Ý kiến góp ý của TS. Trịnh Minh Hiền, Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Bộ GTVT tại Hội thảo góp ý hoàn thiện Báo cáo rà soát Bộ luật Hàng hải năm 2005

Thứ Ba 14:09 23-08-2011

Theo đề nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc góp ý dự thảo Báo cáo rà soát Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005 ( sau đây gọi chung là dự thảo Báo cáo), với tư cách là một chuyên gia, tôi có một số ý kiến như sau:

  1. Về đánh giá tổng thể

  Dự thảo Báo cáo đã rà soát toàn bộ nội dung của Bộ luật Hàng hải Việt Nam ( sau đây gọi chung là BLHHVN), nêu  ra một số vấn đề vướng mắc, bất cập của BLHHVN. Điều này là quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Bộ GTVT đã có văn bản chính thức đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ này Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHHVN. Một số vấn đề được đánh giá là tồn tại trong dự thảo Báo cáo đã được quy định cụ thể trong một số văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa một số điều của BLHHVN (ví dụ như Nghị định 71/2006/NĐ-CP về quản lý cảng biển và luồng hàng hải,....); Vì vậy cần rà soát tổng thể hệ thống pháp luật về hàng hải của Việt Nam ( BLHHVN và các văn bản hướng dẫn thi hành).

  2. Về phương pháp rà soát

  Cơ bản thống nhất với phương pháp rà soát. Tuy nhiên, đề nghị bổ sung rà soát các quy định cụ thể trong Bộ luật kết hợp rà soát các quy định tại các văn bản dưới Luật khác.

  3. Bình luận cụ thể

  3.1 Điểm 1 của dự thảo Báo cáo

Lập luận phân tích và kiến nghị tại Điểm này là chính xác. Tuy nhiên, khi xây dựng BLHHVN, trong nội dung dự thảo Bộ luật có cả hợp đồng vận chuyển bằng đường biển và hợp đồng vận tải đa phương thức. Vì vậy, đã sử dụng cả 3 thuật ngữ là shipper, consignor và consignee để phù hợp với cả 2 loại hợp đồng vận chuyển nói trên. Vấn đề này sẽ phải được nghiên cứu để sửa đổi cho phù hợp.

3.2. Về Điểm 2 của dự thảo Báo cáo:

  Về nhận định tại Điểm này đề nghị cân nhắc loại bỏ, vì:

  - Cảng vụ hàng hải là cơ quan quản lý chuyên ngành hàng hải tại vùng nước cảng biển và khu vực quản lý, căn cứ vào tình hình tại từng cảng biển, bến cảng, điều kiện khí tượng thủy văn, thủy triều, thông báo độ sâu luồng, sức gió, độ cao tĩnh không luồng, công suất tàu lai...và các điều kiện kỹ thuật khác của luồng hàng hải, bến cảng, mớn nước của tàu thuyền để thực hiện công tác điều động tàu vào, rời và hoạt động tại cảng biển. Quy định này là hợp lý và tạo sự chủ động cho Cảng vụ hàng hải điều động tàu biển.

  - Điều 4 của Nghị định 71/2006/NĐ-Cp cũng đã quy định: “Giám đốc Cảng vụ hàng hải căn cứ vào quy định của Nghị định này và điều kiện đặc thù tại vùng nước cảng biển và khu vực quản lý được giao để ban hành “Nội quy cảng biển” sau khi đã được Cục trưởng Cục HHVN phê duyệt, nhằm mục đích bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường do tàu biển gây ra”.

  - Thực tế trong thời gian qua cho thấy, nếu chỉ căn cứ vào các thông báo hàng hải về độ sâu luồng thì các tàu lớn có mớn nước sâu hơn hoặc bằng độ sâu luồng có thể không vào, rời được cảng Sài Gòn, tuy nhiên căn cứ vào độ cao của thủy triều, Giám đốc Cảng vụ hàng hải TPHCM đã điều động cho phép nhiều tàu có trọng tải lớn vào và rời cảng Sài Gòn an toàn.

