VCCI góp ý DTTT quy định việc cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô

Thứ Tư 17:15 07-12-2016

Kính
gửi: Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng

       Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam

Trả lời Công văn số 8408/NHNN-TTGSNH
của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định
về cấp Giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô (sau đây gọi
tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của
doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:

1.      Tính chất pháp lý của một số quy định trong Dự thảo

Điều 8 Dự thảo quy định về điều kiện
để được cấp Giấy phép hoạt động của tổ chức tài chính vi mô. Đây là quy định về
điều kiện kinh doanh.

Theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư
2014 thì Thông tư không được phép quy định về điều kiện kinh doanh. Mặc dù, Luật
các tổ chức tín dụng 2010 trao quyền cho Ngân hàng Nhà nước quy định về điều kiện
cấp giấy phép[1],
tuy nhiên Luật Đầu tư 2014 được ban hành sau, đã quy định rõ về thẩm quyền quy
định về điều kiện kinh doanh và theo quy định tại khoản 3 Điều 156 Luật Ban
hành văn bản quy phạm pháp luật 2014, “trong
trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định
khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật
ban hành sau”, do vậy quy định về điều kiện kinh doanh tại Dự thảo dường
như là chưa phù hợp.

Do đó, để đảm bảo thống nhất với tinh
thần của Luật Đầu tư 2014, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại tính pháp
lý của quy định này và đề nghị kiến nghị xây dựng văn bản cấp Nghị định về điều
kiện cấp Giấy phép hoạt động của tổ chức tài chính vi mô.

2.      Một số quy định liên quan đến thủ tục hành chính tại Dự thảo chưa đảm bảo
yếu tố minh bạch[2]

a.      Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đối với trường hợp chuyển đổi chương trình, dự
án tài chính vi mô (Điều 11)

Khoản 12 Điều 11 Dự thảo quy định
trong Hồ sơ phải có “văn bản chứng minh quyền sở hữu trụ sở chính”.

So với điều kiện thành lập mới tổ chức
tài chính vi mô thì tổ chức tài chính vi mô được thành lập theo hình thức chuyển
đổi có điều kiện khắt khe hơn về trụ
sở chính, đó là phải có “quyền sở hữu”, trong khi thành lập mới thì tổ chức tài
chính vi mô chỉ cần chứng minh hoặc có quyền sở hữu hoặc có quyền sử dụng địa
điểm đặt trụ sở chính.

Quy định này không rõ về mục tiêu quản
lý, trong khi điều kiện chung của tổ
chức tài chính vi mô về trụ sở chính là “đảm bảo an toàn tài sản và phù hợp với
yêu cầu hoạt động ngân hàng” (khoản 6 Điều 8 Dự thảo) và không phân biệt về
tính chất sở hữu (sở hữu/có quyền sử dụng) của địa điểm đặt trụ sở chính giữa tổ
chức tài chính vi mô thành lập mới hay thành lập theo hình thức chuyển đổi.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo sửa
đổi khoản 12 Điều 11 Dự thảo theo hướng, “Văn bản chứng minh quyền sở hữu hoặc
quyền sử dụng hợp pháp địa điểm đặt trụ sở chính của tổ chức tài chính vi mô”.

b.      Trình tự cấp giấy phép đối với trường hợp thành lập tổ chức tài chính vi
mô (Điều 12)

Theo quy định tại Điều 12 Dự thảo thì
trong trình tự cấp giấy phép đối với thành lập tổ chức tài chính vi mô có thủ tục
lấy ý kiến các cơ quan nhà nước có
liên quan, theo đó Ủy ban nhân dân tỉnh nơi tổ chức tài chính vi mô dự kiến đặt
trụ sở chính, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi tổ chức tài chính vi mô dự kiến
đặt trụ sở chính sẽ cho ý kiến về việc
thành lập tổ chức tài chính vi mô
.

Không rõ các cơ quan nhà nước trên sẽ
cho ý kiến gì về việc thành lập tổ chức tài chính vi mô và trên cơ sở, tiêu chí
nào để cho ý kiến?

Ý kiến của các cơ quan liên quan ở
trên sẽ tác động như thế nào đối với việc chấp thuận nguyên tắc thành lập tổ chức
tài chính vi mô của Ngân hàng Nhà nước (nếu không có sự đồng nhất trong các ý
kiến về việc thành lập tổ chức tài chính vi mô giữa các cơ quan được lấy ý kiến
thì sẽ được xử lý như thế nào?).

Việc thiếu rõ ràng trong các vấn đề
trên khiến cho quy trình cấp phép thành lập tổ chức tài chính vi mô chưa minh bạch
và có thể tạo ra dư địa của tình trạng phân biệt đối xử giữa các đối tượng
trong cùng điều kiện. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định rõ ràng, cụ
thể hơn về trình tự cấp phép tại Điều 12 Dự thảo, ít nhất là ở các điểm nêu ở
trên.

Góp ý tương tự đối với trình tự cấp
giấy phép đối với trường hợp chương trình, dự án tài chính vi mô chuyển đổi quy
định tại Điều 13 Dự thảo.

3.      Về chủ thể tham gia góp vốn vào tổ chức tài chính vi mô

Theo quy định tại Dự thảo thì chủ sở
hữu, thành viên sáng lập tổ chức tài chính vi mô phải là cá nhân mang quốc tịch
Việt Nam, tổ chức được thành lập theo pháp luật của Việt Nam, đồng nghĩa với việc
tổ chức, cá nhân nước ngoài sẽ không được
góp vốn thành lập tổ chức tài chính vi mô.

So với quy định tại Thông tư 02/2008/TT-NHNN
thì quy định này có sự thay đổi lớn và sẽ tác động đáng kể đến các tổ chức tài
chính vi mô có thành viên góp vốn là các tổ chức, cá nhân nước ngoài. Tuy
nhiên, trong bản giải trình của Ban soạn thảo không thấy đánh giá tác động đối
với chính sách này và Dự thảo tại quy định chuyển tiếp cũng chưa giải quyết cho
trường hợp các tổ chức tài chính vi mô hoạt động trước thời điểm Thông tư này
ban hành mà có cá nhân, tổ chức nước ngoài góp vốn sẽ được xử lý như thế nào?

Để đảm bảo minh bạch về chính sách và
đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo
giải trình và quy định rõ hơn về các trường hợp này.

Trên đây
là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định về cấp Giấy
phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô. Rất mong quý Cơ quan
soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Ngoài ra
gửi kèm theo một số góp ý cụ thể về Dự thảo mà một số doanh nghiệp gửi cho
Phòng Thương mại và Công nghiệp để Quý Cơ quan tham khảo.

Trân trọng
cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

 


[1]
Khoản 5 Điều 20 Luật các tổ chức tín dụng 2010

[2]
Các góp ý này chỉ nhìn dưới góc độ tính minh bạch của các quy định tại Dự thảo