Thị trường chứng khoán

Thứ Ba 21:27 20-06-2006

Trong ba tháng đầu năm, thị trường chứng khoán đã làm ngạc nhiên kể cả các nhà phân tích lạc quan nhất. Chỉ số VN Index tăng 200 điểm kể từ đầu năm và đóng cửa vào phiên giao dịch cuối cùng của tháng ba với 502 điểm (tăng 64%). Đây là chu kỳ tăng mạnh nhất kể từ khi thị trường tăng từ 100 lên 570 điểm sau 6 tháng mở cửa năm 2001.

Tháng 11 năm ngoái, khi VN Index vượt ngưỡng 300 điểm, giới phân tích cảnh báo về sự hình thành của một bong bóng, tuy nhiên thị trường vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại khi tiếp tục vượt ngưỡng 500 điểm. Số tài khoản giao dịch tại các công ty chứng khoán tăng gấp đôi sau 3 tháng chứng tỏ số người tham gia vào chứng khoán lần đầu đang tăng mạnh. Sự bùng nổ của cầu đã không được đáp ứng bởi mức tăng tương đương của cung. Trong quý 1 chỉ có thêm 3 công ty niêm yết trên sàn TP HCM, sự bất cân bằng cung cầu là nguyên nhân gây ra tình hình sốt nóng hiện nay.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tuy trẻ, nhưng trong 5 năm qua đã trải qua nhiều thăng trầm. Sau sự bùng nổ khi thị trường mở cửa năm 2001 (chỉ số VN index đạt 570 điểm sau 6 tháng), chỉ số chứng khoán rơi xuống điểm xuất phát và đạt mức thấp nhất là 130 điểm vào năm 2003. Chu kỳ mới đang hình thành và chỉ số VN Index đang tăng tốc về phía đỉnh cao nhưng liệu xu thế này có thể tiếp tục được bao lâu và liệu thị trường sẽ ra sao sau khi được điều chỉnh?

Có thể nói sự khởi sắc của thị trường chứng khoán có nền tảng kinh tế vững chắc và phù hợp với tình hình phát triển của kinh tế Việt Nam.

Thứ nhất, nhu cầu đầu tư tăng mạnh phản ánh tình hình khả quan của nền kinh tế và mức sống ngày càng được nâng cao. Đồng thời tại thời điểm hiện tại với mức tiết kiệm 30% GDP, trong khi các thị trường đầu tư truyền thống đang gặp nhiều bất ổn (thị trường đất đai ảm đạm, giá vàng biến động khó lường, tiền gửi tiết kiệm bị bào mòn bởi lạm phát), thì càng nhiều người tìm đến thị trường chứng khoán.

Thứ nhì, sau 5 năm ra đời, kiến thức về thị trường chứng khoán từng bước được nâng cao. Xu hướng cổ phần hoá qua đấu giá đã tạo một kênh quan trọng cho người dân tiếp cận với cổ phiếu qua đó từng bước tham gia vào thị trường giao dịch. Một điều cần nhấn mạnh rằng sự sôi động của thị trường HCM chỉ là phần nổi của tảng băng trôi, nó chỉ phản ánh một phần (thậm chí là một phần nhỏ) của mức độ tham gia vào giao dịch chứng khoán của người dân (giới đầu tư hoạt động mạnh ở thị trường OTC và thị trường không chính thức vì quy mô lớn hơn, các hàng chất lượng cao như cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu ngành dầu khí, điện, đều chưa được niêm yết trên thị trường tập trung).

Thứ ba, giới đầu tư nước ngoài đang ngày càng quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Đầu tháng 2, ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới Merrill Lynch đã đánh giá cơ hội đầu tư vào chứng khoán Việt Nam rất cao; so sánh tốc độ tăng trưởng 33% của VN Index từ cuối năm 2004 với mức 25% Chỉ số Châu Á-Thái Bình Dương của Morgan Stanley (Morgan Stanley Capital International Asia - Pacific index). Theo Merril Lynch các nhà đầu tư nên dành 3% danh mục đầu tư vào Châu Á cho chứng khoán Việt Nam. Với đánh giá tích cực này, có thể kỳ vọng một làn sóng đầu tư gián tiếp từ Mỹ và Châu Âu vào TTCK Việt Nam trong năm nay. Hiện nay, ngoài Merrill Lynch vừa ký thỏa thuận mở tài khoản đầu tư ở một công ty chứng khoán tại TP HCM, đại diện của các quỹ đầu tư tầm cỡ khác như Morgan Stanley, Goldman Sachs, JP Morgan Chase đã nhiều lần tới Việt Nam để thu thập thông tin và khảo sát thị trường.

Thông điệp của Merrill Lynch được đăng tải rộng rãi trên báo chí trong nước, tạo hiệu ứng đẩy, khuyến khích các nhà đầu tư trong nước mua các cổ phiếu có chất lượng nhằm đón đầu làn sóng đầu tư đến từ bên ngoài.

