Đại Biểu Huỳnh Minh Hoàng tỉnh Bạc Liêu góp ý dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH

Thứ Sáu 14:40 05-12-2014

Huỳnh Minh Hoàng - Bạc Liêu

Kính thưa Quốc hội, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cấp bách và không thể xem nhẹ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Khi kinh tế - xã hội càng phát triển thì vấn đề bảo vệ môi trường càng được quan tâm để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Qua nghiên cứu dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) và báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật, tôi xin có một số ý kiến như sau.

Một, về quy hoạch bảo vệ môi trường Mục 1, Chương II, hiện nay có rất nhiều quy hoạch phát triển khác nhau như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch bảo vệ phát triển rừng, quy hoạch đa dạng sinh học, trong đó nhiều quy hoạch chưa xem xét về lồng ghép yếu tố bảo vệ môi trường. Vì vậy cần quy định việc lồng ghép các nội dung bảo vệ môi trường trong các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra quy hoạch bảo vệ môi trường cần xác định những ưu tiên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và lộ trình thực hiện cụ thể.

Hai, về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu quá cảnh hàng hóa Điều 81. Tôi còn băn khoăn nội dung Khoản 3, Điều 81 quy định: việc nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ. Với lý do xu hướng dịch vụ phá dỡ tàu biển cũ di chuyển từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển và kém phát triển ngày càng rõ nét. Đây chính là hình thức vận chuyển các chất thải nguy hại trên quy mô toàn thế giới và hậu quả các nước nghèo sẽ nhận nhiều chất thải, nhất là chất thải nguy hại. Khi phá dỡ một con tàu biển cũ có thể đem lại 90 đến 95% nguồn thép phế liệu, nhưng để lại một khối chất độc nguy hại không nhỏ 5 - 10%, đó là những chất amiăng cách nhiệt, nước bẩn đáy tàu, xăng dầu nguyên liệu gây sự cố tràn dầu. Đặc biệt ở thân tàu có chứa nhiều ô xýt chì, ô xýt thủy ngân, ô xýt hợp tính và kim loại khác. Chất độc nguy hại này mang lại cho tiềm ẩn gây hại đến môi trường và ảnh hưởng sức khỏe của người là nguyên nhân phát sinh những căn bệnh thần kinh và ung thư.

Bên cạnh đó quy định Khoản 3, Điều 81 tạo ra sự mâu thuẫn với Khoản 9, Điều 7 là cấm nhập khẩu quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức. Nếu trong dự thảo Luật bảo vệ môi trường quy định cho phép việc nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng phá dỡ thì vô hình chung dễ làm phát sinh thêm một lượng lớn chất thải nhập vào nước ta. Chính vì vậy tôi đề nghị bỏ Khoản 3, Điều 81.

Ba, về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu Điều 82. Tôi đề nghị bổ sung, sửa đổi Điều 82 quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu với lý do như sau:

Thực trạng nhập khẩu phế liệu lợi ít, hại nhiều, theo đánh giá của nhiều chuyên gia về môi trường thời gian qua, tình trạng nhập khẩu phế liệu vi phạm các quy trình về bảo vệ môi trường đang diễn ra phổ biến. Nhiều vấn đề phát sinh từ việc kiểm soát trong khâu nhập khẩu phế liệu còn thiếu chặt chẽ, chính những quy định không rõ đâu là phế liệu, đâu là chất thải, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không chỉ nhập khẩu phế liệu mà còn nhập một lượng lớn chất thải vào nước ta, nên tác động không nhỏ đến nền kinh tế, đặt biệt vấn đề môi trường và sức khỏe cộng đồng. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 ngày 18/3/2013 về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu phế liệu.

