Vận động chính sách ở Việt Nam: những vướng mắc và giải pháp tháo gỡ

Thứ Hai 14:28 07-01-2008


VẬN ĐỘNG CHÍNH SÁCH Ở VIỆT NAM :
NHỮNG VƯỚNG MẮC VÀ GIẢI PHÁP THÁO GỠ.
(Tham luận tại Hội thảo Quốc tế  Vận động chính sách: Thực tiễn và Pháp luật) 
  
                                                       Luật gia Vũ Xuân Tiền
                                                            Chủ tịch Hội đồng thành viên
                                                             Công ty tư vấn VFAM Việt Nam
 
  

Trong hơn hai mươi năm của quá trình đổi mới, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật (gọi chung là văn bản chính sách) của Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể. Song, cũng không thể phủ nhận được rằng, các văn bản chính sách của nước ta còn khá nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao hơn, nghiêm khắc hơn của sự phát triển nền kinh tế quốc dân trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu hơn, toàn diện hơn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là :Công tác vận động chính sách chưa được quan tâm đúng mức và do đó, nó chưa đạt hiệu quả cao.Vậy, thế nào là vận động chính sách ? Vận động chính sách ở Việt Nam đang gặp những vướng mắc gì ? Cần có những giải pháp cấp bách gì để tháo gỡ những vướng mắc hiện nay ? Với những suy nghĩ bước đầu, tham luận này xin trình bày một số ý kiến về những vấn đề nêu trên.

I-                  THẾ NÀO LÀ VẬN ĐỘNG CHÍNH SÁCH ?

Từ trước đến nay ở nước ta, khái niệm vận động chính sách là rất xa lạ, thậm chí là khó chấp nhận. Vì vậy, trước khi bàn sâu hơn vào vấn đề cần trao đổi, thiết nghĩ, cũng cần làm rõ thế nào là vận động chính sách ở nước ta trong điều kiện hiện nay ?

Theo Từ điển Tiếng Việt phổ thông, vận động là việc tuyên truyền, giải thích, động viên làm cho người khác tự nguyện làm một việc gì đó, thông thường là theo một phong trào. Chẳng hạn, vận động toàn dân tham gia thực hiện quy ước văn minh trong tang, lễ, cưới hỏi ; vận động thanh niên tham gia phong trào thanh niên tình nguyện ; vận động toàn dân thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, v.v...Như vậy, khi nói đến vận động, thông thường, chủ thể của việc vận động là Nhà nước, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội...Còn đối tượng của việc vận động là các tầng lớp nhân dân.

Từ khái niệm về vận động nêu trên, có thể nêu, vận động chính sách là việc tuyên truyền, giải thích, động viên những người nghiên cứu, soạn thảo và ban hành các chính sách tự nguyện xây dựng các chính sách theo nguyện vọng chính đáng của người vận động. Trong điều kiện ở nước ta hiện nay, khái niệm nêu trên bao hàm trong nó một quy trình ngược. Bởi lẽ, xây dựng, ban hành các chính sách là quyền của cơ quan Nhà nước các cấp, thể hiện ý chí của người quản lý đối với người bị quản lý. Vì vậy, sẽ khó có  thể xẩy ra việc người bị quản lý lại tuyên truyền, giải thích, động viên những người có chức năng, quyền hạn trong quản lý làm theo nguyện vọng của mình mặc dù đó là những nguyện vọng chính đáng, hợp pháp.

Kết quả những cuộc hội thảo trước đây trong khuôn khổ vấn đề được đặt ra hôm nay, đã kết luận rằng, vận động chính sách (VĐCS) được hiểu là quá trình tác động vào những nhà hoạch định chính sách, những người ra quyết định để tạo ra một chính sách phù hợp hơn, minh bạch và hiệu quả hơn. Kết quả nghiên cứu cũng cho rằng, khái niệm vận động chính sách xuất phát từ thuật ngữ vận động hành lang, có xuất xứ từ nước Anh. Theo nghĩa đó, vận động chính sách ở Việt Nam có những đặc trưng cơ bản sau :

a)      Đó chính là việc đưa ra những ý kiến đề xuất, góp ý, phản biện cho các chính sách kinh tế và xã hội để những nhà hoạch định chính sách, những người ra quyết định đưa ra những chính sách phù hợp hơn, minh bạch hơn và hiệu quả hơn ;

b)     Chủ thể của việc vận động phải là những nhà hoạch định chính sách theo một quy trình nhất định ;

c)     Đối tượng của việc vận động là các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp đại diện cho công đồng doanh nghiệp. Việc đưa ra những ý kiến đề xuất, góp ý, phản biện của đối tượng được vận động cũng phải theo những quy định, quy trình nhất định.

Với ý nghĩa nêu trên, vận động chính sách đã và đang trở thành nhu cầu cấp bách ở nước ta vì những lý do sau :

a)     Việc hoạch định và ban hành những chính sách kinh tế, xã hội ở nước ta trong hơn hai mươi năm đổi mới vừa qua, tuy đã có những tiến bộ nhất định, nhưng vẫn còn những hạn chế lớn như : không ít chính sách không phù hợp ngay từ khi ban hành cho nên phải sửa đổi, bổ sung khá nhanh và nhiều lần tạo ra một hệ thống chắp vá, thiếu đồng bộ ; một số chính sách thiếu khách quan, minh bạch, điển hình là các văn bản về chính sách quản lý đất đai ; quản lý đầu tư xây dưng ; chính sách về thuế, phí.... Một số chính sách còn xơ, cứng, mang dấu ấn khá nặng nề của tư duy kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp, chậm thay đổi so với yêu cầu của cuộc sống, điển hình là chính sách về quản lý lao động, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội...đối với các doanh nghiệp. Những hạn chế nêu trên tất yếu làm cho các chính sách đã ban hành kém hiệu quả. Các chính sách kinh tế, xã hội được ban hành thuộc phạm trù “thượng tầng kiến trúc”. Do đó, một chính sách sai lầm có thể gây hậu quả lớn có thể so sánh với hậu quả của một cuộc khủng hoảng nền kinh tế quốc dân.

b)    Một trong những cam kết về bảo đảm yêu cầu minh bạch hóa của nước ta khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là : “Ngay từ khi gia nhập, Việt Nam phải công bố dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ ban hành để lấy ý kiến nhân dân; thời hạn dành cho việc góp ý và sửa đổi là 60 ngày; các văn bản nêu trên phải được đăng công khai”. Với cam kết này, tình trạng  “mẹ hát, con khen hay” trong  việc hoạch định các chính sách, ban hành các văn bản về chính sách kinh tế, xã hội phải chấm dứt. Các chính sách khi được ban hành phải đáp ứng được những yêu cầu bức thiết của cuộc sống.

Từ những luận cứ trên, cũng cần khẳng định rằng, vận động chính sách – vấn đề chúng ta đang bàn ở đây hôm nay – không đồng nghĩa với với việc “chạy cơ chế” đã từng xẩy ra ở nước ta trong những năm vừa qua.

II-              VẬN ĐỘNG CHÍNH SÁCH Ở VIỆT NAM – NHỮNG VƯỚNG MẮC TRONG THỰC TIỄN

Với cách hiểu về vận động chính sách như đã trình bày ở phần trên, ngay từ năm 2001, với Chỉ thị 16 CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc vận động chính sách ở nước ta đã được thực hiện. Đó là việc tham vấn ý kiến của các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp và các tầng lớp nhân dân về các văn bản Luật, pháp lệnh, các Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành trước khi ban hành. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – đại diện của cộng đồng doanh nghiệp – được giao thực hiện nhiệm vụ này. Có thể nói, với vai trò là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quan quản lý Nhà nước trong việc ban hành các văn bản về chính sách kinh tế, xã hội, với rất nhiều khó khăn về cơ chế, tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ quan trọng này. Rất nhiều hội nghị, hội thảo với sự tham gia của đông đảo đại diện các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp...đã được tổ chức. Hàng nghìn ý kiến đề xuất, góp ý, phản biện cho dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật đã được đưa ra.

Trong vài năm gần đây, các cơ quan Bộ, ngành được giao chủ trì soạn thảo các dự thảo Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư cũng đã chủ động tổ chức các hội nghị, hội thảo tham vấn như nêu trên. Đồng thời, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, thông qua Website của Chính phủ, các Bộ, ngành cũng thông báo và nhận được nhiều ý kiến đóng góp của nhân dân thông qua kênh thông tin này. Một lực lượng hùng hậu các báo và tạp chí cũng góp phần tích cực trong việc vận động chính sách. Đó là những việc đã làm được và không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, nghiên cứu, phân tích việc vận động chính sách ở nước ta trong thời gian qua, có thế thấy, còn những vướng mắc lớn sau đây cần được nhanh chóng tháo gỡ :

Một là,  cơ sở pháp lý của việc vận động chính sách ở nước ta chưa đủ mạnh.

Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật không có quy định bắt buộc phải tham vấn ý kiến của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp khi ban hành các văn bản về chính sách kinh tế, xã hội. Việc tham vấn các ý kiến của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trước khi ban hành các văn bản về chính sách kinh tế, xã hội được thực hiện theo một Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Đó là văn bản truyền đạt ý kiến của người đứng đầu Chính phủ nhưng vẫn không thể coi là quy định của pháp luật. Vì vậy, việc tham vấn ý kiến vẫn là việc cần làm, nên làm nhưng chưa là việc phải làm trong một quy trình bắt buộc. Từ đó, các cơ quan soạn thảo văn bản có thể làm và cũng có thể không làm với những lý do khách quan đầy sức thuyết phục.

Hai là, việc tham vấn ý kiến của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đối với các văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta chưa triệt để.

Theo Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay ở nước ta, Luật, Pháp lệnh do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành là Luật khung. Sau Luật là các Nghị định của Chính phủ. Nghị định lại quy định những nguyên tắc chung, những vấn đề cụ thể hơn lại do các Bộ, ngành hoặc liên ngành hướng dẫn bằng các Thông tư. Song, việc tham vấn ý kiến của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp chủ yếu lại thực hiện đối với dự thảo Luật, Pháp lệnh và Nghị định. Trong khi đó, cuộc sống lại cần những quy định chi tiết, cụ thể. Những vấn đề chi tiết, cụ thể như vậy lại không được tham vấn. Do đó, khá nhiều trường hợp, những góp ý rất hợp lý, hợp lệ với đầy đủ bằng chứng khoa học, khách quan được nêu ra khi góp ý các Luật, Pháp lệnh, Nghị định đã bị vô hiệu hóa trong các Thông tư hướng dẫn. Tình trạng chậm ban hành các Thông tư hướng dẫn hoặc đưa thêm những nội dung thiếu minh bạch, thiếu khách quan vào các Thông tư hướng dẫn đã gây hậu quả lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Ví dụ, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ 1/1/2007. Song, hơn 10 tháng sau, ngày 15/10/2007, Nghị định số 153/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản mới được ban hành. Trong suốt thời gian đó, hầu như không một doanh nghiệp nào được đăng ký kinh doanh ngành nghề kinh doanh bất động sản. Cho đến nay, việc đăng ký kinh doanh bất động sản vẫn chưa được thực hiện vì...chưa có Thông tư hướng dẫn !. Thật kỳ lạ khi việc kinh doanh bất động sản trên thị trường ngầm đã và đang cực kỳ sôi động thì việc cho phép doanh nghiệp kinh doanh bất động sản một cách đàng hoàng, theo đúng quy định của pháp luật lại...vẫn đang trong quá trình nghiên cứu.

Việc các Thông tư hướng dẫn cứ vô tư ra đời không hoặc rất ít Thông tư được tham vấn ý kiến của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp là một trong những nguyên nhân làm cho các Giấy phép con vẫn liên tục “tái xuất giang hồ” gây nhiều khó khăn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Cam kết về minh bạch hóa của nước ta khi gia nhập WTO cũng chỉ đề cập đến các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ ban hành. Do đó, các Thông tư hướng dẫn lại là “cửa” để “lách luật” rất hữu hiệu khi cần thiết.

Ba là, các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản về chính sách kinh tế, xã hội chưa thật khách quan khi dự thảo văn bản và tiếp thu các ý kiến trong quá trình tham vấn.

Hiện nay, trong quy trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta, vấn đề cần điều chỉnh thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành nào thì Bộ, ngành đó được giao chủ trì soạn dự thảo và tiếp thu ý kiến tham vấn. Chẳng hạn, vấn đề thuộc về đất đai và bảo vệ môi trường thì cơ quan chủ trì là Bộ Tài nguyên- Môi trường ; tương tư như vậy, vấn đề về lao động – tiền lương – tiền công thì thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ; vấn đề về thuế và kế toán, kiểm toán thì thuộc Bộ Tài chính, v.v... Mặc dù, về hình thức, chúng ta có một Ban dự thảo với đầy đủ thành phần của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan nhưng quyết định cuối cùng khi trình Chính phủ vẫn thuộc về đơn vị chủ trì. Chuyển từ “Nhà nước cai trị” với chức năng chủ yếu là quản lý  thành “Nhà nước dịch vụ” với mhiệm vụ chủ yếu là phục vụ nhân dân là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhưng đến nay vấn đang là mục tiêu trong tương lai. Vì vậy, thông qua văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao hơn nữa quyền lực của Bộ, ngành mình, đẩy các khó khăn cho nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, vẫn là hiện tượng xẩy ra một cách phổ biến hiện nay. Đó là sản phẩm tất yếu khách quan của một cơ chế. Quy luật khách quan của cuộc sống là “ăn quả táo ắt phải rào cây táo”. Vì vậy, chúng ta không trách gì những người chủ trì soạn dự thảo các văn bản và có nhiệm vụ tiếp thu những ý kiến tham vấn về hiện tượng này. Hậu quả của tình trạng nêu trên là, nhiệt tình của nhân dân, các doanh nhân và các nhà nghiên cứu trong việc nghiên cứu, góp ý, phản biện cho các văn bản chính sách đã và đang bị triệt tiêu. Bởi vì, họ cho rằng, những góp ý đầy tâm huyết cũng chẳng có tác dụng gì!

Bốn là,  quy định pháp lý nào đối với tiếp thu các ý kiến tham vấn và xử lý những vấn đề có ý kiến khác nhau chưa đầy đủ, rõ ràng.

Như đã phân tích, việc tham vấn ý kiến của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đối với các văn bản chính sách kinh tế, xã hội ở nước ta vẫn là việc cần làm và nên làm. Do đó, cũng không có một văn bản nào quy định về việc tiếp thu những ý kiến tham vấn tại các hội nghị, hội thảo và trên báo, chí. Thông thường, chỉ những ý kiến nào có lợi cho mục tiêu đã được xác định của cơ quan chủ trì mới được tiếp thu. Hơn thế, đã xuất hiện hiện tượng, cơ quan chủ trì soạn dự thảo chủ động tổ chức những hội nghị, hội thảo lấy ý kiến góp ý nhưng những người tham gia, những ý kiến góp ý đã được dàn xếp, bố trí trước nhằm tạo căn cứ để bảo vệ ý định chủ quan đã “cài” vào văn bản dự thảo.

Nghiêm trọng hơn là việc xử lý những ý kiến khác nhau, thậm chí là trái chiều nhau khi tham vấn, góp ý cho các văn bản về chính sách. Sự khác nhau, thậm chí là trái chiều nhau về một vấn đề nào đó là hiện tượng bình thường. Khi xẩy ra hiện tượng này, người dự thảo ra sức bảo vệ cho ý kiến của mình, người phản biện cũng đưa ra những ý kiến rất thuyết phục. Điểm yếu nhất ở nước ta hiện nay là không có được “trọng tài” trong những trường hợp này. Chúng ta có thể thấy tình trạng này trong những cuộc tranh luận vô cùng sôi động, đầy bổ ích và lý thú khi soạn thảo Luật Đầu tư ; những ý kiến tranh cãi rất quyết liệt và thẳng thắn khi tham gia vào dự thảo Luật Quản lý thuế  và hàng triệu ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân vừa qua...

Câu hỏi được đặt ra là : khi có những ý kiến khác nhau, thậm chí là trái chiều nhau, cơ quan nào là trọng tài ?

Câu hỏi nêu trên tuởng chừng là thừa, vì theo quy định, những vấn đề nào thuộc quyền của Quốc hội thì đưa ra Quốc hội xin ý kiến, vấn đề thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thuộc Chính phủ thì những cơ quan này quyết định. Tuy nhiên, văn bản quy phạm pháp luật về chính sách kinh tế, xã hội thường liên quan đến những vấn đề khoa học, thậm chí là khoa học chuyên ngành khá sâu. Cho nên, ý kiến trọng tài là tỷ lệ phiếu tán thành không phải là hoàn toàn đúng trong mọi trường hợp.

Năm là, vận động chính sách thông qua tham vấn các ý kiến của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp như những năm vừa qua là thiếu tính khả thi trong những năm tiếp theo.

