VCCI góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc cơ quan thuế lấy ý kiến tư vấn cơ quan, tổ chức có liên quan trước khi thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại
VCCI góp ý Dự thảo Thông tư quy định việc thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế
Kính gửi: Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế
Trả
lời Công văn số 1085/ATTP-SP của Cục An toàn thực phẩm ngày 23/2/2016 về việc đề
nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định việc thu hồi và xử lý thực phẩm không an
toàn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng
Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có một số ý kiến như sau:
Việc
ban hành là văn bản quy định về thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an
toàn là rất cần thiết trong bối cảnh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nổi cộm. Tuy
nhiên, để đáp ứng được mục tiêu đặt ra, góp phần xử lý hiệu quả vấn nạn mất vệ
sinh an toàn thực phẩm hiện nay, các biện pháp nêu trong văn bản này cần bảo đảm
tính khả thi, minh bạch, cho phép xử lý triệt để các trường hợp vi phạm an toàn
thực phẩm đồng thời tạo cơ chế phù hợp khuyến khích các chủ thể liên quan tự
nguyện tuân thủ.
Rà
soát Dự thảo cho thấy trong khi nhiều quy định tại Dự thảo đã đáp ứng được các
yêu cầu nói trên, vẫn còn một số điểm bất cập cần được Ban soạn thảo cân nhắc, điều
chỉnh:
1. Về phạm vi
áp dụng:
Điều 1 Dự thảo quy định về phạm vi áp dụng là “thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ
chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm không bảo đảm
an toàn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế.”
Quy định này không sai nhưng thiếu rõ ràng, chưa tạo
điều kiện cho việc thi hành. Ví dụ: thế nào là “sản phẩm không bảo đảm an toàn”? sản phẩm nào thì thuộc thẩm quyền
quản lý của Bộ Y tế?
Tất nhiên, Dự thảo được ban hành để thực thi các quy định
liên quan của Luật an toàn thực phẩm, và không nhất thiết phải nhắc lại các quy
định của Luật nhưng trong trường hợp này, để tạo thuận lợi cho thực thi, nên nhắc
lại hoặc ít nhất cũng cần viện dẫn tới quy định liên quan của Luật (điều này là
đặc biệt quan trọng bởi phạm vi các chủ thể phải thực thi Dự thảo này là hàng
triệu người kinh doanh ăn uống, không phải ai cũng có đủ kiến thức để kết hợp
nhiều quy định trong nhiều văn bản và sau đó thực thi).
Hơn nữa, cần chú ý rằng Dự thảo này chỉ áp dụng cho việc
thu hồi và xử lý sau thu hồi, như vậy diện áp dụng còn hẹp hơn nữa chứ không phải
là tất cả các sản phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế
(theo Điều 55 Luật An toàn thực phẩm thì không phải sản phẩm không bảo đảm an
toàn nào cũng bị thu hồi, sản phẩm không bảo đảm an toàn chỉ bị thu hồi trong
06 trường hợp).
Vì vậy, để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, tạo điều
kiện thuận lợi cho việc thực thi của hàng triệu chủ thể, đề nghị Ban soạn thảo
sửa đổi Điều 1 Dự thảo theo hướng:
–
Quy định rõ các
trường hợp bắt buộc thu hồi (theo Điều 55 Luật An toàn thực phẩm) (không cần
thiết phải nêu tiêu chí “không bảo đảm an toàn thực phẩm” bởi ngay cả Luật cũng
không có định nghĩa thế nào là “không bảo đảm an toàn thực phẩm”);
–
Quy định rõ sản
phẩm nào thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế (chú ý là Luật an toàn thực phẩm
không có quy định trực tiếp nào về sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế
ngoài quy định tại Điều 33 Luật “Bộ trưởng
Bộ Y tế quy định cụ thể điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức
ăn đường phố” – quy định này có thể được hiểu gián tiếp là Bộ Y tế quản lý
về kinh doanh thức ăn đường phố nhưng không đồng nghĩa với việc Bộ Y tế chỉ quản
lý các loại “sản phẩm” của hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố).
Chú ý:
Việc xác định sản phẩm nào thuộc phạm vi của Dự thảo này là rất quan trọng. Bởi
các quy định về quy trình thu hồi, xử lý hiện đang khá phức tạp, chỉ thích hợp
nếu diện sản phẩm thuộc phạm vi Dự thảo hẹp. Còn nếu sản phẩm thuộc diện điều
chỉnh quá rộng thì quy trình thu hồi xử lý như trong Dự thảo sẽ không khả thi –
ví dụ, nếu sản phẩm thuộc phạm vi điều chỉnh của Dự thảo là thức ăn đường phố
thì Cơ quan có thẩm quyền sẽ không thể đủ lực lượng, thời gian, nguồn lực để
phê duyệt, theo dõi, giám sát….tất cả các trường hợp phải thu hồi theo quy
trình như trong Dự thảo.
Trường hợp có giải trình thuyết phục về việc không cần
thiết phải quy định rõ (thậm chí nhắc lại Luật An toàn thực phẩm) như trên mà
người dân, người kinh doanh vẫn có thể biết và tuân thủ đầy đủ thì ít nhất cũng
phải dẫn chiếu tới các quy định pháp luật tương ứng trong Luật và trong các Văn
bản khác liên quan về 02 nội dung nói trên.
2. Về hình thức
thu hồi (Điều 3 Dự thảo):
2.1.
Về thu hồi
tự nguyện và thu hồi bắt buộc:
Dự thảo quy định 02 hình thức thu hồi là tự nguyện và
bắt buộc, trong cả hai trường hợp này việc thu hồi đều do tổ chức, cá nhân liên
quan thực hiện, chỉ khác ở việc sáng kiến thu hồi là của tổ chức/cá nhân (thu hồi
tự nguyện) hay của Cơ quan có thẩm quyền (thu hồi bắt buộc). Quy định này là
phù hợp với Điều 55 của Luật An toàn thực phẩm.
Mặc dù vậy, nội dung của Dự thảo không bổ sung được điểm
gì mới hơn so với Điều 55.2 Luật An toàn thực phẩm, và vì vậy cũng không giúp
hướng dẫn gì cho việc thi hành, đặc biệt liên quan tới hình thức thu hồi bắt buộc,
ví dụ:
–
Cơ quan nào là
cơ quan có thẩm quyền yêu cầu thu hồi?
–
Cơ quan này được
ra quyết định về việc thu hồi khi nào? Theo điều kiện gì?
Chú ý là việc dẫn chiếu tới Điều 4, Điều 5 của Dự thảo
không phải là cách thức để hướng dẫn về các trường hợp áp dụng hình thức thu hồi
nào.
Vì vậy, để bảo đảm tính rõ ràng, đề nghị Ban soạn
thảo điều chỉnh Điều 3 theo hướng làm rõ những trường hợp nào thì là hình
thức tự nguyện, trường hợp nào thì áp dụng hình thức bắt buộc. Cụ thể:
–
Nếu Điều 1 chưa
được sửa theo đề xuất tại Mục 1 Công văn này thì ở Điều này cần nêu rõ các trường
hợp như đề xuất tại Điều 1.
Ví dụ:
“1. Thu hồi tự nguyện là hình thức thu hồi do tổ chức,
cá nhân thực hiện xuất phát từ sáng kiến của tổ chức, cá nhân liên quan, thực
hiện ngay khi tổ chức, cá nhân phát hiện sản phẩm thuộc các trường hợp sau
đây:… (liệt kê các trường hợp nêu tại Điều 55.1 Luật an toàn thực phẩm ở đây)
2. Thu hồi bắt buộc là hình thức thu hồi do tổ chức, cá nhân thực hiện
xuất phát từ yêu cầu của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sau khi Cơ quan này kiểm
tra và ra kết luận sản phẩm của tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp nêu tại Khoản
1 Điều này.
3. Cơ quan có thẩm quyền nêu tại khoản 2 Điều này và các Điều 4, 5 Thông
tư này là…”
–
Nếu Điều 1 đã được
sửa theo đề xuất tại Mục 1 Công văn này thì ở Điều này có thể quy định ngắn gọn
hơn:
Ví dụ:
“1. Thu hồi tự nguyện là hình thức thu hồi do tổ chức, cá nhân thực hiện
xuất phát từ sáng kiến của tổ chức, cá nhân liên quan, thực hiện ngay khi tổ chức,
cá nhân phát hiện sản phẩm thuộc các trường hợp phải thu hồi theo quy định tại
Điều 1 Thông tư này.
2. Thu hồi bắt buộc là hình thức thu hồi do tổ chức, cá nhân thực hiện
xuất phát từ yêu cầu của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sau khi Cơ quan này kiểm
tra và ra kết luận sản phẩm của tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp thuộc Điều 1
Thông tư này.
