Ý kiến của Ông Lê Nết tại Hội thảo

Thứ Ba 09:02 20-09-2011

 Chúng ta cần phải có sự chỉnh sửa một cách cơ bản. Hai luật doanh nghiệp và luật đầu tư chồng chéo và phải đến lúc bỏ 1 luật, đó là luật đầu tư, không thể bỏ luật doanh nghiệp.

Tỷ lệ đa số trong Luật Doanh nghiệp là 65% trong khi cam kết WTO là 51%. Chúng ta nên thống nhất là 51% để tránh bất lợi cho doanh nghiệp trong nước.

Nên đưa thỏa thuận giữa các cổ đông vào trong Luật Doanh nghiệp bởi vì, nếu chúng ta bỏ Luật Đầu tư cũng có nghĩa là chúng ta bỏ hợp đồng liên doanh.

Quy định về bán doanh nghiệp, trong Luật Đầu tư có quy định về chuyển nhượng dự án nhưng thực tế thì chẳng thấy ai làm việc đó, bảo giải thích về chuyển nhượng dự án cũng không rõ. Khái niệm đó cũng tương đương với khái niệm “bán doanh nghiệp” nên chúng ta cũng nên đưa luôn vào trong Luật Doanh nghiệp.

Làm rõ khái niệm “nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam”, điều kiện đầu tư theo Nghị định 102. Luật Doanh nghiệp quy định dưới 49% thì không vấn đề gì cả. Trong khi đó Luật Đầu tư phía trên, lại quy định nhà đâù tư nước ngoài được áp dụng điều kiện đầu tư như nhà đầu tư trong nước, phía dưới, lại quy định nhà đầu tư nước ngoài lần đầu tiên đầu tư vào Việt Nam phải lập dự án đầu tư và phải đăng ký. Ngay trong một luật đã không thống nhất. Nghị định 102 quy định, nếu không quá 49% thì áp dụng như nhà đầu tư trong nước. Nghị định 23 về phân phối thì dưới 49% vẫn phải xin ý kiến. Sau khi VN tham gia vào WTO thì “đẻ” ra nhiều rào cản, đó cũng chính là lý do mà một số nhà đầu tư nước ngoài bỏ Việt Nam để chạy sang các nước khác.

Kiến nghị bổ sung quy định về thủ tục  bổ sung thay đổi thành viên trong trường hợp chuyển nhượng cổ phần đối với Nghị định 102, lúc thì bảo là khi thay đổi thành viên chưa đến 49% thì cứ đưa giấy đăng ký kinh doanh đến sửa đổi, nhưng lại “thòng” thêm một câu là muốn đầu tư cho chính tắc thì phải sang phòng đầu tư nước ngoài để xin giấy chứng nhận đầu tư. Thành ra người có giấy chứng nhận kinh doanh rồi mà chưa có giấy chứng nhận đầu tư thì cũng không biết là đã ổn hay là chưa ổn. Trong Luật Doanh nghiệp quy định chỉ cần ghi vào sổ đăng ký cổ đông lại ổn rồi. Nghị định 102 thậm chí còn trái Luật doanh nghiệp, vốn điều lệ là vốn phải được góp đủ, đây là giải pháp sáng tạo của VN để ngăn chặn khai khống doanh nghiệp. Nhưng ở nước ngoài không xem vốn điều lệ ra gì, doanh nghiệp có thể thành lập 1 USD và doanh nghiệp 1 USD có thể ký hợp đồng hàng tỷ đô la. Các công ty nước ngoài BBI vào đầu tư VIệt Nam kể cả các dự án 3 tỷ đô la, như ở hồ Chàm cũng là các công ty BBI. Tự nhiên chúng ta gây khó khăn cho các công ty Việt Nam mà chẳng để làm gì cả. Những người đã lỡ tăng vốn lại nghĩ đến việc giảm vốn. Nhưng giờ giảm vốn như thế nào cũng không biết luôn. Theo Nghị định 88, sau khi giảm vốn phải chứng minh là vẫn đủ khả năng trả nợ. Làm sao mà chứng minh được điều đó, làm sao chứng minh được hiện nay tôi đang ký hợp đồng với bao nhiêu người và tôi đang nợ bao nhiêu người.

