VCCI gop ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng
VCCI góp ý Dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe máy chuyên dùng
Kính gửi: Vụ Khoa học – Công nghệ
Bộ Giao thông vận tải
Trả lời Công văn số 6902/BGTVT-KHCN của Bộ Giao thông vận tải ngày 01/6/2015 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe máy chuyên dùng (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có một số ý kiến như sau:
1. Đánh giá điều kiện kiểm tra chất lượng tại cơ sở sản xuất (Điều 10)
Theo quy định tại Dự thảo thì cơ sở sản xuất phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 10, với mục tiêu “để đảm bảo duy trì chất lượng các sản phẩm sản xuất hàng loạt”.
Quy định này là chưa phù hợp, ít nhất từ các góc độ sau:
- Tính pháp lý của quy định:
Các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 10 Dự thảo thực chất là điều kiện kinh doanh (cơ sở sản xuất bắt buộc phải đáp ứng mới được sản xuất kinh doanh). Và đây là các điều kiện kinh doanh mới mà Dự thảo này đưa ra (không có văn bản cấp trên nào quy định về các điều kiện này).
Trong khi đó, theo Điều 7 Luật Đầu tư năm 2014 thì văn bản cấp Bộ (như Dự thảo này) không được phép quy định về điều kiện kinh doanh. Do đó, quy định tại khoản 1 Điều 10 Dự thảo là chưa phù hợp với Luật Đầu tư năm 2014 về thẩm quyền quy định.
- Tính thống nhất:
Luật Giao thông đường bộ không quy định điều kiện đối với chủ thể sản xuất, lắp ráp xe máy chuyên dùng mà chỉ quy định các điều kiện đối với sản phẩm (điều kiện đối với xe máy chuyên dùng)(Điều 57). Như vậy, quy định về các điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe máy chuyên dùng là chưa thống nhất với Luật Giao thông đường bộ.
- Tính hợp lý:
Về mặt logic, Nhà nước chỉ kiểm soát các đối tượng có nguy cơ rủi ro cao/ảnh hưởng tới các lợi ích công cộng.
Nếu sản phẩm có nguy cơ rủi ro thì kiểm soát sản phẩm. Ví dụ trong trường hợp này, đối tượng có nguy cơ là xe máy chuyên dùng, vì vậy Nhà nước quản lý chất lượng sản phẩm đầu ra là hợp lý (thông qua các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường mà xe máy chuyên dùng phải đáp ứng và kiểm tra đối với sản phẩm này trước khi cho phép lưu thông).
Nếu quy trình sản xuất ra sản phẩm có nguy cơ rủi ro (ví dụ sản xuất bom mìn, hóa chất…) thì Nhà nước phải quản lý cả quy trình sản xuất ra sản phẩm. Tuy nhiên, trong trường hợp này, quy trình sản xuất xe máy chuyên dùng không tạo ra rủi ro nào cao hơn đáng kể so với quy trình sản xuất xe máy thông thường. Do đó, việc Nhà nước kiểm soát quy trình sản xuất xe máy chuyên dùng có lẽ là không thích hợp.
- Tính minh bạch:
Ngay cả khi Ban soạn thảo giải trình được tính cần thiết của việc áp đặt điều kiện đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp thì các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 10 hiện cũng chưa rõ ràng, chưa thể hiện được mục tiêu quản lý và có thể gây ra nhiều bất cập trong quá trình áp dụng . Ví dụ, Dự thảo yêu cầu “có quy trình và hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra chất lượng cho từng kiểu loại sản phẩm từ khâu kiểm soát chất lượng linh kiện đầu vào, kiểm tra chất lượng trên từng công đoạn cho tới kiểm tra chất lượng xuất xưởng sản phẩm và đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường” (điểm a khoản 1) tuy nhiên, “có quy trình” là một yếu tố nhưng chất lượng của quy trình đó như thế nào lại là một yếu tố khác, trong khi đây lại là yếu tố vô cùng quan trọng, tác động đến chất lượng của sản phẩm … “Có các thiết bị kiểm tra cần thiết cho từng công đoạn sản xuất và kiểm tra xuất xưởng Xe theo quy trình công nghệ sản xuất, lắp ráp đã được đăng ký” (điểm b khoản 1 Điều 10): Thủ tục đăng ký như thế nào (hồ sơ? Gửi tới cơ quan nào? …)
Từ các phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét bỏ quy định tại Điều 10 Dự thảo.
2. Một số quy định tại Dự thảo về thủ tục hành chính chưa rõ ràng
- Phương thức kiểm tra đối với xe máy chuyên dùng nhập khẩu:
Điểm a khoản 1 Điều 6 Dự thảo quy định, phương thức kiểm tra xác nhận kiểu loại được áp dụng đối với Xe chưa qua sử dụng, được sản xuất trước thời điểm nhập khẩu không quá 03 năm, phải đáp ứng một trong các điều kiện là “xe được sản xuất tại Cơ sở sản xuất nước ngoài đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng tại cơ sở sản xuất theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư”.
