VCCI_Góp ý Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Thứ Hai 17:25 18-04-2022

Kính gửi: Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục

Trả lời Công văn số 666/UBVHGD15 ngày 05/4/2022 của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội về việc đề nghị góp ý Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có ý kiến như sau:

  1. Đầu tư trường quay hiện đại

Điều 5.2.i Dự thảo quy định Nhà nước thực hiện đầu tư xây dựng trường quay hiện đại. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, việc Nhà nước thực hiện đầu tư phim trường hiện đại cần cân nhắc đến nhu cầu thị trường và hiệu quả vận hành, cụ thể:

  • Về nhu cầu của thị trường: kinh phí sản xuất của các phim hiện giờ tương đối thấp, khó có thể chi trả chi phí thuê phim trường hiện đại – vốn có giá thuê cao. Việc này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác của phim trường, cả về nguồn thu và giá trị mang lại cho nền điện ảnh.[1]
  • Về hiệu quả vận hành: việc vận hành trường quay yêu cầu đội ngũ nhân lực tốt để vận hành các tài sản, máy móc cùng với khả năng quản trị, kinh doanh linh hoạt, tốt để mang thêm nguồn thu cho phim trường. Vì thế, từ kinh nghiệm của các lĩnh vực khác, khối doanh nghiệp tư nhân có nhiều ưu điểm hơn và hiệu quả hơn trong việc vận hành và hoạt động. Dù vậy, cũng cần nhìn nhận rằng các doanh nghiệp tư nhân khó có thể tự thực hiện đầu tư toàn bộ hệ thống phim trường hiện đại, đầy đủ do những khó khăn trong huy động vốn và nhu cầu của thị trường.[2]

Do vậy, đề nghị cân nhắc một cơ chế xây dựng và vận hành trường quay với sự tham gia của cả Nhà nước và doanh nghiệp, trong đó: (i) doanh nghiệp sẽ thực hiện trách nhiệm đầu tư xây dựng, vận hành trường quay; (ii) Nhà nước thực hiện hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp xây dựng một số hạng mục quan trọng[3] của trường quay [4]; (iii) Nhà nước có cơ chế hỗ trợ tài chính cho các đoàn làm phim sử dụng trường quay như chi trả một phần chi phí sử dụng trường quay; hỗ trợ phần thuế, phí liên quan đến chi phí sử dụng trường quay…

  1. Nội dung điện ảnh bị cấm

Điều 9.1 Dự thảo quy định các nội dung bị cấm trong hoạt động, trong đó có bí mật đời tư của cá nhân (khoản e); vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân (khoản g). Tuy vậy, quy định trên chưa phù hợp. Các nội dung bị cấm tại Điều 9 được coi là căn cứ để thẩm định phim, và do đó sẽ là nội dung bị cấm tuyệt đối. Trong khi đó, các nội dung nêu trên chỉ vi phạm lợi ích của các chủ thể tư, do vậy chỉ nên bị cấm nếu không được cá nhân, tổ chức đó đồng ý. Việc này được xử lý theo quy định pháp luật dân sự. Cụ thể, nếu cá nhân, tổ chức cho rằng nội dung đó xâm phạm đến quyền và lợi ích của mình có thể thực hiện bảo vệ quyền dân sự thông qua biện pháp tố tụng tại Toà án hoặc trọng tài.[5] Nếu có vi phạm, cơ quan có thẩm quyền có thể yêu cầu cơ sở điện ảnh không được phổ biến nội dung đó hoặc biện pháp khác.[6] Trường hợp cá nhân, tổ chức không phản đối thì những nội dung trên vẫn được phép sản xuất, phổ biến và phát hành. Do vậy, đề nghị cân nhắc bỏ quy định này và thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.

Tương tự, đề nghị bỏ quy định về sản xuất, phát hành, phổ biến và lưu trữ phim không tuân thủ các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ (Điều 9.2.d) để thực hiện theo các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ theo pháp luật sở hữu trí tuệ.[7]

  1. Dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài

Điều 13.2 Dự thảo quy định việc cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài phải thực hiện cấp phép. Quy định này cần xem xét ở các điểm sau:

