Đại biểu Phạm Trọng Nhân tỉnh Bình Dương góp ý dự thảo Luật căn cước công dân tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Đặng Thị Kim Liên tỉnh Yên Bái góp ý dự thảo Luật căn cước công dân tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn tỉnh Bình Thuận góp ý dự thảo Luật căn cước công dân tại kì họp thứ 7 của QH
Đỗ Ngọc Niễn - Bình Thuận
Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,
Kính thưa Quốc hội,
Qua nghiên cứu Tờ trình của Chính phủ dự án luật và các tài liệu có liên quan, tôi xin được trình bày quan điểm của mình với những vấn đề cụ thể sau đây:
Tôi nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật căn cước công dân và đánh giá rất cao về sự phát triển tiến bộ này. Việc ban hành Luật căn cước công dân theo tôi là một bước tiến hết sức quan trọng trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới các nước đã làm, tôi tin Việt Nam của chúng ta cũng sẽ làm được. Tuy nhiên qua nghiên cứu tôi thấy có nhiều vấn đề hết sức quan trọng và cũng rất mới trong đời sống pháp luật của Việt Nam cần phải được quan tâm làm rõ, đó là:
Thứ nhất, về số định danh cá nhân, được hiểu là mã số công dân được cấp cho mỗi công nhân từ lúc mới sinh ra cho đến khi mất đi, nó là chìa khóa để tiếp cận các thông tin riêng biệt về một con người không ai giống ai. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn mã số với 12 con số tự nhiên như dự án luật. Đề nghị trong khoảng vài thế kỷ nữa mới có sự trùng lắp giữa người này và người khác. Vấn đề mới và hết sức quan trọng như vậy, nhưng trong dự án luật không có một điều, một khoản nào quy định về vấn đề này, trừ phần giải thích từ ngữ, không có những quy định cụ thể thì không thể biết được về giá trị pháp lý, phương thức xác lập số định danh cá nhân như thế nào, nội hàm gồm những vấn đề gì, thủ tục, thẩm quyền cấp quản lý, sử dụng ra sao, biện pháp nào để bảo mật thông tin cá nhân, cơ sở khoa học nào để biết tính khả thi của nó. Do vậy, tôi đề nghị trong luật cần phải xây dựng một điều hoặc một mục riêng về số định danh cá nhân.
Vấn đề nữa yêu cầu phải hoàn thiện việc cấp số định danh cá nhân trước khi ban hành luật để thuận tiện cho việc cấp thể căn cước công dân.
Thứ hai, về cơ sở dữ liệu căn cước công dân được xác định là một bộ phận dữ liệu chuyên ngành của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nó được xác lập từ 2 nguồn, từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và từ công dân trực tiếp khi khai báo đến làm thể căn cước công dân ghi tại Khoản 1, Điều 9. Xác định như vậy theo tôi có vấn đề gì đó chưa ổn, công tác chuẩn bị chưa thật sẵn sàng, cập nhật từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có nghĩa là lấy cái có trước, cái có sẵn cập nhật khi công dân đến làm thẻ căn cước công dân, lấy cái có sau, cái mới, như vậy có thể sẽ có những thông tin sai lệch, không thống nhất với nhau giữa 2 nguồn cung cấp thông tin. Vậy thì đâu được xác định là nguồn chính xác để làm căn cước, giải quyết mâu thuẫn này ra sao. Đề nghị cần phải được làm rõ, giải pháp tốt nhất theo tôi đẩy nhanh hơn nữa quá trình xây dựng để hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trước khi ban hành luật này.
Thứ ba, về giá trị sử dụng thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng nhận về căn cước, số định danh cá nhân, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc, quê quán, nơi đăng ký thường trú, quốc tịch Việt Nam của người được cấp thẻ trong các giao dịch có liên quan trên lãnh thổ của Việt Nam. Quy định như vậy rất tiến bộ, khoa học, giúp cho công dân thuận tiện trong các giao dịch mà không cần phải có chứng minh, nhiều loại giấy tờ kèm theo. Tuy nhiên, so với Báo cáo đánh giá của Chính phủ thì còn thiếu một loại giấy tờ quan trọng khác, không thể thiếu được của độ tuổi học sinh hiện nay. Đó là giấy khai sinh, liệu thẻ căn cước công dân có thể thay thế giấy khai sinh được không. Tính khả thi của vấn đề này đến đâu.
