Đại biểu Trương Văn Vở tỉnh Đồng Nai góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH

Thứ Tư 16:15 26-11-2014

Trương Văn Vở - Đồng Nai

Kính thưa Quốc hội,

Tôi đánh giá cao Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Ban soạn thảo dự án luật đã nghiêm túc xem xét, hoàn chỉnh dự án luật trình tại kỳ họp. Phải nói là dự án này thể hiện tính quyết liệt đối với việc chấn chỉnh đầu tư công. Tuy nhiên, để góp phần hoàn thiện dự án luật thông qua tại kỳ họp này, trước hết tôi đề nghị Quốc hội quan tâm, xem xét, thống nhất yêu cầu chung của dự án luật là phải tạo bước đột phá về thể chế, tác động mạnh mẽ đến quá trình tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu nền kinh tế đất nước, phải gắn kết với hệ thống pháp luật có liên quan, nhất là Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt phải phân định rõ về thẩm quyền gắn với trách nhiệm cá nhân ở các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương để nhằm khắc phục có hiệu quả những yếu kém, hạn chế trong quản lý nhà nước về đầu tư công hiện nay, từ chủ trương đến chuẩn bị đầu tư, phân bổ nguồn lực, hạn chế đến mức thấp nhất tiêu cực, tham nhũng, lãng phí vốn đầu tư công.

Về nội dung cụ thể, tôi đề nghị Quốc hội quan tâm các vấn đề sau:

Một, vấn đề quan trọng hàng đầu để chấn chỉnh đầu tư công là cần làm rõ khái niệm về hiệu quả đầu tư công. Tôi cho rằng đây chính là cơ sở để đánh giá, xác định trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện đầu tư công nhằm tránh lãng phí do công trình không đồng bộ, kéo dài và giải đáp được thực tiễn hiện nay đặt ra là hiệu quả đầu tư chưa tính đến tác động toàn diện về kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường. Tôi dẫn chứng như trường hợp thủy điện 3 năm đại biểu Quốc hội giám sát, 3 năm mới ra nghị quyết được, xung quanh đánh giá hiệu quả đối với thủy điện Đồng Nai 6, 6A, đây là căn cứ không thể thiếu khi quyết định chủ trương đầu tư, hơn nữa tôi cho rằng đây là yếu tố thúc đẩy nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong đầu tư công.

Hai, về nguyên tắc quản lý đầu tư công, tôi đồng tình với nguyên tắc quan trọng là căn cứ vào quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, chiến lược kinh tế - xã hội, nhưng cần quan tâm quy định đậm nét thêm một nguyên tắc là phải căn cứ vào quy hoạch vùng kinh tế. Đây là cơ sở để phân bổ nguồn lực đầu tư có hiệu quả, khắc phục tình trạng dàn trải, thiếu trọng điểm, loại bỏ cơ chế xin - cho, làm phân tán nguồn lực. Theo đó tôi đề nghị cần bổ sung nguyên tắc phải coi trọng yếu tố quy hoạch vùng, nhất là dự án đầu tư công thuộc thẩm quyền của Quốc hội, của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương quyết định chủ trương, chương trình, dự án và giao kế hoạch đầu tư công trong trung hạn.

Ba, cần thể hiện rõ tính gắn kết, nhất quán giữa thẩm quyền với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu bộ, ngành Trung ương và địa phương, giữa Chương II và Chương V, để nhẳm kịp thời chấn chỉnh xử lý vi phạm khi quyết định chủ trương, chương trình dự án đầu tư công sai, không cân đối được nguồn vốn, gây thất thoát lãng phí mà mỗi kỳ họp đại biểu Quốc hội đều quan tâm. Nói đến đầu tư xây dựng là nói đến dàn trải, lãng phí và không cân đối được nguồn vốn vẫn bố trí kế hoạch đầu tư, nói hoài, kỳ nào cũng nói.

Đồng thời cần thể hiện đậm nét tính thống nhất về chế tài xử lý vi phạm trách nhiệm cá nhân liên quan đến tư vấn thiết kế, liên quan đến thẩm định phê duyệt chương trình dự án và thẩm định kế hoạch đầu tư. Dự án luật chỉ quy định bồi thường thiệt hại là chưa thỏa mãn với thực trạng tồn tại hiện nay đối với lực lượng tư vấn thiết kế, lực lượng thẩm định thiết kế, thẩm định dự án đầu tư.

Bốn, về điều khoản thi hành, cần dẫn chiếu hệ thống luật liên quan trực tiếp khác như Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật phòng, chống tham nhũng nhằm bảo đảm tính đồng bộ khả thi trong tổ chức thực hiện và xử lý vi phạm về đầu tư công, góp phần phòng, chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng có kết quả thiết thực. Tôi xin hết ý kiến.

Các văn bản liên quan