VCCI_Góp ý Dự thảo Quyết của Thủ tướng Chính phủ ban hành Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Quốc phòng
VCCI_Góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Công an năm 2022
Kính gửi: Bộ Công an
Trả lời Công văn số 3382/BCA-V03 của Bộ Công an về việc đề nghị góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Công an năm 2022 (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:
I. Lĩnh vực quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự
Các phương án đề xuất trong Dự thảo là hợp lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, để thể hiện tinh thần cải cách mạnh mẽ hơn nữa, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc một số quy định sau:
- Điều kiện về an ninh trật tự đối với kinh doanh dịch vụ bảo vệ
Điểm c khoản 4 Điều 11 Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ có vốn đầu tư nước ngoài là: “c) Phần vốn góp của cơ sở kinh doanh nước ngoài chỉ được sử dụng để mua máy móc, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ. Số vốn góp đầu tư của cơ sở kinh doanh nước ngoài ít nhất là 1.000.000 USD (một triệu đô la Mỹ). Việc định giá máy móc, thiết bị kỹ thuật do cơ quan quản lý nhà nước về giá có thẩm quyền từ cấp tỉnh trở lên thực hiện; chi phí định giá do cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ chi trả.”.
Yêu cầu điều kiện này đối với bên góp vốn có yếu tố nước ngoài cần được cân nhắc, xem xét ở các điểm sau:
- Chủ thể góp vốn vào doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ: Nghị định 96/2016/NĐ-CP chỉ quy định về việc “cơ sở kinh doanh nước ngoài” góp vốn mà không thấy quy định về “cá nhân nước ngoài” góp vốn. Nghị định 96 cũng không quy định rõ là chỉ có cơ sở kinh doanh nước ngoài mới được phép góp vốn vào doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ. Như vậy, quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP đang chưa rõ ràng về việc cá nhân nước ngoài có được phép góp vốn vào cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ hay không?
- Mục tiêu quản lý: Không rõ mục tiêu quản lý đối với các giới hạn liên quan đến phần vốn góp của cơ sở kinh doanh nước ngoài. Tại sao lại yêu cầu phần vốn góp chỉ được sử dụng mua máy móc, thiết bị kỹ thuật? Yêu cầu này nhằm đảm bảo mục tiêu quản lý gì?
Đối với doanh nghiệp nước ngoài góp vốn vào doanh nghiệp Việt Nam, dù góp bằng tiền hay cơ sở vật chất thì tỷ lệ phần vốn góp của doanh nghiệp nước ngoài so với bên góp vốn Việt Nam mới là vấn đề quan trọng cần quan tâm. Nếu tỷ lệ phần vốn góp của bên nước ngoài chiếm tỷ lệ chi phối, có quyền quyết định đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo vệ thì việc sử dụng vốn cũng như các quyết sách quan trọng khác của doanh nghiệp là do bên nước ngoài quyết định. Như vậy thì yêu cầu vốn góp của bên nước ngoài chỉ sử dụng để mua máy móc, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ là ít ý nghĩa.
- Về tính minh bạch: tài liệu nào chứng minh được phần vốn góp của cơ sở kinh doanh nước ngoài chỉ sử dụng để mua máy móc, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ? Đây là tài liệu trong hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự quy định tại Điều 20 Nghị định 96/2016/NĐ-CP.
Đề nghị đánh giá lại quy định này để điều chỉnh theo hướng rõ ràng, hợp lý vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vừa đảm bảo mục tiêu quản lý của nhà nước.