3. Cơ quan có thẩm quyền nêu tại khoản 2 Điều này và các Điều 4, 5 Thông
tư này là…”
2.2.
Về hình thức thu hồi trong một số trường hợp đặc biệt:
Bên cạnh 02 hình thức thu hồi như nêu tại Điều 3 Dự thảo,
theo Luật An toàn thực phẩm thì còn có 02 hình thức thu hồi khác, bao gồm:
–
Cưỡng chế thu hồi
trong trường hợp quá hạn để tự thu hồi:
Điều 55.4 Luật An toàn thực
phẩm quy định “Trong trường hợp quá thời
hạn thu hồi mà tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thực hiện
việc thu hồi thì bị cưỡng chế thu hồi theo quy định của pháp luật.”
Đây là hình thức thu hồi thực
hiện trong trường hợp một trong hai hình thức thu hồi nói trong Điều 3 Dự thảo không
được thực hiện. Và hình thức này là rất có ý nghĩa trong bối cảnh các tổ chức,
cá nhân vi phạm hiện rất hiếm khi tự mình thực hiện việc thu hồi.
Tuy nhiên, Dự thảo lại chưa
có hướng dẫn gì về hình thức cưỡng chế này: Ai thực hiện? bằng chi phí của ai?
Thời gian (quá hạn tự thu hồi bao lâu thì tiến hành cưỡng chế thu hồi)? Cách thức
thực hiện như thế nào?
–
Cưỡng chế thu hồi
trong trường hợp nghiêm trọng:
Điều 6.5d Luật An toàn thực phẩm quy định “Trong trường hợp thực phẩm có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với
sức khỏe cộng đồng hoặc các trường hợp khẩn cấp khác, cơ quan nhà nước có thẩm
quyền trực tiếp tổ chức thu hồi, xử lý thực phẩm và yêu cầu tổ chức, cá
nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn thanh toán chi phí
cho việc thu hồi, xử lý thực phẩm”
Đây là hình thức thu hồi mà sáng kiến thu hồi cũng như việc triển khai
thu hồi đều do Cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện, tổ chức, cá nhân liên quan
chỉ chịu chi phí cho việc thu hồi này. Như vậy hình thức này khác so với thu hồi
tự nguyện và thu hồi bắt buộc nêu trong Điều 3. Và hình thức này chưa được hướng
dẫn trong Dự thảo.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định
hướng dẫn về 02 hình thức thu hồi này.
3.
Về phê duyệt kế hoạch thu hồi (Điều 4 Dự thảo):
Khoản 2 Điều 4 Dự thảo quy định: “Trường hợp cơ quan có thẩm quyền không đồng ý với thông báo và kế hoạch
thu hồi, trong vòng 1 ngày…yêu cầu bằng văn bản tới tổ chức, cá nhân điều chỉnh
thông báo và kế hoạch thu hồi, trong văn bản phải nêu rõ lý do điều chỉnh.”
Quy định này chưa rõ ràng ở nhiều điểm:
–
Kế hoạch thu hồi
phải bao gồm những nội dung gì?
–
Cơ quan có thẩm
quyền là cơ quan nào? (Chú ý, trong Mẫu số 01 Dự thảo có nêu “báo cáo với Cục
an toàn thực phẩm Sở Y tế” nhưng điều này không tự động được hiểu là có thể
thay thế cho quy định về Cơ quan có thẩm quyền trong Dự thảo)
–
Cơ quan này dựa
vào đâu để kết luận thông báo và kế hoạch thu hồi của doanh nghiệp là đạt/không
đạt yêu cầu? (ví dụ thời hạn thu hồi thế nào là đủ? Thời hạn xử lý thế nào là đủ?
Ngoài thời hạn ra thì Cơ quan có thẩm quyền còn xem xét vấn đề nào khác
không?…)
Trên thực tế, việc thu hồi
theo cách thức nào là phù hợp, thời gian thu hồi thế nào là hợp lý…phụ thuộc rất
nhiều vào tình huống cụ thể (sản phẩm gì, kênh phân phối rộng tới đâu, nguồn lực
của chủ thể phải thu hồi…), nếu là một quán ăn đường phố thì có thể thu hồi
ngay, trực tiếp nếu là chuỗi sản phẩm đóng hộp bán trên phạm vi cả tỉnh/nước
thì việc thu hồi phải có kế hoạch rất chi tiết, trong thời gian dài…Vì vậy, sẽ
rất khó để ấn định căn cứ hợp lý cho tất cả các trường hợp thu hồi.
