BÁO CÁO VỀ CÔNG TRÌNH QUAN TRỌNG QUỐC GIA KHÍ – ĐIỆN – ĐẠM BÀ RỊA – VŨNG TÀU

Thứ Tư 10:10 21-03-2007

I. TỔNG QUAN VỀ CÔNG TRÌNH QUAN TRỌNG QUỐC GIA KHÍ – ĐIỆN – ĐẠM BÀ RỊA – VŨNG TÀU

Năm 1995, khí đồng hành của mỏ Bạch Hổ thuộc bể Cửu Long bắt đầu được thu gom và đưa vào bờ dùng làm nhiên liệu cho nhà máy điện Bà Rịa. Tại bể Nam Côn Sơn, trữ lượng xác minh tại chỗ của hai mỏ Lan Tây–Lan Đỏ đã được đánh giá và được phê duyệt ở mức 57 tỷ m3. Các cấu tạo thuộc bể Nam Côn Sơn như Rồng Đôi - Rồng Đôi Tây, Hải Thạch, Mộc Tinh v.v lần lượt được phát hiện có chứa khí, condensate, từng bước được thẩm lượng để phát triển và khai thác.

Trên cơ sở tiềm năng và nhu cầu phát triển các ngành kinh tế quốc dân, Chính phủ đã trình Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 2 xem xét thông qua các công trình quan trọng (văn bản số 399 KTNm ngày 17 tháng 11 năm 1997), trong đó có Công trình Khí-Điện-Đạm tại Bà Rịa–Vũng Tàu bao gồm 15 dự án thành phần nhằm phát triển và tiêu thụ 7.710 triệu m3 khí/năm từ bể Cửu LongNam Côn Sơn với tổng mức đầu tư vào khoảng 6.000 triệu USD. Kết quả đánh giá vào thời điểm nói trên đã chỉ rõ việc thực hiện Công trình này có thể mang lại hiệu quả to lớn cho nền kinh tế, thể hiện ở các mặt như tạo ra nhiều sản phẩm, việc làm, nguồn phát điện lớn cho đất nước và tạo nên thu nhập lớn cho ngân sách nhà nước...( văn bản số 399 KTNm ngày 17 tháng 11 năm 1997).

Ngày 05 tháng 12 năm 1997, tại kỳ họp thứ 2, Khoá X, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 06/1997/QH10 về dự án Khí-Điện-Đạm tại Bà Rịa–Vũng Tàu (sau đây gọi tắt là NQ 06).

Công trình Khí-Điện-Đạm tại Bà Rịa–Vũng Tàu được triển khai từ cuối năm 1997, đến nay đã cơ bản hoàn thành. Chính phủ đã có báo cáo số 115/BC-CP ngày 20 tháng 9 năm 2006 gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trong đó kiến nghị với Quốc hội:

- Công nhận hoàn thành Công trình quan trọng quốc gia Khí-Điện-Đạm tại Bà Rịa-Vũng Tàu vào thời điểm này với 9 dự án thành phần và giao cho Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư hoàn thành công tác thanh quyết toán công trình theo quy định.

- Cho phép tách 2 dự án là Nhà máy điện Nhơn Trạch 450MW và chuyển đổi Nhà máy điện Thủ Đức sang chạy khí ra khỏi Công trình quan trọng quốc gia và giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện theo quy định.

- Cho phép dừng 4 dự án ( liên doanh sản xuất Methanol, dự án nhà máy thép, dự án nhà máy điện Wartsila tại Bà Rịa và dự án nhà máy điện AMATA tại Thủ Đức) vì không có hiệu quả kinh tế và giao Chính phủ chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu để có các giải pháp phù hợp.

 

II. TỔNG KẾT VIỆC THỰC HIỆN CÔNG TRÌNH QUAN TRỌNG QUỐC GIA KHÍ – ĐIỆN – ĐẠM BÀ RỊA – VŨNG TÀU

1.      Dự án phát triển mỏ khí lô 06.1

-       Theo NQ 06, dự án có công suất khai thác 2,7 tỷ m3 khí/năm và Tổng mức đầu tư là 500 triệu USD.

-       Dự án được thực hiện thông qua Hợp đồng phân chia sản phẩm giữa Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (20%) và các nhà thầu nước ngoài (80%). Tổng mức đầu tư là 507 triệu USD và giá trị quyết toán là 567,3 triệu USD. Dự án đã đưa vào khai thác từ tháng 1/2003, cơ bản hoàn thành đúng Nghị quyết của Quốc hội.

