bên có liên quan khi hành nghề kế toán phải tuân theo các hướng dẫn chuyên môn của các chuẩn mực và chế độ kế toán liên quan, không cần đi sâu quy định quá chi tiết về các nội dung chuyên môn cụ thể đã có trong chuẩn mực.

- Về khuyến nghị liên quan đến hệ thống tài khoản và hệ thống sổ kế toán (mục 11 và 12)

Việc khuyến nghị Luật phải quy định rõ là mỗi đơn vị kế toán chỉ được sử dụng 1 hệ thống tài khoản kế toán là hợp lý. Tuy nhiên, việc đơn vị chi tiết hóa hệ thống tài khoản (sổ kế toán) đã chọn phụ vụ cho mục đích kế toán quản trị không phải là tạo ra hệ thống sổ thứ 2. Do đó, không có sự mâu thuẫn như trong báo cáo đã nêu.

- Về khuyến nghị liên quan đến việc sửa chữa sổ bằng máy tính (mục 13).

Việc kiến nghị quy định phần mềm kế toán không được cho phép chỉnh sửa trực tiếp các sai sót khi đã ghi sổ bằng máy tính là không khả thi. Hơn nữa với những sai sót xẩy ra sau khi BCTC đã nộp thì rõ ràng là đã có dấu vết (các báo cáo và sổ đã được in ra và nộp) do đó quy đinh về việc sửa chữa ở năm phát hiện sai sót và ghi chú trên sổ của năm có sai sót vẫn có ý nghĩa.

- Về khuyến nghị liên quan đến việc lập BCTC tổng hợp và BCTC hợp nhất (mục 14)

Việc quy định cụ thể đối tượng nào phải lập BCTC tổng hợp và đối tượng nào phải lập BCTC hợp nhất nên để trong chế độ kế toán do BTC quy định, không cần quy định chi tiết trong Luật để đảm bảo tính khái quát và bền vững của luật. Bởi lẽ theo thông lệ quốc tế chỉ có Báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tài chính đơn lẻ, không có BCTC tổng hợp. Hơn nữa câu từ dùng trong phần khuyến nghị cũng chưa thật rõ nghĩa: “công ty mẹ trong nhóm các công ty có quan hệ mẹ - con, công ty mẹ thuộc tập đoàn kinh tế phải lập BCTC hợp nhất …” , khi đã có quan hệ công ty mẹ - con là đã hình thành tập đoàn kinh tế.

- Về hình thức và thời hạn công khai BCTC (mục 15)

Việc khuyến nghị là DN chỉ phải công khai BCTC khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước hoặc đối tác trong quan hệ thương mại, đầu tư là không hợp lý vì nó sẽ đi ngược lại xu hướng minh bạch hóa môi trường kinh doanh và có thể ảnh hưởng đến lợi ích của các nhóm thiểu số.

- Về tránh nhiệm của người đại diện theo pháp luật về công tác kế toán (mục 17)

Bản báo cáo khuyến nghị nên sửa lại điều 49 của Luật thành quy định về “trách nhiệm của chủ sở hữu” (thay vì là trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật). Tuy nhiên theo quan điểm của tôi khuyến nghị này chưa thật hợp lý. Trong rất nhiều trường hợp chủ sở hữu không phải là người quản lý và điều hành trực tiếp các hoạt động của doanh nghiệp mà chỉ là người có quyền lợi liên quan. Các thông tin do kế toán cung cấp là một công cụ để chủ sở hữu có thể giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và nhờ đó bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Người có trách nhiệm điều hành quản lý doanh nghiệp là người chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động kế toán và chịu trách nhiệm cao nhất về những sai sót, gian lận trong hoạt động kế toán của đơn vị. Trong các công ty đại chúng, khi có gian lận và sai sót kế toán, chủ sở hữu là người bị thiệt hại không phải là người hưởng lợi để phải chịu trách nhiệm về những hành vi gian lận này.