Qua tính toán sơ bộ hàng năm có khoảng 3 triệu tấn phế liệu nhập khẩu Việt Nam vào đường chính ngạch, trong đó nhiều mặt hàng nguy cơ gây ô nhiễm như pin, ác quy, chì, phế thải, vi mạch điện tử cũ hỏng, máy móc thiết bị lạc hậu, hỏng, hết hạn sử dụng có chứa chất nguy hại gấp nhiều lần, vi phạm nghiêm trọng Luật bảo vệ môi trường.
Tình trạng nhập khẩu trái phép chất thải vào Việt Nam đã diễn ra phức tạp, nhiều doanh nghiệp cố tình nhập khẩu trái phải chất thải lấp dưới nhiều hình thức, như nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu cho sản xuất trong nước dẫn đến tình trạng khó kiểm soát, tồn đọng chất thải nhập khẩu trên các cảng biển ở nước ta. Việc xử lý các container vi phạm tồn lưu đang là vấn đề hết sức nan giải, chúng ta đang thiếu quy định về công tác xử lý việc tái xuất và xử lý tồn đọng.

Bên cạnh đó việc tái chế chất thải ở nước ta còn bất cập, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện nay tổng lượng chất thải rắn tại nước ta ước khoảng 28 triệu tấn/năm, tổng công suất xử lý đạt 4 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 14%, bao gồm tái chế chất thải rắn đô thị nông thôn, y tế, công nghiệp, chất thải làng nghề do vậy công tác xử lý chất thải rắn trong nước đang gặp nhiều khó khăn, chưa tính đến lượng phế thải nhập về đang là vấn đề cấp bách cần đầu tư toàn xã hội để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, trong quá trình sửa đổi, bổ sung luật còn nhiều ý kiến cho rằng có sự không rõ ràng trong việc quy định về nhập khẩu phế liệu trong Chương IX quản lý chất thải hơn 20 triệu không nhắc đến vấn đề quản lý phế liệu.

Những quy định ở Điều 82 nhập khẩu phế liệu chưa phản ảnh hết các bài học kinh nghiệp thực tế liên quan. Chúng ta không nên quên rằng hiện nay còn hàng ngàn container phế liệu không có chủ hàng đang nằm trên các bến cảng. Ban soạn thảo cần nỗ lực hơn nữa trong việc soạn thảo các quy định về vấn đề phế liệu. Nếu chủ trương cho phép nhập khẩu phế liệu thì Việt Nam sẽ trở thành bãi rác của thế giới như cảnh báo đã đưa ra. Chính vì vậy, tại Điều 82 về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu có đề nghị cần quy định rõ phế liệu nào được nhập khẩu, chú ý nội dung quy định hàng rào kỹ thuật đối với phế liệu nhập khẩu, kiểm soát chặt chẽ chất lượng nhập khẩu phế liệu từ đầu nguồn, làm rõ trách nhiệm của từng đối tượng trong việc gây ra sự cố môi trường do nhập khẩu phế liệu.

Việc lưu giữ, tái xuất quy định phế liệu nhập khẩu sai quy định, khuyến khích việc tái chế, tái sử dụng nguồn phế liệu trong nước.

Bốn, về quyền môi trường, trong Hiến pháp năm 2013 đã quy định: "Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường" tại Điều 43 của Hiến pháp. Tuy nhiên dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) chưa cụ thể hóa nội dung quyền được sống trong môi trường trong lành mà Hiến pháp đã quy định. Nội dung về quyền môi trường rất cần thiết để đảm bảo người dân được bảo vệ bởi luật, pháp luật và trong vấn đề tổn hại liên quan đến sự cố môi trường. Để có thể được hiện thực hóa quyền môi trường cần được thể hiện cụ thể không chỉ trong Luật bảo vệ môi trường và các luật có liên quan.

Trong Luật bảo vệ môi trường quyền môi trường, có thể thể hiện thông qua các cơ chế sau đảm bảo sự tham gia của người dân vào quá trình quyết định, đảm bảo được cung cấp thông tin quyền tiếp cận thông tin về môi trường đối với người dân, đảm bảo quyền tiếp cận công lý, pháp lý trong vấn đề tranh chấp môi trường. Chính vì vậy dự thảo Luật bảo vệ môi trường cần bổ sung định nghĩa về quyền môi trường tại Điều 3 về giải thích từ ngữ, đảm bảo các cơ chế trên thực thi quyền môi trường. Đồng thời các nội dung liên quan đến tham vấn, công khai thông tin môi trường cần được thể hiện rõ ràng trong các chương đánh giá tác động môi trường, giám sát môi trường thay vì xử lý vi phạm môi trường. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan