Góp ý của ĐBQH Nguyễn Thanh Thảo - Đồng Tháp đối với dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi
VCCI góp ý Dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe máy chuyên dùng
VCCI gop ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng
Kính gửi: Vụ Pháp chế - Bộ Giao thông vận tải
Trả lời Công văn số 5690/BGTVT-PC của Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có một số ý kiến như sau:
Tự động hóa việc thu phí đường bộ là một chủ trương đúng đắn và nếu được triển khai tốt sẽ mang lại những lợi ích rất lớn. Đối với các chủ thể có phương tiện lưu thông qua các trạm thu phí, đặc biệt là các doanh nghiệp, việc thu phí tự động không dừng sẽ giúp tiết kiệm thời gian và các chi phí khác gắn với việc dừng nộp phí. Đối với các chủ đầu tư có trạm thu phí, cách thức này cũng giúp tiết kiệm chi phí nhân lực (để duy trì trạm thu phí thủ công) cũng như hạn chế tối đa hiện tượng thất thoát phí đường bộ (hiện tượng xảy ra khá phổ biến và dễ dàng ở các trạm thu phí thủ công). Đối với Nhà nước, cách thu phí tự động này cũng cho phép thu đúng, thu đủ thuế từ các chủ sở hữu trạm thu phí.
Tuy nhiên, những lợi ích này chỉ có thể có được nếu việc triển khai trên thực tế được thực hiện thông suốt và thống nhất. Điều này đòi hỏi quá trình xây dựng Dự thảo về cơ chế này có những tính toán và dự kiến đầy đủ về cách thức vận hành và các chi phí liên quan mà các bên tham gia sẽ phải chi ra lúc ban đầu và thu lại trong quá trình thực hiện.
Từ góc độ này, có lẽ Dự thảo cần làm rõ thêm một số vấn đề sau đây::
1. Tính toàn diện khi đánh giá tác động đến các chủ thể
Theo Tờ trình thì việc áp dụng hình thức thu phí tự động không dừng đưa đến nhiều lợi ích như: tiết kiệm chi phí in vé giấy; tiết kiệm nhiên liệu; giảm thời gian tham gia giao thông; tiết kiệm chi phí quản lý giao thông và nhiều lợi ích khác. Tuy nhiên, cần chú ý rằng lúc thiết lập cơ chế thu phí tự động ban đầu, các chủ thể sẽ phải bỏ ra một số chi phí nhất định, ví dụ:
- Chi phí mà chủ phương tiện phải chi trả để mua và gắn thiết bị đầu cuối (chú ý là hiện Điều 7.3 Dự thảo chưa làm rõ được chủ phương tiện được miễn phí mua thiết bị lắp đặt và phí lắp đặt hay chỉ được miễn phí lắp đặt còn vẫn phải trả tiền để mua thiết bị đầu cuối);
- Chi phí xây dựng/cải tạo thành trạm thu phí theo hình thức tự động không dừng;
Để tạo sự đồng thuận từ các chủ thể đối với Chủ trương này, rất cần đánh giá so sánh về các chi phí bỏ ra hiện tại và những lợi ích thu được trong lâu dài. Hơn nữa, việc dự kiến trước các chi phí này cũng là cách thức để Nhà nước minh bạch cho người dân, doanh nghiệp về những tác động dự kiến của chính sách, cơ chế mới.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hơn về các chi phí cũng như những lợi ích thu được trong Tờ trình.
2. Hình thức vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng
Như đã đề cập, những lợi ích từ việc thu phí tự động là rất lớn, tuy nhiên nó chỉ hiện thực nếu việc vận hành được triển khai suôn sẻ. Do đó, việc thiết kế phương thức vận hành của cơ chế thu phí tự động không dừng cần được tính toán chi tiết, về tất cả các vấn đề liên quan. Tuy nhiên Dự thảo dường như chưa tính toán hết được các khía cạnh vận hành này.
(i) Cơ chế vận hành trong giai đoạn chuyển đổi
Hiện Dự thảo chỉ mới đưa ra mô hình vận hành hệ thống thu phí tự động ở giai đoạn “hoàn hảo”, còn cách thức hay lộ trình để thực hiện như thế nào đế chuyển từ hệ thống hiện nay sang hệ thống hoàn hảo đó thì hoàn toàn chưa rõ, trông chờ toàn bộ vào “lộ trình gắn thiết bị đầu cuối và vận hành trạm thu phí tự động” của Bộ Giao thông vận tải sẽ được ban hành sau này (theo Điều 13.4 Dự thảo)[1] . Tuy nhiên, hiện dường như chưa có dự kiến thực sự rõ ràng cho lộ trình này trong Tờ trình, cũng không có định hướng nào trong Dự thảo.