2.      Dự án Đường ống Nam Côn Sơn

-       Theo NQ 06, dự án có công suất vận chuyển 6 tỷ m3 khí/năm, Tổng mức đầu tư là 500 triệu USD và thời gian hoàn thành năm 1999.

-       Dự án được thực hiện thông qua Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) trong đó Tổng công ty Dầu khí Việt Nam tham gia 51%, còn lại là các nhà thầu nước ngoài, với công suất vận chuyển 7 tỷ m3 khí/năm, Tổng mức đầu tư là 504,9 triệu USD và giá trị quyết toán là 426,8 triệu USD. Dự án được hoàn thành từ tháng 11/2002.

Như vậy, Dự án đã hoàn thành về qui mô công suất và Tổng mức đầu tư thấp hơn so với NQ 06. Tuy nhiên bị chậm khoảng 2 năm. Nguyên nhân chính của sự chậm trễ này là do khó khăn trong việc đàm phán với phía nước ngoài về phát triển khai thác mỏ khí.

3.      Dự án khí trên bờ

-       Theo NQ 06, dự án có công suất sản xuất 250 ngàn tấn LPG/năm, Tổng mức đầu tư là 143 triệu USD và thời gian hoàn thành năm 1998.

-       Dự án do Tổng công ty Dầu khí Việt Nam thực hiện đầu tư với quy mô lớn hơn nhiều so với quy mô đề ra tại NQ 06 bao gồm nhiều dự án thành phần. Tổng mức đầu tư là 815,96 triệu USD và 1021,5 tỷ VND. Dự án chưa quyết toán xong, giá trị quyết toán hiện tại là 666,04 triệu USD và 869,64 tỷ VND. Thời điểm hoàn thành của các dự án thành phần như sau:

o    Dự án nhà máy xử lý khí Dinh Cố: năm 1999.

o    Dự án kho cảng Thị Vải: năm 1999.

o    Dự án thu gom khí Bạch Hổ - Rạng Đông:  năm 2001.

o    Dự án Trung tâm phân phối khí (GDC): năm 2002.

o    Dự án Hệ thống khí Thấp áp: Giai đoạn 1 hoàn thành 2002, đang triển khai Giai đoạn 2.

o    Dự án đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP Hồ Chí Minh: đang triển khai xây dựng.

Tại văn bản số 399 KTNm ngày 17 tháng 11 năm 1997 Chính phủ trình Quốc hội, Dự án khí trên bờ chỉ bao gồm dự án nhà máy xử lý khí Dinh Cố,  dự án kho cảng Thị Vải và  dự án Trung tâm phân phối khí vì vậy tổng mức đầu tư tại thời điểm này dự kiến là 143 triệu USD. Đến thời điểm hoàn thành, giá trị đầu tư thực tế của 3 dự án này khoảng 164 triệu USD. Lý do cơ bản vượt khối lượng thực hiện là do nhu cầu thực tế phát triển của thị trường và khả năng cung cấp khí cao hơn, cho nên Chính phủ đã điều chỉnh và bổ sung thên các dự án thành phần cho phù hợp. Vì vậy cả khối lượng và tổng vốn đầu tư tăng nhiều so với NQ 06 của Quốc hội (từ 143 triệu USD lên khoảng 666 triệu USD và 870 tỷ VNĐ).

4.      Dự án nhà máy điện Phú Mỹ 2-1 mở rộng

-       Theo NQ 06, dự án có công suất 431 MW, Tổng mức đầu tư là 260 triệu USD và thời gian hoàn thành năm 1998.

-       Dự án được EVN đầu tư với công suất 440 MW, Tổng mức đầu tư theo Quyết định đầu tư là 204,6 triệu USD và hiện đang thực hiện quyết toán. Dự án hoàn thành vào năm 2006.

Dự án đã hoàn thành khối lượng và có Tổng mức đầu tư thấp hơn dự tính, nhưng bị chậm 8 năm so với NQ 06 lý do chính là do việc đầu tư và đàm phán với các Nhà thầu phức tạp, kéo dài, nên phải điều chỉnh lại kế hoạch xây dựng cho các dự án tại trung tâm điện lực Phú Mỹ.

5.      Dự án nhà máy điện Phú Mỹ 1

-       Theo NQ 06, dự án có công suất 1.000 MW, Tổng mức đầu tư là 800 triệu USD và thời gian hoàn thành năm 1999.

-       Dự án được EVN đầu tư với công suất 1.090 MW, Tổng mức đầu tư theo Quyết định đầu tư là 412,3 triệu USD. Dự án đã hoàn thành vào năm 2002.

Dự án đã hoàn thành về khối lượng nhưng có mức đầu tư thực hiện thấp hơn do thay đổi công nghệ và nhưng cũng bị chậm khoảng 3 năm do thay đổi công nghệ và nguồn cung cấp khí.

6.      Dự án nhà máy điện Phú Mỹ 3

-       Theo NQ 06, dự án có công suất 620 MW, Tổng mức đầu tư là 352 triệu USD và thời gian hoàn thành năm 2000.

-       Dự án được thực hiện theo hình thức BOT với công suất 716,8 MW, và giá trị quyết toán là 385,8 triệu USD. Dự án hoàn thành vào năm 2004.

Dự án tăng công suất so với kế hoạch do Nhà đầu tư lựa chọn gam công suất hợp lý hơn tại thời điểm xây dựng (716,8 so với 620 MW). Tiến độ bị chậm khoảng 4 năm do phải chờ đợi cấp khí và đàm phán với Nhà đầu tư nước ngoài kéo dài.

7.      Dự án nhà máy điện Phú Mỹ 2-2

-       Theo NQ 06, dự án có công suất 600 MW và Tổng mức đầu tư là 350 triệu USD.

-       Dự án được thực hiện theo hình thức BOT do Các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện. Dự án có công suất 715 MW, và giá trị quyết toán là 407,1  triệu USD. Dự án hoàn thành vào năm 2004.

Dự án tăng công suất so với kế hoạch do Nhà đầu tư lựa chọn gam công suất hợp lý hơn tại thời điểm xây dựng (715 MW so với 600 MW). Tiến độ bị chậm khoảng 4 năm do phải chờ đợi cấp khí và đàm phán với Nhà đầu tư nước ngoài kéo dài.

8.        Dự án nhà máy điện Phú Mỹ 4

-       Theo NQ 06, dự án có công suất 600 MW, Tổng mức đầu tư là 350 triệu USD và thời gian hoàn thành năm 2003.

-       Căn cứ vào nhu cầu phát triển nguồn điện và khả năng huy động vốn, dự án được Tổng công ty Điện lực Việt Nam đầu tư với công suất 450 MW, Tổng mức đầu tư là 274,8 triệu USD. Dự án vận hành vào năm 2003.

Dự án hoàn thành đúng tiến độ nhưng công suất và tổng mức đầu tư đều thấp hơn NQ 06 do EVN cân đối lại khả năng cung cấp khí cho toàn bộ các dự án thành phần đủ vận hành lâu dài.

9.      Nhà máy điện Thủ Đức

-       Theo NQ 06, dự án chuyển đổi nhà máy điện công suất 270 MW sử dụng nhiên liệu DO sang chạy khí, Tổng mức đầu tư là 10 triệu USD và thời gian hoàn thành năm 2002.

-       Dự án chưa thực hiện được do kinh phí di dân, giải tỏa, đền bù đường ống dẫn khí đoạn Nhơn Trạch – thành phố Hồ Chí Minh phát sinh quá lớn so với dự kiến làm cho dự án không còn hiệu quả nên phải tạm dừng chưa triển khai. Hiện nay, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đang thi công tuyến ống dẫn khí khác từ Phú Mỹ - Nhơn Trạch – Hiệp Phước.

10.    Dự án nhà máy điện Nhơn Trạch

-       Theo NQ 06, dự án có công suất 1.200 MW, Tổng mức đầu tư là 1.000 triệu USD và thời gian hoàn thành năm 2004.

-       Hiện nay, Trung tâm nhiệt điện Nhơn Trạch đã được quy hoạch với 2 dự án công suất dự kiến là 1.200 MW, bao gồm Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 công suất 450 MW đang được Tổng công ty Dầu khí Việt Nam triển khai xây dựng với Tổng mức đầu tư là 382 triệu USD. Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 công suất là 750 MW đang được chuẩn bị đầu tư.

Nguyên nhân của việc tiến độ bị chậm là do khả năng cung cấp khí không đảm bảo, phải thay đổi thời gian xây dựng nhằm đảm bảo vận hành được ngay các dự án sau xây dựng.

