VCCI góp ý Thông tư hướng dẫn thực hiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế do bên nước ngoài nắm quyền chi phối

Thứ Ba 11:35 22-03-2016

Kính
gửi: Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính

Trả
lời Công văn số
562/BTC-TCDN của Quý Cơ quan về việc đề nghị góp ý đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn
thực hiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp Việt Nam của nhà
đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế do bên nước ngoài nắm quyền chi phối (sau
đây gọi tắt là Dự thảo). Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia, VCCI
có một số góp ý như sau:

Việc ban hành Thông tư thay thế Thông
tư số 131/2010/TT-BTC ngày 06/9/2010
của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu
tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam là cần thiết để bảo đảm các quy định
của Luật doanh nghiệp 2014, Luật đầu tư 2014 và các văn bản liên quan được thực
thi thống nhất. Tuy nhiên, Dự thảo có
nhiều quy định quá chi tiết dẫn đến can thiệp quá sâu và bất hợp lý vào hoạt động
quản trị nội bộ và quyền tự quyết của doanh nghiệp Việt Nam cũng như nhà đầu tư
nước ngoài/tổ chức kinh tế do bên nước ngoài nắm quyền chi phối (sau đây gọi tắt
là nhà đầu tư nước ngoài). Bên cạnh đó, một số quy định cũng chưa bảo đảm tính
minh bạch cần thiết cho việc thực thi.

1)     Vấn đề đại
diện giao dịch tại Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài chưa rõ ràng và chưa hợp
lý:


Khoản 2 Điều 5 Dự thảo quy định: “Nhà đầu tư nước ngoài có thể ủy quyền và
chỉ được ủy quyền cho duy nhất một đại diện giao dịch tại Việt Nam thông
qua văn bản ủy quyền để thực hiện các hoạt động góp vốn, mua cổ phần, phần vốn
góp trong doanh nghiệp Việt Nam.”
Quy định như trên không rõ là áp dụng cho
một giao dịch cụ thể hay tất cả các hoạt động góp vốn, mua cổ phần tại Việt Nam
của nhà đầu tư?

Nếu áp dụng cho tất cả các hoạt động góp vốn, mua cổ phần của một nhà đầu
tư kể từ khi họ quyết định vào Việt Nam thực hiện hoạt động đầu tư của mình thì
sẽ bất hợp lý. Bởi Luật doanh nghiệp, Bộ luật dân sự không có bất kỳ hạn chế
nào về đại diện. Hơn nữa, mỗi doanh nghiệp môi giới/tư vấn/ủy thác đầu tư, môi
giới chứng khoán… có thế mạnh riêng, am hiểu một số lĩnh vực sản xuất, kinh
doanh nhất định. Việc chỉ được ủy quyền cho duy nhất một đại diện sẽ hạn chế cạnh
tranh, giảm cơ hội và hiệu quả kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ quy định này theo hướng quy
định: “Đối với một giao dịch cụ thể, Nhà
đầu tư nước ngoài có thể ủy quyền và chỉ được ủy quyền cho duy nhất một đại diện
giao dịch tại Việt Nam…”


Khoản 4 Điều 5 Dự
thảo quy định: “Tổ chức nước ngoài chỉ được
ủy quyền cho tổ chức đại diện tại Việt Nam; không được ủy quyền cho cá nhân đại
diện tại Việt Nam”.
Lập luận tương tự như trên, không có văn bản nào hạn chế
cá nhân nhận uỷ quyền từ một tổ chức để thực hiện hoạt động góp vốn, mua cổ phần.
Vì vậy, để bảo đảm quyền của doanh nghiệp và quyền của các cá nhân (hành nghề
có đủ Chứng chỉ theo quy định) trong các hoạt động đầu tư, đề nghị Ban soạn
thảo
bỏ quy định trên khỏi Dự thảo.


Khoản 5 Điều này
quy định: “Tổ chức kinh tế do bên nước
ngoài nắm quyền chi phối phải trực tiếp thực hiện các giao dịch góp vốn,
mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp Việt Nam”.
Quy định này là
không hợp lý, hạn chế quyền của doanh nghiệp. Doanh nghiệp do bên nước ngoài nắm
quyền chi phối bình đẳng với các doanh nghiệp khác vì vậy, hoàn toàn có quyền ủy
quyền cho một tổ chức khác thực hiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong
các doanh nghiệp khác.

Trong trường hợp không có lý
do thuyết phục cho việc quy định như trên, đề nghị Ban soạn thảo bỏ khoản
5 Điều 5 của Dự thảo.

2)     Các quy định
can thiệp vào quyền tự quyết của doanh nghiệp:


Về
hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp (Điều 4 Dự thảo):

ý kiến của doanh nghiệp cho rằng việc liệt kê các hình thức góp vốn quá chi tiết
có khả năng sẽ làm hạn chế thoả thuận của các bên. Hơn nữa, nội dung này đều đã
được quy định tại Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, không nên quy định lặp lại nhằm
đơn giản hoá quy định.