Như đã đề cập ở bình luận trên, việc kiểm soát quy trình sản xuất xe máy chuyên dụng trong khi đã kiểm soát chất lượng đầu ra của sản phẩm này là không cần thiết. Nếu Ban soạn thảo đồng ý với bình luận nói trên và bỏ quy định tại Điều 10.1 thì quy định tại Điều 10.2 cũng sẽ cần được đưa ra khỏi Dự thảo. Cùng với đó, quy định tại Điều 6.1a cũng sẽ không còn ý nghĩa.
Ngay cả khi quy định tại Điều 6.1a được giải trình thuyết phục về sự cần thiết phải giữ lại thì quy định này cũng chưa rõ ràng ở nhiều điểm:
+ cơ sở sản xuất nước ngoài phải thực hiện thủ tục gì để được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng tại cơ sở sản xuất?
+ Cơ quan nhà nước có thẩm quyền dựa vào tiêu chí nào để đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của cơ sở sản xuất nước ngoài (và liệu rằng các tiêu chí của Việt Nam có phù hợp với tiêu chuẩn của nước xuất khẩu?).
Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo
+ Bỏ quy định tại Điều 6.1a;
+ Nếu vẫn giữ quy định tại Điều 6.1a thì đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể các vấn đề còn chưa rõ (như liệt kê ví dụ ở trên).
- Kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng nhập khẩu:
Điều 5 Dự thảo quy định về trình tự, cách thức thực hiện kiểm tra đối với xe máy chuyên dùng nhập khẩu. Tuy nhiên Dự thảo quy định không rõ thời hạn bao lâu kể từ khi nhận hồ sơ hợp lệ thì Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ “liên hệ” với người nhập khẩu để thống nhất thời gian và địa điểm kiểm tra xe thực tế. Dự thảo mới chỉ quy định về việc xử lý hồ sơ đăng ký nhưng không có quy định liên kết giữa giai đoạn này với giai đoạn kiểm tra thực tế Xe. Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ thời gian này để đảm bảo rõ ràng trong quy trình.
- Cấp Giấy chứng nhận kiểu loại đối với xe máy chuyên dùng sản xuất, lắp ráp:
Điều 11 Dự thảo quy định về trình tự, cách thức thực hiện cấp giấy chứng nhận kiểu loại, nhưng trong quy trình này lại thiếu quy định về thời gian Cục Đăng kiểm Việt Nam phản hồi về việc hồ sơ đầy đủ hay không kể từ thời điểm nhận hồ sơ. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể khoảng thời gian này.
Góp ý tương tự đối với thủ tục cấp Giấy chứng nhận chất lượng Xe cải tạo quy định tại Điều 16 Dự thảo.
- Báo cáo việc kiểm tra Xe xuất xưởng:
Điểm e khoản 4 Điều 12 Dự thảo quy định “Cơ sở sản xuất có trách nhiệm báo cáo liên quan đến việc kiểm tra Xe xuất xưởng tới Cục Đăng kiểm Việt Nam”. Tuy nhiên, Dự thảo không quy định rõ nội dung báo cáo là gì (“báo cáo liên quan đến việc kiểm tra Xe xuất xưởng” là quy định khá chung chung, không hiểu những nội dung cụ thể cần phải báo cáo)? Thời điểm nộp báo cáo? Đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể vấn đề này.
3. Một số góp ý khác
- Hồ sơ đăng ký chứng nhận chất lượng kiểu loại sản phẩm xe máy chuyên dùng sản xuất, lắp ráp (Điều 8)
Khoản 2 Điều 8 Dự thảo quy định trong Hồ sơ đăng ký chứng nhận chất lượng kiểu loại sản phẩm phải có “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc các giấy tờ thay thế khác của Cơ sở sản xuất có ngành nghề sản xuất kinh doanh phù hợp”. Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không còn ghi ngành, nghề đăng ký kinh doanh, vì vậy quy định này tại Dự thảo là chưa phù hợp với Luật Doanh nghiệp, do đó đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ “có ngành nghề sản xuất kinh doanh phù hợp” tại khoản 2 Điều 8.
- Kiểm tra trong quá trình sản xuất, lắp ráp hàng loạt (Điều 12)
Điểm a khoản 4 Điều 12 Dự thảo quy định “Phiếu xuất xưởng phải do người có thẩm quyền (cấp trưởng, cấp phó hoặc cấp dưới trực tiếp được ủy quyền bằng văn bản của thủ trưởng Cơ sở sản xuất) ký tên, đóng dấu”. Việc Dự thảo quy định rõ chức danh ký tên đóng dấu trong Phiếu xuất xưởng là không cần thiết, thậm chí có thể gây khó khăn, cản trở cho doanh nghiệp bởi hoạt động phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn của các cá nhân làm việc do doanh nghiệp tự quyết. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ “cấp trưởng, cấp phó hoặc cấp dưới trực tiếp được ủy quyền bằng văn bản của thủ trưởng Cơ sở sản xuất”.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe máy chuyên dùng. Rất mong Quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan.