Đại biểu Nguyễn VĂn Cảnh tỉnh Bình Định góp ý dự thảo Luật căn cước công dân tại kì họp thứ 7 của QH

Thứ Hai 14:22 01-12-2014

Nguyễn Văn Cảnh - Bình Định

Kính thưa Đoàn chủ tịch,

Kính thưa Quốc hội.

Vì là người phát biểu sau, tôi xin phát biểu một số nội dung mà các đại biểu khác chưa nêu.

Thứ nhất, về mâu thuẫn trong nội dung giữa Điều 5 quyền và nghĩa vụ của công dân về căn cước công dân và Điều 20 giá trị sử dụng của thẻ căn cước công dân.

Khoản 2, Điều 20 quy định thẻ căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

Nhưng tại Điểm d, Khoản 1, Điều 5 quy định công dân có quyền sử dụng thẻ căn cước công dân của mình trong giao dịch thực hiện quyền lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, mà không quy định được sử dụng trên lãnh thổ nước ngoài ký kết điều ước.

Vì vậy tôi đề nghị Điểm d, Khoản 1, Điều 5 bổ sung thêm nội dung và ghi lại là "Công dân có quyền sử dụng thẻ căn cước công dân của mình trong giao dịch thực  hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam và trên lãnh thổ nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau". Vì được sử dụng trên lãnh thổ của nhau nên để thuận tiện cho công dân Việt Nam khi đi ra nước ngoài, tôi đề nghị thẻ căn cước công dân cần được in bằng 2 thứ tiếng là tiếng Việt và tiếng Anh giống như thể hiện 2 thứ tiếng trên hộ chiếu.

Trên thẻ căn cước có quy định nội dung họ và tên gọi khác, theo tôi một người có thể có nhiều họ và tên gọi khác nhưng chúng ta cần là họ tên thường gọi. Vì vậy tôi đề nghị  họ tên gọi khác cần thay đổi là họ và tên thường gọi khác.

Nội dung thứ hai, liên quan đến mục đích của số định danh cá nhân. Theo tôi số định danh cá nhân chỉ nên sử dụng giống mục đích của số chứng minh nhân dân và có thể để cơ quan nhà nước truy cập một số thông tin nhằm giảm việc sử dụng hộ khẩu. Theo tôi để truy cập những thông tin khác liên quan đến đời tư trong lý lịch tư pháp thì không sử dụng số định danh cá nhân để truy cập, vì số định danh cá nhân của một người thì rất nhiều người, cơ quan biết, như các đối tác làm ăn, ngân hàng, khách sạn, trung tâm dịch vụ việc làm, trung tâm du lịch, bạn bè v.v... như vậy thông tin đời tư của một người rất dễ bị truy cập bởi rất nhiều người, rất nhiều tổ chức. Cơ quan soạn thảo có về chế độ bảo mật, nhưng nếu ở cấp cơ sở có thể truy cập được thì tôi nghĩ độ bảo mật không cao. Đã là thông tin cá nhân thì ngay cả người phụ trách truy cập thông tin cá nhân cũng không được tự dùng mật khẩu được cấp để biết thông tin hộ tịch của người khác khi không có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền hay yêu cầu của công dân.

Tôi nghĩ Hoa Kỳ có hạ tầng thông tin và độ bảo mật cao hơn nước ta nhưng tại sao họ không dùng một số định danh cá nhân như ta cho tiện, mà sử dụng 2 số gồm 1 số ID tương tự như số định danh cá nhân và một số khác gọi là số an sinh xã hội. Theo tôi họ sử dụng thêm số an sinh xã hội thưởng chỉ để dùng truy cập thông tin hộ tịch của một cá nhân, vì thông tin hộ tịch của một cá nhân là rất quan trọng.

Cần có số an sinh xã hội mới truy cập được để tránh bị nhiều người khác sử dụng thông tin hộ tịch của một cá nhân vào những mục đích trái pháp luật. Có số an sinh xã hội sẽ tăng tính bảo mật, vì số an sinh xã hội được cấp chỉ có chính công dân đó mới biết được số an sinh xã hội của mình, ngay cả bạn bè, người thân trong gia đình cũng không biết số an sinh xã hội của công dân này. Số an sinh xã hội thường chỉ dùng khi mở tài khoản ngân hàng, thành lập công ty, mua xe, mua nhà, thuê nhà, đăng ký số điện thoại, thuê lao động, nhập học và các giao dịch quan trọng khác được thực hiện qua điện thoại. Vì những hoạt động này quan trọng hơn các hoạt động khác thường dùng thẻ căn cước công dân như đi rút tiền ngân hàng, đăng ký ở khách sạn, dùng trong đi lại v.v...

Tôi nghĩ Hoa Kỳ có lý do để sử dụng hai số mà trong báo cáo tôi thấy cơ quan soạn thảo chưa nêu khó khăn cách làm của Hoa Kỳ. Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm cách làm của một số nước sử dụng hai số để tránh sau này thấy phù hợp thì thực hiện việc sử dụng hai số sẽ gây lãng phí.

Tôi cũng chia sẻ với ý kiến của các đại biểu nêu về cách đưa nhóm máu vào cơ sở dữ liệu căn cước công dân hay thẻ căn cước công dân. Tôi chỉ xin nêu một việc để làm rõ nội dung này.

Để in nhóm máu lên thẻ sẽ qua một số công đoạn, lấy máu, phân tích máu, in nhóm máu lên giấy ở bệnh viện, công dân khai nhóm máu lên tờ khai, cơ quan quản lý nhập dữ liệu và in vào thẻ căn cước công dân. Nếu một trong các công đoạn này bị nhầm thì khi có việc cần truyền máu hậu quả sẽ như thế nào. Tôi nghĩ người dân cũng muốn thử lại nhóm máu của mình trước khi được truyền máu. Tôi nghĩ nếu Ban soạn thảo muốn đưa nhóm máu vào thì cần quy định rõ trách nhiệm của ngành y tế, của ngành công an, nếu có sai sót xảy ra, vì sai sót các dữ liệu khác có thể điều chỉnh, nhưng khi phát hiện ra sai sót của nhóm máu thì hậu quả sẽ xảy ra là rất nghiêm trọng.

Tôi xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan