VCCI góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn thủ tục thu nộp ngân sách nhà nước đối với các khoản thuế và thu nội địa
VCCI góp y Dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa
Kính gửi: Vụ Tổ chức cán bộ – Bộ
Giao thông Vận tải
Trả
lời Công văn số 1152/BGTVT-TCCB
ngày 27/01/2016 của Bộ Giao thông vận tải về việc góp ý Dự thảo Nghị định Quy định điều
kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa
(sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
(VCCI), sau khi lấy ý kiến các doanh nghiệp và chuyên gia, có một số ý kiến như
sau:
1.
Tăng tính độc lập giữa đào tạo và sát hạch
Hiện nay, công tác đào tạo và sát hạch thuyền viên,
người lái phương tiện thủy nội địa được gắn liền với nhau. Thông tư
14/2011/TT-BGTVT về quy chế thi, cấp, đổi bằng, chứng chỉ chuyên môn thuyền
viên, người lái phương tiện thủy nội địa và đảm nhiệm chức danh thuyền viên
phương tiện thủy nội địa có quy định việc tổ chức thi sát hạch được thực hiện
ngay tại cơ sở đào tạo, Phó Chủ tịch hội đồng thi, Hội đồng kiểm tra là lãnh đạo
cơ sở đào tạo, các ủy viên đều là người của cơ sở đào tạo. Phương pháp quản lý
này có thể dẫn đến tình trạng xung đột lợi ích, các cơ sở đào tạo vừa có lợi
ích từ việc cung cấp dịch vụ vừa có thể gây ảnh hưởng đến quá trình sát hạch.
Hiện nay, xu hướng chung của việc cấp các chứng chỉ
hành nghề, bằng cấp chuyên môn là tách biệt hoặc tăng tính độc lập giữa khâu
đào tạo và khâu sát hạch. Ví dụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường đại
học thành lập các Trung tâm Khảo thí và Kiểm định chất lượng để tăng tính độc lập
giữa công tác giảng dạy và công tác thi cử của các trường đại học. Hay như
trong lĩnh vực y dược hiện nay cũng đang tiến tới cơ chế có kỳ thi riêng do cơ
quan nhà nước tổ chức để cấp chứng chỉ, tách biệt với hoạt động đào tạo vẫn do
các trường đại học, cao đẳng, trung cấp thực hiện. Như vậy, các trường y dược
thực hiện việc đào tạo, nhưng nếu tỷ lệ người học ra trường không vượt qua được
kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề y dược
thì bản thân trường đó mất uy tín, từ đó giảm số lượng sinh viên đăng ký và giảm
nguồn thu. Việc tăng tính độc lập giữa đào tạo và sát hạch giúp nâng cao chất
lượng đầu ra của công tác đào tạo, đặc biệt là đối với một lĩnh vực ảnh hưởng đến
an toàn của người khác như giao thông.
Do đó, VCCI
đề nghị Bộ Giao thông vận tải trong Dự thảo này cần có quy định theo hướng
tăng
tính độc lập giữa khâu đào tạo và khâu sát hạch về mặt tổ chức và hoạt động.
Đồng thời, đề nghị Bộ Giao thông vận tải có kế hoạch sửa đổi quy định tại
Thông tư 14/2011/TT-BGTVT theo hướng trên. Có thể cân nhắc một số giải pháp cụ
thể như sau:
–
Việc tổ chức thi
sát hạch do cơ quan nhà nước tiến hành độc lập thay vì liên kết với cơ sở đào tạo
như hiện nay.
–
Những cá nhân đã
tham gia đào tạo lớp học viên nào thì không được tham gia Hội đồng thi hoặc
giám khảo khi sát hạch lớp học viên đó.
2.
Mức độ các điều kiện kinh doanh
Mức độ các điều kiện để thực hiện hoạt động đào tạo
và sát hạch nên được phân loại khác nhau. Theo đó, các quy định cần nâng cao
các điều kiện, kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động sát hạch, để bảo đảm chất lượng
đầu ra, nhưng đi kèm với đó là giảm các điều kiện kinh doanh đối với hoạt động
đào tạo để tăng tính linh hoạt của thị trường dịch vụ đào tạo. Mục tiêu quan trọng
nhất của các cơ sở đào tạo là làm sao có thể nâng cao chất lượng đào tạo và qua
đó học viên có thể thi đỗ kỳ thi sát hạch, còn việc bố trí giáo viên, cơ sở vật
chất thì nhà nước không cần quy định quá chi tiết mà nên để các cơ sở tự
quyết định. Có thể có ý kiến cho rằng phương pháp quản lý này sẽ khiến các cơ sở
đào tạo không bảo đảm chất lượng học viên, gây mất an toàn khi tham gia giao
thông. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chất lượng thuyền viên và lái tàu vẫn được bảo
đảm nhờ công tác sát hạch nghiêm túc, kỷ luật. Ngược lại, việc linh hoạt trong
quá trình đào tạo sẽ giúp giảm chi phí của người học, giảm chi phí xã hội không
cần thiết.
Bản thân các cơ sở đào tạo cũng sẽ phải tự cân nhắc
hoạt động của mình. Nếu họ không có đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất, giáo
viên chất lượng thì tỷ lệ thi đỗ sẽ không cao, từ đó dẫn đến việc học viên sẽ
không lựa chọn vào học ở cơ sở đào tạo đó nữa, khiến cơ sở không có nguồn thu
và bị đào thải hoặc buộc phải thay đổi. Do đó, việc quy định quá cứng nhắc về
điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên của cơ sở đào tạo là không thực sự cần
thiết. Việc bảo đảm chất lượng đào tạo sẽ do thị trường (học viên) quyết định
mà nhà nước chỉ cần bảo đảm rằng học
viên có đủ thông tin về các cơ sở đào tạo (theo các góp ý dưới đây).
3.
Minh bạch về thông tin các cơ sở kinh doanh dịch vụ
đào tạo
Trong hoạt động giáo dục, người học thường ở vị trí
yếu thế hơn so với cơ sở đào tạo. Việc thiếu thông tin ngay từ đầu có thể khiến
học viên sau đăng ký học rồi gặp phải nhiều yêu cầu bất lợi từ phía đơn vị đào
tạo, ví dụ như thêm các khoản đóng góp, hay kết quả đào tạo không được như mong
đợi. Vì lý do đó, nhiều văn bản pháp luật về giáo dục đào tạo có quy định yêu cầu
các cơ sở đào tạo phải minh bạch về thông tin. Ví dụ, Luật Giáo dục đại học yêu
cầu cơ sở giáo dục đại học phải công khai: chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào
tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, các thông tin liên quan về văn
bằng cho người học trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học. Luật
Giáo dục nghề nghiệp cũng yêu cầu cơ sở giáo dục phải công khai quy chế tổ chức,
hoạt động của mình, mục tiêu, chương trình đào tạo; điều kiện để bảo đảm chất
lượng dạy và học; mức học phí và miễn, giảm học phí; kết quả kiểm định chất lượng
đào tạo; hệ thống văn bằng, chứng chỉ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; vị trí việc
làm sau khi tốt nghiệp và các biện pháp kiểm tra, giám sát chất lượng đào tạo.
Đối với các cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái
phương tiện thủy nội địa thì ngoài các thông tin trên, các học viên sẽ rất quan
tâm đến tỷ lệ đỗ kỳ thi sát hạch của các khóa học trước, bởi đây là mục tiêu của
mọi học viên khi đăng ký nhập học. Do đó, để bảo vệ quyền lợi của các học viên
trong quan hệ với cơ sở đào tạo, đề
nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về việc yêu cầu các
cơ sở đào tạo phải niêm yết công khai các nội dung
(1) như quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp và (2) tỷ lệ học viên thi đỗ kỳ
thi sát hạch của các khóa trước trên website của cơ sở và một bản
chuyển cho học viên trước khi đăng ký học. Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm
về các thông tin đã đăng tải, niêm yết.
4.
Điều kiện diện tích tối thiểu
Điều 5 và Điều 6 của Dự thảo có quy định về diện
tích tối thiểu của từng phòng học, xưởng thực hành và chỗ học. Quy định này được
phỏng đoán rằng sẽ ngăn cản tình trạng cơ sở đào tạo tuyển sinh quá nhiều dẫn đến
giảm chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, việc quy định diện tích tối thiểu có thể sẽ
là quá cứng nhắc, khiến cho các cơ sở đào tạo không có được sự linh hoạt cần
thiết. Ví dụ, một cơ sở đào tạo có thể phát triển phần mềm dạy lý thuyết, ghi
âm ghi hình bài giảng lý thuyết, giúp học viên học trên máy tính hoặc điện thoại
di động tại nhà mà không nhất thiết phải đến lớp. Trong trường hợp đó, nếu vẫn
yêu cầu cơ sở đào tạo duy trì diện tích tối thiểu là điều không cần thiết, lãng
phí. Các chi phí này cuối cùng sẽ do học viên trả, gây tăng học phí và cũng
không tạo động lực để các cơ sở đào tạo cải tiến phương pháp giảng dạy.
Hiện nay, nhằm tránh tình trạng tuyển sinh quá nhiều,
Luật Giáo dục nghề nghiệp đã có quy định về chỉ tiêu tuyển sinh. Việc quy định
thêm về diện tích phòng học tối thiểu để phục vụ cùng mục tiêu này là không cần
thiết. Do đó, đề nghị cơ quan soạn
thảo bỏ
quy định về diện tích tối thiểu cho từng phòng học, xưởng thực
hành và chỗ học.
5.
Liên kết giữa cơ sở đào tạo và đơn vị vận tải trong
việc dạy thực hành
Điều 7 của Dự thảo xác định các điều kiện để học thực
hành bao gồm: có vùng nước, có cầu tàu, có phương tiện giao thông… Như vậy, học
viên chỉ được thực hành lái và vận hành máy tại cơ sở đào tạo mà không được
tham gia thực hành trên thực tế. Nếu các học viên được thực hành dưới hình thức
thực tập tại các doanh nghiệp vận tải thủy nội địa chắc chắn sẽ nâng cao
chất lượng đào tạo. Các doanh nghiệp vận tải vừa có sẵn các phương tiện, trang
thiết bị, đồng thời lại có nhu cầu tuyển dụng lao động sau khi được cấp bằng,
chứng chỉ.
Do đó, đề
nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng, cơ sở đào tạo có thể
tự
trang bị các điều kiện vật chất trên, hoặc có hợp đồng liên kết với một đơn
vị kinh doanh vận tải có đủ các trang thiết bị đáp ứng quy định tại Nghị
định này để phối hợp trong việc cho học viên thực tập. Đi kèm với đó, đề nghị
cơ quan soạn thảo cân nhắc việc cho phép linh hoạt các điều kiện của trang thiết
bị tương ứng với hai trường hợp: (1) tự trang bị và (2) liên kết với đơn vị
kinh doanh vận tải.
Trong trường hợp có hợp đồng liên kết như vậy thì một
người lái tàu của doanh nghiệp vận tải cũng có thể đồng thời là giáo viên dạy
thực hành cho cơ sở đào tạo. Theo quy định tại Điều 9.4 của Dự thảo, “Cơ sở đào tạo phải có đủ số lượng giáo viên
để bố trí giảng dạy theo quy định và phải có tối thiểu 50% giáo viên cơ hữu
tham gia giảng dạy từng chương trình.” Có thể mở rộng cho phép trong trường
hợp có các hợp đồng liên kết giữa cơ sở đào tạo và đơn vị vận tải thì người
lái tàu của đơn vị vận tải cũng được coi là giáo viên cơ hữu.
6.
Điều kiện đối với cơ sở đào tạo loại 4
Lĩnh vực vận tải thủy nội
địa có đặc điểm là dải phương tiện rất đa dạng, từ các loại thuyền nhỏ phục vụ
sinh hoạt của người dân cho đến những phương tiện chở hàng khối lượng lớn. Người
lái tàu, thuyền viên của các dạng phương tiện này cũng cần có những biện pháp
quản lý khác nhau. Đối với các loại phương tiện lớn thì cần được đào tạo bài bản,
kỹ càng nhằm bảo đảm an toàn giao thông. Đối với các loại thuyền nhỏ dân sinh
thì hiện nay có số lượng rất lớn, người dân thường tự dạy nhau lái mà không qua
đào tạo, những trường hợp như vậy thì lại cần các chương trình đào tạo đơn
giản, ngắn hạn, chi phí thấp, sẵn có ở nhiều nơi. Để đáp ứng nhu cầu đó, cần
có định hướng mở nhiều hơn các cơ sở đào tạo loại 4. Nếu các điều kiện kinh
doanh cơ sở đào tạo loại 4 quá cao sẽ khiến số lượng các cơ sở này ít,
chi phí học cao, giảm cơ hội tiếp cận của người dân. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc
giảm
các điều kiện kinh doanh đối với cơ sở đào tạo loại 4 đến mức thấp nhất
có thể.
Có thể cân nhắc đến việc bỏ yêu cầu thực hành nguội – cơ khí, thực hành máy điện
đối với các cơ sở đào tạo loại 4.
Trên
đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự
thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người
lái phương tiện thủy nội địa. Rất mong Quý cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh
sửa, hoàn thiện.
Trân
trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.