Có thể khảng định rằng, vận động chính sách thông qua tham vấn các ý kiến của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp như những năm vừa qua sẽ khó có thể tiếp tục và mang lại hiệu quả trong những năm tới vì những lý do sau :

-         Để phù hợp hơn nữa với những cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, số lượng các văn bản về chính sách kinh tế, xã hội cần ban hành, sửa đổi, bổ sung ở nước ta sẽ rất nhiều. Do đó, thời gian cho việc góp ý những văn bản này đối với nhân dân, đặc biệt là các doanh nhân và các nhà nghiên cứu, cũng sẽ là rất lớn. Trong điều kiện phải dành phần lớn thời gian cho hoạt động kinh doanh, việc dành một thời gian khá lớn để nghiên cứu, góp ý cho dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là tham gia khá nhiều cuộc hội nghị, hội thảo sẽ trở thành bất khả kháng đối với nhiều chủ doanh nghiệp ;

-         Những vấn đề được đề cập, điều chỉnh trong các văn bản quy phạm pháp luật thường là khá phức tạp, liên quan đến nhiều luật khác ở trong nước và trên thị trường quốc tế. Trong cộng đồng doanh nghiệp, số doanh nhân nghiên cứu, hiểu được và góp ý, phản biện được những vấn đề đó không nhiều. Vì vậy, những người có khả năng đọc, hiểu và nêu được những ý kiến phản biện lại phải dành một lượng thời gian lớn hơn nhiều lần. Thông thường, đó lại là những người giữ vai trò quan trọng, quyết định trong hoạt động của doanh nghiệp. Không ai có thể sẵn sàng  để công việc kinh doanh bị đình trệ hoặc suy giảm để tập trung vào việc nghiên cứu, đưa ra những ý kiến phản biện cho một văn bản Luật, dù đó là văn bản Luật đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân.

III-           NHỮNG GIẢI PHÁP CẤP BÁCH

Vận động chính sách là hoạt động có ý nghĩa lớn ở nước ta trong những năm sắp tới. Làm gì và làm thế nào để tác động vào những nhà hoạch định chính sách, những người ra quyết định để tạo ra một chính sách phù hợp hơn, minh bạch và hiệu quả hơn ? Đó là câu hỏi quan trọng nhất cần được nghiên cứu, giải đáp. Tuy nhiên, giải đáp câu hỏi đó không đơn giản. Nó đòi hỏi phải nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực và với một phạm vi rộng. Tù những luận cứ đã nêu trong những phần trên của tham luận này, với những suy nghĩ bước đầu, xin được nêu một số giải pháp cấp bách sau đây :

Thứ nhất, cần có một quy định pháp lý cao hơn về vận động chính sách.

Quy định pháp lý về vận động chính sách sẽ quy định rõ về nguyên tắc, nội dung, hình thức của việc vận động chính sách; trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, của các tầng lớp dân cư, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu...trong việc thực hiện các nhiệm vụ vận động chính sách. Quy định này có thể được thực hiện thông qua việc sửa đổi, bổ sung Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hoặc thông qua một Nghị định của Chính phủ về vấn đề này ;

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng bảo đảm sự minh bạch, khách quan hơn cho dự thảo các văn bản về chính sách;

Theo hướng này, xin đề nghị :

a)     Không giao cho các Bộ, ngành có liên quan chủ trì soạn dự thảo và trình dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật. Thay vào đó, hình thành những nhóm chuyên gia gồm các Luật sư, Luật gia, các chuyên viên cao cấp có đủ trình độ chuyên môn trực thuộc Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đảm nhiệm việc chủ trì dự thảo, kiểm tra, đánh giá các dự thảo và việc tiếp thu các ý kiến góp ý, phản biện trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt ;

b)    Từng bước cải tiến để tiến tới xóa bỏ các Thông tư hướng dẫn sau Nghị định của Chính phủ. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh những trường hợp sử dụng công văn của ngành, thậm chí là công văn nội bộ, để sửa đổi, bổ sung chính sách đã ban hành.

Thực hiện tốt hai nội dung kiến nghị trên cũng chính là từng bước đảm bảo sự độc lập cao hơn nữa giữa chức năng lập pháp và chức năng hành pháp trong nhà nước pháp quyền XHCN của chúng ta. Khi và chỉ khi đạt được điều đó, Nhà nước XHCN Việt Nam mới thực sự là ‘‘ Nhà nước của dân, do dân và vì dân’’ như tôn chỉ, mục đích cao cả đã đặt ra của Đảng và Nhà nước ta.

Thứ ba, thí điểm để  tiến tới “xã hội hóa” việc xây dựng các văn bản  về chính sách, kinh tế xã hội.

