VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
VCCI_Góp ý Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự
Kính gửi: Bộ Quốc phòng
Trả lời Công văn số 1293/BST-TBT của Bộ Quốc phòng về việc tham gia ý kiến Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự (sau đây gọi tắt là Dự thảo), sau khi tham vấn một số doanh nghiệp và chuyên gia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Tính bắt buộc của việc huy động
Điều 24 của Dự thảo quy định về việc huy động lực lượng, phương tiện trong trường hợp thảm hoạ, sự cố. Nhìn chung, các doanh nghiệp đồng tình với việc trong tình huống thảm hoạ, sự cố, các cơ quan nhà nước có quyền huy động con người và tài sản của doanh nghiệp để thực hiện việc ứng phó. Các doanh nghiệp cũng sẵn sàng đáp ứng yêu cầu này từ phía Nhà nước. Tuy nhiên, dự thảo chưa làm rõ về tính bắt buộc của việc huy động. Nói cách khác, người hoặc chủ tài sản được huy động có quyền từ chối tham gia hay không? Trường hợp nào được từ chối, trường hợp nào không được?
Trên thực tế, nhiều trường hợp Nhà nước cần sử dụng nguồn lực của người dân, doanh nghiệp nhưng chỉ cần ở mức độ kêu gọi, tự nguyện. Khi đó, nếu người dân và doanh nghiệp từ chối tham gia thì cũng không phải đối mặt với chế tài của pháp luật. Điều này có thể diễn ra trong hai trường hợp. Thứ nhất, khi nguồn lực có thể huy động tương đối dồi dào, dựa trên tinh thần tình nguyện là đủ, chưa đến mức phải bắt buộc. Thứ hai, nhiệm vụ tham gia ứng phó thảm hoạ tương đối nguy hiểm và Nhà nước không muốn ép buộc bất kỳ ai phải chịu rủi ro đó.
Trong một số trường hợp khác, người được huy động có lý do chính đáng để từ chối tham gia. Ví dụ như gia đình có trẻ nhỏ hoặc người không có khả năng tự chăm sóc thì có thể được miễn tham gia các hoạt động ứng phó dài ngày, hoặc những người có lý do sức khoẻ mà nếu tham gia hoạt động ứng phó thảm hoạ thì có thể gặp nguy hiểm.
Cũng có trường hợp cơ quan nhà nước không huy động trực tiếp từng cá nhân cụ thể mà huy động thông qua các doanh nghiệp. Ví dụ, Nhà nước huy động một bệnh viên tư nhân cung cấp 30 y bác sĩ để tham gia phòng chống dịch bệnh. Lúc này, bệnh viện lại tiếp tục làm việc với từng người lao động của họ. Vậy cơ chế để thực hiện việc này như thế nào? Vì mối quan hệ giữa bệnh viện tư nhân và y bác sĩ là quan hệ lao động, và trong nhiều trường hợp, hợp đồng lao động không có điều khoản quy định về việc này.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung vào dự thảo các quy định để xử lý các trường hợp trên, cụ thể như sau:
- Phân loại các trường hợp huy động con người, tài sản theo các mức độ không bắt buộc (có thể dùng từ vận động thay cho huy động) và bắt buộc.
- Đối với trường hợp huy động bắt buộc, nếu người đó hoặc chủ tài sản từ chối tham gia thì cần bổ sung quy định về chế tài.
- Bổ sung quy định về các trường hợp người hoặc chủ tài sản được huy động từ chối tham gia vì lý do chính đáng và được sự đồng ý của người huy động, đi kèm với việc bổ sung quy định xử lý thật nặng trường hợp gian dối hoặc che giấu thông tin khi đưa lý do từ chối tham gia.
- Bổ sung quy định xử lý trường hợp cơ quan nhà nước, thông qua doanh nghiệp, gián tiếp huy động người lao động của doanh nghiệp đó.
- Sự khác biệt giữa huy động phương tiện và trưng dụng tài sản
Dự thảo chưa làm rõ sự khác biệt giữa huy động phương tiện và trưng dụng tài sản. Điều 31.1.i của Dự thảo quy định: “Huy động nhân lực, vật tư, phương tiện để phục vụ cho việc thi hành Nghị quyết hoặc Lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp. Trong trường hợp cần thiết thì trưng dụng phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.” Quy định này khiến người đọc hiểu rằng huy động và trưng dụng là hai hoạt động khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, đây đều là việc Nhà nước sử dụng tài sản của người dân và doanh nghiệp trong trường hợp thật cần thiết vì mục đích công cộng. Nếu hai hoạt động này không có gì khác nhau, đề nghị cơ quan soạn thảo chỉ sử dụng thuật ngữ “trưng dụng” vì đây là thuật ngữ đã được sử dụng trong Hiến pháp. Nếu hai hoạt động này có sự khác biệt thì cần được quy định rõ trong dự thảo.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.