Cụ thể, theo giải trình tại Tờ trình của Ban soạn thảo thì trong giai đoạn đầu, hình thức thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng sẽ được tiến hành song song với hình thức thu phí bằng tay do không thể ngay lập tức chuyển đổi sang hình thức thu phí tự động toàn bộ..Tuy nhiên, Tờ trình hiện chưa làm rõ được cách thức để thực hiện thu phí khi áp dụng song song hai hình thức thu phí này, ví dụ:
- Cách thức nào để đảm bảo các phương tiện đóng phí theo hình thức không dừng sẽ không phải dừng để chờ các phương tiện đóng phí theo phương thức truyền thống tại trạm thu phí không? Nói cách khác, đã có dự kiến nào để đảm bảo các trạm thu phí có đường riêng thông suốt cho các phương tiện sử dụng đóng phí tự động?
- Nếu duy trì song song hai hình thức thu phí mà xe chưa lắp đặt thiết bị đầu cuối để tính phí tự động cố tình đi vào làn xe dành cho thu phí tự động thì làm thế nào để ngăn chặn (suy đoán là làn thu phí tự động sẽ không có bất kỳ rào cản nào đối với lưu thông của phương tiện)?
- Về cách thức vận hành: Theo Tờ trình thì Dự thảo sẽ lựa chọn phương thức điều hành, quản lý và thu phí sẽ được tiến hành chung thông qua một hệ thống điều hành do một đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện. Tuy nhiên Tờ trình lại chưa làm rõ về các chủ thể vận hành trạm thu phí trong giai đoạn quá độ (sẽ bao gồm cả chủ đầu tư và đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động hay thế nào)?
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung các nội dung dự kiến về lộ trình cũng như cách thức/nguyên tắc triển khai từng bước của lộ trình ngay trong Dự thảo hoặc ít nhất trong Tờ trình phải nêu về vấn đề này. .
I. Góp ý cụ thể
1. Về đơn vị quản lý, vận hành các trạm thu phí
Khoản 2 Điều 6 Dự thảo quy định “việc quản lý, vận hành trạm thu phí tự động không dừng trên phạm vi toàn quốc được thực hiện bởi đơn vị cung cấp dịch vụ do Bộ Giao thông vận tải lựa chọn”.
Như vậy Dự thảo đã lựa chọn phương án chỉ một Đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động trên toàn quốc thay vì các chủ đầu tư tự thu phí tự động. Lựa chọn này có ưu thế là thống nhất được việc thu phí trên toàn quốc tuy nhiên lại có những bất lợi đáng kể:
- Làm phát sinh thêm công đoạn phân bổ phí thu được cho các chủ đầu tư (và kinh nghiệm cho thấy là việc phân bổ này không bao giờ là dễ dàng)
- Mất thêm chi phí để vận hành đơn vị cung cấp dịch vụ này (suy đoán là chủ đầu tư sẽ phải trả chi phí này, bởi như Tờ trình thì chủ phương tiện sẽ vẫn chỉ phải trả phí theo mức như trong cơ chế thu phí thủ công);
- Việc chỉ dịnh một đơn vị cung cấp dịch vụ (trong trường hợp này là độc quyền hoàn toàn) rất dễ dẫn tới nguy cơ lạm dụng vị trí độc quyền, gây thiệt hại cho các chủ đầu tư; Ngoài ra, Dự thảo hiện cũng không quy định Bộ Giao thông vận tải sẽ dựa vào tiêu chí và phương thức nào để lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ này? Đơn vị này sẽ là đơn vị của Nhà nước hay dân doanh?
Trong khi đó, nếu lựa chọn giải pháp phương án mỗi chủ đầu tư tự thu phí ở trạm thu phí của mình theo mô hình 2 thì những bất cập như đã nói ở trên sẽ không xảy ra. Những bất cập có thể của mô hình này (mà Tờ trình nêu ra) hoàn toàn có thể giải quyết được bằng phương thức: mỗi chủ đầu tư ở mỗi trạm thu phí sẽ thu phí giống như các đơn vị bán dịch vụ/hàng hóa thu phí/tiền hàng qua thẻ ngân hàng của khách hàng : máy thu tiền qua thẻ trong trường hợp này sẽ là thiết bị tại trạm thu phí tự động (do các chủ đầu tư tự lắp đặt, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chung) và thẻ thanh toán của khách hàng sẽ là thiết bị đầu cuối lắp trên phương tiện giao thông. Như vậy, chủ đầu tư trực tiếp thu phí xe chạy qua trạm của mình, rất chính xác, minh bạch và không làm phát sinh công đoạn phân bổ nào, cũng không phải trả chi phí cho một đơn vị trung gian nào. Trạm thu phí chỉ đơn giản là chuyển cách thức thu từ thủ công sang tự động mà không làm thay đổi các vấn đề khác (như dòng tiền thu về, mức thu phí…), chủ đầu tư tiếp tục chịu các chi phí lắp đặt, vận hành trạm thu phí tự động như hiện tại vẫn đang tự chịu trách nhiệm cho các chi phí vận hành trạm thu phí thủ công của mình.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại phương án về đơn vị thu phí, vận hành trạm thu phí và lựa chọn theo mô hình 2.
2. Về thiết bị đầu cuối gắn trên các phương tiện giao thông (Điều 7)
Điều 7 Dự thảo quy định, “việc gắn thiết bị đầu cuối phải được thực hiện tại các trung tâm đăng kiểm hoặc các đại lý do đơn vị cung cấp dịch vụ ủy quyền” (khoản 2) và “chủ phương tiện không phải trả chi phí lắp thiết bị đầu cuối lần đầu. Khi thiết bị đầu cuối bị mất, hỏng, chủ phương tiện phải lắp đặt thiết bị đầu cuối mới và phải trả tiền cho đơn vị cung cấp dịch vụ” (khoản 3). Quy định này là chưa rõ ở các điểm:
- Chủ phương tiện chỉ được miễn phí tiền lắp đặt hay là miễn phí tiền mua thiết bị đầu cuối cho lần đầu?
- Thiết bị đầu cuối có cần phải tuân theo quy chuẩn kỹ thuật nào không?
- Chú ý là nếu không lựa chọn phương án một đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động duy nhất trên toàn quốc thì sẽ không có “đại lý do đơn vị cung cấp dịch vụ ủy quyền”.
Để đảm bảo thuận lợi khi triển khai thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các vấn đề trên.
3. Về tài khoản thanh toán phí sử dụng đường bộ (Điều 8)
Theo quy định tại Điều 8 Dự thảo thì “đơn vị cung cấp dịch vụ mở tài khoản trả trước cho chủ phương tiện trên hệ thống thông tin ngay lần đầu gắn thiết bị đầu cuối” (khoản 1) và chủ phương tiện phải cung cấp các thông tin về tài khoản quy định tại khoản 3 Điều 8. Một số vấn đề vướng mắc liên quan đến quy định này:
- Trình tự, thủ tục hoặc phương thức cung cấp thông tin tài khoản của chủ phương tiện (cung cấp cho ai? Thời điểm nào? Bằng hình thức gì?)
- Điểm đ khoản 3 Điều 8 Dự thảo quy định thông tin về tài khoản mà chủ phương tiện phải cung cấp là “các thông tin khác theo yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước về giao thông”. “Những thông tin khác” được hiểu là những thông tin nào? Dự thảo cần quy định về các thông tin cụ thể cần cung cấp để xác định cho mục tiêu quản lý trong hoạt động này, ngoài các thông tin trên thì không được yêu cầu chủ phương tiện cung cấp thêm. Các thông tin này thuộc về cá nhân, thậm chí là bí mật cá nhân, vì vậy cần quy định rõ ràng, cụ thể về các loại thông tin cần cung cấp và ràng buộc trách nhiệm của các chủ thể có trách nhiệm (cơ quan nhà nước quản lý, đơn vị cung cấp dịch vụ) trong việc bảo mật về thông tin này. Dự thảo không có quy định nào về trách nhiệm bảo vệ thông tin cá nhân mà các chủ phương tiện đã cung cấp.
- Chú ý là nếu đơn vị thu phí là từng chủ đầu tư thay vì một đơn vị thu phí chung toàn quốc thì mô hình “đơn vị thu phí mở tài khoản trả trước cho chủ phương tiện” sẽ không phải là hợp lý (thay vào đó, phương thức vận hành sẽ phải giống với hình thức thu tiền qua thẻ ATM/visa…, tài khoản do chủ phương tiện mở và đăng ký/thông báo về tài khoản đó khi lắp đặt thiết bị đầu cuối, mỗi lần qua trạm thu phí sẽ là một lần thanh toán vào tài khoản đó); ngoài ra, nếu theo cơ chế này thì sẽ không phải cung cấp bất kỳ thông tin nào liên quan đến chủ phương tiện cả..