- Về trách nhiệm của cơ sở kinh doanh
Khoản 10 Điều 25 Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định, trong thời hạn không quá 20 ngày kể từ khi bắt đầu hoạt động, cơ sở kinh doanh có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan Công an có thẩm quyền các tài liệu sau đây:
- (1) Danh sách những người làm việc trong cơ sở kinh doanh;
- (2) Bản khai lý lịch, Bản khai nhân sự của người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh, trừ người đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;
- (3) Các tài liệu chứng minh cơ sở kinh doanh đảm bảo đủ các điều kiện đối với từng loại ngành, nghề quy định tại các Điều 8, 11 và Điều 12 Nghị định này;
- (4) Thống kê phương tiện phục vụ cho công tác bảo vệ (nếu có);
Quy định trên cần xem xét ở các điểm:
- Đối với tài liệu (2): Dự thảo đã đề xuất bỏ “yêu cầu nộp Bản khai lý lịch kèm theo Phiếu lý lịch tư pháp của người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự đối với cơ sở kinh doanh …” khi thực hiện thủ tục cấp giấy phép, vì thông tin này có thể khai thác được từ Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Để đảm bảo tính đồng bộ, đề nghị bổ sung tại Dự thảo bỏ yêu cầu phải cung cấp tài liệu (2) sau khi hoạt động, cơ quan quản lý có thể khai thác tại cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp;
- Đối với tài liệu (4): đây là loại tài liệu không thể hiện điều kiện kinh doanh của dịch vụ bảo vệ và cũng không rõ mục tiêu quản lý của việc yêu cầu cung cấp tài liệu này là gì, vì vậy việc yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp là chưa phù hợp. Đề nghị bổ sung tại Dự thảo bỏ tài liệu này.
- Đối với tài liệu (3): cơ quan quản lý có thể yêu cầu cung cấp trong quá trình kiểm tra hậu kiểm. Để giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, đề nghị cân nhắc bỏ quy định phải cung cấp tài liệu này.
II. Lĩnh vực quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo
Dự thảo đã đưa ra các đề xuất cắt giảm chi phí tuân thủ trong lĩnh vực này theo hướng bỏ yêu cầu phải cung cấp tài liệu mà cơ quan nhà nước có thể tra cứu được trong hệ thống thông tin. Đây là hướng tiếp cận phù hợp và sẽ giảm tải được các tài liệu doanh nghiệp phải cung cấp khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, các đề xuất này tại Dự thảo lại chưa thực sự đồng bộ. Dự thảo mới chỉ đề xuất bỏ các tài liệu như “bản sao thẻ Căn cước công dân, chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc Chứng minh Công an nhân dân của người đến liên hệ”; “Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”; “bản sao giấy phép” mà cơ quan thực hiện thủ tục đã từng cấp (giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp; giấy phép vận chuyển tiền chất thuốc nổ) ở một số thủ tục như: cấp, điều chỉnh Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp; cấp, điều chỉnh Giấy phép vận chuyển tiền chất thuốc nổ.
Trong lĩnh vực quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo vẫn còn một số thủ tục yêu cầu người thực hiện thủ tục phải cung cấp các giấy tờ trên, ví dụ: Thủ tục trang bị vũ khí thể thao đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng (Điều 25 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ); Thủ tục trang bị vũ khí thô sơ đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng (Điều 29 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ); Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp (Điều 38 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ); …
Đề nghị rà soát toàn bộ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để đưa ra các đề xuất sửa đổi theo hướng trên một cách đồng bộ.
III. Lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy
Tương tự như góp ý tại mục II, để đảm bảo tính đồng nhất trong các phương án đề xuất cắt giảm chi phí tuân thủ, đề nghị rà soát toàn bộ văn bản trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, kiến nghị bãi bỏ các yêu cầu phải cung cấp các tài liệu trong hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính mà cơ quan thực hiện thủ tục có thông tin.
Ví dụ: Hồ sơ nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy: đề nghị bỏ các loại tài liệu như: i) Bản sao Giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy kèm theo hồ sơ đã được đóng dấu thẩm duyệt của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy; ii) Bản sao Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy của đơn vị tư vấn giám sát (nếu có), đơn vị thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy và chữa cháy. Đây là các tài liệu cơ quan thực hiện thủ tục có thể tra cứu thông tin trong hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
IV. Về đánh giá chi phí tuân thủ được cắt giảm
Dự thảo không đề cập đến lợi ích của việc cắt giảm chi phí tuân thủ sau mỗi đề xuất tại Dự thảo vì vậy rất khó để đánh giá được hiệu quả, lợi ích của các đề xuất này và dường như chưa phù hợp với cách thức thiết kế các Phương án cắt giảm chi phí tuân thủ mà các Bộ đang xây dựng. Đề nghị bổ sung phần nội dung tính toán về chi phí sẽ tiết kiệm được sau mỗi đề xuất cắt giảm tại Dự thảo.
Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Công an năm 2022. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.