Đại Biểu Trương Văn Vở tỉnh Đồng Nai góp ý dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại Biểu Phạm Trường Dân tỉnh Quảng Nam góp ý dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại Biểu Nguyễn Mạnh Cường tỉnh Quảng Bình góp ý dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Nguyễn Mạnh Cường - Quảng Bình
Kính thưa đoàn chủ tịch,
Kính thưa Quốc hội.
Trước hết tôi đánh giá cao và tán thành với Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tôi cho rằng một trong những hạn chế của pháp luật nói chung, trong đó có Luật bảo vệ môi trường hiện hành nói riêng, đó là quy định trách nhiệm quản lý nhà nước chưa rõ và khâu tổ chức thực hiện luật còn yếu, có thể nói ta có nhiều luật nhưng tổ chức thực hiện chưa tốt. Trong Luật bảo vệ môi trường người dân quan tâm đến những vấn đề rất cụ thể liên quan trực tiếp tới quyền lợi của họ như thanh tra, kiểm tra, khi xảy ra sự cố môi trường thì cơ quan nào có trách nhiệm giải quyết, ai phải chịu trách nhiệm, ai phải bồi thường thiệt hại, trình tự thủ tục để người dân bảo vệ quyền lợi ích bị xâm phạm như thế nào, có thuận lợi hay không, chứ không phải là những vấn đề lớn, vĩ mô như đánh giá môi trường chiến lược, quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường... Trên thực tế những vấn đề cụ thể người dân quan tâm thì còn nhiều hạn chế, vì vậy tôi tán thành với nhiều sửa đổi của dự thảo trong việc xác định rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước. Tuy nhiên đối với một số vấn đề tôi xin góp ý cụ thể như sau:
Thứ nhất, về trách nhiệm của cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường thì pháp luật hiện hành cũng đã có rất nhiều quy định liên quan tới phê duyệt, xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều dự án trình độ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường được hoạt động. Vì vậy rất cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan phê duyệt. Điều 30 dự thảo quy định cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định và quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động, tôi cho rằng quy định chịu trách nhiệm trước pháp luật là quy định không rõ. Thế nào là chịu trách nhiệm trước pháp luật, cá nhân đó có phải chịu trách nhiệm xử lý kỷ luật hay không, có phải liên đới bồi thường thiệt hại hay không, đó là những vấn đề cần quy định rõ.
Về quy trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường thì Khoản 2, Điều 11 quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định lấy ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường bằng văn bản và phê duyệt báo cáo bảo vệ môi trường cấp tỉnh, tôi cho rằng đây cũng là quy định không rõ ở việc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lấy ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường để làm gì và ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường có bắt buộc với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hay không?
Vấn đề thứ hai là liên quan tới quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về môi trường được quy định tại Điều 171 thì việc thực hiện quyền khởi kiện về môi trường để yêu cầu bồi thường thiệt hại thì nó có điểm rất đặc thù. Qua các vụ việc gây ô nhiễm môi trường như của Vedan hay của Công ty Thanh Thái cho thấy một thực tế bất cập là có khi có hàng trăm, hàng ngàn người dân bị thiệt hại, nhưng họ không có quyền khởi kiện tập thể trước tòa án, mà từng cá nhân phải gửi đơn kiện trước tòa án nếu có vụ kiện xảy ra. Như vậy, gây khó khăn cho người khởi kiện, cũng như gây tốn kém, phức tạp trong việc giải quyết của tòa án. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy Bộ luật tố tụng dân sự có một quy định mở ở Điều 162 quy định về quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của nhà nước. Theo đó, cơ quan, tổ chức trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Vì vậy, Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) được trình Quốc hội tại kỳ họp này cũng quy định cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện về vụ án dân sự, đó là cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em và Hội liên hiệp phụ nữ. Vì vậy, để khắc phục những hạn chế như tôi đã nêu trên, tôi nghĩ rằng trong luật này rất cần phải có quy định về các cơ quan, tổ chức có quyền và trách nhiệm khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại trong trường hợp cả cộng đồng dân cư bị thiệt hại. Ví dụ, trong trường hợp của Vedan hay Thanh Thái, nếu có liên quan đến việc khởi kiện thì nên có quy định trách nhiệm cho một cơ quan nhà nước cụ thể. Ví dụ, chúng ta có thể cân nhắc quy định đó là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các cấp hay các tổ chức chính trị xã hội cần phải có quy định rõ về trách nhiệm này trong luật.