Do vậy, để đảm bảo tính minh bạch cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ phương tiện giao thông, đề nghị Ban soạn thảo:
- Chuyển sang cơ chế chủ đầu tư tự thu phí phương tiện qua trạm của mình (và chủ phương tiện chỉ đăng ký tài khoản thanh toán để chủ đầu tư tự động trừ vào tài khoản đó mỗi khi thiết bị của trạm phát sóng ghi nhận thông tin về xe đi qua trạm qua thiết bị đầu cuối gắn tại xe);
- Trường hợp Ban soạn thảo giải trình được hợp lý về lý do để vẫn duy trì cơ chế thu phí qua một đơn vị duy nhất toàn quốc thì cần:
+ Quy định rõ về trình tự, thủ tục hoặc phương thức cung cấp thông tin tài khoản của chủ phương tiện;
+ Quy định cụ thể các thông tin về tài khoản mà chủ phương tiện phải cung cấp (nếu như các thông tin tại điểm a, b, c, d khoản 3 là chưa đủ) và bỏ quy định dạng quét “các thông tin khác theo yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước về giao thông” tại điểm đ khoản 3 Điều 8;
+ Quy định về trách nhiệm bảo vệ thông tin của chủ phương tiện đã cung cấp đối với các chủ thể có liên quan (có thể quy định tại các Điều khoản về trách nhiệm của các chủ thể tại Chương III).
4. Một số góp ý khác
- Về xử lý các trường hợp miễn phí, phí thu theo tháng, quý và trường hợp phát sinh (Điều 10): Điểm b khoản 1 Điều 10 Dự thảo quy định trường hợp những phương tiện giao thông được miễn phí theo lượt khi đi qua trạm thu phí sẽ bị trừ tiền trong tài khoản và đơn vị thu phí sẽ hoàn lại tiền vào tài khoản cho chủ phương tiện trong vòng 15 ngày.
Quy định này là chưa rõ ràng về phương thức hoàn lại tiền trong trường hợp này (chủ phương tiện phải chủ động liên hệ với đơn vị cung cấp dịch vụ để đề nghị hoàn tiền hay là đơn vị cung cấp dịch vụ phải chủ động kiểm tra thông tin để hoàn tiền?). Trong một số trường hợp, không dễ để xác định các phương tiện giao thông thuộc diễn miễn phí theo lượt trong trường hợp không dừng ở trạm thu phí, ví dụ: xe chở người bị tai nạn đến nơi cấp cứu; xe vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư hàng hóa đến nơi thảm họa hoặc vùng có dịch bệnh (phân biệt mục đích vận chuyển thông thường hay trường hợp đặc biệt) … Vì vậy, cần quy định rõ về cơ chế hoàn tiền để đảm bảo thuận lợi khi thực hiện. Mặt khác, nếu có sự tranh chấp trong việc xác định tiền thu phí trong trường hợp này thì giải quyết theo mối quan hệ dân sự hay hành chính?
- Trách nhiệm của các chủ thể (Chương III): Dự thảo mới chỉ quy định đến trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các thủ tục ban đầu liên quan đến cơ sở vật chất, tiêu chuẩn, quy trình vận hành hệ thống thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng, nhưng lại chưa có quy định về xác định chủ thể có trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của các chủ phương tiện, đơn vị cung cấp dịch vụ trong quá trình hoạt động. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong hoạt động kiểm tra, giám sát các hoạt động về thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng.
- Lộ trình gắn thiết bị đầu cuối: Đề nghị Ban soạn thảo quy định ngay tại Dự thảo các nội dung cơ bản về lộ trình gắn thiết bị đầu cuối và vận hành trạm thu phí tự động không dừng.
II. Các vấn đề còn có ý kiến khác nhau
1. Thời hạn gắn thiết bị đầu cuối
Việc gắn thiết bị đầu cuối sẽ được thực hiện tại các Trung tâm đăng kiểm khi phương tiện đến đăng kiểm hoặc khi chủ phương tiện có nhu cầu. Hiện tại, có hai quan điểm về thời hạn gắn thiết bị đầu cuối:
- Phương án 1: quy định cụ thể về thời hạn cuối cùng chủ phương tiện phải đưa phương tiện đi gắn thiết bị. Phương án này sẽ rút ngắn thời gian phải duy trì cả hai hình thức thu phí, nhưng lại gây khó khăn cho một số chủ phương tiện.
