“388” và hành trình giải oan của các doanh nhân

Thứ Tư 16:03 13-06-2007

Khi giới doanh nhân trở thành chủ thể của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế - là lực lượng quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, họ được cả xã hội tôn vinh. Nhưng con đường chinh phục "nghiệp làm giàu" không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng.

Trong những năm qua do sự cố tình hay vô ý của người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự khiến cho không ít doanh nhân rơi vào vòng lao lý. Nghị quyết 388/NQ-UBTV QH11 ngày 17/3/2003 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra được coi là một trong nững chính sách tích cực của Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, trên thực tế vẫn còn không ít bất cập.

Ba “án oan” điển hình


Ông Hoàng Minh Tiến từng phát biểu: "Nếu như tôi không bị bắt thì chắc chắn đã có thể xây dựng được một nhà máy thuộc da lớn nhất khu vực Đông Nam Á, tạo việc làm cho hàng trăm lao động vì trước đó chúng tôi đã ký thoả thuận hợp tác với một đối tác nước ngoài". Nhưng ở cái tuổi gần 60, sức khoẻ yếu, vốn liếng không còn thì có lẽ ước mơ của ông giờ chỉ là... mơ ước. May mắn hơn, ông Lương Ngọc Phi cũng bắt đầu gây lại được sự nghiệp theo đúng con đường mà ông đã... phải vào nhà giam nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn do bị mất thị trường và mất cơ hội tốt nhất. Còn với ông Chiến - bản lĩnh của doanh nhân đã được khẳng định bởi trong thời gian chạy đôn chạy đáo minh oan ông cũng đã kịp gây dựng lên DN Bắc Hà, trả được 20 tỷ đồng cho ngân hàng để giải chấp tài sản. Tuy vậy, thời cơ tốt nhất đã qua.


1. Tháng 7/2004, ông Hoàng Minh Tiến là người bị oan đầu tiên được VKS Hà Nội xin lỗi theo tinh thần Nghị quyết 388. Sau đó "ông yêu cầu VKS bồi thường 2,2 tỷ đồng cho thời gian vướng vòng lao lý theo tinh thần Nghị quyết 388 nhưng chỉ được VKS chấp nhận "thanh toán" gần 28 triệu, đồng thời bác 12 khoản khác ông Tiến yêu cầu, trong đó có việc trả lại căn nhà 6/95 Bạch Mai. Sau 3 lần thương lượng không thành, ông Tiến kiện VKS Hà Nội ra Toà án. Ông cũng là trường hợp đầu tiên của thành phố Hà Nội làm đơn kiện VKS ra toà theo trình tự thủ tục tố tụng dân sự của Nghị quyết 388. Vì vậy, đây là vụ việc được dư luận đặc biệt quan tâm.

Tại phiên sơ thẩm ngày 16/6/2005, TAND Hai Bà Trưng đã bác 12 trong 13 khoản ông Tiến yêu cầu, chỉ chấp nhận khoản bồi thường gần 28 triệu đồng cho hơn 400 ngày bị tạm giữ và 900 ngày tại ngoại (bị quản thúc) của ông Tiến. Các thiệt hại về nhà cửa, xưởng sản xuất... xảy ra trong lúc nguyên đơn bị bắt toà không xem xét vì cho rằng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết 388. Quan điểm này cũng giống như lập luận của VKS Hà Nội trong những lần thương lượng bồi thường với ông Hoàng Minh Tiến trước đó.

Trong đơn kháng cáo, ông Tiến tiếp tục đề nghị cấp phúc thẩm xem xét, buộc VKS Hà Nội bồi thường 13 khoản thiệt hại ông đưa ra, tổng cộng 2,7 tỷ đồng. Đó là khoản thiệt hại về vật chất, tinh thần mà ông và gia đình phải gánh chịu trong suốt thời gian vướng vòng lao lý. Đồng thời nhận lại ngôi nhà 6/95 Bạch Mai. Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm ông Tiến cũng chỉ được tòa ra phán quyết yêu cầu Viện kiểm sát khoản tiền 44,4 triệu đồng, nhiều hơn phán quyết sơ thẩm trên 15 triệu đồng. Phán quyết được đưa ra chưa thực sự thuyết phục được người bị oan cũng như những ai quan tâm theo dõi vụ việc. Theo ông Tiến thì số tiền đó không đủ chi phí cho việc ông đi lại viết đơn gửi các cơ quan chức năng trong suốt thời gian bị oan.

2. Một vụ án oan khác là việc ông Lương Ngọc Phi - Giám đốc Cty TNHH khai thác chế biến nông hải sản xuất khẩu Hoà Bình. Trong quá trình kinh doanh, Cty của ông Phi vay tiền của Ngân hàng Công thương tỉnh Thái Bình đầu tư cho nông dân địa phương trồng hơn 700 ha kê vàng để XK sang Nhật Bản. Đến hạn phải thanh toán, do chưa tới kỳ thu hoạch nên ông Phi khất nợ ngân hàng. Ngân hàng chưa kiện ông Phi nhưng ngày 1/5/1998, công an tỉnh Thái Bình đã bắt giam ông vì cho rằng đã có hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN". Ngày 28/9/1999, TAND tỉnh Thái Bình đã xét xử và tuyên phạt ông Phi 14 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN và ba năm tù về tội trốn thuế.

Sau khi xem xét bản án, ngày 25/4/2000, TAND tối cao đã xử phúc thẩm, tuyên ông Phi không phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN. Oan sai đã rõ, ngày 13/6/2006, TAND tỉnh Thái Bình thay mặt các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh tổ chức công khai xin lỗi ông Lương Ngọc Phi. Ngay sau đó ông Phi đã làm đơn đề nghị TAND tỉnh Thái Bình thương lượng bồi thường nhưng đến thời điểm hiện tại hai bên vẫn chưa ngồi được vào "bàn đàm phán" vì TAND tỉnh Thái Bình luôn lần lữa khất. Mức bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần do ông Phi đưa ra ban đầu là 23.203.844.110 đồng (trên 23 tỷ đồng). Cũng cần phải nói thêm, để "xác định" được cơ quan... xin lỗi, VKSND và TAND Thái Bình đã đùn đẩy trách nhiệm cho nhau suốt cả năm trời...

3. Kỷ lục nhất có lẽ là trường hợp đòi bồi thường oan sai của ông Nguyễn Đình Chiến, người bị truy tố oan sai gần 10 năm (có 28 tháng bị tạm giam) trong "vụ án tranh cãi xuyên thế kỷ". Ngày 2/8/2006, ông đã gửi đơn đến VKSND TP Cần Thơ yêu cầu bồi thường thiệt hại hơn 452 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại trực tiếp của ông là hơn 75 tỷ đồng, thiệt hại đối với 2 DN của ông là hơn 216 tỷ đồng, thiệt hại đối với các ngân hàng và DN liên quan là hơn 160 tỷ đồng. Nhiều khoản thiệt hại (của các ngân hàng, nợ của ông và các DN do ông làm chủ...) được lấy số liệu từ chính cáo trạng truy tố ông của VKSND TP Cần Thơ. Nguyên nhân vụ án oan sai đã được chỉ rõ tại các phiên tòa tuyên ông Chiến vô tội: Lẫn lộn vai trò DN với cá nhân trong hoạt động kinh doanh. Tính ra Nguyễn Đình Chiến đã tốn trên 500 triệu bay vào ra nhiều lần theo yêu cầu của các cơ quan tố tụng Cần Thơ, đó là chưa kể tiền thuê luật sư mỗi tháng 2 triệu đồng, trong gần 10 năm.

