Luật Công chứng có hiệu lực từ ngày 1-7-2007: Cuộc chuyển giao khổng lồ

Thứ Tư 14:21 04-04-2007
Luật Công chứng có hiệu lực từ ngày 1-7-2007: Cuộc chuyển giao khổng lồ
Khi Luật Công chứng có hiệu lực vào ngày 1-7, các phòng công chứng Nhà nước sẽ chỉ công chứng các hợp đồng giao dịch dân sự. Toàn bộ công việc chứng thực còn lại được chuyển giao về UBND cấp quận, huyện, phường, xã, thị trấn và các cơ quan chức năng.
Quá tải là do chứng thực bản sao

Theo đánh giá của ông Trần Ngọc Nga (Trưởng PCC số 1 Hà Nội) thì có tới 80% số việc ở phòng công chứng (PCC) là chứng thực bản sao, văn bằng, chứng chỉ. Đây là nguyên nhân gây nên tình trạng quá tải tại các PCC. Bình thường, nhu cầu chứng thực của người dân đã lớn, đến mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng lại càng lớn hơn. Số lượng chứng thực năm sau thường cao hơn năm trước. Tuy hiện giờ mới là tháng 3, còn xa mùa thi, nhưng lượng bản sao tại PCC số 1 đã tăng gấp rưỡi so với năm ngoái. Trung bình mỗi ngày tại PCC số 1 có khoảng 600-700 lượt người tới yêu cầu chứng thực bản sao. Ngay như tại PCC số 5 ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội), PCC vắng khách nhất thành phố, công chứng viên, cán bộ của phòng cũng phải đi làm sớm và về muộn tới hơn 30 phút, nhiều hôm phải ở lại đến tận 19 giờ mà vẫn chưa hết việc... Mới thành lập được ba năm, nhưng hiện tại tủ lưu bản chứng thực của PCC số 5 đã chật cứng không còn chỗ chứa.

Sau 1-7, công chứng viên sẽ thất nghiệp?

Tại PCC Số 1 nơi đông khách công chứng nhất thành phố, bình quân mỗi ngày có khoảng100 hợp đồng giao dịch dân sự cần công chứng. Ông Trần Ngọc Nga cho rằng: "Với số lượng năm công chứng viên như hiện nay thì PCC số 1 không sợ ‘thiếu việc làm’. Việc chuyển giao chức năng, nhiệm vụ chứng thực phân cấp như thế này, Hà Nội đã đề nghị từ lâu. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh..., các PCC sống dở chết dở vì quá tải, các công chứng viên thì mệt mỏi vì làm việc quá sức".Tại nơi vắng "khách" nhất thành phố, PCC số 5 cũng tỏ ra khá "lạc quan". Theo ông Đoàn Thái, Trưởng PCC số 5, căn cứ vào số lượng nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch dân sự hiện nay thì tuy được bớt phần việc chứng thực, nhưng các công chứng viên vẫn không thể nhàn rỗi. Ông Thái phấn khởi cho biết: "Ngoài huyện Sóc Sơn và huyện Đông Anh của thành phố Hà Nội, hiện tại đã có nhiều địa phương ở khu vực các tỉnh lân cận (Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh...) đã biết và tìm đến PCC số 5, nên chúng tôi không sợ không có việc để làm".UBND các quận, huyện đã sẵn sàngTrả lời câu hỏi này, bà Lưu Thị Hả (Trưởng Phòng Tư pháp quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: Từ trước tới nay, Tư pháp Long Biên vẫn tiến hành công việc này. Nhưng quả thực, không phải người dân nào cũng biết tìm đến đây. Nay, theo quy định mới, UBND quận Long Biên đã giao nhiệm vụ cho Phòng đảm nhận công tác một cửa chuyên về lĩnh vực tư pháp. Mới đây, phòng Tư pháp Long Biên đã được Tổng cục đo lường chất lượng (Bộ Khoa học công nghệ) cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 9001 -2000 về lĩnh vực hộ tịch và chứng thực.Phòng Tư pháp huyện Từ Liêm (Hà Nội) thì lại có cách chuẩn bị khác. Hiện tại, Phòng đang chuẩn bị kế hoạch tuyên truyền và giải thích cho người dân hiểu để họ đến với phòng tư pháp ngay tại địa phương mà không phải tốn nhiều thời gian đi lại. Song, cũng như các quận, huyện khác, Từ Liêm hiện vẫn đang "ngóng đợi" Nghị định mới thay thế Nghị định 75 về công chứng chứng thực để có thể sớm triển khai thi hành.Hầu hết UBND các xã, phường, thị trấn, quận, huyện, phòng chức năng đều đã sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ chứng thực bản sao. Tuy nhiên, khó khăn trước mắt mà các đơn vị này gặp phải là việc bố trí nhân sự làm công việc chứng thực. Hơn nữa, trình độ chuyên môn của các cán bộ chứng thực cũng là điều cần bàn đến. Thực tế thời gian qua có nhiều đối tượng mang văn bằng, chứng chỉ giả đến công chứng. Liệu cán bộ công chứng cơ sở có thể phát hiện ra giấy tờ giả? Đối phó với chuyện này, quả không đơn giản chút nào.
(Theo Tin tức)
(Ngày 03 tháng 04 năm 2007)

Các văn bản liên quan