Đại biểu Đặng Công Lý tỉnh Bình Định góp ý kiến dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại biểu Trịnh Ngọc Phương tỉnh Tây Ninh góp ý kiến dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại biểu La Ngọc Thoáng tỉnh Cao Bằng góp ý kiến dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
La Ngọc Thoáng - Cao Bằng
Kính thưa Quốc hội,
Về cơ bản tôi nhất trí
với dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) được trình ra Quốc hội tại kỳ họp này. Ban
soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp
thứ 6. Theo hướng dẫn của Đoàn thư ký, tôi xin góp ý một số nội dung sau:
Một, về thẩm quyền giải quyết vụ việc giải quyết phá sản của Tòa án nhân dân
tại Điều 8. Tôi đồng tình với dự thảo lần này đã trao cho cả Tòa án nhân dân
cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện thẩm quyền giải quyết các vụ việc phá
sản, trong đó có quy định có sự phân định những vụ việc thế nào tòa án cấp tỉnh
giải quyết và những trường hợp nào tòa án cấp huyện giải quyết. Nếu chỉ tòa án
cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết các vụ việc phá sản thì dẫn đến tình trạng
quá tải, nhiều vụ việc tòa án cấp huyện
hoàn toàn có thể giải quyết được nhưng lại không được giải quyết, như vậy không
phát huy được năng lực và hiệu quả của hệ thống tòa án.
Tuy nhiên tôi đề nghị xem xét lại Khoản 1, Điểm đ, Điều 8 liên quan đến việc tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền lấy các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện lên giải quyết. Theo tôi đây chỉ là những trường hợp hãn hữu khi gặp những trường hợp tình tiết mới phát sinh thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án cấp tỉnh hoặc trường hợp phức tạp mà các huyện không thể giải quyết được. Vì vậy tôi đề nghị cần quy định rõ ngay trong luật trong những trường hợp nào thì tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền lấy các vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa án cấp huyện lên giải quyết. Ngoài ra một khi tòa án khu vực được thành lập thì tòa án cấp tỉnh có được quyền lấy các vụ việc thuộc tòa án khu vực lên giải quyết hay không?
Hai, nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản Khoản 14, Điều 9. Theo tôi hiểu Khoản 14, Điều 9 dự án luật cho phép thẩm phán áp dụng quy tắc án lệ, vận dụng vào việc giải quyết các vụ án phá sản tương tự những vụ việc đã được giải quyết trước đây. Tuy nhiên hiện nay chúng ta đang thảo luận dự án Luật tổ chức tòa án nhân dân trong đó có xem xét quy tắc án lệ vào trong luật để áp dụng. Do vậy, tôi đề nghị nội dung Khoản 14 Điều 9 nên để Luật Tổ chức tòa án quy định. Hơn nữa Luật Tổ chức tòa án nhân dân dự kiến đến kỳ hợp thứ 8 mới thông qua, trong khi Luật Phá sản lại thông qua tại kỳ họp này, vậy ai sẽ đảm bảo chắc chắn rằng vấn đề án lệ sẽ đưa vào trong Luật Tổ chức tòa án nhân dân được Quốc hội thông qua. Ngoài ra, căn cứ vào tính chất của án lệ được áp dụng ở các nước theo hệ thống thông luật, trong đó việc xét xử của tòa án căn cứ vào các bản án đã được ban hành trước, vì nó được coi như là văn bản quy phạm pháp luật, ở các nước này vai trò thẩm phán rất quan trọng, có thể sáng tạo luật. Ngược lại ở Việt Nam, các hình thức văn bản quy phạm pháp luật được quy định chặt chẽ trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, nếu chúng ta không thận trọng rất dễ phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành.
Ba, doanh nghiệp quản lý và thanh lý tài sản tại Điều 12, theo quy định của dự án luật thì chỉ công ty hợp danh ít nhất 2 người phải là quản tài viên, một người phải là giám đốc, doanh nghiệp tư nhân giám đốc phải là quản tài viên. Như vậy điều luật này thiết kế theo hướng đảm bảo các cá nhân đứng đầu doanh nghiệp phải là quản tài viên. Nếu vậy thì các loại hình doanh nghiệp khác hoàn toàn có thể tham gia loại hoạt động này. Nếu quy định người đứng đầu doanh nghiệp phải có chứng chỉ quản tài viên, đây cũng là việc đảm bảo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp theo tinh thần Luật Doanh nghiệp 2005.
Bốn, áp dụng quy định về thủ tục phá sản các tổ chức tín dụng tại Điều 97, chúng tôi đề nghị cần sửa lại câu "những nội dung không quy định tại chương này thì áp dụng theo các quy định tương ứng" thành "những nội dung không quy định tại chương này thì áp dụng các quy định tương ứng khác tại luật này, trừ các quy định tại chương 6, chương 7 Luật Phá sản cho chính xác". Vì nếu quy định như dự thảo sẽ dẫn đến cách hiểu là có thể áp dụng các quy phạm quy định tại luật khác.
Năm, đề nghị sửa lại Điều 103 theo các giao dịch của tổ chức tín dụng trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt cho phù hợp với Điều 99 và Điều 61 với lý do sau: Điều 103 loại trừ việc áp dụng Điều 61 của luật quy định việc đình chỉ hợp đồng đang có hiệu lực nhưng bản chất của Điều 61 là tòa án chỉ thực hiện quyền này khi thụ lý đơn yêu cầu phá sản, còn tại Điều 99 quy định tòa án chỉ thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục tuyên bố phá sản khi đã có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp khác phục hồi khả năng thanh toán mà doanh nghiệp vẫn mất khả năng thanh toán. Như vậy quy định tại Điều 61 đương nhiên không áp dụng cho giai đoạn kiểm soát đặc biệt, do đó quy định việc loại trừ áp dụng Điều 61 tại Điều 103 là mâu thuẫn với Điều 61 và Điều 99. Xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.