Đại biểu Dương Hoàng Hương tỉnh Phú Thọ góp ý kiến dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại biểu La Ngọc Thoáng tỉnh Cao Bằng góp ý kiến dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại biểu Đặng Công Lý tỉnh Bình Định góp ý kiến dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đặng Công Lý - Bình Định
Kính thưa chủ trì cuộc họp,
kính thưa Quốc hội.
Theo gợi ý của Đoàn thư ký kỳ họp, tôi xin phát biểu đóng góp vào dự án Luật Phá sản sửa đổi một số nội dung sau đây.
Thứ nhất về tiêu chí xác định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán theo Khoản 1, Điều 4 và Khoản 2, Điều 42. Theo giải thích tại Khoản 1, Điều 4 của dự thảo là hoàn toàn hợp lý, bởi lẽ khái niệm mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp chỉ có tính chất nhất thời, tại một thời điểm nào đó là hiện tượng báo động về tài chính mất cân đối về khả năng thanh khoản và cũng là tiền đề dẫn đến việc doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, nếu tình trạng mất khả năng thanh toán kéo dài, không thực hiện được khả năng thanh toán. Trong thực tiễn hiện nay, vấn đề chiếm dụng vốn lẫn nhau giữa các doanh nghiệp kéo dài thời hạn thanh toán đang có tính phổ biến, nên việc xác định tiêu chí doanh nghiệp mất khả năng thanh toán theo yêu cầu của các chủ nợ trong thời gian bao lâu là để cho phép tiến hành mở thủ tục phá sản có ý nghĩa rất lớn. Nó vừa làm lành mạnh hóa kinh tế, vừa đảm bảo trật tự xã hội, tránh việc lợi dụng khó khăn nhất thời của doanh nghiệp để yêu cầu mở phá sản doanh nghiệp, hạ uy tín lẫn nhau.
Theo tôi, tiêu chí xác định doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản không thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ đến hạn theo yêu cầu của chủ nợ trong thời hạn 6 tháng là hợp lý. Đây là khoảng thời hạn vừa đủ để doanh nghiệp có thời gian khắc phục các khó khăn nhất thời trong các giao dịch với các đối tác để thực hiện nghĩa vụ thanh toán và nếu doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện thanh toán được khoản nợ theo yêu cầu của chủ nợ thì việc cho phép mở thủ tục phá sản là phù hợp. Qua quy định này để doanh nghiệp, hợp tác xã phải tự nhận thức được hậu quả pháp lý trước mỗi giao dịch của mình. Tôi hoàn toàn tán thành dự thảo không đưa định lượng về số tiền tối thiểu mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán dẫn đến không thực hiện được nghĩa vụ theo yêu cầu của chủ nợ, bởi lẽ việc định lượng số tiền tối thiểu không phản ánh thực chất tình trạng doanh nghiệp mất cân đối về tài chính mà còn hạn chế được việc cố tình lách Luật Doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện các giao dịch dưới hoặc bằng định lượng đó rồi kéo dài không thanh toán để chủ nợ không thể yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Về quyền và nghĩa vụ yêu cầu nộp đơn mở thủ tục phá sản theo Điều 5, sau khi nghiên cứu các khoản của Điều 5 của dự thảo Luật Phá sản, về cơ bản tôi hoàn toàn nhất trí tuy nhiên tôi có ý kiến góp ý như sau:
Tại Khoản 4 quy định chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, chủ tịch hội đồng thành viên của các công ty trách nhiệm hữu hạn từ 2 thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Tại khoản 6 quy định thành viên hợp tác xã hoặc hợp tác xã thành viên của Liên hiệp hợp tác xã theo quy định của điều lệ hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Quy định như vậy vừa chồng chéo lại vừa thừa. Vì sao tôi lại nói điều này, vì tại Khoản 3, Điều 5 đã quy định: người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán là đủ, không cần thiết nêu thêm nữa đối với Khoản 4 và Khoản 6. Theo quy định của Luật doanh nghiệp và Luật hợp tác xã thì người đại diện theo pháp luật mới có quyền nhân danh cho doanh nghiệp hợp tác xã để thực hiện các giao dịch với tòa án vì lợi của doanh nghiệp hợp tác xã. Nếu đưa quy định cả Khoản 3, Khoản 4 và Khoản 6 về đối tượng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì ta phải dự lường giữa những đối tượng này trong nội bộ không thống nhất với nhau chắc chắn sẽ dẫn đến tranh chấp sẽ có giải quyết cho tòa án.
Ba, thẩm quyền giải quyết phá sản của tòa án theo Điều 8. Qua nghiên cứu quy đinh tại Điều 8 của dự thảo, tôi hoàn toàn thống nhất với nội dung này, bởi vì xu thế hiện nay tăng cường thẩm quyền cho tòa án nhân dân cấp huyện, theo tinh thần cải cách tư pháp nhưng thực trạng đội ngũ thẩm phán hiện nay ở tòa án nhân dân cấp huyện chưa đủ kinh nghiệm giải quyết, vì loại việc này tương đối mới, nhiều quan hệ pháp luật điều chỉnh trong quá trình giải quyết phải có lộ trình giao thẩm quyền trên cơ sở xem xét cụ thể về đội ngũ thẩm phán, về điều kiện cơ sở vật chất của từng đơn vị.
Riêng về thuật ngữ Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh theo Hiến pháp năm 2013 đã quy định về hệ thống Tòa án nhân dân theo Luật tổ chức tòa án dự thảo hiện nay không còn thuật ngữ nêu trên mà là tòa án sơ thẩm khu vực. Do vậy ta cần thay đổi để phù hợp với Luật tổ chức tòa án khi được thông qua.
Về phân định thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, tại Khoản 1, Điều 8 theo tiêu chí là vụ việc phá sản phức tạp là quy định còn chung chung, tính chất phức tạp thường xác định cảm tính, người này cho rằng vụ việc này phức tạp nhưng người khác cho rằng vụ việc không phức tạp. Nên chúng ta đưa tiêu chí định lượng về số nợ đến hạn phải trả nhưng doanh nghiệp mất khả năng thanh toán từ 20 tỷ đồng trở lên, chẳng hạn có từ hai chi nhánh ở các tỉnh khác nhau sẽ dễ dàng phân định thẩm quyền giải quyết cho tòa án và có tính thanh khoản hơn, có tính chất khả thi hơn.
Bốn, về chế định quản tài viên, theo Điều 10, 11, 12, 13, 14, 15, dự thảo luật chỉnh lý bổ sung doanh nghiệp làm nhiệm vụ quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán như chế định quản tài viên cụ thể quy định công ty hợp danh doanh nghiệp tư nhân đáp ứng các điều kiện công ty hợp danh có tối thiểu hai thành viên hợp danh và quản tài viên, người đại diện theo pháp luật tổng giám đốc hoặc giám đốc của công ty hợp danh là quản tài viên, doanh nghiệp tư nhân có chủ doanh nghiệp là quản tài viên đồng thời là giám đốc theo Điều 10, Điều 12. Việc quy định như trên tiếp thu ý kiến cho rằng cần bổ sung pháp nhân là các doanh nghiệp trong lĩnh vực tư vấn luật, kiểm toán, kế toán làm nhiệm vụ như chế định quản tài viên. Tuy nhiên, hoạt động của quản tài viên là hoạt động mang tính nghề nghiệp gắn với cá nhân cụ thể, trách nhiệm của quản tài viên là trách nhiệm cá nhân, do vậy chỉ nên quy định quản tài viên là cá nhân như dự thảo luật trình Quốc hội lần trước. Đối với những vụ việc phá sản phức tạp thì quản tài viên có quyền thuê các quản tài viên khác hoặc thuê các doanh nghiệp, tổ chức có kinh nghiệm, năng lực để giúp quản tài viên thực hiện việc quản lý, thanh lý tài sản. Tôi xin hết. Xin cảm ơn Quốc hội.