Đại biểu Nguyễn Ngọc Phượng tỉnh Quảng Bình góp ý dự thảo Luật căn cước công dân tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu bùi Mạnh Hùng tỉnh Bình Phước góp ý dự thảo Luật căn cước công dân tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa TP Hồ Chí Minh góp ý dự thảo Luật căn cước công dân tại kì họp thứ 7 của QH
Trương Trọng Nghĩa - TP Hồ Chí Minh
Kính thưa Quốc hội,
Trong phát biểu của tôi có 2 phần, tôi xin phép dành mấy phút để nói một phần có liên quan:
Thứ nhất, kỳ họp này khai mạc thì đồng bào cả nước vô cùng mong mỏi trước hành vi của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, Quốc hội Việt Nam, nhân dân Việt Nam phải có một cái nghị quyết trong đó tuyên bố với nhân dân Trung Quốc và nhân dân thế giới về lập trường chính nghĩa của mình lên án hành vi sai trái của Trung Quốc và vạch trần âm mưu vừa đấm, vừa xoa, vừa đánh, vừa đàm, vừa ăn cướp, vừa la làng của Trung Quốc. Đồng thời nghị quyết cho các cơ quan nhà nước Việt Nam, các lực lượng vũ trang Việt Nam tiến hành các biện pháp bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta. Trong đó có biện pháp khởi kiện Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa bằng vũ lực ra các tổ chức tài phán quốc tế.
Nếu Quốc hội lần này không có tuyên bố hay nghị quyết chính thức gì cả về biển Đông tôi tin rằng nhân dân ta sẽ rất thất vọng, thậm chí hoang mang. Các đại biểu Quốc hội chắc chắn sẽ nghẹn lời trước những ý kiến chất vấn của cử tri. Còn dư luận thế giới thì chắc chắn sẽ bình luận rằng hành vi xâm phạm và đe dọa chủ quyền của Việt Nam trắng trợn đến thế mà Quốc hội nước này lại không có phản ứng chính thức gì thì việc gì các nghị sĩ và nhân dân các nước khác phải lên tiếng. Đây có thể mà một cái cớ để phía Trung Quốc tiến hành những việc làm hiếu chiến và nguy hiểm hơn nữa. Tôi mong được lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước xem xét chấp thuận kiến nghị này, nếu cần xin lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội, nếu đa số ủng hộ thì ta làm. Tôi rất mong các đại biểu Quốc hội chia sẻ sự băn khoăn và ủng hộ kiến nghị của tôi. Tôi xin lỗi vì phải trình bày điều này trong phiên họp này, vì trong chương trình còn lại thì không có mục nào dành cho Biển Đông cả.
Về Luật căn cước, Luật căn cước là một trong những luật sau khi ban hành sẽ tác động xáo trộn rất lớn đối với đời sống của hàng chục triệu người dân. Tác động này là tức thời và lâu dài, có những câu hỏi mà dự thảo này chưa trả lời được vì nó thuộc về những tác động đó, chưa nói đến tính hợp hiến, hợp pháp là yêu cầu bắt buộc của mọi dự án luật. Có mấy câu hỏi quan trọng khi ban hành một đạo luật: Một là sự cần thiết. Hai là tính khả thi. Ba là hiệu quả chính trị, kinh tế, xã hội.
Về sự cần thiết, tôi công nhận có sự cần thiết tích hợp thông tin nhất thể hóa căn cước, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng chưa chứng minh được sự cần thiết của thẻ căn cước này. Điều này có nghĩa thẻ căn cước này khi lập ra thì nó giải quyết được những vấn đề tích hợp thông tin nhất thể hóa căn cước và đơn giản hóa thủ tục hành chính, chưa kể là tính cấp bách của nó liệu có cấp bách đến mức như vậy không?
Về tính khả thi thì rất đáng nghi ngờ cả về tài chính, kỹ thuật, quy trình và công nghệ. Bao lâu thì làm xong, việc đồng bộ và hợp nhất với những giấy tờ chứng minh khác như thế nào, tốn kém bao nhiêu? Đặc biệt hiệu quả chính trị, kinh tế, xã hội lại càng mờ mịt. Trước mắt, tác động tiêu cực đối với đời sống nhân dân, đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và tính an toàn pháp lý có thể thấy trước. Phải chăng chúng ta đang phê duyệt cho việc đập bỏ nhà cũ, xây nhà mới mà không biết được thiết kế ra sao, tiền ở đâu, có năng lực thi công không và nhà mới thì có tốt hơn nhà cũ hay không? Do đó, tôi đề nghị Quốc hội trước hết giám sát tình hình hiện trạng quản lý dân cư hiện nay từ hộ khẩu, chứng minh nhân dân 9 số, chứng minh nhân dân 12 số để có cơ sở thực tế đánh giá dự án luật. Đại biểu Quốc hội phải được tiếp xúc với đề án triển khai, trong đó có những thông tin, thông số cần thiết, trước khi chúng ta thảo luận tiếp và thông qua luật này. Tôi xin cảm ơn Quốc hội.