Cách tiếp cận của chúng ta là như thế nào? Chúng ta muốn sáng tạo hay chúng ta muốn đi theo con đường của các nước khác? Trước đây nhiều người cười Campuchia là họ không có tính sáng tạo gì cả. Họ bê nguyên Luật Doanh nghiệp của Mỹ và dịch ra tiếng Khơ me và đóng dấu Quốc hội vào và bảo đó là Luật của Campuchia. Không chỉ Cămphuchia làm chuyện đó mà Singapore, Nhật cũng làm chuyện đó. Vậy chúng ta sáng tạo là đi sau họ hay đi trước họ? Chúng ta nên thay đổi cách nhìn nhận. Chúng ta có phát minh ra cái bánh xe hay không mà chúng ta không có thời gian để phát minh cái bánh xe nữa. Cho nên, chúng ta phải quyết định thật nhanh cách tư duy.

Kiến nghị thống nhất chuyển nhượng vốn cổ phần của nhà đầu tư trong nước cho nhà đầu tư nước ngoài. Nghị định 23 mâu thuẫn nghị định 102, cái nào ra đời sau là ưu thế nhưng cái nào cụ thể hơn cũng là ưu thế. Chúng ta cũng không có tòa hiến pháp để nói rằng luật này sai rồi, luật này đúng. Họ chỉ biết Công văn hướng dẫn của một Bộ, một vụ nào đó thôi. Mặc dù chúng ta đều thừa biết, công văn không phải là văn bản quy phạm pháp luật, mà là ý kiến chủ quan của ai đó.

Kiến nghị quy định rõ về các thủ tục chào bán cổ phần theo Nghị định 01

Kiến nghị quy định đinh nghĩa cổ đông sáng lập trong Luật Doanh nghiệp. Định nghĩa này có nhiều mâu thuẫn vì một số doanh nghiệp không còn cổ đông sáng lập, định nghĩa cũng không còn ý nghĩa nữa.

Kiến nghị làm rõ thế nào là “hoàn tất chuyển nhượng” người thì bảo là trước khi hoàn tất phải thanh toán hết tiền, Nghị định 88, mọi người làm ra chế độ 2 sổ sách, sau khi có tên trong doanh nghiệp mới trả tiền, chế độ soạn hợp đồng giả gửi cho Sở kế hoạch và Đầu tư là đã trả hết tiền rồi. Khi đưa nhau ra tòa thì không biết đưa hợp thật hay hợp đồng giả?

Địa chỉ thay đổi trụ sở công ty. Thay đổi địa chỉ phải liên quan đến cục thuế, mã số thuế. Trong trường hợp có một số người khi chuyển đổi không biết nộp cho cục thuế quận 1 hay quận 5 vì chẳng có cục thuế nào nhận cả. Đó là ngay trong thành phố chứ chưa nói đến giữa cục thuế Bình Dương với cục thuế thành phố, làm sao mà tất toán được chỗ này để chạy sang chỗ kia.

Về đăng ký ngành nghề kinh doanh chính cho văn phòng đại diện. Hiện nay không có quy định hướng dẫn cụ thể.

Điều kiện làm giám đốc, giám đốc phải có 10% trở lên, có trình độ kinh nghiệm. Nhưng có trường hợp chỉ có 5% cũng không thuộc 10%, cũng không có kinh nghiệm nhưng các cổ đông đăng ký ông này làm giám đốc thì sở lại từ chối.

Cái lớn nhất của chúng ta hiện nay là chúng ta không có thời gian để chế tạo ra bánh xe nữa.

Các văn bản liên quan