Đại biểu Đặng Thị Kim Liên tỉnh Yên Bái góp ý dự thảo Luật căn cước công dân tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa TP Hồ Chí Minh góp ý dự thảo Luật căn cước công dân tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phượng tỉnh Quảng Bình góp ý dự thảo Luật căn cước công dân tại kì họp thứ 7 của QH
Nguyễn Ngọc Phương - Quảng Bình
Kính thưa Chủ tọa phiên họp,
Kính thưa Quốc hội,
Tôi đồng tình với việc sửa đổi Luật căn cước và đặc biệt làm thế nào hướng tới người công dân không phải mang trong mình nhiều giấy tờ và nhiều thẻ khác nhau. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện, tôi xin có những đóng góp ý kiến như sau:
Thứ nhất, tôi đề nghị Đoàn thư ký trong tổng hợp không nên ghi: Việc thay đổi căn cước và chứng minh có 3 ý kiến. Việc thay đổi về cơ cấu có 2 ý kiến. Tổng hợp như thế không đúng đích thực, Quốc hội có 499 đại biểu, có 20 đại biểu phát biểu, trong lúc đó số còn lại cũng có ý kiến đồng tình, nhưng chưa được phát biểu và 20 ý kiến phát biểu, những người phát biểu trước trùng thì người sau không thể nói lại. Mình chỉ tổng hợp có 3 ý kiến đồng tình, như vậy không đúng, chỉ đúng với việc anh phát phiếu thăm dò cho Quốc hội và tổng hợp thì khi đó mới đúng giá trị đích thực. Cho nên không những luật này và các luật khác Đoàn thư ký vẫn phải thay đổi cách tổng hợp ý kiến.
Thứ hai, tôi không đồng tình với việc thay đổi tên gọi chứng minh nhân dân thành căn cước nhân dân. Quốc hội bấm nút đồng tình để thông qua thì rất đơn giản, nhưng hệ lụy kéo theo rất phức tạp. Ví dụ, tất cả các bộ, ban, ngành phải thay đổi toàn bộ hồ sơ, lý lịch và những giấy tờ chúng ta đã in sẵn để thay từ chứng minh nhân dân thành căn cước nhân dân thì bao nhiêu là tốn kém. Chưa nói đến là các văn bản giấy tờ rồi đây trong lưu trữ lẫn lộn, trùng lắp, có hồ sơ thì chứng minh nhân dân, có hồ sơ thì căn cước nhân dân, rất phức tạp cho hồ sơ lý lịch trong quá trình quản lý. Trong lúc đó bản chất của căn cước nhân dân và chứng minh nhân dân không có gì thay đổi thì tội gì phải thay đổi tên gọi, nếu bản chất thay đổi thì mới thay đổi tên gọi, còn bản chất không thay đổi thì tên gọi giữ nguyên.
Thứ ba, tôi không đồng tình với việc cấp căn cước cho công dân dưới 15 tuổi, bởi những lý do như ý kiến của đại biểu Đặng Kim Liên, đoàn Yên Bái và Đỗ Ngọc Niên, đoàn Ninh Thuận, tôi phân tích thêm như sau:
Thứ nhất, trong bản thân luật đã có sự mâu thuẫn, về giải thích từ ngữ căn cước công dân là các thông tin cơ bản về gốc tích, đặc điểm nhân dạng của công dân theo quy định của luật để nhận dạng một con người hoặc phân biệt người này với người khác. Điểm b, Điều 10 quy định thông tin, tài liệu xác nhận phải có ảnh chân dung. Điểm b, Điều 11 thông tin tài liệu thu thập phải có đặc điểm về nhân dạng và vân tay. Trong lúc đó các Điều 18 người dưới 15 tuổi không in ảnh, vân tay và ghi đặc điểm nhân dạng người đó lên thẻ. Như vậy là Điều 18 mâu thuẫn với 3 điểm trên. Một thực tế là dưới 15 tuổi thì không thể ổn định về nhân dạng, đặc điểm, chân dung được.
Điểm thứ hai, tôi thấy việc cấp thẻ căn cước cho công dân dưới 15 tuổi không phù hợp và gây phiền hà với những vấn đề sau:
Điều 21 quy định thủ tục cấp thẻ người đến làm thủ tục cấp thẻ căn cước phải xuất trình giấy tờ, viết tờ khai, phải có người đại diện hợp pháp. Điều đó có nghĩa là anh vừa sinh ra phải đến để khai thì phức tạp hơn chuyện sinh ra đứa trẻ ở nhà và bố hoặc mẹ đi khai sinh, nó đơn giản thủ tục rất nhiều.
Một điểm nữa là có thẻ thì phải giữ thẻ, 15 năm thẻ này gần như phải cất, nếu mất thì phải đi làm lại thì rất phiền hà. Việc làm thẻ căn cước cho trẻ dưới 15 sẽ tăng thêm biên chế, tăng thêm kỹ thuật về công nghệ, về phương tiện phục vụ trong khi đó công an hiện nay có rất nhiều việc phải làm. Nó cũng không phù hợp với yêu cầu tinh giảm biên chế hiện nay. Đặc biệt giá của thẻ căn cước này sẽ đắt hơn giấy khai sinh rất nhiều, trong lúc mình cũng chưa nhất thiết sử dụng thẻ căn cước này thành giấy tờ tùy thân cho đối tượng các em dưới 15 tuổi, không cần giấy tờ tùy thân vì nó phải đi theo bố mẹ, lệ thuộc bố mẹ v.v... đấy là những điểm tôi thấy không nhất thiết. Điều khẳng định cuối cùng là thẻ căn cước này không thể thay giấy khai sinh. Giấy khai sinh là mọi người sinh ra đều có quyền còn thẻ căn cước chỉ cấp cho công dân.
Một điểm nữa tôi đề nghị cần phải cân nhắc và giải quyết những mâu thuẫn hiện nay giữa Luật hộ tịch với Luật căn cước. Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội cần phải cân nhắc, làm rõ, phải giải quyết mâu thuẫn hiện nay đặc biệt giữa hộ tịch, giữa căn cước và giấy khai sinh. Tôi đề nghị mở rộng việc sử dụng để giảm bớt một số giấy tờ hiện nay, làm thế nào đó thẻ căn cước này thay thế được, người ta không phải sử dụng nhiều giấy tờ cho bản thân mình. Xin cảm ơn Quốc hội. Xin hết ý kiến.