VCCI góp ý Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện liên thông các TTHC về công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế

Thứ Ba 09:39 08-12-2015

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP
VIỆT NAM

 

Số:    3189  /PTM-PC

Vv: góp ý Dự thảo Thông tư liên tịch
hướng dẫn thực hiện liên thông các thủ tục: công chứng, đăng ký quyền sử dụng
đất, tài sản gắn liền với đất và thuế

CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự
do – Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 08  tháng 12 năm 2015

Kính gửi: Cục Kiểm soát thủ tục hành
chính
– Bộ Tư pháp

Trả
lời Công văn số 3869/BTP-KSTT của Bộ Tư pháp về việc đề nghị góp ý Dự thảo
Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện liên thông các thủ tục về công chứng,
đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế (sau đây gọi tắt là
Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như
sau:

Ngày
24/10/2014, VCCI có gửi Công văn số 2534/PTM-PC góp ý Dự thảo. Đối chiếu với Dự
thảo (phiên bản tháng 10.2015) thì một số góp ý của VCCI đã được tiếp thu, tuy
nhiên một số ý kiến vẫn chưa được tiếp thu. Vì chưa nhận được phản hồi về việc
chưa tiếp thu, nên tại Công văn này, VCCI tiếp tục phản ánh những ý kiến đã góp
ý trong Công văn số 2534 và có một số góp ý mới, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc,
xem xét để hoàn thiện Dự thảo.

1.      Đầu mối tiếp nhận và trả kết quả giải
quyết các thủ tục hành chính liên thông

Việc
quy định “Tổ chức hành nghề công chứng là
đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính liên thông
cho cá nhân, tổ chức, hộ gia đình khi thực hiện chuỗi thủ tục công chứng, đăng
ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất
” (khoản 1 Điều 4 Dự thảo) đã
thể hiện được tính chất liên thông: người dân, doanh nghiệp chỉ phải đến 1 tổ
chức để thực hiện tất cả các thủ tục. Đây được xem là một bước đột phá trong
đơn giản hóa thủ tục hành chính, rất đáng hoan nghênh và cần được thúc đẩy mạnh
mẽ.

Tuy
nhiên, dường như tinh thần này lại chưa được thể hiện một cách triệt để trong
các quy định tại Dự thảo, chẳng hạn:


Trong quy trình giải quyết thủ tục tại
Văn phòng đăng ký đất đai (Điều 8): sau khi thực hiện việc xử lý các tài liệu
được gửi đến từ Tổ chức hành nghề công chứng, kết quả Văn phòng đăng ký đất đai
lại gửi cho cả hai đối tượng hoặc là Tổ chức hành nghề công chứng hoặc là người
dân, tổ chức (thực hiện thủ tục) trong một số trường hợp quy định tại điểm c
khoản 1, điểm c khoản 3. Điều này là chưa hợp lý, bởi vì nếu văn phòng đăng ký
đất đai gửi cho người dân, tổ chức thực hiện thủ tục thì ý nghĩa của việc “một
cửa tiếp nhận và trả thủ tục” không còn và sẽ làm cho trình tự thủ tục này
tương tự như thủ tục mà cá nhân, tổ chức phải thực hiện trực tiếp tại văn phòng
đăng ký đất đai. Và không rõ ý nghĩa của Hợp đồng liên thông thể hiện như thế
nào trong trường hợp này?


Trong quy trình giải quyết thủ tục tại
cơ quan thuế (Điều 9): Cơ quan thuế, sau khi thực hiện việc xử lý các tài liệu
được gửi đến từ văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, sẽ gửi trả kết quả cho cả
hai vừa cho văn phòng đăng ký đất đai vừa cho tổ chức hành nghề công chứng (điểm
a khoản 2 Điều 9). Điều này là chưa hợp lý, bởi vì đối tượng gửi hồ sơ đề nghị
giải quyết thủ tục là văn phòng đăng ký đất đai và tài liệu từ thủ tục này là một
trong các kết quả mà văn phòng đăng ký đất đai gửi trả lại cho tổ chức hành nghề
công chứng, do đó cơ quan thuế không cần thiết phải gửi cho tổ chức hành nghề
công chứng. Mặt khác, việc cơ quan thuế gửi trả kết quả cho tổ chức hành nghề
công chứng sẽ làm cho quy trình thủ tục này trở nên rối rắm;


Giai đoạn giải quyết tại Cơ quan thu tiền
thực hiện nghĩa vụ tài chính (Điều 10): Theo quy định tại Dự thảo thì cá nhân,
tổ chức, hộ gia đình có thể phải tự thực hiện nghĩa vụ tài chính nếu không ủy
nhiệm thu cho tổ chức hành nghề công chứng. Và sau khi nộp đủ tiền thì người sử
dụng đất “mang chứng từ đã nộp tiền đến cơ quan nhận hồ sơ thủ tục đăng ký biến
động đất đai, tài sản gắn liền với đất để nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”
(đoạn 2 khoản 2 Điều 10). Như vậy, quy trình này tương ứng như thủ tục hiện
hành, trước khi liên thông, tức là người sử dụng đất phải đến nhiều cơ quan, thực
hiện hiều công đoạn mới lấy được kết quả. Tính chất liên thông chưa thể hiện rõ
ở giai đoạn này.

Quy
định đầu mối nhận và trả kết quả cho tổ chức hành nghề công chứng là hợp lý, tạo
thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục, bởi vì đây là tổ
chức có tính linh hoạt, năng động của tổ chức cung cấp dịch vụ. Do vậy, để đảm
bảo nguyên tắc về một đầu mối nhận và trả kết quả, phù hợp với quy trình liên
thông mà Dự thảo đang xây dựng, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét sửa
đổi các quy định theo hướng:


Trong quy trình giải quyết tại văn phòng
đăng ký đất đai: kết quả sẽ được trả về tổ chức hành nghề công chứng.


Trong quy trình giải quyết tại cơ quan
thuế: kết quả sẽ được trả về văn phòng đăng ký đất đai và đây là một trong những
kết quả mà văn phòng đăng ký đất đai gửi trả lại cho tổ chức hành nghề công chứng


Trong giai đoạn tại cơ quan thực hiện
nghĩa vụ tài chính: Bỏ quy định người sử dụng đất phải đến cơ quan đăng ký đất
đai để lấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Quy định nên thiết kế theo hướng:
cơ quan thu tiền sẽ thông báo cho văn phòng đăng ký đất đai về việc hoàn thành
nghĩa vụ nộp tiền của người sử dụng đất để văn phòng đăng ký đất đai cấp Giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất. Giấy tờ này có thể gửi cho Tổ chức hành nghề công
chứng để gửi trả lại cho người sử dụng đất.

2.
Hợp
đồng dịch vụ thực hiện liên thông (Điều 6)

Theo
quy định tại khoản 3 Điều 6 Dự thảo thì khi thực hiện công chứng tại tổ chức
hành nghề công chứng, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình (những người thực hiện thủ
tục – sau đây gọi tắt là người sử dụng đất) sẽ ký “hợp đồng dịch vụ thực hiện
liên thông”. Tuy nhiên, Dự thảo không quy định rõ:


Chủ thể ký kết hợp đồng liên thông là
ai? Giữa người sử dụng đất với tổ chức hành nghề công chứng? Có phải tất cả người
sử dụng đất đều ký vào Hợp đồng này hay chỉ một số người (chẳng hạn: đối với
trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì chỉ cần người nhận chuyển nhượng
ký hợp đồng dịch vụ thực hiện liên thông với tổ chức hành nghề công chứng hay cả
người chuyển nhượng cũng phải ký?)?


Nội dung của Hợp đồng dịch vụ thực hiện
liên thông gồm những nội dung cơ bản là gì? Vì không rõ về nội dung của Hợp đồng
này nên trong các giai đoạn thực hiện các giấy tờ chuyển đến các chủ thể không
rõ ràng và không làm nổi bật được tính chất liên thông. Ví dụ, nếu như trong Hợp
đồng dịch vụ thực hiện liên thông, người sử dụng đất thỏa thuận sẽ nộp hồ sơ và
lấy kết quả tại tổ chức này thì trong các giai đoạn, Dự thảo phải thiết kế, tổ
chức hành nghề công chứng là đầu mối tiếp nhận kết quả giải quyết thủ tục hành
chính cuối cùng trong chuỗi để có cơ sở giao cho người sử dụng đất.

Để
đảm bảo thuận lợi khi thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những
vấn đề trên.

3.
Một
số góp ý khác


Quy trình cụ thể giải quyết thủ tục tại
Văn phòng đăng ký đất đai: tại các quy định tại điểm c khoản 1; điểm b khoản 4
đang có sự nhầm lẫn về việc xử lý các tài liệu đối, cụ thể: khoản 1 Điều 8 quy
định quy trình xử lý đối với thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn
liền với đất, nhưng khi chuyển hồ sơ lại giao cho “người thừa kế quyền sử dụng
đất” – đối tượng không phù hợp trong trường hợp này. Đề nghị Ban soạn thảo
xem xét, chỉnh sửa lại tại các quy định trên để đảm bảo tính chính xác trong quy
định;


Giải quyết thủ tục tại cơ quan thuế: Điểm
b khoản 1 Điều 9 Dự thảo quy định về việc tiếp nhận hồ sơ của cơ quan thuế theo
hướng xem xét hồ sơ có hợp lệ hay không để quyết định xử lý hay trả lại cho Văn
phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, Dự thảo lại không quy định khoảng
thời gian để cơ quan thuế xem xét để xử lý hồ sơ, điều này có thể dẫn tới việc
thủ tục bị kéo dài. Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về khoảng thời
gian này để đảm bảo thuận lợi khi thực hiện.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và
Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn
thực hiện liên thông các thủ tục về công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài
sản gắn liền với đất và thuế.
Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

Nơi nhận:


Như trên;


Chủ tịch Vũ Tiến Lộc, (để báo cáo)


Lưu VT, PC

TL.
CHỦ TỊCH

TRƯỞNG
BAN PHÁP CHẾ

(đã ký)

Đậu Anh Tuấn