Thấy gì qua các vụ án oan

Qua một thời gian thực thi Nghị quyết 388 đã có hàng trăm vụ án oan được "giải oan" nhưng với cơ chế thương lượng như hiện nay và với số lượng án oan ngày một gia tăng thì chắc chắn trong thời gian tới toà án sẽ có thêm nhiều việc phải làm. Bởi theo trình tự của Nghị quyết 388 thì hầu hết các vụ oan sai đòi bồi thường sẽ phải dẫn nhau ra toà giải quyết, ngoại trừ những trường hợp có mức bồi thường thấp. Cơ chế giải quyết bồi thường oan sai theo Nghị quyết 388 vẫn hạn chế ở... thương lượng bởi một bên nhân danh nhà nước khó đảm bảo khách quan. Trong trường hợp người bị oan không thoả thuận được mức bồi thường sẽ kiện ra toà dân sự nhưng trong nhiều vụ việc toà sẽ phải tự xử hoặc toà cấp dưới xử toà cấp trên.

Có ý kiến cho rằng nên thành lập cơ quan độc lập đứng ra giải quyết bồi thường oan sai. Vì theo trình tự hiện nay và với những vụ bồi thường oan sai đã diễn ra, hầu hết đều chưa thoả mãn yêu cầu của người bị oan và thường vụ việc bị kéo dài hàng năm trời. Nếu không giải quyết dứt điểm, người bị oan lại phải vác đơn ra toà, tốn kém thời gian và tiền của. Thường thì mức bồi thường thấp hơn thực tế khá nhiều. Dẫu biết rằng cho dù có bồi thường như thế nào cũng không thể bù đắp được những gì mà người bị oan đã phải gánh chịu bởi những thiệt hại về tinh thần khó có thể lượng hoá thành tiền.

Các vụ án oan không chỉ làm mất niềm tin của người dân vào cơ quan hành pháp, tổn hại đến nền kinh tế, lãng phí tiền của nhà nước (trong trường hợp phải bồi thường với số tiền lớn). Điều đáng nói là trong rất nhiều vụ án oan, trách nhiệm thuộc về những người "cầm cân nảy mực". Tuy nhiên, trong hầu hết các vụ án oan đã được công khai xin lỗi ít thấy đề cập đến trách nhiệm cá nhân của những “công bộc” ấy. Điển hình như trong vụ án của ông Lương Ngọc Phi - kiểm sát viên Đặng Đình Liêm là người được VKSND tỉnh Thái Bình giao nhiệm vụ kiểm sát vụ án đã cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án bằng cách rút khỏi hồ sơ tờ hoá đơn nộp thuế của ông Phi, làm cho ông mang tội trốn thuế. Mặc dù năm 2000 ông Phi đã được minh oan nhưng người trực tiếp đẩy ông vào con đường lao lý liên tục trong các năm 2001, 2002 và 2003 vẫn được công nhận là lao động giỏi.

Và cho đến giờ, người ta vẫn chờ một... chế tài đối với những người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng.

Trong phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội mới đây, Chánh án TAND TC Nguyễn Văn Hiện đã thừa nhận: Trong vòng 4 - 5 năm qua ngành toà án đã phải cố gắng “vơ vét” tận dụng những lực lượng đã có để bổ nhiệm cho đủ. Ông Hiện cũng đưa ra những con số rất ảm đạm cho thấy ngành công an, kiểm sát còn thiếu điều tra viên, kiểm sát viên trầm trọng. Toà án thiếu tới 1.116 thẩm phán, công an thiếu trên 1.000 điều tra viên, VKSNDTC thiếu gần 1.000 kiểm sát viên, thẩm phán thiếu gần 900 người. Năm 2006, tòa án đã giải quyết gần 200.000 vụ, trong đó 5% (khoảng 9.000) bị hủy và sửa. nếu tính 5% thì có hàng nghìn bản án bị hủy, sửa. Trong số bản án bị sai, sửa, nguyên nhân chủ quan chiếm 30%. Với những bản án bị hủy sửa, tất cả những thẩm phán đều phải có tờ trình lý do vì sao bị sửa. Theo đó, tùy theo do mức độ, năng lực hay thiếu trách nhiệm, tiêu cực thì sẽ xử lý theo mức độ đó.

Nhưng án sửa và hủy bao nhiêu phần trăm là do năng lực của thẩm phán, bao nhiêu do có sự can thiệp của bàn tay vô hình làm cán cân công lý bị nghiêng thì chưa có con số thống kê chính thức.

Phan Nam

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp ngày 01/01/2007

Các văn bản liên quan