Đại biểu Trịnh Ngọc Phương tỉnh Tây Ninh góp ý kiến dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại biểu Đinh Xuân Thảo TP Hà Nội góp ý kiến dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại biểu Dương Quang Sơn tỉnh Bắc Kạn góp ý kiến dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Dương Quang Sơn - Bắc Kạn
Kính thưa Quốc hội, sau khi nghiên cứu Luật Phá sản sửa đổi, báo cáo tiếp thu giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi xin tham gia một số vấn đề cụ thể như sau:
Thứ nhất, về tiêu chí xác định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, tại Khoản 1, Điều 4 giải thích từ ngữ mất khả năng thanh toán là tình trạng doanh nghiệp, hợp tác xã không thanh toán được khoản nợ đến hạn. Điều 2, Khoản 42 quy định tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã không thanh toán, trì hoãn thanh toán khoản nợ đến hạn, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã không đủ thanh toán các khoản nợ đến hạn. Theo tôi giải thích và quy định như vậy là chưa đầy đủ vì có trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã mất cân đối dòng tiền do nợ phải thu chưa thu được vì vậy mất khả năng thanh toán là khi các khoản nợ phải thu và bán toàn bộ tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn không đảm bảo trách nhiệm chi trả các khoản nợ, vậy đề nghị Ban soạn thảo quy định cho đầy đủ hơn.
Thứ hai, quyền nộp đơn của chủ nợ, người lao động và tổ chức công đoàn. Tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 5 quy định chủ nợ có đảm bảo một phần, người lao động, công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ đến hạn, trả lương và các khoản nợ khác đối với người lao động. Theo tôi quy định như vậy là chưa phù hợp, vì doanh nghiệp, hợp tác xã gặp khó khăn nhất là vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Ví dụ, như hiện nay rất nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng như vậy, điển hình hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp nợ lương của người lao động 6-7 tháng chứ không phải 1-3 tháng. Quy định như vậy dễ dẫn đến việc người lao động tích cực đòi doanh nghiệp, hợp tác xã làm thủ tục phá sản, để gây sức ép cho doanh nghiệp và càng gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp. Theo tôi nên chăng quy định kéo dài thêm thời gian yêu cầu hợp tác xã, doanh nghiệp mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn từ 3-6 tháng kể từ khi chủ nợ, người lao động và công đoàn cơ sở yêu cầu, vừa giảm được áp lực cho doanh nghiệp, đồng thời tránh sự trì hoãn thanh toán của doanh nghiệp.
Thứ ba, tại Điểm c, Khoản 1, Điều 11 quy định về đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên. Tại Điểm c quy định: "Người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng và có kinh nghiệm 5 năm về các lĩnh vực trên", trong khi đó tại Điểm a quy định luật sư, Điểm b quy định là kế toán viên, hai đối tượng trên đương nhiên đã có bằng về cử nhân luật và cử nhân kế toán. Tại Điểm c, quy định có từ nối "và" là chưa phù hợp, bởi lẽ người có trình độ cử nhân luật thì khó có thể có kinh nghiệm 5 năm trong lĩnh vực kế toán, quản trị kinh doanh. Theo tôi quy định này cần sửa theo hướng bỏ Điểm c, quy định vào Điểm a và Điểm b như sau: "Quản tài viên phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:
a. Luật sư, người có trình độ cử nhân luật và đã có ít nhất 5 năm trong lĩnh vực thi hành pháp luật.
b. Kiểm toán viên, người có trình độ cử nhân kinh tế, tài chính và đã có ít nhất 5 năm trong lĩnh vực về kế toán, kiểm toán, quản trị kinh doanh"
Thứ tư, tại Khoản 2, Điều 15 quy định về quyền và nghĩa vụ của quản tài viên được trở thành đại diện hợp pháp cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không có người đại diện hợp pháp. Theo tôi cần bổ sung thêm cho đầy đủ để quy định thêm trường hợp người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã bỏ trốn hoặc vắng mặt khi tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Thứ năm, tại Điều 21 quy định: "Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp lệ phí phá sản theo quy định của pháp luật về án phí, lệ phí, tòa án nhân dân". Vậy với trường hợp tổ chức công đoàn đại diện cho người lao động nộp đơn thì có phải nộp lệ phí không? Bởi vì trong trường hợp này, công đoàn chỉ là người đại diện và không phải là chủ thể. Vậy cần quy định rõ trường hợp tổ chức công đoàn đại diện cho người lao động nộp đơn yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã mở thủ tục phá sản thì không phải nộp lệ phí. Trên đây là một số ý kiến đóng góp của tôi. Xin cảm ơn Quốc hội.