“Xã hội hóa” việc xây dựng các văn bản về chính sách, kinh tế xã hội là vấn đề mới, có thể là rất xa lạ đối với tư duy của nhiều người ở nước ta. Nội dung cơ bản của việc “xã hội hóa” này bao gồm :

-         Ủy ban pháp luật của Quốc hội là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng dự thảo các văn bản về chính sách kinh tế, xã hội dưới các hình thức Luật, Pháp lệnh ; Ban Xây dựng pháp luật của Chính phủ chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng dự thảo các văn bản về chính sách kinh tế, xã hội thuộc thẩm quyền của Chính phủ ;

-         Việc xây dựng các dự thảo Luật, Pháp lệnh, Nghị định được hình thành dưới hình thức Dự án nghiên cứu. Cơ quan chủ trì có trách nhiệm lập Hồ sơ dự án, bao gồm : yêu cầu phải đạt được về nội dung, thời hạn, những nội dung thuộc chuyên ngành hẹp và kinh phí thực hiện ;

-         Các dự án nghiên cứu được thông báo công khai và lựa chọn đơn vị soạn dự thảo theo phương thức đấu thầu ;

-         Đơn vị được chọn để thực hiện dự án có trách nhiệm thực hiện tất cả các khâu công việc để đưa ra một dự thảo có đầy đủ căn cứ khoa học bao gồm : kinh nghiệm quốc tế về vấn đề có liên quan và những nội dung có thể vận dụng vào thực tiễn Việt Nam ; kết quả điều tra thực tiễn ; các ý kiến góp ý, phản biện ; việc xử lý những ý kiến chưa thống nhất hoặc trái chiều nhau ; trình bày và bảo vệ những vấn đề được nêu trong dự thảo văn bản trước cơ quan chủ trì và các cơ quan có liên quan,v.v...

-         Cơ quan chủ trì thẩm tra, nghiệm thu và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thứ tư,triển khai việc xây dựng và phát triển các tổ chức vận động chính sách chuyên nghiệp.

Chúng tôi cho rằng, hiện nay, có khá nhiều tổ chức đủ khả năng “nhận thầu” việc thực hiện các dự án xây dựng chính sách như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, một số Viện Nghiên cứu và một số Công ty tư vấn, Công ty Luật...

Tuy nhiên, “nhận thầu” việc thực hiện các dự án xây dựng chính sách kinh tế, xã hội phải là hoạt động có điều kiện, trong đó, điều kiện về nhân lực nghiên cứu và quá trình hoạt động trong lĩnh vực pháp luật có vị trí quan trọng hơn cả. Vì vậy, trước hết phải quy định những điều kiện hoạt động của các tổ chức vận động chính sách chuyên nghiệp và bổ sung hoạt động này vào danh mục ngành nghề đăng ký kinh doanh.

Thứ năm, thúc đẩy nhanh hơn nữa việc chuyển từ “Nhà nước quản lý” sang “Nhà nước dịch vụ”.

Có thể nói, tuy đây là giải pháp cuối cùng được nêu ra và có thể có nhiều ý kiến cho rằng “biết rồi, khổ lắm...” nhưng lại là giải pháp quan trọng nhất. Bởi lẽ, từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, nền kinh tế nước ta mới đi những bước đầu tiên trong kinh tế thị trường, cho nên, tư duy quản lý hay có thể nói là “tư duy cai trị” vẫn còn rất nặng nề trong hầu hết các cơ quan thuộc bộ máy công quyền của Nhà nước. Với tư duy “cai trị”, các cơ quan công quyền tập trung vào việc củng cố quyền lực để “cai trị” tốt nhất. Ngược lại, với tư duy phục vụ, các cơ quan công quyền phải đặt ra yêu cầu phù hợp, minh bạch và hiệu quả đối với việc quản lý.

Cho nên, khi chưa chuyển được từ “Nhà nước quản lý” sang “Nhà nước dịch vụ” thì việc “tác động vào những nhà hoạch định chính sách, những người ra quyết định để tạo ra một chính sách phù hợp hơn, minh bạch và hiệu quả hơn” sẽ chỉ là “ước mơ xa’’. Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực hiện những biện pháp quyết liệt trong nhiều lĩnh vực để hình thành một “Nhà nước dịch vụ”. Hy vọng rằng, trong tương lai không xa, mục tiêu đó sẽ trở thành hiện thực.
                        --------------------------------------------------
 
 
 
 
 
 
 
 

Các văn bản liên quan