11.    Dự án Nhà máy điện Wartsila

-       Theo NQ 06, dự án có công suất 120 MW, Tổng mức đầu tư là 110 triệu USD và thời gian hoàn thành năm 1998.

-       Dự án được thực hiện bằng phương thức BOT, Chủ đầu tư là Công ty Wartsila. Tuy nhiên, do chủ đầu tư không thu xếp được vốn và không thống nhất được giá bán điện với Tổng công ty Điện lực Việt Nam nên dự án không khả thi và Chỉnh phủ đã thông báo cho Chủ đầu tư ngừng triển khai.

12.    Nhà máy điện AMATA

-       Theo NQ 06, dự án có công suất 100 MW, Tổng mức đầu tư là 100 triệu USD và thời gian hoàn thành năm 1998.

-       Đây là dự án điện độc lập sử dụng khí từ dự án đường ống dẫn khí Phú Mỹ - Thành phố Hồ Chí Minh không được thực hiện được. Vì vậy, Chủ đầu tư không thực hiện thủ tục xin đầu tư và kiến nghị dừng dự án này không triển khai nữa.

13.     Dự án nhà máy phân đạm Phú Mỹ

- Theo NQ 06, dự án có công suất sản xuất 800.000 tấn phân đạm/năm, Tổng mức đầu tư là 520 triệu USD và thời gian hoàn thành năm 2001.

- Dự án được Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đầu tư với công suất 740.000 tấn phân đạm/năm. Tổng mức đầu tư theo Quyết định đầu tư là 445 triệu USD và giá trị quyết toán là 380 triệu USD. Dự án hoàn thành vào năm 2004.

Về cơ bản dự án đã hoàn thành khối lượng và tổng mức đầu tư như NQ 06. Tuy nhiên tiến độ bị chậm khoảng 3 năm do phải phù hợp với tiến độ cấp khí.

14.    Dự án nhà máy methanol

- Theo NQ 06, dự án có công suất sản xuất 660.000 tấn/năm, Tổng mức đầu tư là 350 triệu USD và thời gian hoàn thành năm 2001.

- Dự án không được triển khai do không có hiệu quả, nên không có nhà đầu tư nào thực hiện.

15.    Dự án nhà máy thép

- Theo NQ 06, dự án có công suất sản xuất 1,25 triệu tấn/năm, Tổng mức đầu tư là 750 triệu USD và thời gian hoàn thành năm 2002.

- Dự án không được triển khai do không có hiệu quả nên không có nhà đầu tư nào thực hiện.

 

III. ĐÁNH GIÁ VỀ CÔNG TRÌNH

1.      Về công tác quản lý nhà nước của các cấp và của Chủ đầu tư.

 a. Vai trò của các cơ quan quản lý  nhà nước

Quốc hội, thông qua Uỷ ban KHCNMT hàng năm đều tổ chức giám sát công trình và có các khuyến cáo cần thiết cho Chính phủ, tháo gỡ khó khăn và giải quyết kịp thời trong quá trình thực hiện dự án.

Chính phủ và các Bộ đã chỉ đạo các chủ đầu tư triển khai Công trình quan trọng quốc gia theo NQ của Quốc hội. Chính phủ và các Bộ đã tiến hành xem xét, phê duyệt các dự án thành phần theo chức năng và cùng chủ đầu tư đôn đốc tiến độ thực hiện các Dự án. Trong điều kiện hành lang pháp lý còn chưa hoàn thiện, các cơ quan quản lý nhà nước đã xây dựng nhiều văn bản pháp lý liên quan, tạo điều kiện cho các Dự án được triển khai thuận lợi.

 b. Vai trò của địa phương

Chính quyền địa phương ở đây là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và các huyện, xã có liên quan  đã có những đóng góp rất tích cực trong việc cấp đất và hợp tác chặt chẽ với chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng giúp các dự án thuộc Công trình được triển khai nhanh chóng và thuận lợi.

c. Vai trò của Chủ đầu tư và các đối tác

Đối với các dự án KĐĐ Bà Rịa – Vũng Tàu, một công trình lớn về quy mô đầu tư và hiện đại về công nghệ, trong bối cảnh các văn bản quy phạm pháp luật chưa đầy đủ và chưa đồng bộ, các chủ đầu tư đã phải chịu nhiều sức ép để có thể hoàn thành tiến độ và đảm bảo chất lượng các dự án. Tuy vẫn còn trường hợp quản lý yếu kém, để xảy ra những trường hợp đáng tiếc như đối với công trình kho cảng Thị Vải, nhưng nói chung, qua việc thực hiện các dự án, đội ngũ cán bộ của các chủ đầu tư cũng như các nhà thầu đều tiếp thu được nhiều kinh nghiệm bổ ích cho các dự án sau này.