Bên cạnh đó, chúng tôi thấy dự thảo lần này có một quy định rất mới, theo tôi là một vấn đề rất lớn, đó là Khoản 1, Điều 171 quy định là cộng đồng dân cư thì có quyền khiếu nại, khởi kiện thì chúng tôi cho rằng đây là một quy định trái với quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, cũng như của Luật khiếu nại quy định về các chủ thể có quyền khởi kiện, cũng như khiếu nại. Vấn đề quyền khởi kiện của tập thể cũng đã được bàn, khi chúng ta xây dựng Luật khiếu nại. Vì đây là vấn đề phức tạp, cho nên chúng tôi đề nghị rất cần cân nhắc về vấn đề này, nếu có quy định thì phải sửa đổi ở các luật có liên quan, không phải sửa đổi ở trong Luật bảo vệ môi trường như quy định tại Khoản 1, Điều 171. Nếu cộng đồng dân cư khởi kiện hoặc khiếu nại thì trình tự, thủ tục thực hiện những quyền đó được thực hiện như thế nào thì nó phải được quy định ở trong Luật tố tụng dân sự, cũng như Luật khiếu nại.
Một vấn đề tiếp theo liên quan tới xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, tôi thấy trong luật này nêu cá thể, trách nhiệm cá nhân tương đối nhiều ở các điều luật. Tại Điểm đ, Khoản 3, Điều 173 dự thảo luật có quy định: trong trường hợp cá nhân gây ô nhiễm do thực hiện nhiệm vụ của tổ chức thì người đứng đầu tổ chức quản lý người thực hiện nhiệm vụ đó phải chịu trách nhiệm bồi thường. Chúng tôi cho rằng đây là một quy định chưa hợp lý, không bảo vệ được quyền lợi của người dân bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường và trái với quy định của Bộ Luật dân sự. Thiệt hại về môi trường rất lớn, có thể hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, nhiều khi vượt xa khả năng của cá nhân. Chính vì vậy Bộ luật dân sự khi quy định về trách nhiệm của người của pháp nhân mà thực hiện nhiệm vụ do pháp nhân gây ra mà gây thiệt hại thì pháp nhân đó phải bồi thường. Còn cá nhân gây thiệt hại có lỗi thì sau đó phải bồi hoàn lại cho pháp nhân. Lý do Bộ luật dân sự quy định như vậy nhằm bảo đảm cho việc bồi thường được thuận lợi, chứ nếu giao cho cá nhân thì nhiều khi khả năng bồi thường không thực hiện được. Vì vậy chúng tôi đề nghị cần phải quy định lại để bảo đảm tính phù hợp.
Một vấn đề nữa liên quan tới việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Điều 110, các quy định ở Điều 110 chỉ quy định về việc xử lý vi phạm hành chính và đưa tên cơ sở vào danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tuy nhiên theo quy định của Bộ Luật hình sự thì gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là hành vi tội phạm. Vì vậy cần dẫn chiếu chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ Luật hình sự. Bên cạnh đó chúng tôi nhận thấy hiện nay việc áp dụng các quy định Bộ Luật hình sự để xử lý tội phạm môi trường là rất khó khăn, nó liên quan tới việc xác định các yếu tố cấu thành tội phạm, đó là gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Trong dự án luật đã quy định về việc gây ô nhiễm gây hậu quả nghiêm trọng và giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định. Tôi đề nghị có sự liên kết giữa luật này với Bộ Luật hình sự để giải quyết những vướng mắc hiện nay trong khó khăn trong việc xác định thế nào là gây ô nhiễm gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Xin cảm ơn Quốc hội.