Đại Biểu Trương Văn Vở tỉnh Đồng Nai góp ý dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH

Thứ Sáu 15:15 05-12-2014

Trương Văn Vở - Đồng Nai

Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa quý vị đại biểu Quốc hội,

Tôi đánh giá cao cơ quan soạn thảo, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý luật đã tiếp thu tương đối đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 và đã thể hiện rõ hơn mục tiêu, yêu cầu chung đã đặt ra là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững. Đồng thời trong dự án luật này đã thể chế hóa được chính sách khuyến khích của nhà nước và trách nhiệm cá nhân trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Để hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, tôi đề nghị Quốc hội, cơ quan soạn thảo quan tâm bổ sung thêm 4 vấn đề cụ thể như sau.

Một, tôi đồng tình với nhiều đại biểu và ủng hộ Luật bảo vệ môi trường đã bổ sung quy định về công tác quy hoạch bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, cần quy định đậm nét nguyên tắc quy hoạch là ngoài việc phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, chiến lược, quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội đòi hỏi phải phù hợp với yếu tố quy hoạch vùng kinh tế như đại biểu Công ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã có ý kiến, đặc biệt trong nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường không thể bỏ quy định hiện hành của Luật bảo vệ môi trường phải dựa trên quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng liên tỉnh, liên vùng. Điều 9 dự án luật không quy định rõ nội dung này là một bước lùi của Luật bảo vệ môi trường là chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay, bởi lẽ không thể để tái diễn tình trạng quy hoạch. Ví dụ quy hoạch làm thủy điện tràn lan mà vừa rồi Quốc hội đã có ý kiến, liên quan đến sử dụng đất rừng tự nhiên, đất rừng phòng hộ đầu nguồn, vườn quốc gia, nhưng lại đùn đẩy trách nhiệm giữa bộ, ngành và địa phương như đã xảy ra trong quá trình thực hiện quy hoạch.

Đồng thời phải quy định nhất quán về trách nhiệm cá nhân người đứng đầu từ bộ ngành trung ương đến Ủy ban nhân dân các cấp, không thể để tình trạng ở trung ương là người đứng đầu ngành, nhưng ở địa phương là Ủy ban nhân dân. Phải gắn kết chặt chẽ về thẩm quyền tương xứng với trách nhiệm cá nhân từ khâu lập quy hoạch, quản lý theo quy hoạch với việc thẩm định phê duyệt đánh giá tác động môi trường ĐTM.

Hai, về chính sách của nhà nước về bảo vệ môi trường cần quy định đậm nét hơn, có thể đồng bộ với Luật đầu tư (sửa đổi) sẽ cho ý kiến tại kỳ họp này về chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư đổi mới công nghệ gắn liền với chính sách ưu đãi về tín dụng thuế, đất đai cho việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, khu dân cư đô thị. Từ thực tiễn đặc thù của Đồng Nai có khu công nghiệp Biên Hòa 1 là khu kỹ nghệ cao, khu kỹ nghệ Biên Hòa cũ trước giải phóng đã tồn tại trên 50 năm nhưng thực hiện di dời cơ sở sản xuất kinh doanh, ô nhiễm môi trường lưu vực sông Đồng Nai theo quy hoạch được duyệt trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn về thể chế chính sách. Tôi mong rằng Quốc hội, Chính phủ quan tâm bổ sung quy định về chính sách trong dự án luật để tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai thực hiện nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững.

Ba, liên quan nguồn lực bảo vệ môi trường để bảo đảm tính khả thi, tính hệ thống luật khác như Luật khoa học công nghệ, Luật đầu tư công sẽ thông qua tại kỳ họp này. Một lần nữa tôi đề nghị dự án luật cần làm rõ trách nhiệm bộ, ngành liên quan đến Ủy ban nhân dân các cấp trong phân bổ nguồn lực đầu tư theo yếu tố vùng kinh tế và kế hoạch đầu tư trong trung hạn thay cho quy định chung như dự án luật. Đây chính là điều kiện để khắc phục có hiệu quả tình trạng dàn trải, thiếu trọng điểm, lãng phí và nhất là cơ chế xin, cho làm phân tán nguồn lực.

Bốn, về đánh giá tác động môi trường tôi đề nghị bổ sung dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân tỉnh cho thống nhất với dự án luật khi triển khai quy hoạch bảo vệ môi trường hai cấp độ quốc gia và cấp tỉnh. Theo đó cần quy định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM cấp tỉnh phù hợp với dự án đầu tư được phân cấp cho địa phương, đồng thời phải quy định rõ nguyên tắc việc đánh giá tác động môi trường phải đi trước một bước. Nghĩa là phải được phê duyệt thuộc thẩm quyền từng cấp, từng ngành trước khi quyết định chủ trương đầu tư dự án, nhằm phòng tránh trường hợp dự án đã quyết định chủ trương, nhưng báo cáo đánh giá tác động môi trường không bảo đảm. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan