Đại Biểu Huỳnh Minh Hoàng tỉnh Bạc Liêu góp ý dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại Biểu Lê Thị Công tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu góp ý dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại Biểu Đỗ Văn Vẻ tỉnh Thái Bình góp ý dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đỗ Văn Vẻ - Thái Bình
Kính thưa Quốc hội,
Gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường là chủ đề mà chúng ta đang hướng tới. Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Tôi xin đóng góp vào dự luật một số nội dung sau.
Một, về khái niệm quy định tại Điều 3, khái niệm ô nhiễm môi trường được quy định tại Khoản 8, Điều 3 khi sử dụng cả 2 căn cứ là không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường và tiêu chuẩn môi trường không phù hợp với việc đánh giá hành vi cản trở việc các tổ chức, đặc biệt là doanh nghiệp tự ban hành tiêu chuẩn để áp dụng. Theo Khoản 6 điều này. Định nghĩa về tiêu chuẩn môi trường thì tiêu chuẩn môi trường mang tính tự nguyện áp dụng. Do đó, tự nguyện xây dựng và áp dụng một tiêu chuẩn nào đó, từ đó vi phạm một tiêu chuẩn do mình xây dựng, công bố, không thể trở thành hành vi vi phạm pháp luật, hành vi gây ô nhiễm môi trường và phải chịu trách nhiệm pháp lý như xử phạt hành chính hay bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 63, Hiến pháp năm 2013. Điều 169 dự thảo Luật bảo vệ môi trường, trong trường hợp toàn bộ hoặc một phần tiêu chuẩn môi trường trở thành bắt buộc áp dụng, Điều 125, Khoản 3 về tiêu chuẩn môi trường thì lúc này vi phạm tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng trở thành hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, cụm từ không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường và tiêu chuẩn môi trường cần sửa lại là không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường và tiêu chuẩn môi trường bắt buộc áp dụng. Do đó, cũng cần có giải thích từ ngữ về tiêu chuẩn môi trường bắt buộc áp dụng.
Hai, quy hoạch bảo vệ môi trường từ Điều 8 đến Điều 12 dự thảo. Bên cạnh những nội dung đã được tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, theo tôi quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường còn cần phải giải quyết được 2 vấn đề mấu chốt sau: Vị trí, vai trò và tác động của quy hoạch bảo vệ môi trường đối với các loại quy hoạch khác đang được thực hiện hiện nay như thế nào. Quy hoạch bảo vệ môi trường là căn cứ để xây dựng, sửa đổi những loại quy hoạch nào, nếu không có những nội dung này trong dự thảo Luật bảo vệ môi trường thì sẽ tạo ra những khó khăn trong việc thực hiện các quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường.
Ba, nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ và nhập khẩu phế liệu, Điều 82 dự thảo Luật bảo vệ môi trường về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu đã giải quyết được một số bất cập ở Điều 43 Luật bảo vệ môi trường hiện hành đã cụ thể hóa yêu cầu về chất lượng phế liệu được phép nhập khẩu ở Khoản 1 và trách nhiệm ký quỹ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu ở điểm d, Khoản 3. Tuy nhiên, các nội dung của Điều 82 dự thảo Luật bảo vệ môi trường vẫn theo hướng giải quyết hậu quả tình trạng phế liệu nhập khẩu không bảo đảm chất lượng ảnh hưởng tới môi trường. Theo tôi cần có cơ chế kiểm soát mang tính phòng ngừa. Do đó, Điều 82 cần bổ sung hai nội dung vào Khoản 3 như sau: sau 5 ngày ký hợp đồng nhập khẩu phế liệu, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải thông báo về việc nhập khẩu phế liệu và cung cấp cho Sở Tài nguyên và môi trường, nơi có trụ sở chính và Sở Tài nguyên và môi trường, nơi có cửa khẩu thực hiện hoạt động nhập khẩu phế liệu các tài liệu sau: Một là hợp đồng nhập khẩu phế liệu; Hai là xác nhận về chất lượng phế liệu nhập khẩu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức giám định quốc gia xuất khẩu cấp.
Việc nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng đã phá dỡ được quy định tại Điều 83 dự thảo Luật bảo vệ môi trường mới chỉ quy định một điều kiện phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và giao Chính phủ quy định cụ thể đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu là chưa tương xứng với yêu cầu kiểm soát hoạt động này. Hoạt động nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường, không khác gì hoạt động nhập khẩu phế liệu. Do đó, cần có những quy định cụ thể hơn và xu hướng kiểm soát hoạt động nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ như đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu đã đề xuất ở phần trên.
Bốn, kế hoạch bảo vệ môi trường từ Điều 37 đến Điều 40. Điều 37 đối tượng phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường đưa ra tiêu chí có phát sinh chất thải và các tác động khác đến môi trường là mang tính chất định tính, không rõ ràng, làm phát sinh những tranh luận trong quá trình áp dụng. Do đó cần sửa nội dung này với một trong hai phương án sau: Một, sửa Điều 37 như sau: Cơ sở sản xuất, kinh doanh có mục đích, quy mô như những dự án phải đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường.
Hai, sửa Khoản 5, Điều 40 theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết đối tượng, nội dung, kế hoạch bảo vệ môi trường.
Năm, bảo vệ môi trường làng nghề ở Điều 76, một trong những nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề là do khả năng, điều kiện để các cơ sở sản xuất thay đổi khoa học kỹ thuật công nghệ còn hạn chế, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho hoạt động này. Do đó, tôi đề nghị bổ sung một khoản vào Điều 76 như sau: Nhà nước có chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích đổi mới khoa học, kỹ thuật, công nghệ đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề để giảm thiểu các tác động tới môi trường.
Trên đây là một số nội dung đóng góp của tôi. Xin cám ơn Quốc hội.