Hơn nữa, ở bước này Điều 55.5
chỉ giới hạn quyền của Cơ quan có thẩm quyền trong việc quyết định “thời hạn hoàn thành việc thu hồi”, vì vậy,
Cơ quan này, nếu có, chỉ có thể kết luận đạt hay không đạt về vấn đề thời hạn
trong kế hoạch thu hồi của doanh nghiệp mà không có quyền kết luận về những vấn
đề khác.
–
Thời hạn để trả
lời doanh nghiệp về việc đồng ý hay không đồng ý của Cơ quan có thẩm quyền là
bao lâu?
Chú ý:
Vì việc thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn là việc cần thực hiện càng
sớm càng tốt nên nếu vẫn giữ quy định về việc phê duyệt thì đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung
quy định, trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền không trả lời doanh nghiệp
trong thời hạn 01 ngày làm việc đối với thông báo và kế hoạch thu hồi thì coi
như đồng ý với các tài liệu này và doanh nghiệp được thực hiện mà không bị coi
là vi phạm. Đây là cách thức rất tiến bộ đã được áp dụng trong một số văn bản,
ví dụ:
–
Lĩnh vực tài chính: khoản
2 Điều 3 Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày
27/5/2015 của Bộ Tài chính: “...Trường hợp sau
5 ngày làm việc cơ quan quản lý thuế trực tiếp không có ý kiến bằng văn bản thì
doanh nghiệp được sử dụng hóa đơn tự in. Thủ trưởng cơ quan thuế phải chịu
trách nhiệm về việc không có ý kiến bằng văn bản trả lời doanh nghiệp.”
–
Lĩnh vực xây dựng: khoản 8 Điều
9 Nghị định 64/2012/NĐ-CP ngày 04/9/2016 của Chính phủ quy định về Quy trình
xin cấp phép xây dựng: “…Nếu quá thời hạn ghi
trong giấy biên nhận mà cơ quan cấp phép không trả lời thì chủ đầu tư được phép
xây dựng công trình theo hồ sơ thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt theo quy định
có trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng.”
–
Lĩnh vực bảo hiểm: khoản 3 Điều 21 Thông tư 124/2012/TT-BTC ngày 30/7/2012 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục thay đổi một số chức danh của doanh nghiệp: “ … Nếu quá thời hạn trên Bộ Tài chính không có văn bản trả
lời, việc đề nghị thay đổi Chủ tịch, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của doanh nghiệp
bảo hiểm, thay đổi Tổng Giám đốc (Giám đốc) của chi nhánh nước ngoài đương
nhiên được chấp thuận.”
Từ các bình luận trên, đề nghị Ban soạn thảo điều
chỉnh Điều 4.2 Dự thảo theo hướng:
–
Nêu rõ các nội
dung phải có trong Kế hoạch thu hồi của doanh nghiệp
–
Bước 2 chỉ bao gồm
việc thông báo kế hoạch thu hồi cho cơ quan quản lý mà không bao gồm việc phê
duyệt/đồng ý của cơ quan quản lý (do không thể có căn cứ hợp lý nào chung cho tất
cả các trường hợp thu hồi)
Nếu Ban soạn thảo có lý do hợp
lý để giữ lại quy định phê duyệt thì chỉ phê duyệt về thời hạn thu hồi (với quy
định về các thời hạn khác nhau cho các trường hợp thu hồi khác nhau theo quy mô
của việc thu hồi) và cần nêu rõ thời hạn trả lời doanh nghiệp (theo hướng nếu
quá thời hạn nhất định thì tự động xem là đã chấp thuận thời hạn thu hồi như
trong Kế hoạch thu hồi).
