Đại biểu Phạm Văn Hà tỉnh Nghệ An góp ý kiến dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH

Thứ Hai 15:20 01-12-2014

Phạm Văn Hà - Nghệ An

Kính thưa chủ tọa phiên họp,

Kính thưa Quốc hội.

Về cơ bản tôi đồng tình với báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, tuy nhiên tôi xin có một số ý kiến sau đây.

Thứ nhất, đó là tiêu chí xác định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán theo Khoản 1, Điều 4 và Khoản 2, Điều 42, tôi cũng đồng tình là những trường hợp tổng số nợ của chủ nợ ít hơn của các doanh nghiệp và hợp tác xã nếu không bán được tài sản thì mở thủ tục phá sản. Còn quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 42 của dự án luật thì tôi đồng tình cao với ý kiến của đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) và tôi thấy nội dung này quy định: "Hợp tác xã không thanh toán hoặc trì hoãn không thanh toán", ở đây có nghĩa là hợp tác xã hoặc doanh nghiệp đang còn có tài sản nhưng ý thức chây ỳ, không thanh toán và cũng không trả nợ, vì thế tôi thấy rằng thủ tục này phải giải quyết theo Bộ luật tố tụng dân sự, có nghĩa là tranh chấp kinh tế hoặc tranh chấp dân sự.

Vấn đề thứ hai, không mở thủ tục phá sản theo Khoản 5, Điều 42 dự thảo luật. Khoản 5, Điều 42 dự thảo luật quy định: "Tòa án quyết định không mở thủ tục phá sản nếu xét thấy doanh nghiệp, hợp tác xã chưa mất khả năng thanh toán". Trong Khoản 5 điều này chưa quy định giải quyết hậu quả của việc không mở thủ tục phá sản, bởi lẽ khi tòa án tiến hành thụ lý vụ án thì người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đã nộp 3 khoản tiền theo Điều 21 và Điều 22 gồm tiền lệ phí phá sản, tiền tạm ứng chi phí phá sản, tiền tạm ứng chi phí quản tài viên. Vì vậy khi tòa án quyết định không mở thủ tục phá sản thì cần giải quyết hậu quả pháp lý của việc không mở thủ tục phá sản.

Sau khi tòa thụ lý vụ án thì tòa án đã tiến hành một số thủ tục nên người nộp đơn không được trả lại tiền lệ phí phá sản, còn tiền tạm ứng chi phí phá sản và tiền tạp ứng chi phí quản tài viên nên trả lại. Bởi vậy khi quyết định không mở thủ tục phá sản thì Khoản 5, Điều 42 cần bổ sung thêm như sau: "Tòa án ra quyết định không mở thủ tục phá sản nếu xét thấy doanh nghiệp, hợp tác xã không mất khả năng thanh toán. Trong trường hợp này người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo Điều 5 của luật này được trả lại tiền dự phí chi phí phá sản và tiền tạm ứng chi phí quản tài viên đã nộp". Việc giải quyết yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thực hiện nghĩa vụ về tài sản đã bị đình chỉ theo quy định tại Điều 41 của luật này được tiếp tục giải quyết.

Ba, mục đích của dự án Luật phá sản (sửa đổi) lần này đó là nhằm khắc phục những tồn tại của Luật phá sản năm 2004, tính 10 năm thi hành Luật phá sản năm 2004 thì 63 tòa án tỉnh chỉ 49 tòa án nhận đơn và giải quyết 336 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản. Vì vậy theo tổng kết một trong những nguyên nhân chậm trễ và không phải sản được là do tồn tại của luật. Do đó thủ tục cần phải làm nhanh, đơn giản.

Ba là về thẩm quyền kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân đối với quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo Điều 111 và Điều 112, tôi cũng đồng tình với nhiều ý kiến đã phát biểu trước đó là không nên quy định viện kiểm sát có quyền kháng nghị mà chỉ nên quy định viện kiểm sát có quyền kiến nghị, bởi lẽ:

Thứ nhất, thủ tục phá sản là một thủ tục đặc thù.

Thứ hai, viện kiểm sát tham gia kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản, thực hiện quyền yêu cầu, quyền kiến nghị.

Thứ ba, theo tôi nguyên nhân quan trọng nhất đó là nếu quy định quyền kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân đối với quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản thì sẽ tạm dừng việc thanh lý tài sản. Việc giải quyết hậu quả của việc tạm dừng thanh lý là rất khó khăn, phức tạp và thời gian giải quyết vụ việc phá sản sẽ bị kéo dài, ảnh hưởng quyền và lợi ích.

Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan