“Oan sai đã được hạn chế đến mức thấp nhất”!

Thứ Hai 15:41 28-05-2007

Phỏng vấn Trưởng ban An ninh nội chính Thành ủy TP.HCM Trần Hoàng Thám:

"Cải cách tư pháp (CCTP), đó không chỉ là nhiệm vụ phải triển khai theo yêu cầu của Bộ Chính trị, của Thành ủy mà còn là một nhiệm vụ cấp thiết trước thực tế hoạt động tư pháp hiện nay trên địa bàn TP.HCM". Ông Trần Hoàng Thám
- Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy - Trưởng ban An ninh nội chính, Trưởng ban Chỉ đạo CCTP TP.HCM đã nói như vậy trong cuộc trao đổi với PV Thanh Niên ngày 11/5.

* Trên cương vị là người chịu trách nhiệm cao nhất về an ninh - nội chính và CCTP, điều ông quan tâm nhất trong hoạt động tư pháp của TP.HCM hiện nay là gì?

- Trước tiên là đội ngũ cán bộ tư pháp; kế đến là cơ sở vật chất phục vụ cho lĩnh vực này. Nếu như trước đây, TP luôn thiếu điều tra viên, thiếu thẩm phán, thiếu công tố viên...; án thường tồn đọng, việc xử lý kéo dài; cả ngành công an, Viện KSND lẫn TAND thường xuyên trong tình trạng quá tải, thì hiện nay những khiếm khuyết nói trên đã được cải thiện rất nhiều. Thực hiện Chỉ thị 14-CT/TU của Thành ủy, các quận, huyện ủy đã tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan tư pháp, phối hợp với ngành dọc tập trung kiện toàn tổ chức, củng cố đội ngũ, bảo đảm cho hoạt động tư pháp đạt hiệu quả và chất lượng. Tình trạng "oan sai" đã được hạn chế đến mức thấp nhất.

* Ông đã có thể hài lòng về hoạt động tư pháp của TP hiện nay?

- Việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự của các cơ quan tư pháp thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên cũng không thể chủ quan khi cho rằng hoạt động tư pháp của TP hiện đã đáp ứng hoàn toàn yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, cũng như giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân.

* Điều gì còn khiến ông băn khoăn? Và nếu như phải tiếp tục cải cách thì theo ông những khâu nào trong hệ thống tư pháp sẽ ưu tiên cải cách trước?

- Theo tôi, vẫn phải tiếp tục nâng cao đội ngũ cán bộ tư pháp cả về chuyên môn nghiệp vụ lẫn phẩm chất đạo đức. Điều thứ hai tôi tâm đắc và sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện, đó là triển khai sâu rộng việc tranh tụng tại phiên tòa đối với tất cả các loại án hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế trên cơ sở luật định; phấn đấu hoàn tất việc xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp, trong đó ưu tiên cho hoạt động tố tụng như nhà tạm giữ, kho vật chứng; kịp thời rút kinh nghiệm việc tăng thẩm quyền xét xử của 16 TAND cấp quận, huyện và phấn đấu tăng thẩm quyền cho 8 TAND quận, huyện còn lại.

* Thưa ông, có không ít vụ án khởi tố, truy tố trong thời hạn quá dài nhưng không thấy đưa ra xét xử. Có phải do "bất nhất" trong các cơ quan tố tụng, hay có sự "chỉ đạo" gì từ Thành ủy?

- Vấn đề đặt ra theo tôi là khá thú vị. Câu hỏi làm tôi nhớ lại vụ án Năm Cam, một vụ án cũng kéo dài khá lâu. Tuy nhiên tôi có thể nói rằng không có vấn đề gì vướng mắc trong việc đưa ra xét xử vụ Năm Cam cũng như một số vụ án lớn tại TP.HCM gần đây. Đối với những vụ án phức tạp kiểu như vụ Năm Cam, các cơ quan tố tụng cần phải thật thận trọng. Nhân dân TP mong chờ công lý sớm soi sáng, trừng trị kẻ gây ra tội ác cho nhân dân, cho xã hội. Tâm lý nôn nóng đó của người dân là điều có thể chia sẻ được. Tuy nhiên, như chúng ta vẫn thường nói "chậm mà chắc", chậm một chút để vừa tránh xử lý oan người vô tội, vừa không bỏ sót người có tội. Tôi cũng khẳng định, các cơ quan tố tụng hoàn toàn hoạt động độc lập và mọi động thái của những cơ quan này phải nhất nhất tuân thủ theo quy định pháp luật, không hề có sự can thiệp nào từ bên ngoài, kể cả Thành ủy lẫn cấp Đảng cao hơn.

* Chúng tôi có nghe các luật sư (LS) than phiền về tình trạng phải "lụy" cơ quan điều tra mới có thể có được cái giấy để tham gia tố tụng ngay từ khi vụ án mới khởi tố. Ông nghĩ gì về hiện tượng không bình thường này, và có thể khắc phục triệt để hiện tượng này không?

- Có thể coi đó là một điểm yếu cần phải khắc phục ngay. Có LS tham gia ngay từ đầu, thứ nhất sẽ làm cho hồ sơ điều tra tăng thêm giá trị. Ví dụ, một bản khai có chữ ký của điều tra viên, có chữ ký của can phạm và có cả chữ ký của LS, thì rõ ràng hồ sơ điều tra đó sẽ đầy đủ yếu tố pháp lý hơn so với một bản khai không có chữ ký của LS. Nó sẽ tránh bớt sự... lằng nhằng, đôi chối khi xét xử. Mặt khác, nếu có sự tham gia tố tụng ngay từ đầu của LS, cũng sẽ làm cho cơ quan điều tra phải cẩn thận hơn, chính xác hơn. Đó cũng là một trong những yếu tố làm giảm thiểu tình trạng oan sai trong hoạt động tố tụng.

Điều tôi còn băn khoăn là hiện một số điều luật vẫn chưa theo kịp sự phát triển đi lên của xã hội. Nếu có điều kiện tôi sẽ kiến nghị Quốc hội điều chỉnh một số điều khoản để luật phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống, đáp ứng được ý chí và nguyện vọng của nhân dân. 

Nguyên Thủy
(thực hiện)

Các văn bản liên quan