4. Về chủ thể
thực hiện thu hồi tự nguyện và cơ quan tiếp nhận thông báo (Điều 4 Dự thảo):
Điều 4 Dự thảo quy định: “Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm khi phát hiện sản
phẩm không bảo đảm an toàn phải thực hiện các bước sau…”
Trừ khi Dự
thảo làm rõ thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế là thực phẩm nào, quy
định tại Dự thảo được hiểu là thực phẩm nói chung. Nếu theo nghĩa này thì theo khoản
2 Điều 3 Luật an toàn thực phẩm quy định người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đều
phải chịu trách nhiệm về an toàn đối với thực phẩm mình sản xuất, kinh doanh. Và
như vậy thì quy định tại Điều 4 Dự thảo chưa rõ: khi một vụ việc mất an toàn
thực phẩm xảy ra thì ai là người chịu trách nhiệm đầu tiên? Người sản xuất thực
phẩm? Người kinh doanh thực phẩm?…
Do đó, đề
nghị Ban soạn thảo:
–
Xác định rõ loại thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của
Bộ Y tế (đưa vào Điều 1 Dự thảo), và
–
Nêu rõ chủ thể chịu trách nhiệm về sản phẩm tương ứng
với loại thực phẩm được xác định là đối tượng của Dự thảo này.
5. Về xử lý sản
phẩm sau thu hồi (Điều 6 Dự thảo):
–
Về biện
pháp chuyển đổi mục đích sử dụng:
Điều 6.2 Dự thảo quy định việc xử lý sản phẩm bằng
cách chuyển đổi mục đích sử dụng phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan
quản lý chuyên ngành.
Quy định này không làm rõ:
+ Chuyển đổi mục đích sử dụng là thế nào? Khi nào có thể chuyển đổi mục
đích sử dụng (mà không phải là tiêu hủy hay tái xuất)? Khi chuyển đổi thì cần bảo
đảm yêu cầu gì (ví dụ sản phẩm có phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật,
yêu cầu an toàn thực phẩm áp dụng cho sản phẩm chuyển đổi không…? Chú ý là hiện
tại không có quy định nào về chuyển đổi mục đích sử dụng của sản phẩm trong nước
nói chung, thực phẩm nói riêng).
+ Cơ quan quản lý chuyên ngành là cơ quan nào? (có phải là Cơ quan chịu
trách nhiệm quản lý đối với sản phẩm được chuyển đổi không? Thực phẩm thì có thể
chuyển đổi thành sản phẩm nào – nếu chỉ là chuyển thành thức ăn chăn nuôi thì
nêu rõ luôn Cơ quan chịu trách nhiệm là cơ quan nông nghiệp?)
+ Căn cứ nào để Cơ quan quản lý chuyên ngành chấp thuận hay không chấp
thuận việc chuyển đổi mục đích sử dụng của sản phẩm không bảo đảm an toàn Vì vậy,
cách thức thực hiện phương thức xử lý sản phẩm không an toàn bằng cách “chuyển mục đích sử dụng” gần như là phụ
thuộc hoàn toàn vào ý kiến chủ quan của cơ quan quản lý chuyên ngành.
+ Trình tự thủ tục, thời hạn để phê duyệt việc chuyển đổi mục đích sử dụng
này là như thế nào?
–
Phương thức
tái xuất và tiêu hủy: Góp ý
tương tự như với trường hợp xử lý bằng chuyển đổi hình thức sử dụng.
Đề nghị Ban soạn thảo quy định chi tiết cách thức thực hiện các phương thức
nói trên để bảo đảm tính minh bạch và khả thi của văn bản.
6. Giám sát
thu hồi (Điều 4.3):
Dự thảo có
quy định về việc giám sát thu hồi (Điều 4.3), tuy nhiên lại không có hướng dẫn
cụ thể nào về việc giám sát này.
Vì vậy, đề
nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định hướng dẫn cụ thể về việc giám sát thu hồi
này (khi nào phải giám sát, giám sát như thế nào, kết quả của việc giám sát là
gì?…)
7. Báo cáo sau
xử lý sản phẩm thu hồi (Điều 7 Dự thảo):
Dự thảo quy định trong thời hạn 3 ngày tổ chức, cá
nhân phải báo cáo bằng văn bản về việc thu hồi, xử lý.
Quy định này được hiểu là tổ chức, cá nhân chỉ báo cáo
về kết quả thu hồi, xử lý là hoàn tất, cơ quan có thẩm quyền sẽ không kiểm tra,
cũng không giám sát việc thu hồi có thực hiện đúng yêu cầu không?
Nếu chỉ dừng lại ở việc này thì liệu Dự thảo này có
mang lại hiệu quả thực tế để giải quyết các vấn đề nổi cộm về an toàn thực phẩm
của thức ăn đường phố hiện nay không?
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại
và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định
việc thu hồi và xử lý thực phẩm không an toàn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y
tế. Rất mong quý Cơ
quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.