  • Nội dung cấp phép: kịch bản phim không vi phạm các nội dung bị cấm tại Điều 9. Quy định này được suy đoán là nhằm tránh các nội dung xuyên tạc lịch sử, tư tưởng Việt Nam.[8] Tuy nhiên, quy định này là chưa phù hợp vì nội dung bị cấm tương đối rộng và phạm vi kiểm soát trên nhiều vấn đề khác liên quan đến thể hiện nghệ thuật. Các quy định cấm như thế có thể phù hợp với phim chiếu tại Việt Nam. Tuy nhiên không phù hợp với các nhà làm phim nước ngoài, vốn có quan điểm sáng tạo riêng và được chấp nhận ở nước đó. Do vậy, đề nghị sửa đổi phạm vi kiểm soát nội dung phim chỉ giới hạn trong các nội dung về lịch sử, tư tưởng.
  • Hồ sơ cấp phép: Dự thảo yêu cầu hồ sơ cấp phép phải có kịch bản phim. Việc yêu cầu toàn bộ kịch bản phim bằng Tiếng Việt (Phương án 2) sẽ tạo ra tâm lý lo ngại cho đoàn làm phim nước ngoài, có thể ảnh hưởng đến việc thu hút các phim nước ngoài đến quay tại Việt Nam. Do vậy, đề nghị không cân nhắc, đề xuất phương án 2.
  • Quy định về cấp phép với dịch vụ quay phim sử dụng bối cảnh Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài: Như đã trình bày tại Công văn 0226/PTM-PC ngày 01/3/2022 của VCCI, việc cấp phép với dịch vụ này, trong đó trọng điểm liên quan đến việc kiểm duyệt kịch bản phim, sẽ tạo ra sự lo ngại của đoàn làm phim nước ngoài khi lựa chọn Việt Nam làm địa điểm quay, từ đó ảnh hưởng đến chính sách quảng bá và thu hút du lịch qua điện ảnh. Vì vậy, đề nghị bổ sung phương án 3: không yêu cầu cấp phép để Quốc hội cân nhắc, quyết định.
  1. Giấy phép phân loại phim

So với phiên bản trước, Dự thảo vẫn giữ nguyên phần lớn các quy định liên quan đến Giấy phép phân loại phim. Các vấn đề liên quan đã được trình bày đầy đủ tại Công văn 0226/PTM-PC ngày 01/3/2022 của VCCI gửi đến Quý Cơ quan. Đề nghị Quý Cơ quan tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc.

  1. Điều chỉnh nội dung phim

Điều 27.4.b quy định về việc điều chỉnh nội dung. Theo lý giải, việc điều chỉnh nội dung phim áp dụng với các nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục, truyền thông văn hoá của Việt Nam. Tuy nhiên, việc điều chỉnh nội dung có ảnh hưởng đến mạch phim, ý tưởng và hàm ý nghệ thuật của nhà làm phim. Do vậy, đề nghị bổ sung quy định cụ thể cơ chế điều chỉnh nội dung, chẳng hạn cơ quan nhà nước có trách nhiệm liệt kê các nội dung phim cần điều chỉnh, kèm giải thích chi tiết về loại vi phạm để doanh nghiệp biết và thực hiện điều chỉnh cho phù hợp.

  1. Trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông với phim phổ biến trên không gian mạng

Điều 21.3 Dự thảo quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp mạng viễn thông trong việc ngăn chặn phim vi phạm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, các doanh nghiệp viễn thông (hạ tầng mạng) chỉ có thể ngăn chặn việc truy cập với dịch vụ, ứng dụng của doanh nghiệp có hành vi vi phạm, chứ không có khả năng ngăn chặn, gỡ bỏ cụ thể một phim cụ thể trên dịch vụ, ứng dụng. Do vậy, đề nghị sửa đổi lại nội dung này cho phù hợp.

  1. Chính sách ưu đãi với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam

Điều 41 Dự thảo quy định về các chính sách ưu đãi với tổ chức nước ngoài sử dụng bối cảnh quay tại Việt Nam. Quy định này là cần thiết nhằm thu hút các phim nước ngoài sử dụng các địa điểm của Việt Nam làm cảnh quay. Lợi ích quan trọng của việc này không nằm ở số tiền mà Nhà nước có thể thu được từ các nhà làm phim nước ngoài khi sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, mà là các địa điểm của Việt Nam xuất hiện trên các phim nước ngoài. Việc này sẽ kéo theo các hoạt động du lịch dựa theo phim ảnh và quảng bá hình ảnh du lịch của Việt Nam đến thế giới, từ đó thúc đẩy ngành công nghiệp du lịch của nước ta. Vì vậy, đề nghị giữ chính sách này tại Dự thảo. 

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Rất mong cơ quan cân nhắc trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.

[1] Chẳng hạn, phim trường của Hãng phim Giải Phóng được đầu tư 100 tỷ đồng nhưng trong giai đoạn 2015 – 2021 chỉ làm 2 phim điện ảnh. https://thanhnien.vn/se-dau-tu-co-loa-thanh-phim-truong-quoc-te-post1102507.html

[2] https://www.nguoiduatin.vn/tim-loi-thoat-tu-truong-quay-tu-nhan-a58980.html

[3] Chẳng hạn, các không gian phục dựng bối cảnh lịch sử như Hoàng Thành Thăng Long, đường Trường Sơn trong kháng chiến…

[4] Như vậy, thay vì thực hiện đầu tư toàn bộ trường quay, Nhà nước đóng vai trò như một nhà đầu tư tài chính cho doanh nghiệp. Việc thực hiện xây dựng và vận hành do doanh nghiệp chịu trách nhiệm.

[5] Điều 14 Bộ luật Dân sự 2015

[6] Điều 11 Bộ luật Dân sự 2015

[7] Phần Năm Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

[8] https://vov.vn/van-hoa/san-khau-dien-anh/cuc-truong-cuc-dien-anh-khong-de-tao-luong-xanh-cho-phim-viet-ra-nuoc-ngoai-896609.vov

Các văn bản liên quan