Ý kiến góp ý của bà Trịnh Thị Thu Hương, Phó Trưởng khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Đại học Ngoại thương Hà Nội về một số bất cập của Bộ luật Hàng hải

Thứ Ba 14:26 23-08-2011

MỘT SỐ  Ý KIẾN ĐỐI VỚI BỘ  LUẬT HÀNG HẢI

Trịnh Thị  Thu Hương

Phó  Trưởng khoa Kinh tế và  Kinh doanh quốc tế

Đại học Ngoại thương Hà Nội 

Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005 bao gồm 18 chương, 261 điều, đã  đi vào thực hiện được hơn 5 năm. Trong quá trình thực thi, đã xuất hiện những bất cập nhất định cần được điều chỉnh sửa đổi cho phù  hợp với hoàn cảnh. Sau khi đọc và nghiên cứu Bô  luật Hàng hải 2005, chúng tôi có một số nhận xét góp ý sau đây cho Ban soạn thảo sửa đổi, góp ý của chúng tôi chủ yếu liên quan đến trách nhiệm của người chuyên chở đường biển.

Nội dung Bộ luật hàng hải 2005 về quy định trách nhiệm của người chuyên chở đường biển tham khảo tinh thần của Quy tắc Hague 1924, bản sửa đổi SDR 1979 và Quy tắc Hamburg 1978, đã phản ánh được vị  thế nhất định của Việt Nam trước con mắt bạn bè quốc tế trong bối cảnh hội nhập nhưng cũng vẫn còn những điểm hạn chế nhất định. Vì  thế chúng tôi đưa ra nguyên tắc sửa đổi như sau:

- sửa  đổi càng chi tiết cụ thể càng tốt,

- nên  áp dụng nguyên nội dung của một Quy tắc nào đó (Quy tắc Hague, Quy tắc Hague-Visby, Quy tắc Hamburg, Quy tắc Rotterdam) thì sẽ tránh được các khập khiễng, tuy nhiên tham gia Quy tắc nào thì cần tính xem quyền lợi của các bên liên quan (chủ hàng, người chuyên chở,…) sẽ thay đổi như thế nào?

- trong trường hợp vẫn tham khảo nội dung của nhiều Quy tắc thì  cần xem xét hết sức cụ thể từng chi tiết,

- câu từ  dùng trong luật càng dễ hiểu, đơn giản càng tốt

I. Về  hình thức

- Nên chuẩn câu từ và các thuật ngữ thông dụng (xếp dỡ hàng hóa thay vì là bốc dỡ hàng hóa, trả hàng…),

- Nên có  một phần định nghĩa về các thuật ngữ được sử dụng trong luật rồi mới đến phần cụ  thể hóa các thuật ngữ đó (ví dụ: tàu trần, tàu định hạn,  tàu chuyến…, người gửi hàng, người giao hàng bốc hàng, người nhận hàng…, tổn thất toàn bộ thực tế, tổn thất toàn bộ ước tính,…) 

II. Về  nội dung

- điều 73, nên có một mục nhỏ định nghĩa về vận  đơn đường biển, cần nhấn mạnh vận đơn được cấp khi nào?

- cần chuẩn xác lại thuật ngữ “người gửi hàng”, “người giao hàng” ở các điều 78, 79, 86,…

- chỉnh lại  điều 79, mục 1 khi nói về cách áp dụng mức giới hạn trách nhiệm của người chuyên chở: “… tùy theo giá trị hàng hóa…”

- chỉnh lại  điều 79, mục 4 khi nói về trách nhiệm của người chuyên chở khi giao hàng chậm (2,5 lần tiền cước của số hàng giao chậm,…), điều này có thể gây mâu thuẫn với NĐ87/2009 (điều 24, mục 5) về vận tải đa phương thức hoặc Bản Quy tắc của UNCTAD/ICC về chứng từ vận tải đa phương thức

- điều 89 nói về BL đích danh, Bộ luật Hàng hải 2005 cho rằng “BL đích danh không được chuyển nhượng”, nên chỉnh lại là “… BL đích danh không chuyển nhượng được bằng cách ký hậu…”

- điều 97: thời hiệu khởi kiện là một năm, vậy có thể  kéo dài được không?

- điều 224: liệt kê các rủi ro hàng hải, luật có đề cập tới “rủi ro của biển”, vậy những rủi ro còn lại: cháy nổ,… có thể không phải là  rủi ro của biển?

- điều 226, mục 4: “Trường hợp người mua hàng đã mua bảo hiểm cho hàng hóa thì có quyền lợi bảo hiểm mặc dù  có thể đã từ chối nhận hàng hoặc đã xử lý hàng hóa đó như đối với hàng hóa thuộc rủi ro của người bán hàng do giao hàng chậm hoặc vì những lý do khác”. Quy định như  thế không dễ hiểu, thậm chí sẽ có  thể có nhiều cách hiểu khác nhau, vì trong bảo hiểm “Nguyên tắc lợi ích” là  một trong những nguyên tắc hết sức quan trọng, là  căn cứ để công ty bảo hiểm ký kết hợp  đồng và bồi thường khi tổn thất xảy ra. 
 

Các văn bản liên quan