Về thẩm quyền quyết định các giao dịch có một bên là
nhà đầu tư nước ngoài:
Điều 10 Dự thảo Thông
tư hướng dẫn về trường hợp doanh nghiệp Việt Nam nhận vốn góp, bán cổ phần cho
nhà đầu tư nước ngoài phải được thực hiện sau khi phương án được cấp có thẩm
quyền của doanh nghiệp Việt Nam phê duyệt. Tương tự như vậy đối với giá và hồ
sơ chuyển nhượng.

Việc
Dự thảo quy định chi tiết như trên có thể rất hữu ích đối với các doanh nghiệp
mới thành lập hoặc chưa tiếp cận với Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư. Tuy nhiên,
xét toàn diện, Thông tư không cần phải quy định bởi sẽ trùng lặp và rất dễ dẫn
đến gây khó hiểu cho doanh nghiệp khi áp dụng.


Điểm a Khoản 2 Điều 10
Dự thảo quy định “giá chuyển nhượng phần
vốn góp, giá bán cổ phần cho bên nước ngoài …không được thấp hơn giá bán cho
nhà đầu tư trong nước tại cùng thời điểm.”
Việc đàm phán trong giao dịch góp
vốn, mua cổ phần của các bên không thể chỉ tính đến yếu tố giá. Doanh nghiệp
còn phải xem xét rất nhiều yếu tố khác như uy tín, mức độ cam kết, đóng góp (kỹ
thuật, con người) của đối tác vào các hoạt động của doanh nghiệp để đi đến quyết
định ký kết hợp đồng. Vì thế, hạn chế mức giá như sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến
quyền tự do thoả thuận của doanh nghiệp.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo lược bỏ bớt các quy
định không cần thiết, chỉ nên dẫn chiếu đến văn bản hiện hành đang quy định.

3)     Các
quy định về tiến hành góp vốn, mua cổ phần, chuyển nhượng và công bố thông tin
quá chặt chẽ:

Khoản
2 Điều 1 Dự thảo quy định phạm vi điều chỉnh: “Trường hợp góp vốn, mua cổ phần của các công ty niêm yết, công ty đại
chúng thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về chứng khoán.”
Tuy
nhiên, nhiều quy định lại đưa ra yêu cầu đối với nhà đầu tư nước ngoài tương tự
như yêu cầu đối với các công ty niêm yết, công ty đại chúng. Cụ
thể:


Điều
8 Dự thảo quy định phương án huy động vốn, kết hợp/hoặc chuyển nhượng một phần
vốn góp, bán cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam liên quan đến bên nước ngoài
yêu cầu doanh nghiệp phải tổ chức đấu giá khi có trên 3 nhà đầu tư là bên nước
ngoài đăng kí mua cổ phần hoặc tối đa 3 nhà đầu tư là bên nước ngoài đăng kí
mua mà tổng số vốn đăng kí mua lớn hơn số vốn dự kiến bán cho bên nước ngoài.


Điều
9 Dự thảo về công bố thông tin: trường hợp thực hiện theo phương thức đấu giá:
doanh nghiệp phải hoàn thành việc công bố thông tin tại doanh nghiệp, nơi tổ chức
đấu giá và các phương tiện thông tin đại chúng; trường hợp thực hiện theo
phương thức thoả thuận trực tiếp cũng phải thực hiện công bố thong tin trước và
sau khi có kết quả thoả thuận…

Các
yêu cầu về đấu giá, công khai minh bạch thông tin như trên là quá chặt chẽ, bất
hợp lý, có khả năng làm ảnh hưởng lớn đến bí mật kinh doanh, hoạt động sản xuất,
kinh doanh của doanh nghiệp. Đề nghị Ban soạn thảo loại bỏ các nội dung
này để việc thực hiện góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài được đúng
với tinh thần của Luật đầu tư.

4)     Về
đối tượng áp dụng (Điều 2 Dự thảo) chưa rõ ràng:


Điểm
b khoản 1.1 quy định: trường hợp nhà đầu tư là cá nhân có đồng thời 2 quốc tịch
thì được quyền lựa chọn áp dụng quy định của nhà đầu tư trong nước hoặc của nhà
đầu tư nước ngoài. Đây là quy định hết sức tiến bộ, tạo điều kiện cho công dân
có 2 quốc tịch được lựa chọn quyền của mình. Tuy nhiên, ở đây cần làm rõ lựa chọn
đó áp dụng trong tất cả các giao dịch hay chỉ trong 1 giao dịch nhất định? Trường
hợp áp dụng cho tất cả các giao dịch của 1 cá nhân cụ thể trên lãnh thổ Việt
Nam thì có ưu điểm, nhược điểm gì, tác động đến hoạt động quản lý nhà nước và hoạt
động của doanh nghiệp ra sao. Tương tự như vậy đối với việc cho phép lựa chọn ở
từng giao dịch nhất định. Đánh giá phương án nào hợp lý hơn để đưa ra cách quy
định phù hợp nhất.