2.      Về khối lượng thực hiện

Trong 09 dự án đã thực hiện, chỉ có dự án nhà máy điện Phú Mỹ 4 được thực hiện với quy mô công suất 450 MW thấp hơn, các dự án khác, đã hoàn thành thực hiện toàn bộ khối lượng, quy mô của dự án, một số dự án còn thực hiện khối lượng lớn hơn so với quy mô đã đề ra tại NQ 06.

Riêng đối với dự án khí trên bờ, xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ của thị trường và khả năng khai thác của mỏ mới xuất hiện, nhu cầu sử dụng khí thấp áp cho các khu công nghiệp ngày càng tăng; nên Chính phủ đã chỉ đạo bổ sung thêm nhiều công việc, khối lượng và tổng mức đầu tư cũng tăng nhiều so với dự kiến ban đầu.

Có 05 dự án chưa được triển khai sau quá trình nghiên cứu đầu tư thấy không có hiệu quả, Chính phủ đã quyết định không đầu tư nữa, không có dự án nào thực hiện dang dở do vậy không gây lãng phí vốn đầu tư.

3.      Về vốn đầu tư, thanh quyết toán

9 dự án đã cơ bản hoàn thành (trong đó có 1 dự án đã được hiệu chỉnh) với tổng mức đầu tư theo NQ 06 là 3.782 triệu USD. Do khối lượng thực hiện tăng và biến động về giá tổng số vốn đã thực hiện thực tế khoảng 4.036 triệu USD. Trong đó, vốn tham gia có nguồn gốc nhà nước khoảng 2.542 triệu USD chiểm tỷ trọng 63% giá trị đã thực hiện.

Có 05 dự án đã quyết toán còn 04 dự án đang trong quá trình quyết toán. Như vậy việc quyết toán còn chậm cần thiết phải thực hiện nhanh hơn.

4.      Đánh giá tiến độ thực hiện

Nhìn chung các dự án triển khai không đạt được theo tiến độ đề ra trong NQ 06 (trừ 01 dự án hoàn thành đúng tiến độ) do nhiều lý do khách quan và chủ quan cụ thể là:

-  Dự án đầu tiên là cơ sở nghiên cứu và thực hiện đầu tư cho các dự án còn lại là phát triển mỏ khí lô 06.1 và đường ống Nam Côn Sơn đến đầu năm 2003 (so với kế hoạch năm 1999) mới đưa vào khai thác kéo theo sự chậm trễ các dự án còn lại.

- Quá trình đàm phán các Hợp đồng, bảo lãnh của Chính phủ kéo dài.

- Các dự án được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế nước ta còn kém phát triển nên chưa đáp ứng được nhu cầu về dịch vụ tài chính, các doanh nghiệp Việt nam chưa có kinh nghiệm quản lý và triển khai các dự án lớn.

- Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư của các dự án gặp nhiều khó khăn.

- Khung pháp lý tại thời điểm này còn chưa hoàn chỉnh, văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới đầu tư còn thiếu hoặc không đồng bộ góp phần làm chậm tiến độ triển khai các dự án.

5.      Đánh giá hiệu quả Kinh tế và Môi trường

Công trình KĐĐ Bà Rịa - Vũng Tàu đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho đất nước và các chủ đầu tư, cụ thể là:

- Dự án phát triển mỏ khí Lô 06.1 đến tháng 11 năm 2006 có lợi nhuận khoảng 552,2 triệu USD.

- Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn đến cuối năm 2005 có lợi nhuận khoảng 57,75 triệu USD.

- Dự án nhà máy đạm Phú Mỹ từ khi đi vào hoạt động đến nay đã cung cấp cho thị trường trong nước khoảng 1,3 triệu tấn phân đạm và mang lại lợi nhuận trung bình từ 700-800 tỷ VND/năm, góp phần giảm kim ngạch nhập khẩu phân đạm cho đất nước.

