VCCI góp ý Dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra chất lượng, chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy giống cây trồng

Thứ Ba 10:36 07-04-2015

Kính gửi: Cục Trồng trọt

        Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Trả lời Công văn số 56/TT-QLCL của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 16/01/2015 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra chất lượng, chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy giống cây trồng (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở góp ý của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:

1.      Về phạm vi điều chỉnh

Dự thảo chủ yếu quy định về chứng nhận hợp quy giống cây trồng Nhóm 2, bao gồm các bước đánh giá hợp quy của tổ chức chứng nhận và công bố hợp quy đối với loại giống này. Hiện tại, Thông tư 55/2012/TT-BNNPTNT quy định về thủ tục chỉ định tổ chức chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tức là về nguyên tắc là bao gồm cả giống cây trồng Nhóm 2).

Như vậy, giữa hai văn bản này đang có sự chồng lấn về các quy định liên quan tới:

-         Tổ chức chứng nhận hợp quy và

-         Hồ sơ đăng ký công bố hợp quy

Cụ thể:

-         Về tổ chức chứng nhận hợp quy: Điều 5 Dự thảo có dẫn chiếu tới quy định tại Thông tư 55 nhưng bổ sung thêm quy định về điều kiện của chuyên gia đánh giá của tổ chức chứng nhận hợp quy giống cây trồng nhóm 2 là phải có “Giấy chứng nhận và/hoặc chứng chỉ đào tạo về kiểm định hoặc lấy mẫu giống cây trồng”

-         Về Hồ sơ đăng ký công bố hợp quy: Điều 19 Dự thảo quy định về Hồ sơ đăng ký công bố hợp quy, trong đó có một số điểm chưa tương thích với quy định về Hồ sơ đăng ký công bố hợp quy tại Điều 23 Thông tư 55.

Về mặt nguyên tắc, đối tượng áp dụng của Thông tư 55 đã bao trùm cả các giống cây trồng nhóm 2 của Dự thảo, vì vậy, về nguyên tắc các vấn đề chung liên quan đến tổ chức chứng nhận hợp quy và hồ sơ đăng ký công bố hợp quy Dự thảo cần thống nhất với Thông tư 55.

Nếu cho rằng Dự thảo này chỉ quy định cho đối tượng là giống cây trồng nhóm 2 và là đặc thù, không phải áp dụng quy định tại Thông tư 55 thì Thông tư 55 cần có quy định loại trừ nhóm đối tượng là giống cây trồng nhóm 2. Tuy nhiên, Thông tư 55 lại không có quy định loại trừ nào như vậy.

Mặt khác, nếu giống cây trồng Nhóm 2 là đặc thù và thực sự cần thiết phải có quy định riêng về tổ chức chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy cho nhóm đối tượng đặc thù này thì điều này cần được giải trình đầy đủ hơn (hiện Dự thảo không có Tờ trình đi kèm về việc này).

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét về các quy định chưa thống nhất về hai vấn đề trên giữa Dự thảo và Thông tư 55.

2.      Về hình thức và phương thức đánh giá hợp quy (Điều 6)

Điều 6 Dự thảo đưa ra 2 phương án đối với chủ thể thực hiện đánh giá hợp quy, phương án 1 là để tổ chức chứng nhận/tổ chức cá nhân sản xuất giống cây trồng tự thực hiện, phương án 2 là để Trung tâm khảo nghiệm giống, sản phẩm cây trồng phân bón quốc gia thực hiện.

Phân tích về bản chất của hoạt động, mức độ rủi ro, cùng với ý kiến của doanh nghiệp cho thấy phương án 1 là phù hợp, bởi các lý do:

-         Hiện tại, theo quy định của pháp luật về quy chuẩn kỹ thuật cũng như chất lượng sản phẩm hàng hóa nói chung, các tổ chức chứng nhận đã đảm nhiệm việc thực hiện hoạt động chứng nhận hợp quy. Và để đảm bảo tính tin cậy, an toàn của kết quả chứng nhận hợp quy do các tổ chức này thực hiện, pháp luật đã kiểm soát hoạt động của các tổ chức này một cách chặt chẽ thông qua các điều kiện kinh doanh và giấy phép kinh doanh bắt buộc. Ngay cả với các sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thì cũng đã có các tổ chức chứng nhận hợp quy theo tiêu chuẩn riêng của ngành (quy định tại Thông tư 55/2012/TT-BNNPTNT). Trên thực tế, các hoạt động chứng nhận hợp quy được thực hiện bởi các tổ chức này đối với sản phẩm hàng hóa nói chung cũng như đối với các sản phẩm chuyên ngành nông nghiệp nói riêng thời gian qua vẫn đang được triển khai bình thường, không gây ra rủi ro nào lớn. Do vậy, việc quy định hoạt động đánh giá hợp quy đối với giống cây trồng do các tổ chức chứng nhận thực hiện là phù hợp.

-         Ngay cả khi phương án 1 không được chấp thuận thì đề xuất tại Phương án 2 cũng chưa thực sự hợp lý (ví dụ tại sao chỉ tổ chức chứng nhận không tham gia sản xuất, kinh doanh giống cây trồng được chứng nhận giống lúa lai F1?)..

Hơn nữa, việc chỉ xác định một số lượng ít tổ chức chứng nhận được phép đánh giá một số loại giống nhất định (theo phương án 2) có thể gây ra sự hạn chế cạnh tranh, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp có giống cây trồng cần đánh giá.

3.      Một số quy định khác

-         Về cấp chứng chỉ đào tạo cho chuyên gia đánh giá của tổ chức chứng nhận hợp quy giống cây trồng nhóm 2 (khoản 2 Điều 5): Dự thảo bổ sung thêm điều kiện đối với chuyên gia trong tổ chức chứng nhận hợp quy, nhưng lại không quy định về điều kiện,trình tự, thủ tục để cấp chứng chỉ (góp ý này không loại trừ ý kiến về phạm vi điều chỉnh tại mục 1 trên mà chỉ nhìn nhận ở góc độ tính minh bạch trong quy định). Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy định về điều kiện cũng như thủ tục cấp chứng chỉ đào tạo này.

-         Về cách thức xử lý đối với trường hợp không đạt yêu cầu sau đánh giá (Điều 8): Khoản 3 Điều 8 Dự thảo chỉ quy định “Trường hợp giống nhập khẩu không đạt chất lượng: Tổ chức chứng nhận hợp quy giống cây trồng nhập khẩu báo cáo về Cục Trồng trọt và cơ quan hải quan nơi doanh nghiệp đăng ký tờ khai nhập khẩu ngay sau khi có kết quả”. Đề nghị Ban soạn thảo quy định về biện pháp xử lý cụ thể với lô hàng trong trường hợp này.

-         Lưu mẫu giống: Khoản 2 Điều 10 Dự thảo quy định “mẫu hạt gống phải được bảo quản trong điều kiện thích hợp ít nhất 06 tháng, kể từ ngày nhận mẫu”. Về mặt logic thì quy định cứng về thời hạn lưu mẫu như thế này là không thích hợp, bởi mỗi loại giống có thời hạn sử dụng khác nhau, lưu mẫu giống quá thời hạn sử dụng của giống thì việc lưu mẫu không còn ý nghĩa (vì không thể hậu kiểm giống đã hết hạn sử dụng và lấy đó làm chuẩn đánh giá chất lượng giống trước khi hết hạn được). Do đó, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh quy định này theo hướng thời gian bảo quản mẫu bằng với thời hạn sử dụng của lô giống do nhà sản xuất đưa ra.

-         Cấp giấy chứng nhận hợp quy (Điều 13): Khoản 1 Điều 13 Dự thảo quy định một trong những điều kiện lô giống được cấp Giấy chứng nhận hợp quy là “Giống cây trồng có tên trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh … hoặc có văn bản chấp thuận cho phép sản xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”. Tuy nhiên, Dự thảo lại không có quy định về thủ tục để lô giống chấp thuận cho phép sản xuất hoặc dẫn chiếu tới văn bản pháp luật có quy định về thủ tục này. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề trên.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra chất lượng, chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy giống cây trồng. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Ngoài ra gửi kèm theo phụ lục một số góp ý cụ thể về Dự thảo mà một số doanh nghiệp gửi cho Phòng Thương mại và Công nghiệp để Quý Cơ quan tham khảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

Các văn bản liên quan