- Về khuyến nghị liên quan đến kế toán trưởng (mục 19)

Báo cáo đề xuất thay cụm từ “người đại diện theo pháp luật” trong điều 52 của Luật thành cụm từ “chủ sở hữu” chưa thật sự hợp lý. Kế toán trưởng tổ chức công tác kế toán và thông qua đó thực hiện việc giám sát tài chính phục vụ cho công tác quản lý điều hành doanh nghiệp của các nhà quản trị (CEO). Còn người thực hiện vai trò giám sát hoạt động quản trị điều hành cho các chủ sở hữu là Ủy ban kiểm toán và bộ phận Kiểm toán nội bộ của DN, không phải kế toán trưởng.

- Các ý kiến khác:

Các khuyến nghị liên quan đến việc tổ chức và đề thi chứng chỉ hành nghề kiểm toán không thuộc phạm vi của việc đánh giá về Luật kế toán

Cần cân nhắc lại các khuyến nghị nới lỏng yêu cầu đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán, bởi lẽ thông tin kế toán cung cấp phục vụ trực tiếp cho việc ra quyết định kinh tế của người sử dụng thông tin. Nếu thông tin sai lệch quyền lợi kinh tế của rất nhiều đối tượng liên quan sẽ bị ảnh hưởng. Nêu chăng cần có chế tài và cách thức giám sát để xử lý những hành vi sai phạm hơn là nới lỏng luật.

Phần 2: Một số ý kiến bổ sung về các vấn đề tồn tại trong Luật Kế toán:

Ngoài các vấn đề báo cáo đã nêu, theo tôi Luật Kế toán 2003 còn có một số điểm chưa thật hợp lý như sau:

- Quy định về đối tượng kế toán (điều 9) quá chi tiết và dễ dẫn đến sự mẫu thuẫn khi có sự thay đổi trong chuẩn mực và chế độ kế toán, hoặc bỏ sót một đối tượng cụ thể nào đó hoặc các nội dung quy định có sự trùng lắp và thiếu tường minh. Ví dụ về tài sản, theo điều 9, khoản 3, tiết a, đối tượng kế toán trong hoạt động kinh doanh có “tài sản dài hạn và tài sản lưu động”, nhưng theo chuẩn mực và chế độ kế toán hiện này quy định tài sản của doanh nghiệp gồm tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn. Tương tự cũng ở khoản 3, tiết c có nếu đối tượng “Các khoản doanh thu, chi phí kinh doanh, chi phí khác và thu nhập”, trong bản thân tiết này có sự mâu thuẫn, bởi theo chuẩn mực thu nhập bao gồm doanh thu và các khoản thu nhập khác. Hoặc ở khoản 3 tiết b đã nêu đối tượng là nợ phải trả và VCSH, đến tiết d lại nêu “thuế và các khoản phải nộp NSNN” là trùng lắp vì thuế và các khoản phải nộp NSNN thực chất là một loại nợ phải trả.

- Quy định về yêu cầu với BCTC : Khoản 3 điều 30 Luật kế toán quy định “Báo cáo tài chính phải được lập đúng nội dung, phương pháp và trình bày nhất quán giữa các kỳ kế toán; trường hợp báo cáo tài chính trình bày khác nhau giữa các kỳ kế toán thì phải thuyết minh rõ lý do”. Quy định như trên không rõ vì BCTC phải được lập đúng nội dung, phương pháp nhưng là nội dung gì? Phương pháp gì? Do ai quy định? Ngoài ra, bên cạnh việc trình bày nhất quán còn hàng loạt các yêu cầu khác đối với BCTC được CM quy định nhưng Luật không đề cập. Nên chăng cũng giống như các quy đinh liên quan đến yêu cầu và nguyên tắc kế toán, Luật chỉ quy định BCTC cần phản ánh một cách trung thực tình hình tài chính của đơn vị kế toán, và tuân theo các nguyên tắc lập và trình bày BCTC quy định trong chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán áp dụng.

Trên đây là một số ý kiến cá nhân của tôi xung quanh Báo cáo rà soát Luật kế toán 2003, rất mong nhận được sự trao đổi của các đồng nghiệp và những người quan tâm.

Trân trọng.

Hà Nội, ngày 27 tháng 09 năm 2011

Các văn bản liên quan