Đại biểu Triệu Thị Thu Phương tỉnh Bắc Kạn góp ý dự thảo Luật căn cước công dân tại kì họp thứ 7 của QH

Thứ Hai 14:16 01-12-2014

Triệu Thị Thu Phương - Bắc Kạn

Kính thưa chủ tọa phiên họp,

Kính thưa Quốc hội.

Qua nghiên cứu dự án luật, tôi xin có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, tôi băn khoăn về hai loại chứng minh thư, một thẻ căn cước lưu hành cùng lúc. Nếu dự thảo luật được thông qua đồng nghĩa với việc phát sinh mối quan hệ giữa các loại giấy tờ như thẻ căn cước, giấy chứng minh nhân dân 9 số đang sử dụng hiện tại, chứng minh nhân dân 12 số đang áp dụng thí điểm tại một số khu vực. Như vậy, thời gian tới trong thực tế sẽ tồn tại cả 3 loại giấy tờ trên. Theo đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính và giấy tờ công dân Bộ Công an đang triển khai, việc xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư làm kho số định danh cá nhân đã tốn trên 3.000 tỷ, dự kiến việc chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số sang 12 số, 12 số này trùng với số định danh cá nhân phải mất một thời gian dài, trong khi theo luật này đến năm 2020 lại hoàn thành việc cấp thẻ căn cước, việc này sẽ gây lãng phí lớn về kinh phí, thời gian và nguồn nhân lực.

Trên thực tế, chứng minh thứ 12 số hiện đang được làm theo công nghệ của nước ngoài, nhưng cũng là công nghệ cũ từ năm 1997, phôi thẻ mua đắt, vậy mà đầu tư xong lại chuyển sang làm thẻ căn cước thì rất lãng phí. Kinh nghiệm vừa qua cho thấy, việc chuyển từ chứng minh thứ 9 số sang 12 số cũng rất rắc rối, phức tạp thêm cho công dân khi phải cấp kèm giấy chứng nhận 2 số chứng minh mới và cũ đều là một  người, khi đó người dân tham gia các giao dịch phải trình đến 3 loại giấy, chứ không giảm được loại giấy tờ nào. Thẻ căn cước thay thế chứng minh thư về lâu dài có thể là đúng hướng, cần thiết nhưng cần có lộ trình phù hợp, vì hiện nhiều loại giấy tờ, thủ tục chưa bỏ được, chỉ trong ít năm mà chuyển hết từ chứng minh thư cũ sang chứng minh thư mới, rồi khi có thẻ căn cước lại thay thế cả hai loại giấy tờ này thì rất lãng phí. Tôi e rằng không cẩn thận vừa làm khó cho người quản lý, vừa làm khó cho người dân nếu luật được thông qua thì dự kiến 1/7/2015 từ thời điểm luật có hiệu lực, chứng minh thư nào hết hạn 15 năm sử dụng sẽ được thay thế bằng thẻ căn cước. Vì vậy, theo tôi trước khi triển khai thông qua dự án Luật căn cước công dân cần đánh giá tác động từ nhiều mặt, cả quản lý nhà nước tới điều kiện sinh hoạt của công dân. Cần đánh giá xã hội học, công tác tuyên truyền, giới thiệu, thậm chí có thử nghiệm để người dân hiểu đây là một dạng quản lý giao dịch hiện đại.

Thẻ căn cước ra đời mà chưa thay thế được các giấy tờ liên quan như chứng minh thư nhân dân, giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, sổ đỏ thì không những không đơn giản hóa mà còn làm phát sinh thêm thủ tục.

Vì vậy tôi cũng đồng tình với một số đại biểu đã phát biểu trước tôi nên lùi thời gian xem xét thông qua dự án luật này.

Thứ hai, góp ý đối với một số điều khoản cụ thể.

Một, tại Khoản 3, Điều 20 dự thảo luật quy định khi công dân xuất trình thẻ căn cước công dân theo yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền thì cơ quan người có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 điều này.

Mục đích của quy định này là khi công dân xuất trình thẻ căn cước, cán bộ, chức năng không được hạch sách, không được yêu cầu công dân cung cấp bất cứ giấy tờ nào khác. Quy định này để đảm bảo quyền, sự tiện lợi cho công dân, nhưng nếu trường hợp thông tin, ảnh không trùng khớp với người đứng ra giao dịch sau khi người này có những can thiệp làm thay đổi nhận dạng mà cũng không được yêu cầu căn cứ chứng minh nào khác thì quá khó với cơ quan quản lý, đó là không loại trừ trường hợp người này dùng nhờ, dùng trộm thẻ căn cước của người khác để giao dịch. Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét thêm vấn đề này.

Hai, tại Điều 18 dự thảo luật quy định nội dung về thẻ căn cước công dân, ngoài những nội dung quy định tại Khoản 1, Khoản 2 điều này tôi đề nghị bổ sung thông tin về nhóm máu vào điều luật này. Bởi lẽ không giống như những thông tin dự kiến thể hiện trên thẻ căn cước công dân như giới tính, đặc điểm nhận dạng, nhận diện đều có thể thay đổi không khó khăn. Khi cần, một người hoàn toàn có thể thêm hoặc bớt bất cứ đặc điểm cơ thể nào của bản thân khiến không thể nhận ra so với nhận dạng ban đầu thì thông tin về nhóm máu là không thể thay đổi trong suốt cả cuộc đời mỗi con người.

Quy định thông tin nhóm máu trong thể căn cước công dân không chỉ có ý nghĩa thuận lợi trong công tác quản lý, lữu trữ cho cơ quan quản lý nhà nước mà còn có ý nghĩa về xã hội và nhân đạo. Chẳng hạn việc cấp cứu trong trường hợp chẳng may bị tai nạn sẽ rất hữu dụng nếu người bị nạn có thông tin về nhóm máu. Các nước phát triển đều áp dụng quy định này, thông tin về nhóm máu trên thẻ căn cước theo đó cũng được sử dụng cho việc khám sức khỏe quân ngũ.

Vì vậy tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung thêm nhóm máu vào Điều 18 của dự luật này.

Ba, việc cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 15 tuổi, tôi đồng tình với phân tích và đề nghị của đại biểu Đặng Thị Kim Liên, đoàn Yến Bái và đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình, tôi xin không phân tích thêm. Tôi xin hết ý kiến, cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan