VCCI góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc cơ quan thuế lấy ý kiến tư vấn cơ quan, tổ chức có liên quan trước khi thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại

Thứ Sáu 15:33 08-04-2016

Kính gửi: Tổng
cục Thuế

Trả lời Công văn số 2686/BTC-TCT của
Bộ Tài chính ngày 29/02/2016 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn
việc cơ quan thuế lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan trước khi thực hiện
kết luận thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại của người nộp thuế (sau đây
gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến
của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:

Việc soạn thảo và ban hành Thông tư
quy định về việc lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan trước khi thực hiện kết
luận thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại của người nộp thuế là cần thiết,
nhằm đảm bảo các quyết định xử lý của cơ quan nhà nước “hợp tình, hợp lý”, đảm
bảo quyền lợi hợp pháp của người nộp thuế. Về cơ bản, các quy định tại Dự thảo
là khá cụ thể, rõ ràng về quy trình lấy ý kiến của các đối tượng có liên quan,
tuy nhiên để hoạt động lấy ý kiến này thực sự có hiệu quả và đảm bảo thuận lợi
khi thực hiện trên thực tế, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số điểm
sau:

1.      Về các nguyên tắc lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan các trường hợp
có khả năng khiếu nại trước khi cơ quan thuế thực hiện kết luận thanh tra, kiểm
tra, giải quyết khiếu nại (Điều 5)


Nội dung trong văn bản gửi đi lấy ý
kiến:

Khoản 2 Điều 5 Dự thảo quy định “cơ
quan thuế các cấp khi lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan phải thu thập hồ
sơ đầy đủ liên quan đến nội dung vướng mắc. Tại văn bản lấy ý kiến nêu rõ các nội
dung gồm: vướng mắc phát sinh trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giải quyết
khiếu nại; đề xuất hướng xử lý và căn cứ pháp lý để giải quyết vướng mắc; thời
hạn cụ thể đề nghị cơ quan, tổ chức có liên quan có văn bản trả lời”.

Trong nội dung văn bản gửi đi lấy ý
kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan không có ý kiến của đối tượng bị thanh
tra, kiểm tra thuế về vụ việc (trong trường hợp các đối tượng này có ý kiến
không đồng tình với cơ quan thanh tra thuế hoặc những ý kiến khiếu nại của các
đối tượng này trong quá trình thanh tra, kiểm tra hoặc giải quyết khiếu nại) sẽ
khiến cho thông tin cung cấp cho các cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến thiếu
toàn diện và chưa khách quan.

Vì vậy, để đảm bảo cho việc đóng góp
ý kiến của các cơ quan, tổ chức được tham vấn, đề nghị Ban soạn thảo bổ
sung trong nội dung cung cấp khi lấy ý kiến có bao gồm ý kiến của các đối tượng
bị thanh tra hoặc khiếu nại.


Căn cứ để cơ quan cấp trên cho ý kiến

Đoạn 2 khoản 2 Điều 5 Dự thảo quy định,
trường hợp cơ quan thuế cấp dưới sau khi lấy ý kiến còn có nhiều ý kiến chưa thống
nhất thì phải tổng hợp và báo cáo để lấy ý kiến cơ quan thuế cấp trên và Dự thảo
cũng xác định cụ thể các đơn vị cấp trên này. Tuy nhiên, Dự thảo lại chưa quy định
các cơ quan cấp trên sẽ dựa vào tiêu chí, căn cứ nào để cho ý kiến, khi có nhiều
ý kiến chưa thống nhất về cách giải quyết và trường hợp xin ý kiến thuộc trường
hợp “văn bản quy phạm pháp luật chưa có quy định hoặc quy định chưa rõ” (khoản
1 Điều 4); “trường hợp giải quyết khiếu nại gặp phải những bất cập trong việc
thực hiện chế độ, chính sách hoặc những căn cứ để giải quyết khiếu nại chưa đảm
bảo đầy đủ tính pháp lý” (khoản 2 Điều 4).

Việc thiếu quy định về căn cứ, nguyên
tắc để cơ quan cấp trên cho ý kiến giải quyết khiến cho quy trình lấy ý kiến trở
nên thiếu minh bạch và có thể là chưa hiệu quả. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo
bổ sung quy định để làm rõ vấn đề này trong Dự thảo (có thể quy định theo dạng
nguyên tắc).

2.      Các hình thức lấy ý kiến tư vấn cơ quan, tổ chức có liên quan (Điều 6)

Dự thảo quy định về thời hạn các cơ
quan, tổ chức có liên quan cho ý kiến tư vấn, nhưng lại không quy định về thời
hạn các cơ quan thuế cấp trên cho ý kiến khi được xin ý kiến trong trường hợp
còn có nhiều ý kiến chưa thống nhất quy định tại khoản 2 Điều 5.

Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về thời hạn này trong Dự
thảo để đảm bảo thuận lợi trong thực hiện và minh bạch trong trách nhiệm của
các cơ quan có thẩm quyền.

3.      Trình tự, thủ tục lấy ý kiến các nội dung vướng mắc phát sinh trong quá
trình thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo (Điều 7):


Điểm
a khoản 1 Điều 7 Dự thảo quy định về giải quyết vướng mắc mà không cần gia hạn
thanh tra, kiểm tra theo hướng, nếu có vướng mắc thì phần vướng mắc được tách
riêng với kết quả thanh tra, kiểm tra và sẽ được lập thành phụ lục biên bản sau
khi tiến hành lấy ý kiến và có văn bản trả lời của cơ quan, tổ chức có liên
quan. Tuy nhiên, Dự thảo lại không quy định tổng thời gian thanh tra (70 ngày
làm việc – được xác định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Dự thảo) có được tính cho cả
thời gian lập phụ lục biên bản hay chỉ tính đến khi lập Biên bản thanh tra? Quyết
định xử lý về thanh tra sẽ được ban hành dựa trên Biên bản thanh tra hay là chờ
đến khi có Phụ lục của Biên bản? Và sẽ có 2 Quyết định xử lý: 1 là ban hành dựa
trên Biên bản thanh tra, 2 là được ban hành sau khi có Phụ lục Biên bản thanh
tra? Để đảm bảo thuận lợi khi thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo quy định
rõ những vấn đề trên.


Điểm
a khoản 1 Điều 7 Dự thảo quy định về trình tự xử lý đối với trường hợp người nộp
thuế không ký Biên bản thanh, tra kiểm tra. Tuy nhiên, quy định này hoàn toàn lặp
lại quy định tại điểm g khoản 4 Điều 66 Thông tư 156[1].
Hơn nữa, quy định này thể hiện nội dung về xử lý trong quy trình thanh tra thuế
hơn là nội dung về lấy ý kiến tư vấn cơ quan, tổ chức có liên quan để giải quyết
các vướng mắc phát sinh khi thanh tra, kiểm tra. Để đảm bảo tính thống nhất và
hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định “Khi kết thúc thanh tra, kiểm
tra trong trường hợp người nộp thuế không ký …. xử phạt vi phạm hành chính về
thuế hoặc kết luận thanh tra, kiểm tra thuế theo nội dung biên bản thanh tra,
kiểm tra và dữ liệu, số liệu đã thu thập được
trong quá trình thanh tra, kiểm tra” tại điểm a khoản 1 Điều 7.

Trên đây
là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc cơ
quan thuế lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan trước khi thực hiện kết luận
thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại của người nộp thuế. Rất
mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Ngoài ra
gửi kèm theo một số góp ý cụ thể về Dự thảo mà một số doanh nghiệp gửi cho
Phòng Thương mại và Công nghiệp để Quý Cơ quan tham khảo.

Trân trọng
cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

 


[1]
Thông tư 156/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 06/11/2013 hướng dẫn thi hành một
số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản
lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