Đại biểu Nguyễn Quốc Bình TP Hà Nội góp ý dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Trương Văn Vở tỉnh Đồng Nai góp ý dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Trần Du Lịch TP Hồ Chí Minh góp ý dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Trần Du Lịch - TP Hồ Chí Minh
Kính thưa Chủ tọa,
Kính thưa Quốc hội.
Tôi xin tham gia 5 ý sau đây:
Trước hết tôi rất hoan nghênh Ban soạn thảo nỗ lực để sửa đổi Luật nhà ở hiện hành. Luật nhà ở hiện hành bất cập kể từ khi lệnh ban hành đưa ra thực tế. Tôi ví dụ một điều khoản về nhà ở xã hội. Đột phá của Luật nhà ở là xây dựng phát triển nhà ở xã hội, nhưng khi đưa luật vào thành phố Hồ Chí Minh thì quy định nhà xã hội 6 tầng, không có thang máy và bằng vốn nhà nước, không tính tiền đất. Một nhà đầu tư bảo rằng nhà nước muốn 6 tầng, tôi xây 15 tầng, tặng không nhà nước 6 tầng để làm nhà xã hội, tôi làm thang máy cho người ta đi, nhưng như vậy không phải là nhà ở xã hội, nhà ở xã hội phải là nhà hơi lôm côm một chút, còn nhà thương mại thì mới đàng hoàng. Cách đặt vấn đề như vậy là sai.
Bất cập thứ hai là chúng ta tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhưng sau 8 năm thực thi nhà ở xã hội không phát triển, nhưng thị trường nhà ở lại phát triển méo mó, vừa thừa vừa thiếu. Nhà thương mại gọi là nhà cao cấp thì phát triển ồ ạt, còn nhà phổ thông phù hợp với sức mua của dân thì không có. Tôi đánh giá luật hiện hành khác với một số đại biểu là tác dụng rất hạn chế, không đóng góp vai trò to lớn gì cả, tôi xin nói rõ như vậy. Vì vậy, lần này sửa tập trung cái gì.
Thứ nhất về quan điểm, tập trung của luật này là vấn đề chính sách phát triển nhà ở, vì trong tương lai quá trình đô thị hóa vấn đề nhà ở là vấn đề rất lớn và thực hiện quyền nhà ở theo Hiến pháp cho người dân. Chúng ta thống nhất quan điểm cái gì của thị trường để thị trường làm, nhà nước tập trung phát triển nhà ở ở phần của nhà nước, chúng ta không ôm tất cả vấn đề của thị trường vào đây. Quan điểm là nhà nước làm sao mọi người dân có chỗ ở chứ nhà nước không khuyến khích, không làm những động tác mà mọi người sở hữu chỗ ở, nhà ở, hai vấn đề khác nhau. Nếu chúng ta đặt quan điểm như vậy thì chúng ta phát triển nhà ở xã hội theo hướng khác, không có kiểu như hiện nay gói 30 ngàn tỷ đồng là đối tượng không đúng. Chúng ta muốn những người làm không đủ ăn vẫn sở hữu nhà ở là quan điểm không đúng. Chúng ta phải thay quan điểm để phát triển.
Vấn đề thứ hai, luật này tôi cảm thấy rằng nỗ lực của Ban soạn thảo dường như chúng ta không có luật nào khác, gom tất cả vào đây, những vấn đề liên quan đến sở hữu nhà ở, nếu xét phương diện gọi là thuộc tính tự nhiên là công trình xây dựng thì cái gì Luật xây dựng quy định liên quan công trình xây dựng để Luật xây dựng quy định. Nhà ở với tư cách pháp lý là bất động sản, cái gì Bộ luật dân sự quy định liên quan xác lập sở hữu chuyển dịch bất động sản thì Bộ luật dân sự chế định, lúc này không có vào đây. Như vậy, luật này tập trung chính sách phát triển nhà ở và vấn đề quản lý nhà ở.
Về quản lý nhà ở có 3 phần:
Một là chức năng của chính quyền làm gì.
Hai là chức năng của cộng đồng. Tôi cho rằng chức năng cộng đồng mới quan trọng trong vấn đề quản lý chung cư, các khu dân cư.
Ba là trách nhiệm cá nhân.
Vấn đề quản lý chế định theo 3 trình tự như vậy. Còn phần nhà nước thì chính sách cái gì, chúng ta đặt vấn đề chia phân loại nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, công vụ, tái định cư. Tôi cho rằng mọi nhà ở trong vấn đề xây dựng phải tính đúng, tính đủ theo thị trường. Khác nhau nhà ở công vụ và nhà ở xã hội là nhà nước bỏ tiền ra để bù vào đó và cái đó phải được cân đối bằng ngân sách, không có chuyện miếng đất này không tính tiền, bỏ ngân sách xây rồi sử dụng. Ta tính tất cả để thấy rằng ngân sách sẽ dùng bao nhiêu cho công trình này và được cân đối. Tôi đề nghị cách tiếp cận là như vậy, còn lại thị trường là để thị trường.
Vấn đề thứ ba, chúng ta phát triển đưa các loại nhà công vụ v.v... Tôi đề nghị đây là hướng cần nhưng không nên phát triển tràn lan và phải tính bằng ngân sách được cân đối một cách đơn hòa để thấy rằng nhà nước đã lấy tiền thuế của dân bù vào đây cỡ nào, nghĩa vụ của những người sử dụng, anh sử dụng không trả thì như thế nào, một cách chặt chẽ về nhà công vụ.
Về nhà ở xã hội, tôi đề nghị tập trung chính sách để phát triển nhà cho thuê đối với tất cả đối tượng mà không ưu tiên vấn đề bán ở đây, bán là theo thị trường. Riêng về nhà ở thương mại, tôi đề nghị tập trung chính sách phát triển loại nhà phổ thông. Tôi nói nôm na ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội loại căn hộ 1-1,5 tỷ, ở các tỉnh 500-600 triệu đồng để phù hợp sức mua thị trường. Đây là vấn đề mà hiện nay chúng ta thiếu chính sách.
Về vấn đề tiếp theo, vấn đề tài chính nhà ở. Tôi đề nghị chương này quy định từ Điều 66 đến 72, tôi thấy chương này quy định không phải vậy. Ở đây có ba việc phải quy định:
Thứ nhất là đối với nhà công vụ, nhà xã hội, nhà nước dùng ngân sách gì, ngân sách của ai, trung ương hay địa phương? Về chính sách nhà ở, cơ bản là chính quyền địa phương. Trung ương chỉ thực hiện chính sách nhà ở tức là chương trình quốc gia nhà ở thôi. Còn nhà ở là chính quyền địa phương là chính, tạo quỹ để phát triển.
Thứ hai là vấn đề góp vốn. Tôi đề nghị phải quy định chặt chẽ. Tiền người ta góp vào xây dựng nhà là bắt buộc không được làm mục đích khác và ngân hàng phải chịu trách nhiệm, nếu anh làm sai anh phạm tội hình sự, một cách chặt chẽ, không có chuyện lấy tiền góp xây nhà đi mua đất.
Cuối cùng, về quỹ phát triển nhà ở, tôi đề nghị đưa tất cả tiền xổ số kiến thiết vào quỹ phát triển nhà ở. Đây là phát triển dân cư, không đưa cân đối đầu tư nói chung và khuyến khích các địa phương làm việc này. Đó là về vấn đề lập quỹ.
Điểm cuối cùng tôi hoàn toàn ủng hộ, từ Điều 57 đến 60 về vấn đề người nước ngoài. Đây là vấn đề giải quyết tương đối đồng bộ chứ không phải vì chúng ta thừa nhà mà kêu nước ngoài bán và ủng hộ chỉ bán trong 50 năm theo quy định này, chứ không phải sở hữu có thời hạn.
Điểm cuối cùng, với cách tiếp cận như vậy, luật này quá rườm rà, không toát lên cái gì cả. Tôi đề nghị tiếp cận lại vấn đề, 179 điều này gọn lại khoảng 100 điều và cái gì luật khác quy định rồi thì không quy định nữa. Phải minh bạch và rõ ràng ra, đọc luật phải toát lên là chính sách phát triển nhà ở dài hạn của Việt Nam là gì, quy định như thế này là không rõ ràng. Xin cảm ơn Quốc hội.