Tuy nhiên thị trường hiện giờ vẫn chưa đủ độ "sâu" để bảo đảm cho tốc độ tăng trưởng quá nóng như hiện nay. Uỷ ban Chứng khoán nhà nước lo ngại cơn sốt chứng khoán sẽ ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng vì ngày càng nhiều nhà đầu tư cầm cố cổ phiếu vay tiền để tiếp tục đầu tư vào chứng khoán. Theo số liệu cung cấp bởi Trung tâm Chứng khoán HCM, tính vào ngày 20 tháng 3, có khoảng 13 triệu trái phiếu đang được cầm cố tại các ngân hàng và công ty chứng khoán, có giá trị bằng 751 nghìn tỷ VND (50 triệu USD).

Tuy giới đầu tư đồng tình rằng thị trường sẽ điều chỉnh mạnh trong thời gian gần, ít người cho rằng thị trường sẽ quay trở lại thời kỳ trầm lắng như giai đoạn 2002-2004 với VN Index dao động ở mức trên dưới 200 điểm. Nói cách khác thị trường đã đạt được bước phát triển mới.

Sự kiện Vinamilk niêm yết vào tháng 2, đánh dấu một bước quan trọng mở đầu giai đoạn tham gia của các công ty lớn, làm ăn có lãi và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Hiện tại có 35 công ty niêm yết và Uỷ ban Chứng khoán kỳ vọng sẽ có thêm 16 công ty tham gia thị trường trong năm nay (nâng tỷ lệ vốn hoá lên hơn ba lần mức năm 2005).

Bộ Tài chính trong tháng 2 cũng ban hành Kế hoạch phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2006-2010. Theo đó phấn đấu đến năm 2010 tổng giá trị vốn hoá thị trường có tổ chức đạt 10-15% GDP (bao gồm cả trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ). Để đạt mục tiêu trên, Việt Nam sẽ đẩy mạnh việc gắn kết cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước với việc niêm yết trên thị trường chứng khoán, chuyển đổi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành công ty cổ phần và niêm yết. Bộ Tài chính sẽ lựa chọn và hướng dẫn các chính quyền địa phương, doanh nghiệp lớn phát hành trái phiếu để huy động vốn đầu tư. Bộ Tài chính cũng khuyến khích các tổ chức đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thành lập các công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư chứng khoán, đạt tỷ trọng đầu tư vào TTCK của tổ chức đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là 20-25% tổng giá trị TTCK niêm yết vào năm 2010.

Cũng theo bản kế hoạch này, Việt Nam sẽ phấn đấu để có doanh nghiệp tham gia danh sách 100 công ty niêm yết hàng đầu của các nước ASEAN.

Trong tháng 3 danh sách 102 doanh nghiệp có tiềm năng tham gia niêm yết, đăng ký giao dịch tại các trung tâm giao dịch chứng khoán vừa được Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cũng có công văn trình Chính phủ về chương trình tạo hàng hoá trọng điểm cho thị trường chứng khoán, trong đó đề ra việc cổ phần hoá và niêm yết 11 doanh nghiệp có quy mô vốn lớn, kinh doanh hiệu quả. Trong đó có 5 doanh nghiệp thuộc diện đã có quyết định cổ phần hoá là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), VinaPhone, MobiFone và Bảo Việt.

Sáu doanh nghiệp còn lại tuy chưa có quyết định nhưng đều thuộc đối tượng cổ phần hoá theo nghị định của Chính phủ, bao gồm, Tổng công ty May Việt Tiến, Công ty Phân đạm và Hoá chất Dầu khí, Công ty Vận tải Biển Việt Nam, Công ty Cao su Dầu Tiếng, Tổng công ty Rượu Bia Nước giải khát Hà Nội và Tổng công ty Rượu Bia Nước giải khát Sài Gòn.

Theo VAFI, nếu 11 doanh nghiệp này hoàn thành quy trình cổ phần hoá gắn với niêm yết chứng khoán trong 2 năm 2006 và 2007, giá trị thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng lên khoảng 15 tỷ USD, gấp 15 lần quy mô thị trường hiện nay cơ bản hình thành thị trường đủ độ sâu để thu hút nguồn vốn đầu tư tài chính ngày càng gia tăng. Với mối quan tâm ngày càng tăng của giới đầu tư quốc tế, việc phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam tại thời điểm này là rất thuận lợi.

Tuy nhiên, dù nhiều tiềm năng, nhưng quy mô thị trường trong ngắn hạn khó có những đột biến, gây lo ngại về khả năng tiếp nhận lượng vốn đang đổ vào cổ phiếu ngày càng nhiều. Dù xu hướng tăng trưởng sẽ tiếp tục trong dài hạn, nhưng với sức nóng như hiện nay, thị trường sẽ có một quá trình điều chỉnh,có thể sẽ diễn ra trước khi bước vào quý 3.

Các văn bản liên quan