Thứ tư, về cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 15 tuổi ngay từ khi mới sinh. Theo Báo cáo của Chính phủ có 2 phương án về cấp thẻ căn cước công dân.
Một là cấp cho người đủ 14 tuổi trở lên như quy định hiện hành.
Hai là cấp cho người dưới 15 tuổi ngay từ khi mới sinh ra. Chính phủ chọn phương án 2 với lý do là nhà nước quản lý được người dưới 15 tuổi, quản lý được thông tin về căn cước của tất cả các công dân. Đồng thời hỗ trợ hiệu quả trong việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách và quản lý phân bổ dân cư. Công dân không phải mất nhiều thời gian, công sức để đi xin xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền về căn cước của mình khi thực hiện các giao dịch. Lý do như vậy theo tôi là tích cực. Tuy nhiên, tôi thấy vấn đề này cần phải được thảo luận để làm rõ hơn, tính toán hợp lý hơn.
Xét từ thực tế người dưới 15 tuổi có những giao dịch nào, cần loại giấy tờ gì, nhiều hay ít. Tôi nhận thấy quan hệ giao dịch người dưới 15 tuổi không tự giao dịch được mà cần nhờ đến vai trò của người giám hộ. Người ở độ tuổi dưới 15 chủ yếu là đi học, một số do điều kiện nào đó mà ở nhà giúp việc nhà, một số ít tham gia lao động theo Luật lao động cho phép, những trường hợp như vậy không phải là nhiều. Loại giấy tờ cần thiết nhất ở độ tuổi này là giấy khai sinh, hiện nay thẻ căn cước công dân chưa quy định được, vậy cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 15 tuổi để làm gì, nhất là đối với trẻ sơ sinh và các cháu ở bậc mẫu giáo, bậc tiểu học.
Có hợp lý hay không khi chúng ta bỏ ra một số tiền không hề nhỏ làm khoảng trên 21 triệu thẻ căn cước công dân cho người dưới 15 tuổi, chiếm 24% dân số để cất giữ, không quan hệ giao dịch gì phổ biến. Mặt khác, chúng ta đã có chương trình kế hoạch, hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách quản lý về công dân và phân phối dân cư, nếu có bất cập hoặc chưa làm tốt thì chúng ta chấn chỉnh để thực hiện được tốt hơn, để không nhất thiết vì lý do này mà đề nghị phương án này. Cái mới, cái tiến bộ, chúng ta hoan nghênh và ủng hộ nhiệt tình nhưng sự hợp lý, việc tiết kiệm, sự lãng phí cũng cần phải được tính. Tôi đề nghị nên xem xét lại việc cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 18 tuổi ngay khi mới sinh, chỉ cấp thẻ căn cước công dân cho người đủ 14 tuổi trở lên như quy định hiện hành.
Thứ năm, về những vấn đề cụ thể. Nội dung thẻ căn cước công dân được quy định tại Điều 18 là cần thiết. Tuy nhiên, còn có một số vấn đề cần lưu ý như sau:
Một là thông tin trên mặt trước thẻ căn cước công dân Khoản 1, Điều 18 ghi "họ và tên khai sinh, họ và tên khác nhau" không thống nhất với Điểm c, Khoản 1, Điểu 10 ghi "họ và tên".
Hai là tại Điểm n, Khoản 1, Điều 10 ghi "nơi đăng ký thường trú" không thống nhất với Khoản 1, Điều 18 "nơi thường trú" đề nghị cần có sự thống nhất giữa các điều khoản vừa nêu.
Ba là tại Khoản 2, Điều 18 quy định thẻ căn cước công dân có yêu cầu in dấu vân tay, đề nghị cần có quy định riêng để áp dụng lên các trường hợp khuyết tật về bàn tay, dấu vân tay khi làm thủ tục in dấu vân tay. Xin cảm ơn Quốc hội