- Dự án Kho cảng Thị Vải với tổng vốn đầu tư là 64 triệu USD cơ bản đã hoàn vốn và mang lại lợi nhuận sau thuế trung bình là 330-400 tỷ VND/năm, nộp ngân sách nhà nước khoảng 320 tỷ VND/năm.

- Tất cả các dự án nhà máy điện đều có giá thành sản xuất thấp hơn so với chạy than hoặc dầu, đem lại khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng cao của đất nước, đảm bảo lợi ích hợp lý cho chủ đầu tư.

- Bên cạnh các lợi ích về kinh tế nêu trên, dự án Hệ thống thu gom và vận chuyển khí nói chung và công trình Kho cảng Thị Vải nói riêng đã góp phần giảm bớt một phần ngoại tệ đáng kể cho việc nhập khẩu dầu DO, xăng, phân bón, và LPG hàng năm.

- Về hiệu quả môi trường, các dự án thành phần của Công trình đều được đầu tư công nghệ mới, hiện đại thân thiện với môi trường và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường thông quá việc sử dụng nhiên liệu khí thay cho các nhiên liệu truyền thống.

6.      Đánh giá hiệu quả Chính trị và Xã hội

09 dự án đã hoàn thành (trong đó có 01 dự án hiệu chỉnh) là những dự án cơ bản của Công trình quan trọng quốc gia, góp phần hình thành ngành công nghiệp Khí-Điện-Đạm lớn nhất cả nước ở tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu bao gồm 02 hệ thống cung cấp khí từ bể Cửu LongNam Côn Sơn; 02 nhà máy xử lý khí Bạch Hổ và Nam Côn Sơn; 01 kho cảng để lưu chứa và xuất bằng đường thuỷ các sản phẩm lỏng như condensate và LPG; 01 trung tâm nhiệt điện với công suất phát điện là 3.830MW chiếm khoảng 30% công suất phát của cả nước hiện nay, góp phần đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế đất nước hàng năm; 01 nhà máy phân đạm với công nghệ hiện đại, hàng năm cung cấp khoảng 740.000 tấn phân đạm, đáp ứng được 30% nhu cầu phân đạm cả nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Công trình đã góp phần tạo việc làm cho khoảng 5000 lao động trực tiếp với mức lương bình quân khoảng 3 triệu đồng/tháng và đội ngũ các chuyên gia, công nhân kỹ thuật tay nghề cao có khả năng tiếp cận và làm chủ công nghệ hiện đại tiên tiến trên thế giới trong ngành công nghiệp Khí-Điện-Đạm.

Nhờ có các dự án cơ bản đã đi vào hoạt động, đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển công nghiệp khác của khu vực đem lại sự tăng trưởng vượt bậc so với thời gian trước đây.

 

IV. BÀI HỌC KINH NGHIỆM

1.       Bài học kinh nghiệm về chủ trương đầu tư

Công trình KĐĐ Bà Rịa - Vũng Tàu đã chứng minh chủ trương của Quốc hội thông qua NQ 06 là hoàn toàn đúng đắn. Nhờ có chủ trương này mà một ngành công nghiệp mới, ngành công nghiệp khí đốt đã được phát triển, một thị trường khí đốt đã được hình thành, mở ra một cơ hội phát triển mới cho nền kinh tế nước ta.

Thành công cơ bản của công trình là bài học kinh nghiệm quý giá, khích lệ các cấp quản lý từ trung ương đến địa phương trong việc điều hành những dự án lớn, tầm quốc gia, tạo đà phát triển cho tương lai của đất nước.

 

2.       Bài học kinh nghiệm về công tác chuẩn bị đầu tư dự án

Những mặt chưa hoàn thiện của công trình như thay đổi khối lượng thực hiện các dự án, tăng, giảm vốn đầu tư của các dự án thành phần, đặc biệt là tiến độ thực hiện các dự án thuộc Công trình cơ bản đều chậm hơn so với tiến độ dự kiến tại NQ 06, ngoài các yếu tố khách quan, nguyên nhân chủ quan chính là do công tác chuẩn bị đầu tư chưa được tốt. Các nghiên cứu, khảo sát ban đầu chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, nhiều dự án phải thay đổi cả về quy mô và thời gian đầu tư trong quá trình thực hiện. Kể cả việc phải dừng 4 dự án không triển khai được cũng thể hiện việc nghiên cứu, chuẩn bị cho công tác đầu tư còn chưa được tốt.