Nhiều
ý kiến của doanh nghiệp cho rằng nên bỏ đối tượng là “chi nhánh của nhà đầu tư nước ngoài” tại khoản 1.1 vì đây là chủ thể nằm ngoài khái niệm
nhà đầu tư nước ngoài được quy định trong Luật đầu tư 2014. Hơn nữa, chỉ có các
chi nhánh được uỷ quyền thực hiện hoạt động kinh doanh ở Việt Nam thì mới có
quyền thay mặt nhà đầu tư nước ngoài tiến hành các hoạt động góp vốn, mua cổ phần.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định này.


Định
nghĩa “tổ chức kinh tế do bên nước ngoài
nắm quyền chi phối”
quy định tại Dự thảo Thông tư không đúng với quy định tại
Điều 23 Luật đầu tư 2014. Cụ thể, theo điểm c, d, e, f Khoản 1.2 Điều 2 Dự thảo
thì khái niệm này đã được mở rộng ra cả những doanh nghiệp có thành viên góp vốn/cổ
phần là “tổ chức kinh tế do bên nước ngoài nắm quyền chi phối” cũng được coi là
có tư cách tương tự. Quy định như vậy làm sai lệch bản chất “chi phối” trong
doanh nghiệp và dẫn đến có thể có rất nhiều doanh nghiệp (thậm chí chỉ có 1% cổ
phần được nắm giữ bởi tổ chức kinh tế do bên nước ngoài chi phối) cũng sẽ phải
áp dụng các quy định của Thông tư này. Với quan điểm này, VCCI đề nghị Ban
soạn thảo
sửa quy định theo đúng Luật đầu tư để việc áp dụng được chính xác
và thống nhất.

5)     Một
số góp ý khác:


Một
số quy định nhắc lại các văn bản có liên quan làm ảnh hưởng đến tính thống nhất:

+
Điều
12 Dự thảo quy định: “Nhà đầu tư nước
ngoài được mở 1 tài khoản vốn đầu tư tại 1 ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Tất
cả các hoạt động mua, bán cổ phần, chuyển nhượng vốn góp, thu và sử dụng cổ tức,
lợi nhuận được chia và các hoạt động khác liên quan đến hoạt động đầu tư vào
doanh nghiệp Việt Nam đều thông qua tài khoản này.”
Tuy nhiên, nội dung này
đã được quy định tại Thông tư số 05/2014/TT-NHNN ngày 12/3/2014 của Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp
để thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

+
Tương tự như vậy nội dung “Tổ chức kinh tế do
bên nước ngoài nắm quyền chi phối phải có ít nhất một tài khoản giao dịch mở tại
ngân hàng thương mại tại Việt Nam”
cũng đã được quy định tại Thông tư số 19/2014/TT-NHNN ngày 11/8/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước
ngoài vào Việt Nam.

+
Đề
nghị Ban soạn thảo không nhắc lại để bảo đảm tính thống nhất của các văn bản
chuyên ngành.

+
Góp
ý tương tự với Điều 16 và Điều 17 Dự thảo. Các quyền và nghĩa vụ của bên nước
ngoài đều đã được quy định rõ trong Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư và các văn bản
liên quan đến quản lý tài khoản vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Không cần
thiết Thông tư này phải nhắc lại hoặc nếu có thì chỉ nên dẫn chứng như Điều 15
Dự thảo về thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.


Khoản
4 Điều 6 Dự thảo quy định về trường hợp thành viên góp vốn, cổ đông sở hữu cổ
phần bán phần vốn góp của mình có nội dung trùng lắp với Điểm a, khoản 2 cùng
Điều này. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét sửa đổi lại để văn bản được rõ ràng và thống
nhất.


Khoản
4 Điều 6 Dự thảo quy định: “Thành viên
góp vốn, cổ đông sở hữu cổ phần bán phần vốn góp của mình theo mục đích và nhu
cầu của cá nhân, hoặc theo quyết định của cấp có thẩm quyền trong doanh nghiệp
nhằm phục vụ mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp.”
Cần xác định rõ ràng rằng
việc nhận vốn góp, bán cổ phần không phụ thuộc vào mục đích. Mục đích là nội
dung không thể kiểm soát mà nếu kiểm soát sẽ dễ dẫn đến các hành vi lừa dối.
Hơn nữa, quy định tại khoản 4 có nội dung trùng lặp với khoản 2. Do đó, đề nghị
Ban soạn thảo xem xét bỏ khoản 4 Điều 6 Dự thảo.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và
Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại doanh
nghiệp Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế do bên nước ngoài nắm
quyền chi phối. Đính kèm Công văn
là các góp ý của doanh nghiệp đối với Dự thảo. Rất mong cơ quan soạn thảo cân
nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.