  - Khuyến nghị của Điểm này cần nêu rõ tiêu chuẩn về vấn đề gì, tiêu chuẩn hay quy chuẩn…

  3.3. Về Điểm 3 của dự thảo Báo cáo

  Đề nghị bỏ, vì:

  - Ngày 04/12/2008, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 26/2008/QĐ-BGTVT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong đó quy định: “Cục Đăng kiểm Việt Nam là tổ chức trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đăng kiểm đối với phương tiện giao thông và phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thi công chuyên dùng, container, nồi hơi và bình chịu áp lực sử dụng trong giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, hàng hải trong phạm vi cả nước (sau đây gọi tắt là phương tiện, thiết bị giao thông vận tải); tổ chức thực hiện công tác đăng kiểm chất lượng an toàn kỹ thuật các loại phương tiện, thiết bị giao thông vận tải và phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí trên biển theo qui định của pháp luật.”. Cục Đăng kiểm Việt Nam được thực hiện 2 chức năng: quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm và tổ chức thực hiện công tác đăng kiểm.

  - Điểm k khoản khoản 6 Điều 2 Quyết định số 26/2008/QĐ-BGTVT quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Đăng kiểm Việt Nam:

  “ 6. Tổ chức thực hiện công tác đăng kiểm chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện, thiết bị giao thông vận tải và các phương tiện, thiết bị khác (trừ phương tiện, thiết bị phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh và tàu cá), bao gồm:

Xem xét uỷ quyền cho các tổ chức đăng kiểm nước ngoài thực hiện kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho tàu biển, các phưương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí trên biển theo yêu cầu của chủ phương tiện, thiết bị;” . Như vậy, Bộ GTVT đã giao Cục ĐKVN thực hiện chức năng này.

  - Về Giấy chứng nhận khả năng đi biển:

  Trước mắt, vẫn duy trì việc cấp GCNKNĐB cho tàu vì một số lý do như sau:

  + Thực tiễn yêu cầu quản lý hiện nay cho thấy vẫn còn nhiều chủ tàu (đặc biệt là các chủ tàu nhỏ), vì lý do tài chính hạn chế hoặc thiếu mẫn cán trong việc quản lý, bảo dưỡng tàu nên tỷ lệ tàu Việt Nam bị lưu giữ ở nước ngoài vẫn còn rất cao. Việc duy trì cấp GCNKNĐB không những giúp chủ tàu biết được các thời điểm kiểm tra, đánh giá để chủ động sửa chữa, khắc phục nhằm duy trì chất lượng trang thiết bị, kết cấu của tàu mà còn giúp Cục Đăng kiểm Việt Nam thuận lợi trong việc quản lý chất lượng, định kỳ kiểm tra.

  + Mặc dù, các Công ước quốc tế về hàng hải mà Việt Nam là thành viên không quy định việc cấp Giấy chứng nhận khả năng đi biển trong Danh mục giấy chứng nhận và tài liệu của tàu biển, tuy nhiên trên thế giới một số nước có ngành hàng hải tương đối phát triển cũng có quy định cấp loại giấy này và có tên tương tự như: Hà Lan, Bỉ, Nga, Na Uy, Inđônêxia, ...

  + Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đang nghiên cứu, đề xuất lộ trình thích hợp để bỏ việc cấp Giấy chứng nhận khả năng đi biển khi đội tàu Việt Nam phát triển cả về chất lượng và số lượng (khả năng tài chính, ý thức của chủ tàu nâng cao, tỷ lệ tàu Việt Nam bị lưu giữ ở nước ngoài giảm và đội tàu Việt Nam không nằm trong Danh sách đen trong một khoảng thời gian nhất định). Ngày 17/5/2010, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có công văn số 645/ĐKVN đề xuất việc bỏ cấp loại giấy này trước năm 2020, phù hợp với sự phát triển của đội tàu Việt Nam.

  3.4. Về Điểm 5 của dự thảo Báo cáo

  Nội dung tại Điểm này viết còn chung chung, không rõ ý.

  3.5. Về điểm 6 của dự thảo Báo cáo:

Đề nghị nghiên cứu thêm, vì:

  Điều 100 của BLHHVN có thể đã được tham khảo Công ước quốc tế về vận chuyển bằng đường biển. Nếu đúng như vậy thì các bên tham gia giao dịch thương mại hàng hải quốc tế phải chủ động và quyết định các vấn đề liên quan đến giải quyết nếu có tranh chấp xảy ra, như: thỏa thuận chọn luật áp dụng, trọng tài hay tòa án giải quyết.

  3.6. Về điểm 7 của dự thảo Báo cáo

  Phân tích và khuyến nghị tại Điểm này là chính xác. Bộ GTVT đã đề nghị đưa vào dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra, đề nghị bổ sung phương án cho phép ký quỹ khi giải quyết việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải để giải phóng tàu và hàng được nhanh chóng..

  3.7. Về Điểm 8 của dự thảo Báo cáo

  Phần lập luận của Điểm này là chưa hoàn toàn chính xác. Ngoài ra, đăng kiểm viên là công chức, vì vậy nếu có sai phạm sẽ bị xử lý theo Luật Cán bộ, công chức và Bộ luật Hình sự, không bị xử lý theo PLXLVPHC.

  3.8. Về Điểm 9 của dự thảo Báo cáo

Phát hiện tại Điểm này là chính xác, lỗi do sơ xuất đánh máy nhưng đã làm cho quy định của Luật không chính xác. Vấn đề này sẽ được tiếp thu sửa đổi.

3.9. Về điểm 10, 11 của dự thảo Báo cáo

Các ý kiến tại các Điểm này là chính xác, khuyến nghị hợp lý.

3.10. Về Điểm 13 của dự thảo Báo cáo

Đề nghị bỏ, vì:

  Bộ GTVT giao cho các Tổng Công ty bảo đảm hảng hải công bố thông báo hàng hải vì những lý do sau:

  - Thông báo hàng hải ở Việt Nam hiện nay chủ yếu liên quan đến độ sâu luồng hàng hải, độ sâu vùng nước hàng hải, các công trình, trướng ngại vật trên luồng hàng hải, độ cao tĩnh không, các báo hiệu hàng hải... Các Tổng Công ty bảo đảm hàng hải được thành lập thực hiện hoạt động công ích là khảo sát, duy tu, xây dựng, lắp đặt, nạo vét các hệ thống luồng hàng hải, báo hiệu hàng hải và được giao thực hiện luôn việc ra thông báo hàng hải theo quy định tại Quyết định số 53/2005/QĐ-BGTVT. Từ trước đến nay, các doanh nghiệp này thực hiện việc công bố này kịp thời, đảm bảo độ chính xác và thuận lợi, đáp ứng các yêu cầu của tàu thuyền qua lại an toàn trên các vùng biển Việt Nam, luồng hàng hải và vùng nước cảng biển.

  - Hoạt động công ích được giao cho doanh nghiệp thực hiện cũng là việc bình thường và phù hợp pháp luật Việt Nam.

  3.11 Về Điểm 14 của dự thảo Báo cáo

Vấn đề này sẽ nghiên cứu tham khảo thêm.

3. Các vấn đề đề nghị xem xét bổ sung để rà soát

  - Các quy định về quản lý cảng biển, luồng hàng hải;

  - Về cho thuê kết cấu hạ tầng cảng biển;

  - Về quản lý bến thủy nội địa trong vùng nước cảng biển;

  - Hợp đồng bảo hiểm hàng hải;

  - Quy trình cấp phép cho tàu biển mang cờ quốc tịch nước ngoài vận tải nội địa;

  - Hợp đồng vận chuyển hàng hóa theo chuyến;

  - Điều kiện đăng ký tàu biển Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài;

  - Giới hạn trách nhiệm dân sự của chủ tàu;

  - Hoạt động vận tải thủy từ bờ ra đảo.....

  Trên đây là ý kiến góp ý của tôi để Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nghiên cứu, tham khảo.

 

Các văn bản liên quan