Việc phát triển các dự án từ thượng nguồn, đến trung nguồn, rồi hạ nguồn càng đòi hỏi một sự điều hành tập trung, khoa học và hiệu quả. Thiếu sự điều hành này, quá trình thực hiện, khớp nối các khâu của các dự án không tốt là một nguyên nhân làm cho các dự án bị kéo dài, và thiếu đồng bộ.

Thông qua công trình này, càng thấy rõ các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư xây dựng có nhiều điểm không phù hợp và chính là động lực thúc đẩy việc thay đổi, đẩy mạnh phân cấp trong công tác quản lý đầu tư xây dựng trong thời gian vừa qua của các cơ quan quản lý nhà nước.

3.          Bài học kinh nghiệm về công tác tổ chức thực hiện đầu tư dự án

Công tác phối hợp giải quyết đấu nối công nghệ, sử dụng cơ sở hạ tầng giữa các chủ đầu tư, các nhà thầu và các đơn vị tư vấn cần phải được chú trọng. Cần có một đơn vị quản lý chung quá trình xây dựng các công trình theo quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt với sự hỗ trợ của một đơn vị tư vấn như là một Khu công nghiệp nhằm đảm bảo phát triển đồng bộ và hiệu quả nhất cho các dự án.

Việc lựa chọn một Tổng thầu có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm, khả năng tài chính là một yếu tố cực kỳ quan trọng đảm bảo thành công của dự án. Việc phát huy nội lực là cần thiết nhưng cần phải xem xét, cân nhắc kỹ.

Việc thực hiện triển khai dự án Kho cảng Thị Vải, bên cạnh những thành công như đã nêu ở trên còn là một bài học kinh nghiệm đắt giá cho chủ đầu tư trong việc sử dụng và quản lý cán bộ trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản.

Đoàn Thanh tra nhà nước đã tiến hành thanh tra công trình Kho cảng Thị Vải từ ngày 22/7/2002 đến 14/10/2002 và đã đưa ra các kết luận về các sai phạm trong quá trình thực hiện dự án.

Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công An) cũng đã tiến hành điều tra và đã phát hiện quá trình xây dựng công trình Kho cảng Thị Vải có nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng xảy ra từ các khâu thiết kế, xây lắp, mua sắm vật tư, thiết bị đến quản lý chỉ đạo, giám sát kiểm tra của các cấp.

Kết quả là 37 cán bộ đã vi phạm quy định về đầu tư xây dựng và đang phải nằm trong quá trình tố tụng.

4.       Bài học kinh nghiệm về công tác quản lý nhà nước đối với Công trình quan trọng quốc gia

Cần có hệ thống quy hoạch đồng bộ và rõ ràng trước khi thực hiện .

Cần xem xét để có điều chỉnh thích hợp các quy định đấu thầu để tránh hiện tượng nhà thầu bỏ giá thấp để giành hợp đồng, sau đó đề nghị tăng giá, đòi phát sinh, thậm chí bỏ dở hợp đồng (ví dụ nhà thầu Mc. Connell Dowell của dự án Đường ống Nam Côn Sơn).

Đối với các dự án do các công ty nước ngoài làm tổng thầu, quy định tổng thầu phải cam kết sử dụng nguồn lực Việt Nam cần phải được điều chỉnh phù hợp hơn, xuất phát từ thực tế năng lực các công ty trong nước cũng như lực lượng lao động có tay nghề cao của nước ta.

2.      Bài học kinh nghiệm về hiệu quả của Công trình

Đối với một công trình quan trọng quốc gia, có rất nhiều dự án thành phần khác nhau và do nhiều chủ đầu tư thực hiện, do vậy việc triển khai đồng bộ và đúng tiến độ sẽ lại hiệu quả to lớn.

Vấn đề tăng cường trình độ, kiến thức quản lý cho các Ban quản lý dự án, các Đại diện Chủ đầu tư hay các Chủ đầu tư là nhu cầu thực tế. Cần kết hợp sử dụng tư vấn nước ngoài để đào tạo nhân lực cho Việt Nam và định hướng xây dựng lực lượng quản lý dự án chuyên nghiệp, chuyên môn hóa.

Việc đa dạng hoá nguồn vốn và hình thức đầu tư đã mang lại hiệu quả cho Công trình. Công trình đã thu hút được nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài thông qua các hình thức đầu tư như PSC, BCC và BOT. Hình thức PSC được áp dụng phổ biến đối với các dự án khai khác dầu khí nhằm chia sẻ rủi ro trong quá trình tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; Hình thức BCC và BOT nên được áp dụng đối với các dự án trung và hạ nguồn. Các nhà đầu tư nước ngoài thường lựa chọn hình thức đầu tư BOT vì thủ tục đầu tư đơn giản và giảm thiểu rủi ro trong quá trình đầu tư, thực hiện dự án.

 

V. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Qua việc triển khai Công trình quan trọng quốc gia KĐĐ Bà Rịa – Vũng Tàu, hệ thống các mỏ khí tự nhiên thuộc bể Nam Côn Sơn đã được phát triển, khí đồng hành từ các mỏ Bạch Hổ, Rạng Đông đã được thu gom, hai hệ thống đường ống dẫn khí từ hai bể trầm tích Cửu LongNam Côn Sơn, hệ thống các công trình trên bờ như Trung tâm phân phối khí với công suất 6,5 -7 tỷ m3 /năm, Kho cảng Thị Vải, Nhà máy chế biến khí, Nhà máy chế biến condensate, Nhà máy sản xuất phân đạm, các đường ống dẫn khí tự nhiên, butane, propane và condensate đã được xây dựng. Đã xây dựng và phát triển được một trung tâm nhiệt điện lớn nhất cả nước với 6 nhà máy điện, công suất  gần 4000 MW chiếm khoảng 30% công suất hệ thống điện. Các dự án đã đưa vào vận hành đều phát huy hiệu quả  đáp ứng nhu cầu tăng cao về điện và phân đạm cho đất nước, phát triển được thị trường khí đốt trong nước, phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này của quốc gia, vừa góp phần hình thành đội ngũ lao động có trình độ đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Thông qua việc thực hiện Công trình này có thể thấy rằng để các công trình/dự án đầu tư đạt được tiến độ, chất lượng và hiệu quả cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp và các chủ đầu tư. Vai trò của chủ đầu tư là quyết định đối với sự thành công của các công trình/dự án đầu tư.

Thực hiện Nghị quyết số 06/1997/QH10 ngày 5/12/1997 của Quốc hội, Chính phủ đã tổ chức thực hiện đầu tư, xây dựng Công trình quan trọng quốc gia KĐĐ tại Bà Rịa – Vũng Tàu:

- Đảm bảo được sự đồng bộ và hiệu quả của các dự án thành phần thuộc Công trình. Dự án nhà máy đạm Phú Mỹ đi vào hoạt động đã chứng tỏ được hiệu quả kinh tế và xã hội.

- Các dự án thành phần có được kế hoạch huy động vốn phù hợp, kết hợp vốn trong và ngoài nước để đảm bảo hiệu quả kinh tế cho các dự án thành phần nói riêng và của Công trình nói chung.

- Các dự án thành phần đều đầu tư công nghệ hiện đại tiên tiến, thân thiện với môi trường đảm bảo an toàn cho các công trình và dân cư từ khi đi vào hoạt động đến nay.

Đến nay các dự án đã cơ bản hoàn thành, Chính phủ xin kiến nghị với Quốc hội:

- Cho phép tách 2 dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 1.200 MW và dự án chuyển đổi nhiên liệu Nhà máy điện Thủ Đức và một số dự án thành phần của dự án khí trên bờ cụ thể là dự án đầu tư xây dựng đường ống dẫn khí Phú Mỹ - Tp. Hồ Chí Minh và dự án xây dựng hệ thống phân phối khí thấp áp cho các khu công nghiệp Phú Mỹ - Mỹ Xuân – Gò Dầu ra khỏi Công trình quan trọng quốc gia và giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện theo quy định.

- Cho phép dừng 4 dự án (nhà máy Methanol, nhà máy thép, nhà máy điện Wartsila và nhà máy điện AMATA ) vì không có hiệu quả và giao Chính phủ chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu để có các giải pháp phù hợp.

- Cho kết thúc 9 dự án thành phần (đã được điều chỉnh) đã cơ bản hoàn thành khối lượng, quy mô đầu tư.

- Giao cho Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư hoàn thành công tác thanh quyết toán công trình theo quy định và chỉ đạo các chủ đầu tư bảo đảm vận hành công trình an toàn – hiệu quả.

Chính phủ xin kính báo cáo Quốc hội./.

 

_____________

Các văn bản liên quan