- Phương án 2: không quy định về thời hạn cuối cùng chủ phương tiện phải thực hiện việc gắn thiết bị. Như vậy, việc gắn thiết bị sẽ phải kéo dài ít nhất 30 tháng (theo kỳ đăng kiểm dài nhất). Trong thời gian này, vẫn phải duy trì hình thức thu phí bằng tiền mặt nhằm phục vụ các phương tiện chưa gắn thiết bị.
Các doanh nghiệp cho rằng phương án 2 là hợp lý, cho phép doanh nghiệp được lựa chọn/có thời gian để chuẩn bị gắn thiết bị đầu cuối. Và cũng là phương thức để đánh giá tính thực thi, hiệu quả của việc gắn thiết bị đầu cuối qua đó đưa ra quyết định là áp dụng bắt buộc với tất cả phương tiện phải đóng phí hay không?
2. Xử lý hành vi trốn phí
Trong trường hợp phương tiện chạy thẳng qua trạm mà chưa có thiết bị đầu cuối hoặc tài khoản không đủ để trả phí, cần có hình thức để kiểm soát việc này, có hai phương án là:
- Phương án 1: Việc truy thu phí là nghĩa vụ của đơn vị cung cấp dịch vụ, các cơ quan hành chính nhà nước không can thiệp
- Phương án 2: Cơ quan chức năng sẽ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp này, khi nhận được các chứng cứ của đơn vị cung cấp dịch vụ
Các doanh nghiệp cho rằng phương án 2 là hợp lý và lý giải của Ban soạn thảo trong Tờ trình là phù hợp.
3. Chứng từ thu phí sử dụng đường bộ
Theo hình thức thu phí bằng tay, chủ phương tiện sẽ được phát vé giấy và được sử dụng vé giấy làm chứng từ tài chính. Tuy nhiên, khi tiến hành thu phí tự động không dừng thì sẽ không còn vé giấy nữa. Về nội dung này, có hai ý kiến khác nhau:
- Phương án 1: Vẫn tiến hành cấp vé giấy cho những chủ phương tiện có nhu cầu. Chủ phương tiện có nhu cầu lấy chứng từ sẽ dừng xe ngay sau trạm thu phí hoặc đến các địa điểm xác định trước của đơn vị cung cấp dịch vụ để lấy chứng từ giấy.
- Phương án 2: Mỗi lần thực hiện việc trừ tiền trong tài khoản thanh toán, chủ đầu tư sẽ phải gửi một chứng từ một chứng từ điện tử vào địa chỉ thư điện tử mà chủ phương tiện đã đăng ký. Việc này được áp dụng cho tất cả các chủ phương tiện kể cả có hay không có nhu cầu lấy chứng từ. Phương án này đảm bảo tính minh bạch của hệ thống nhưng sẽ gây khó khăn cho những chủ phương tiện chưa có thói quen sử dụng thư điện tử.
Các doanh nghiệp cho rằng phương án 2 là hợp lý, để đảm bảo tính minh bạch trong hình thức thu phí tự động thanh toán không dừng.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng. Rất mong Quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Ngoài ra gửi kèm theo phụ lục các góp ý cụ thể về Dự thảo mà một số doanh nghiệp gửi cho Phòng Thương mại và Công nghiệp để Quý Cơ quan tham khảo.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan.
[1] Chú ý là theo Điều 5.2 Dự thảo thì “hệ thống thông tin phục vụ thu phí tự động không dừng phải được thiết kế, lắp đặt, xây dựng đồng bộ trên toàn quốc…”, hệ thống thu phí tự động sẽ không thể vận hành nếu thiếu hệ thống thông tin phục vụ, và vì vậy quy định này đồng thời được hiểu việc vận hành hệ thống cũng phải thực hiện đồng bộ. Theo cách hiểu này thì sẽ không có giai đoạn chuyển đổi nào cả (hoặc là không có hệ thống thu phí tự động hoặc là phải có hệ thống thu phí tự động đồng bộ trên toàn quốc). Điều này dường như mâu thuẫn với quy định về lộ trình tại Điều 13.4???